Báo “Thanh niên” ra đời - Khai sinh nền Báo chí cách mạng Việt Nam

Thứ hai - 28/06/2021 03:13

Tác giả bài viết: ThS. Ngô Thị Thúy Mai - Khoa Xây dựng Đảng

     V.I.Lênin đã từng nhấn mạnh: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”[1]; “báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”[2].
     Vào những năm 20 của thế kỷ XX, giống như nhiều vị lãnh tụ của giai cấp vô sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình bằng tiếng nói đấu tranh của báo chí. Người đã nhận thấy rõ tầm quan trọng của báo chí cách mạng, coi đây là một mặt trận, là một thứ vũ khí lợi hại trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Người khẳng định: báo chí cách mạng phải là cơ quan ngôn luận của tổ chức cách mạng, là người dẫn đường về tư tưởng, chính trị, hướng dẫn tuyên truyền về chủ trương, đường lối cách mạng, phản ánh đời sống và tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, Người giành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho hoạt động báo chí, dùng báo chí phục vụ cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở nắm vững những luận điểm của V.I.Lênin về vai trò của báo chí cách mạng, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy rằng: “báo chí là một dạng tiếng nói được ghi lại, truyền rộng ra, phổ biến đến đông đảo người đọc, giúp họ hiểu biết thêm những vấn đề họ chưa hiểu, mong đợi, thắc mắc,…Tờ báo sẽ như một tuyên truyền viên không có mặt mà vẫn đến được với quần chúng. Tờ báo còn hiện diện, tồn tại của một tổ chức cách mạng. Nó đưa ra những sự thật, nên có sức thuyết phục hơn nhiều bài diễn văn, tuyên truyền”[3]. Từ đó, Người khẳng định, bước thực tiễn đầu tiên để tiến tới thành lập một tổ chức chính trị như mong muốn là cần phải thành lập ngay một tờ báo làm cơ quan ngôn luận với nhiệm vụ tuyên truyền tập thể, không có báo thì không thể chuyển tải được các chủ trương, quan điểm đến tận các tổ chức cơ sở, các hội viên, đặc biệt là trong điều kiện hoạt động bí mật, trong sự kiểm duyệt gắt gao của thực dân Pháp. Tháng 6/1925, tổ chức “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” được thành lập và tờ báo đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử đó chính là tuần báo “Thanh niên”. Báo “Thanh niên” là “tờ báo bí mật đầu tiên của người cách mạng Việt Nam bằng chữ quốc ngữ, viết bằng giấy sáp, in bằng bàn in tay”[4]. Báo “Thanh niên” ra đời đã phá vỡ độc quyền báo chí của thực dân Pháp, mở đường cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam hình thành và phát triển. Mục đích của báo là phản ánh tình hình xã hội nước ta lúc bấy giờ, khơi dậy lòng yêu nước, căm thù đế quốc thực dân, vạch trần những tội ác dã man của đế quốc Pháp, cổ vũ nhân dân đoàn kết nổi dậy làm cách mạng giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc; đồng thời, kêu gọi những người bị áp bức trên thế giới hãy đoàn kết lại! Xác định rõ mục đích là gửi về nước để tuyên truyền cho nhân dân, mà đối tượng chủ yếu là thanh niên, công nhân, nông dân với trình độ dân trí thấp (hơn 90% dân số mù chữ), Nguyễn Ái Quốc đã chọn lối viết ngắn gọn, súc tích, giản dị, dễ hiểu với nhiều hình thức phong phú như xã luận, bình luận, tranh vẽ, ca dao, thơ ca, khẩu hiệu, tin tức,…Với những nội dung dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ; từ những tin tức trong nước, thế giới đến những vấn đề cơ bản, đơn giản, bình dị đời thường nhất rồi từng bước dẫn dắt người đọc đến với những vấn đề lý luận, phương pháp tổ chức và hoạt động cách mạng. “Tờ báo là vũ khí cho đảng viên đi vào hoạt động có tổ chức, tập hợp lực lượng chung quanh đường lối tờ báo truyền ra. Báo càng có tác dụng tuyên truyền thì lại càng có tác dụng tổ chức, tác dụng chủ yếu ở chỗ thống nhất tinh thần cách mạng, làm nền tảng vững chắc nhất cho sự đoàn kết nhất trí trong một đoàn thể”[5]. Chính L.Marty - Chánh mật thám Đông Dương đã phải thừa nhận về tác dụng và ảnh hưởng của việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam thông qua tờ báo này: “điều đáng chú ý là báo Thanh niên đã được những hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đọc. Nhiều người đã chịu khó chép nhiều lần tờ báo này để phổ biến rộng rãi. Vì vậy, tuy số lượng bản in ít, báo vẫn có kết quả rộng lớn”[6]. Có thể thấy, báo “Thanh niên” đã đưa ý thức hệ vô sản thấm sâu vào quần chúng nhân dân, báo giữ một vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng, một phương tiện tuyên truyền hữu hiệu nhất về chủ nghĩa cộng sản, về Đảng cộng sản, về vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, về công tác xây dựng Đảng vững mạnh, về những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, về phong trào cách mạng vô sản thế giới,…“Đem lại cho thế hệ thanh niên, công nhân, nông dân Việt Nam thời đó một thế giới quan mới, một nhân sinh quan mới, một phương pháp tư duy mới, một chủ nghĩa anh hùng mới, góp phần mở đầu cho sự nghiệp đổi mới tư tưởng chính trị, phương pháp cách mạng và phong cách báo chí mới của Việt Nam”[7]. Sự ra đời của báo “Thanh niên” đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng nước ta. Tờ báo đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình nhằm chuẩn bị những tiền đề về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời chính đảng tiên phong ở Việt Nam. Sự ra đời và những đóng góp của báo “Thanh niên” đã mở ra một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam - bước ngoặt quyết định, góp phần tạo đà cho những thắng lợi về sau của cách mạng Việt Nam. Từ khi có Báo Thanh Niên, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Ngày 02/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội những người viết báo Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức. Nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 05/02/1985 Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 52-QĐ/TW lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên (ngày 21/6 dương lịch hàng năm) làm Ngày Báo chí Việt Nam. Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên trong cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
     Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, báo chí cách mạng Việt Nam từ tờ báo đầu tiên - báo Thanh niên, qua mỗi thời kỳ cách mạng đều có sự phát triển mạnh mẽ, đến nay đã trở thành một hệ thống quốc gia các cơ quan thông tin đại chúng gồm nhiều loại hình, ở nhiều cấp, thuộc nhiều cơ quan chủ quản, xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng các dân tộc thiểu số, bằng nhiều ngoại ngữ, với những chức năng và nhiệm vụ hết sức đa dạng, phục vụ nhiều đối tượng và sử dụng nhiều công nghệ kĩ thuật hiện đại. Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo (Trung ương: 68; địa phương: 74; 112 báo có hoạt động báo điện tử), 612 tạp chí (Trung ương: 520; địa phương: 92; có 98 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử), 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập (9 báo điện tử và 16 Tạp chí điện tử)[8].
     Báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Báo chí là một vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ lợi ích của nhân dân; là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng không ngừng trưởng thành, vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Nhân dân ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
[1] Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010), Nxb Chính trị Quốc gia, H.2013, tr.46
[2] Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh bàn về báo chí xuất bản, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2004, tr.366
[3] Viện Hồ Chí Minh,  Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1997, tr.93
[4] Trần Văn Giàu, Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H.2003, tr.480
[5] Viện Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, Nxb Chính trị quốc gia, H.1997, tr.118
[6],7 Viện Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, Nxb Chính trị quốc gia, H.1997, tr.119, tr.120
 
[8] Theo Báo Sài gòn giải phóng online, https://www.sggp.org.vn/, thứ năm, ngày 31/12/2020, 09:46

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây