Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Kon Tum học tập chuyên đề năm 2020 theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ năm - 16/04/2020 23:31

Tác giả bài viết: TS. Ngô Hoàng Anh - Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 25/7/2016 của Ban Bí thư, chủ đề học tập chuyên đề năm 2020 sẽ là: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

  1. Sự cần thiết phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

           Thứ nhất, Việt Nam là một nước đa dân tộc, đa thành phần dân cư sinh sống trên nhiều địa bàn, mỗi dân tộc có những ưu và khuyết điểm khác nhau, để học hỏi trao đổi kinh nghiệm, phát huy ưu điểm, hạn chế khuyết điểm cần chung tay góp sức (đoàn kết) quần chúng nhân dân thực hiện nhiệm vụ chung.

           Thứ hai, lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc chúng ta giải quyết hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó các thế lực thù địch, các nước đế quốc, ngoại bang hay "nhòm ngó" nước ta,  kéo chúng ta vào cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, do vậy cần đoàn kết toàn dân trong thực thi nhiệm vụ này.

           Thứ ba, hệ thống chính trị nước ta bên cạnh những thành tựu như: giúp tăng trưởng kinh tế nước ta đạt 7,02%; thu nhập quốc dân bình quân đầu người hiện đạt 2820 USD; tuổi thọ người Việt đạt 73,2 tuổi...nhưng bên cạnh đó hệ thống chính trị còn gặp nhiều khiếm khuyết mà điển hình là các vụ việc sai phạm của cán bộ đảng viên trong hệ thống chính trị xảy ra thời gian qua mà trong bốn năm qua chúng ta đã xử lý kỷ luật 70 cán bộ do Trung ương quản lý. Làm cho uy tín của Đảng và Nhà nước bị ảnh hưởng, việc chung tay góp sức xử lý các sai phạm, xử lý các vụ việc tham nhũng gây được tiếng vang và sự ủng hộ của tuyệt đại dân chúng (đoàn kết) vào đấu tranh phòng chống sai phạm của hệ thống chính trị.

           Thứ tư, đây là năm cuối thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảngtạo đà cho những năm tiếp theo xây dựng nước Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh và sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Rất cần sự đoàn kết, hợp lực của toàn hệ thống chính trị và toàn dân.

           Thứ năm tình hình thế giới và khu vực nói chung, nước Việt Nam nói riêng đứng trước nhiều vấn đề toàn cầu bức xúc như dịch bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp virut Corona chủng mới 2020 (covid 19) đang diễn ra làm cho đời sống xã hội bị ảnh hưởng xấu, rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.

         2. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

         Suốt cả cuộc đời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện một hệ thống quan điểm về đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực truyền bá tư tưởng đoàn kết trong toàn Đảng, các cấp chính quyền, trong các tầng lớp nhân dân. Trong các tác phẩm của mình, tư tưởng về đoàn kết của Người được thể hiện nổi bật là: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”

         Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược quyết định thành công của cách mạng Việt Nam, thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa đoàn kết và thành công. Hơn thế nữa, phạm vi, mức độ, quy mô của thành công trước hết phụ thuộc vào chính quy mô và mức độ của khối đại đoàn kết. Có đoàn kết mới có thắng lợi, càng gặp kẻ thù lớn, càng khó khăn gian khổ bao nhiêu lại cần phải đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi và vững chắc bấy nhiêu.

         Theo Bác, đoàn kết trong Đảng là tiền đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để đoàn kết quốc tế. Đó là đường lối chiến lược kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam

         Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người cũng thể hiện mong muốn tột bậc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[1] .

         Lực lượng và hình thức tổ chức đại đoàn kết toàn dân tộc Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp, lực lượng, đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các cá nhân yêu nước, người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả những người đã lầm đường, lạc lối nhưng biết hối cải trở về với nhân dân. Nói cách khác, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm:  Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Với chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở thống nhất lợi ích quốc gia dân tộc với quyền lợi cơ bản của các giai tầng; nòng cốt khối đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng

         Hình thức tổ chức lực lượng đại đoàn kết toàn dân tộc là Mặt trận dân tộc thống nhất. Theo Người, để tập hợp lực lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không được phép bỏ sót bất cứ thành phần giai cấp, xã hội nào, miễn là họ có lòng yêu nước, sẵn sàng cống hiến, phục vụ quốc gia dân tộc thì nhất định sẽ xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh

         Nguyên tắc đại đoàn kết toàn dân tộc, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác.

         Vì vậy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng dựa trên nguyên tắc lấy lập trường giai cấp công nhân để giải quyết hài hòa các mối quan hệ giai cấp - dân tộc. Nguyên tắc đại đoàn kết toàn dân tộc, thứ nhất, tin vào dân, dựa vào dân vì lợi ích của dân để đoàn kết toàn dân, phát động các phong trào thi đua yêu nước trong lao động, học tập, sản xuất và chiến đấu

          Phương pháp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

         Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết, cần tuyên truyền, vận động nhân dân. Nội dung tuyên truyền phải đáp ứng đúng nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân và yêu cầu của thực tiễn cách mạng. Tuyên truyền, vận động phải phù hợp với từng đối tượng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm

         3. Những việc cần làm trong quá trình học tập triển khai chuyên đề 2020

           Thứ nhất, Đảng ủy Trường Chính trị  lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan đơn vị trực thuộc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thực hiện trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về những nội dung của chuyên đề: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

           Ngày 14/02/2020 Đảng  bộ đã tổ chức quán triệt chuyên đề năm 2020 cho các đồng chí là cán bộ, đảng viên, giảng viên trong  cơ quan, trước đó tháng 01/2020 Đảng ủy nhà trường đã cử các cán bộ chủ chốt  tham gia đầy đủ lớp quán triệt chủ đề 2020 do Tỉnh ủy tổ chức, sau đó đảng  bộ nhắc nhở và yêu cầu các cán bộ, đảng viên bám sát chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình thực hiện theo chủ đề 2020, toàn đảng bộ đã quán triệt và sẵn sàng tinh thần thực hiện.

           Các bộ phận tham mưu, giúp cấp ủy cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu, học tập và tuyên truyền cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ cụ thể của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị nói chung từng đơn vị nói riêng.

           Thứ hai, cấp ủy phối hợp với lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể, phòng khoa

chuyên môn của Trường lựa chọn những vấn đề hạn chế còn tồn tại có liên quan tới 2 nội dung của chuyên đề: Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để tập trung giải quyết, gắn với kế hoạch thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các phong trào thi đua của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.

           Thứ ba, Đảng bộ chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, báo cáo kết quả học tập, làm theo với cấp ủy cấp trên. Việc nghiên cứu, liên hệ theo chuyên đề, chọn việc làm theo thực hiện ở Đảng bộ, do Bí thư Đảng ủy nhà trường chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện. Định kỳ, đảng bộ tổ chức sinh hoạt về những nội dung có liên quan trực tiếp tới nhiệm vụ chính trị của đảng bộ và các đảng viên của trường; thảo luận, trao đổi về các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém (nếu có) và đề ra phương hướng phấn đấu; đánh giá kết quả làm theo; báo cáo kết quả với cấp ủy cấp trên.

           Thứ tư, từng đảng viên trong đảng bộ đăng ký vào bản cam kết thực hiện và làm theo chủ đề 2020, tự liên hệ bản thân, xây dựng kế hoạch tu dưỡng rèn luyện, đề ra phương hướng phấn đấu làm theo, giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của mình trong quá trình công tác, sinh hoạt hàng ngày.

         Việc nghiên cứu, học tập nội dung chuyên đề năm 2020 về “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là rất cần thiết, góp phần tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh đồng bộ và toàn diện công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới./.

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG 2011, t.15, tr.624

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây