Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô kế thừa truyền thống lịch sử vẻ vang 49 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2021)

Thứ năm - 01/04/2021 04:33

Tác giả bài viết: ThS. Ngô Thị Thúy Mai - Khoa Xây dựng Đảng

Đầu năm 1972, Bộ Chính trị và Thường vụ Quân uỷ Trung ương thông qua kế hoạch cuộc tiến công Xuân-Hè 1972. Cùng với chiến trường chính là Trị Thiên, quân và dân ta cũng đồng loạt tiến công địch ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Cuộc tiến công chiến lược được xác định với quy mô lớn, bao gồm nhiều chiến dịch nhằm tiêu diệt quân chủ lực nguỵ, kết hợp với nổi dậy của quần chúng trên các địa bàn trọng điểm nhằm tiêu diệt một bộ phận lực lượng địch, giải phóng những vùng đất đai rộng lớn, làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, thay đổi cục diện chiến trường, nghiêng hẳn về phía có lợi cho ta.
Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô kế thừa truyền thống lịch sử vẻ vang 49 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2021)
      
      Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược quan trọng. Trong đó, Kon Tum là địa đầu phía bắc Tây Nguyên, án ngữ ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, nối liền tuyến hành lang Bắc - Nam và tuyến hành lang giữa Đông và Tây Trường Sơn. Với vị trí quan trọng này, đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn đã tập trung mọi lực lượng để xây dựng vùng Kon Tum trở thành một khu vực phòng thủ kiên cố nhất ở phía Bắc Tây Nguyên.
      Tỉnh Kon Tum được Khu uỷ Khu 5 xác định là một trong những hướng trọng điểm không chỉ đối với chiến trường Khu 5 mà cả trên toàn miền. Tấn công tiêu diệt địch ở tỉnh Kon Tum sẽ là khâu đột phá để phát triển về hướng Pleiku, tạo bàn đạp mở rộng vùng giải phóng ở đồng bằng, đánh một đòn nặng vào kế hoạch “bình định” của địch, tạo nên thế cô lập, chia cắt địch trên chiến trường. Đầu năm 1972, lực lượng địch tập trung trên toàn tỉnh Kon Tum khá lớn, với tổng cộng 24 tiểu đoàn, bố trí hai tuyến phòng ngự: một tuyến từ phía tây sông Pô Cô - Đăk Tô - Tân Cảnh và đường 18; một tuyến từ thị xã dọc theo đường 14 đến Đăk Tô. Trên tuyến này, địch cho quân đóng ở các điểm chốt và lập thêm bốn căn cứ hoả lực, 35 đại đội bảo an, 107 trung đội nghĩa quân và 8000 phòng vệ dân quân. Với lực lượng này, địch muốn thực hiện ý đồ ngăn chặn sự tấn công của ta từ bên ngoài vào; đồng thời củng cố giữ vững các tuyến phòng thủ, cố kẹp dân các ấp khu đồn; dùng máy bay đánh phá các vùng giáp ranh, căn cứ hành lang vận chuyển, kho tàng, cơ quan,… của ta, chúng còn đẩy mạnh hoạt động chiến tranh tâm lý, trắng trợn bắt lính, tăng cường bộ máy kìm kẹp ở cơ sở để tiếp tục “bình định” đánh phá, truy quét cơ sở ta ở bên trong và cố đẩy lực lượng ta ra ngoài.
      Đăk Tô có vị trí chiến lược khá đặc biệt, cách thị xã Kon Tum hơn 40km về phía Bắc, án ngữ ngã ba đường 14 và đường 18; khu vực trung tâm huyện giống như một thung lũng, một lòng chảo; là địa bàn hết sức quan trọng của cả khu vực Bắc Tây Nguyên. Từ năm 1957 đến năm 1972, Mỹ-Nguỵ đã cho xây dựng tại Đăk Tô - Tân Cảnh một hệ thống phòng ngự kiên cố nhất bao gồm căn cứ E42 ở Tân Cảnh và căn cứ Đăk Tô 2. Nơi đây là đại bản doanh của Sư đoàn 22 và các Trung đoàn 42 bộ binh, Trung đoàn 14 Thiết giáp, Lực lượng Biệt động quân Biên phòng và 5 tiểu đoàn pháo binh…. Ở bờ Tây sông Pô Kô, cách căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh 10 km về phía Tây Nam là các căn cứ hỏa lực như Căn cứ Charlie (Sạc Ly), căn cứ Dalta (Đen Ta), dọc theo biên giới Việt Nam - Lào là các tiền đồn biên phòng do tiểu đoàn Biệt động quân 62 (cứ điểm Plei Kleng), Tiểu đoàn 95 (Ben Hét hay còn gọi là Cứ điểm Plei Kần), Tiểu đoàn 88 (Chi khu quận lỵ Đăk Pek) trấn giữ; đi về phía Đông nam có Bộ chỉ huy Lữ đoàn dù số 3, Căn cứ Non Nước (Võ Định),… Nơi đây trở thành cụm cứ liên hoàn khép kín trong thế phòng thủ và tấn công của địch ở Bắc Tây Nguyên với lực lượng đông đảo, bố phòng dày đặc với vũ khí tối tân nhất.
      Quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Quân uỷ Trung ương và Khu uỷ Khu 5, Tỉnh uỷ Kon Tum đã tập trung sức lãnh đạo quân dân trong tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, triển khai mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch Xuân - Hè quyết giành thắng lợi to lớn nhất. Mục tiêu đề ra của Đảng bộ và quân dân tỉnh Kon Tum trong chiến dịch là tham gia, phối hợp chặt chẽ với quân chủ lực B3 và Quân khu V tiến công tiêu diệt toàn bộ tập đoàn phòng ngự của địch ở Đăk Tô - Tân Cảnh, khi có thời cơ, tiến công giải phóng thị xã Kon Tum, tạo bàn đạp để mở rộng vùng giải phóng về hướng Pleiku. Là vùng địa bàn trọng điểm của chiến dịch, Đảng bộ và quân dân huyện Đăk Tô tích cực chuẩn bị mọi mặt với quyết tâm “Trường Sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng Đăk Tô”, phối hợp tham gia chiến dịch nhằm đạt mục tiêu chung “tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Với phương pháp tác chiến chiến lược “vây hãm, tiêu diệt sinh lực kết hợp với đột phá”, Bộ Chỉ huy chiến dịch tại Tây Nguyên, qua nghiên cứu tình hình phòng ngự của địch, đã chủ trương hình thành thế trận đánh chia cắt địch ở Kon Tum với Pleiku, thị xã Kon Tum với Đăk Tô - Tân Cảnh, tạo thế cô lập từng cụm quân địch; đồng thời dùng thế trận vây hãm địch ở thị xã Kon Tum buộc chúng phải phân tán lực lượng, làm cho lực lượng tuyến phòng thủ ở Đăk Tô - Tân Cảnh bị suy yếu, tạo điều kiện cho quân ta tiến lên tiêu diệt địch. Đêm 23 rạng sáng ngày 24/4/1972, sau khi thực hiện thành công kế hoạch nghi binh, thu hút sức chống đỡ của địch về phía tây và phía bắc, quân ta được lệnh bất ngờ đột phá trận địa phòng ngự của địch từ phía đông. Công sự trong các căn cứ địch lần lượt sụp đổ, kho đạn nổ tung, kho xăng bốc cháy, khu trung tâm thông tin của địch bị đạn pháo của ta phá huỷ hoàn toàn. Trận đánh càng lúc càng quyết liệt, nhưng trước sức tấn công của quân ta trong thế áp đảo, đã đè bẹp hoàn toàn sức chống cự của địch. Sau 8 tiếng tấn công quyết liệt và thần tốc, 11 giờ trưa ngày 24/4/1972 ta làm chủ hoàn toàn trận địa, lá cờ giải phóng do đồng chí Phan Quyết - Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum trao cho Trung đoàn 66 trước khi xuất trận, tung bay tại trung tâm cứ điểm E42 -Tân Cảnh. Cụm phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh, nơi được Mỹ - Ngụy mệnh danh là “vành đai thép” ở Bắc Tây Nguyên bị quân ta tiêu diệt gọn, giải phóng một vùng rộng lớn với hơn 300 km2 với 25.000 dân.
      Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh mở ra khả năng đánh tiêu diệt địch với quy mô lớn, góp phần cùng quân dân cả nước đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ, tạo cục diện chiến trường có lợi cho ta, buộc chúng phải đi đến ký kết Hiệp định Pari (năm 1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
                Mai Ngo Bài tháng 4 Tuong dai DT TC

      49 năm đã trôi qua, chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh mãi còn nguyên giá trị lịch sử! Di tích lịch sử Đăk Tô - Tân Cảnh được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt (năm 2017) mãi luôn là “địa chỉ đỏ” cách mạng, giáo dục truyền thống hào hùng, bất khuất của các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, không quản ngại gian khổ hi sinh, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc. Kế thừa và tiếp nối truyền thống cách mạng kiên cường, Đảng bộ và Nhân dân huyện Đăk Tô luôn tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh mới. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô đã triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy Kon Tum và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đạt nhiều kết quả quan trọng:
      Tổng giá trị sản xuất bình quân tăng 9,12%/năm, trong đó giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 8,32%, thương mại - dịch vụ tăng bình quân 10,12%/năm, nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 9,59%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 37 triệu đồng/người/năm (tăng 16 triệu đồng so với năm 2015). Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2019, toàn huyện có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Văn hóa, xã hội có chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp hàng năm đạt trên 98%; chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số có chuyển biến tích cực, 30/38 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 78,9%. Cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh của Trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã, thị trấn được đầu tư nâng cấp. Đến nay, 9/9 trạm y tế có  bác sỹ, bình quân 6,2 bác sỹ và 40 giường bệnh/một vạn dân; 100% trạm y tế xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế;  tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cuối năm 2019 đạt 87%. Công tác giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,36%, bình quân mỗi năm giảm 2,69%. Công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 44,5%, vượt 8,5% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được tăng cường. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, đã kết nạp 425 đảng viên mới, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; các tổ chức cơ sở đảng tiếp tục được quan tâm củng cố, kiện toàn. Chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên.
      Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đăk Tô lần thứ XVII (Nhiệm kỳ   2020-2025), Đảng bộ và nhân dân huyện Đăk Tô tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị  - xã hội. Nâng cao chất lượng công tác dân vận, chất lượng giám sát và phản biện xã hội; phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung thực hiện các lĩnh vực trọng tâm, đột phá về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, phát triển đô thị, du lịch và cải cách hành chính. Chú trọng xây dựng nông thôn mới; tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường, xây dựng huyện Đăk Tô phát triển nhanh, bền vững góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
---------------------------------
Tài liệu tham khảo
 - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum, Tập I (1930-1975), Nxb Chính  trị quốc gia, H.2019
- Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đắk Tô, Lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc và Đảng bộ huyện Đăk Tô, tháng 11/2000
- Https://kontum.gov.vn/, Dương Nương, 45 năm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh: Nhìn lại những năm tháng hào hùng (Ngày 23/04/2017)
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện Đăk Tô lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện Đăk Tô lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây