Bàn về khuynh hướng tư tưởng của danh y Lê Hữu Trác

Thứ ba - 29/05/2018 03:05

Tác giả bài viết: ThS. Trần Thị Thu Hương

Lê Hữu Trác là Hải Thượng Lãn Ông, con của Tiến sĩ Lê Hữu Mưu, người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), Ông sinh năm 1720, mất năm 1791; năm 22 tuổi theo đòi binh nghiệp, năm 26 tuổi bỏ nghiệp binh, sau đó học nghề bốc thuốc chữa bệnh; Ông tự đặt cho mình cái tên Lãn Ông (ông già lười), ngụ ý không muốn bon chen theo con đường danh lợi.

 

lehuutrac

      

Lê Hữu Trác là thầy thuốc, bốc thuốc chữa bệnh cho người, Ông rất rõ hệ thống y lý liên quan đến thế giới chung của con người. Bởi trong lịch sử văn minh loài người, y học là một trong những khoa học truyền thống quan hệ mật thiết nhất với sự sinh tồn và phát triển.

    Trong thực tiễn đấu tranh với bệnh tật, các nhà Đông y học đều nhận thấy hệ thống Đông y gắn bó mật thiết với Nho học, đặc biệt là Kinh dịch. Đúng như Trương Cảnh Nhạc, nhà y học nổi tiếng đời Minh, đã nói: "Không biết dịch, không đủ để nói thái y". Cho nên từ xưa đến nay, mọi người đều cho rằng "y và dịch tương thông".

    Lê Hữu Trác nói: "Phàm những người học thuốc tất phải hiểu thấu
lý luận đạo Nho thì học thuốc mới dễ” (Y huấn cách ngôn). Ông cho rằng nghề y thực hiện chức năng của nghiệp Nho: "Sách thuốc làm ra tuy để dạy chữa bệnh, song nó bao quát cả công trình phò vua, giúp nước" (Tựa Y tông tâm tĩnh). Đồng thời, Ông thấy lý luận Kinh dịch có tác dụng chỉ đạo lý luận Đông y. Học thuyết Đông y vận khí tương thông với khí quẻ (quái khí), nhất là, tác dụng chỉ đạo của học thuyết âm dương, ảnh hưỏng tư duy lý luận của Chu dịch đối với Đông y rất lớn. Trương Cảnh Nhạc đã từng chỉ rõ rằng: "Dục cai y dịch, lý chỉ âm dương" (Muốn nên y dịch, lý lẽ chỉ có âm dương).

       Âm dương không chỉ là linh hồn của Chu dịch mà còn là lý luận của Đông y và trung tâm tư tưởng của thực tiễn, vận dụng rất rộng ở trong các
lĩnh vực của Đông y. Từ nhận thức đó và từ sự quan sát người bệnh, Lê Hữu Trác cho rằng cơ thể con người và sự vật phải giữ âm dương ở thế cân bằng thì mới có thể phát triển được bình thường. Nghĩa là, thầy thuốc phải điểu hòa được âm dương cho người bệnh; Ông nói: "Dương làm hại âm thì tinh huyết khô cháy, âm làm hại dương thì thẩn khí lặng tắt. Phàm mọi bệnh sinh ra không một bệnh nào không phải vì âm dương hại nhau mà mất điều hòa, "Phàm trăm bệnh của người ta không gì là không do âm dương chệch nhau, điều đó quan hệ đến sống chết", "Âm dương cốt thăng bằng, không nên thiên lệch về một bên. Thủy hỏa trong thân thể con người ta cũng như là cái cân, nếu bên này nặng thì bên kia nhẹ, nếu bên này nhẹ thi bên kia nặng. Phương pháp chữa bệnh là, nếu bên kia nặng thì bổ cho bên này, nếu bên này nặng thì bổ cho bên kia, quyết không thể sai nhau một ly thì mới thăng bằng" (Y hải cẩu nguyên).

      Lê Hữu Trác còn quan tâm đến vấn đề thể xác và tinh thần. Theo Ông, thể xác quyết định tinh thần, tinh thần phụ thuộc vào thể xác, tư tưởng tình cảm có nguồn gốc cơ thể sống. Lập trường đó của Ông là lập trường duy vật, Ông nói: "Thất tình (buồn, vui, mừng, giận, yêu, ghét, dục vọng) là thuộc loại vô hình, nhưng cũng do hữu hình mà ra. Mặt khác, tinh thần cũng tác động lại thể xác, tinh thần thái quá cũng gây bệnh cho cơ thể. Thất tình bị tác động thái quá làm cho nguyên khí ở trong bị thương hóa thành bệnh, bệnh phát ra là do ngũ tạng bị hư, khí bị trệ lại không lưu thông thành ra thực" (Y gia quan miện), "Quá mừng thì hại tâm mà sinh ra tinh thần bồng bột, mạch tán loạn, giận quá thì tổn thương can" (Y gia quan miện), từ đó Ông chủ trương bổ thần, tức là giữ cho tư tưởng được ổn định, yên tĩnh...

Do chức năng nghề nghiệp của ông phải đối diện với các vấn đề: sống, chết, mệnh hệ, sinh con trai hay con gái, Ông dứt khoát loại bỏ quan niệm mệnh trời và khẳng định là do sức người. Ông nói: "Sức người ta có thể thay được số trời, tương lai chưa đoán trước được thế nào" (Thượng kinh ký sự). Ông giải thích một cách duy vật: "Đàn ông nếu sáu mạch hồng dạt, mạch xích có lực, thì sinh nhiều trai ít gái, nếu sáu mạch trầm tế, mạch xích trầm, yếu thì sinh trai ít gái nhiều, hoặc sinh trai thì con đó chết non, đó là kinh nghiệm đã nhiều, huống chi hai thần (âm và dương) cùng giao kết, hợp lại thành hình" (Phụ đạo xán nhiên), "Người ta đã bẩm thụ ở thiên nhiên thì không ngoài được lý lẽ âm dương, cho nên dương nặng thì sinh nhiều trai, âm thịnh thì sinh nhiều gái" (Phụ đạo xán nhiên).

       Qua đó, ta thấy Ông có tư duy thực tế và sáng tạo, hạn chế được tư tưởng mệnh trời, phát huy năng lực của sức người chữa trị cho bệnh nhân.

      Hơn nữa, Ông xuất phát từ thực tế để tìm căn nguyên của bệnh. Ông cho rằng, thời tiết khác thì cách chữa cũng phải khác: "Không nên quá câu nệ vào thuyết vận khí vì bệnh phát sinh do cả nguyên nhân bên ngoài, cảm nhiễm tùy theo thời tiết", "Nói đến vận khí thì phải tùy cơ ứng biến, tức là trước phải theo khí hậu từng năm, nếu năm ấy mưa nhiều thì bệnh phần nhiều do thấp, phải dùng loại thuốc cay, đắng, ấm" (Vận khí bí điển). Thể trạng khác thì bài thuốc cũng phải khác. Xem thể trạng của Trịnh Căn, Ông nói: "Tôi thấy thánh thể gầy, mạch lại tế, xác. Thế là âm dương đều tổn hại, nay phải dùng phương thuốc thật bổ để bồi dưỡng tỳ và thận, cốt giữ cái căn bản tiên thiên và làm nguồn gốc cho cái hậu thiên" (Thượng kinh ký sự).

      Tóm lại, quan điểm chữa bệnh của ông là: thời tiết khác, phong thổ khác, thời đại khác, thể trạng khác thì cách chữa bệnh cũng khác.

     Đạt được những thành quả trên là do cái tâm của ông luôn luôn vì con người, vì sự sống còn của con người. Đấy là điều Ông khác với các nhà nho đương thời, Ông không màng danh lợi, học Nho thi đỗ, làm quan, hưởng bổng lộc. Vốn xuất thân trong gia đình nhà nho, có cha đỗ Tiến sĩ, Ông thấu hiểu lẽ sống ở đời, càng hiểu rõ đạo làm người, sống không lụy vào danh, Ông nói: "Cây kia có hoa nên người ta hái; người ta có cái hư danh nên phải lụy chữ danh. Ví bằng trốn cái danh đi có thú hơn không?" (Thượng kinh ký sự). Ông mong tiêu dao vui thú trong cái vườn đạo lý của Hoàng đế, Kỳ Bá" (Thượng kinh ký sự), "May sao, lời thề núi cũ không quên, tuy thân mắc vào vòng danh lợi, nhưng vẫn không bị danh lợi mê hoặc. Ra đi thung dung, trở về ngất ngưởng. Lại về núi cũ. Lại nằm yên trên đá, lại ngủ dưới hoa!" (Thượng kinh ký sự).

     Lê Hữu Trác đã trở về ở với gia đình, quê hương, làng xóm, sống ở quê mẹ. Người đương thời cho đó là ở ẩn, Ông không hề dao động, vui với cuộc sống ẩn dật suốt đời. Đối với Ông, ở ẩn là để từ quan, là để chữa bệnh cứu người, cứu đời theo tư tưởng duy vật và biện chứng tương đối đơn giản của thuyết âm dương ngũ hành. Đấy là thể hiện đạo làm người của ông, cho nên khi Quận Huy gọi Ông lên Kinh để chữa bệnh cho Thế tử, là dịp được bổ dụng vào chức vụ quan trọng trong triều, nhưng Ông ân hận: "Tôi chỉ ân hận, sao mình đã đi ở ẩn mà còn chưa ẩn cho kín" (Thượng kinh ký sự). Đây thật là một tư tưởng hiếm có ở các nhà nho đương thời./.

 

Tài liệu tham khảo

1. Đinh Xuân Lâm (chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.

2. Nguyễn Quang Ngọc (cb), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002.

3. Lê Văn Quán, Lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội Việt Nam thời kỳ Lê – Nguyễn, Nxb Chính trị quốc gia – sự thật, Hà Nội, 2013.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây