Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng khóa luận tốt nghiệp các lớp trung cấp lý luận Chính trị- Hành chính tại Trường Chính trị Kon Tum

Thứ năm - 24/01/2019 23:06

Tác giả bài viết: ThS. Phan Văn Sinh - GV Khoa Dân vận

Khóa luận (tiểu luận) tốt nghiệp là nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - Hành chính (TCLLCT- HC); nhằm xem xét, đánh giá năng lực, chất lượng học viên trước khi tốt nghiệp.

Ngày 21/4/2016, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có quyết định số 1885/QĐ-HVCTQG Ban hành bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có quy chế Đánh giá và quản lý kết quả học tập của học viên Trung cấp LLCT-HC. Theo quy chế này, Tiểu luận tốt nghiệp được đổi tên thành Khóa luận tốt nghiệp. Mỗi lớp trung cấp LLCT-HC có tỷ lệ học viên viết khóa luận tốt nghiệp không quá 25% lấy từ cao xuống thấp theo điểm trung bình các phần học, nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn và điều kiện là đã hoàn thành các phần học trong chương trình và trong thời gian học tập không bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên; điểm trung bình các phần học phải đạt từ 7,0 điểm trở lên, không có phần học nào dưới 6,0 điểm; thực hiện quản lý quy chế trên nhằm tạo cho học viên thái độ, động cơ và sự nỗ lực học tập trong toàn khóa học.

         Viết khóa luận tốt nghiệp cuối khóa, là điều kiện để học viên rèn luyện kỹ năng viết, vận dụng những kiến thức lý luận đã được trang bị với thực tiễn ở cơ sở gắn với nội dung nghiên cứu. Đồng thời, giúp học viên thể hiện tư duy độc lập trong nghiên cứu khoa học theo chuyên đề và phát huy năng lực sáng tạo trong việc đề xuất những giải pháp, kiến nghị khả thi thuộc lĩnh vực mà học viên đang đảm nhiệm ở cơ quan, đơn vị; góp phần đưa lý  luận vào thực tiễn tốt nhất .

         Thời gian qua việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập ở Trường Chính trị Kon Tum được Nhà trường coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Trong đó khóa luận cuối khóa được Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo thực hiện chặt chẽ theo quy chế, quy trình, có giảng viên hướng dẫn cụ thể về hình thức, kết cấu, bố cục của một bài khóa luận tốt nghiệp, nhờ vậy mà khi tiến hành thực hiện khóa luận, tất cả các học viên tham gia đều thực hiện đảm bảo đúng mục đích yêu cầu đề ra. Kết quả chung khóa luận tốt nghiệp của các lớp trung cấp LLCT-HC đều đạt loại khá trở lên.

          Tuy vậy, quá trình hoàn thành khóa luận tốt nghiệp của học viên cũng còn có một số vấn đề cần quan tâm: học viên đăng ký đề tài nhiều lúc còn chủ quan không nghiên cứu kỹ những vấn đề đang đặt ra từ đơn vị, địa phương nên chất lượng khóa luận không cao; trong chấm khóa luận tốt nghiệp vẫn có trường hợp không xem xét kỹ nội dung, phân tích, đánh giá sâu sắc những số liệu, nguyên nhân và sự phù hợp của những giải pháp, kiến nghị mà khóa luận đưa ra.

         Mặt khác ý thức, trách nhiệm của một số học viên trong quá trình viết khóa luận tốt nghiệp chưa cao, thiếu tự giác, còn có thái độ thờ ơ, ỷ lại, viết qua loa đại khái cho xong, thiếu đầu tư suy nghĩ, nên chất lượng khóa luận chưa cao, nội dung một số khóa luận tốt nghiệp còn sơ sài; chưa khắc phục được tình trạng trùng lắp nội dung, thiếu sáng tạo, thậm chí sao chép tài liệu, giáo trình hoặc khóa luận tốt nghiệp người khác, một số học viên nộp tiểu luận muộn so với quy định, ảnh hưởng tới tiến độ chung của khóa học.

         Để nâng cao chất lượng viết khóa luận tốt nghiệp cuối khóa của học viên các lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:

          Thứ nhất,  Việc lựa chọn đề tài viết khóa luận tốt nghiệp

         Lựa chọn đề tài thực hiện là một yêu cầu quan trọng quyết định đến chất lượng, hiệu quả tiến độ thực hiện khóa luận tốt nghiệp của học viên. Do vậy, khi được giao lựa chọn đề tài viết khóa luận tốt nghiệp học viên cần dựa trên danh mục đề tài, chủ đề mà nhà trường đã gợi ý, rồi lựa chọn đề tài gắn với lĩnh vực công tác của bản thân để có thể nghiên cứu, tìm tài liệu, số liệu viết khóa luận.

         Để đảm bảo chất lượng và ý nghĩa thực sự của một khóa luận tốt nghiệp, yêu cầu quan trọng đặt ra là đề tài khóa luận phải gắn liền với vị trí việc làm của học viên, nhằm giúp học viên thêm một lần nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực tế về ngành, lĩnh vực, cơ quan, địa phương, đơn vị, mình công tác. Từ đó nâng cao kiến thức thực tiễn và giúp học viên vận dụng lý luận vào thực tiễn trong giải quyết công việc. Bên cạnh đó, cũng giúp người học phát huy được tính chủ động, sáng tạo; khuyến khích học viên phát hiện và xử lý được những vấn đề mới trong lĩnh vực vốn là thế mạnh của họ.

         Thứ hai, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của học viên trong quá trình viết khóa luận tốt nghiệp

         Thực tế cho thấy, nhận thức của học viên về việc viết khóa luận tốt nghiệp cuối khóa học chưa đúng với ý nghĩa, vai trò của nó. Một số học viên còn cho rằng viết khóa luận cuối khóa sẽ dễ dàng, điểm cao và an toàn hơn so với thi tốt nghiệp. Từ đó, nhiều học viên chưa có thái độ đúng mực, chưa có tinh thần và trách nhiệm cao trong suốt quá trình viết khóa luận; chưa thấy hết ý nghĩa của việc viết khóa luận tốt nghiệp sẽ giúp họ rất nhiều trong công việc, cả về tri thức và kỹ năng. Đó là khả năng làm rõ cơ sở lý luận, đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân tìm ra những giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề mà họ quan tâm hoặc có trách nhiệm giải quyết. Viết khóa luận còn giúp học viên tự rèn luyện kỹ năng viết một báo cáo khoa học từ đặt vấn đề, phân tích, giải thích và kết luận vấn đề nghiên cứu.

         Mặt khác, để thực hiện tốt khóa luận tốt nghiệp, trước hết học viên phải có ý thức tự giác và nhận thức đúng vai trò, ý nghĩa của khóa luận tốt nghiệp. Thực tế, đa số học viên cầu thị trong quá trình viết khóa luận tốt nghiệp nhưng cũng còn không ít học viên thiếu chủ động, giảng viên phải gọi đôn đốc, động viên và nhắc nhở chỉnh sửa nhiều lần, thậm chí còn trường hợp trong quá trình viết làm đối phó, sao chép tài liệu, viết cho xong.

         Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc quán triệt để học viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, phương pháp viết khóa luận, giảng viên hướng dẫn phải đôn đốc, kiểm tra chặt chẽ về quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thực tế, tài liệu của học viên, thẩm định chặt chẽ, bảo đảm tính đúng đắn của các số liệu, những luận điểm học viên nêu trong khóa luận tốt nghiệp, chỉ khi thấy đạt yêu cầu mới xác nhận để học viên hoàn thành khóa luận.

         Thứ ba, nâng cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên hướng dẫn

         Giảng viên hướng dẫn viết khóa luận cuối khóa cần khắc phục tình trạng thiếu nghiêm túc, không thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn hoặc để cho học việc sao chép các đề tài khóa luận khóa trước,…Giảng viên cần giúp học viên từ khâu định hướng chủ đề, làm đề cương, hoàn chỉnh đề cương đến thu thập, phân tích xử lý số liệu, đánh giá số liệu và gợi ý những giải pháp để học viên hoàn chỉnh khóa luận tốt nghiệp. Sau khi học viên hoàn thành bản thảo, giảng viên hướng dẫn học viên chỉnh sửa bảo đảm chất lượng cả về hình thức, kết cấu, logic, tính khoa học, và hoàn thành khóa luận với kết quả cao nhất. Để làm tốt nhiệm vụ của người hướng dẫn, giảng viên cần theo dõi, giúp đỡ học viên từ khâu đăng ký đề tài, gắn với công việc, lĩnh vực và địa bàn công tác của họ. Việc phân công hướng dẫn phải trên cơ sở trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực thực tế của giảng viên, tránh tình trạng phân công giảng viên hướng dẫn không đúng sở trường,  dẫn đến chất lượng khóa luận tốt nghiệp không đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

         Thứ tư, thực hiện theo đúng thời hạn, tiến độ viết tiểu luận

         Thời gian viết khóa luận của mỗi lớp học viên đều được thực hiện theo kế hoạch do nhà trường ban hành. Giảng viên hướng dẫn phải phối hợp với Phòng Đào tạo, giảng viên chủ nhiệm đôn đốc, nhắc nhở về tiến độ thực hiện khóa luận của học viên. Kiên quyết xử lý những trường hợp học viên nộp khóa luận tốt nghiệp không đúng thời hạn quy định, có thể sử dụng biện pháp trừ điểm hoặc tạm dừng tốt nghiệp để làm khóa luận với lớp sau. Tránh tình trạng nể nang dẫn đến chậm tiến độ chung.

      Cần nhắc lại, viết khóa luận tốt nghiệp tốt nghiệp là cơ hội và là môi trường để học viên tiếp tục rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng lãnh đạo, quản lý của người cán bộ, công chức, viên chức, làm cơ sở phát triển nhanh, hiệu quả, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn sau khi ra nhà trường, về đơn vị công tác và do đó, bản thân mỗi học viên cần xác định đúng đắn về tầm quan trọng của công đoạn này để làm mục tiêu, động cơ phấn đấu cho bản thân ngay từ khi đặt chân vào giảng đường Trường Chính trị tỉnh./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây