Gắn lý luận với thực tiễn trong phần học “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở”

Thứ năm - 18/06/2020 22:54

Tác giả bài viết: Lê Thị Nghệ

Nguồn tin: GV Khoa Xây dựng Đảng

Có thể khẳng định, gắn lý luận với thực tiễn vừa là nguyên tắc, vừa là yêu cầu quan trọng trong giảng dạy lý luận chính trị nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy ở các Trường Chính trị tỉnh hiện nay

Các môn lý luận chính trị hình thành cho người học thế giới quan khoa học và biến tri thức mà học viên tiếp nhận được thành những giá trị, niềm tin, lý tưởng, lập trường, trang bị cho họ thế giới quan nhân sinh quan, phương pháp luận… Tuy nhiên, thế giới khách quan luôn vận động, biến đổi không ngừng thì việc giảng dạy bất kỳ phần học nào cũng cần phải tuân theo nguyên tắc “lý luận gắn liền với thực tiễn”. Có như vậy mới góp phần đắc lực vào việc làm sáng tỏ, chứng minh cho lý thuyết khoa học của mỗi bộ môn.

     Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện nay, ngoài các phần học trang bị những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác Xây dựng Đảng, nhà nước và pháp luật, … còn có các phần học mang tính nghiệp vụ và yêu cầu rất cao về gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy, trong đó có phần học “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở”. Đây là nội dung không còn mới trong hệ thống các vấn đề cần trang bị cho học viên.

     Khoa Xây dựng Đảng phụ trách giảng dạy bốn phần học trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, trong đó có phần “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể nhân dân ở cơ sở” với 6 chuyên đề. Phần học này nhằm trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản nhất về các tổ chức trị – xã hội trong hệ thống chính trị như vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và nghiệp vụ công tác của các tổ chức Hội. Qua đó giúp học viên nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn, tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Với tính đặc thù và quan trọng như vậy, nội dung này đặt ra yêu cầu cao đối với giảng viên trong việc gắn nội dung bài học với các hoạt động thực tiễn, liên hệ, đánh giá, tổng kết và giúp người học vận dụng những tri thức đã học vào công tác.

      Trong những năm qua, việc giảng dạy phần học này ở Trường Chính trị tỉnh Kon Tum có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Về thuận lợi, việc biên soạn, sửa đổi, bổ sung tài liệu ngày càng phù hợp giúp cho giảng viên có cơ sở và vững chắc về lý luận trong chuẩn bị tài liệu và giáo án. Đội ngũ giảng viên được lựa chọn tương đối bảo đảm yêu cầu về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ. Hàng năm Học viện Chính trị quốc gia liên tục tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ giúp cho giảng viên luôn có cơ hội cập nhật những vấn đề mới về nội dung liên quan đến phần học (Kiến thức mới về lý luận và thực tiễn trong công tác tổ chức, vận động quần chúng; phương pháp giảng dạy các chuyên đề; kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm vận động các tầng lớp nhân dân của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương).

     Bên cạnh đó, giảng viên cũng gặp phải những khó khăn nhất định khi giảng dạy phần học này. Hầu hết giảng viên đều không được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành dân vận mà phải tự nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các thế hệ thầy cô đi trước, nhất là tổng kết thực tiễn để vận dụng trong mỗi bài giảng. Một số giảng viên còn hạn chế kinh nghiệm thực tiễn; việc đánh giá, tổng kết có nội dung, có bài còn sơ lược, mang tính hình thức, chưa cắt nghĩa, luận giải được những vấn đề bất cập giữa lý luận và thực tiễn để định hướng người học, dẫn đến tình trạng học viên thì nắm kỹ hơn giảng viên (Đối với đối tượng học viên đang làm công tác Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở). Học viên đa số là cán bộ các sở, ban, ngành, do đó việc học tập phần nghiệp vụ công tác đoàn thể lại ít liên quan đến công việc của họ, nếu có chăng là bồi dưỡng, bổ sung thêm nhận thức về công tác dân vận… Do đó, vô hình chung đã biến giờ giảng từ một phần học rất sinh động, thú vị thành những giờ giảng cứng nhắc, thiếu tính hấp dẫn.

     Từ thực trạng trên, để góp phần nâng cao chất lượng gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy phần học “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở”, thời gian tới cần phải tập trung vào một số giải pháp sau:

     Một là, cần phải nắm được đối tượng học viên. Cùng một chuyên đề nhưng giảng dạy tại các lớp học ở thành phố không thể đồng nhất với các lớp mà đối tượng học chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; giảng dạy tại các lớp đại đa số học viên thế hệ trẻ không thể giống với lớp đa số học viên lớn tuổi. Nắm bắt được đối tượng học viên sẽ giúp giảng viên lựa chọn kiến thức thực tiễn hoặc cách khai thác nhấn mạnh khía cạnh nào trong cùng một sự kiện để phù hợp đối tượng.

     Hai là, cần gắn thực tiễn vào từng chuyên đề cụ thể. Nếu người học làm rồi, biết rồi nhưng chưa nắm được lý luận một cách hệ thống, lôgic; mà giảng viên biết gắn thực tiễn vào giảng dạy thì sẽ giúp người học thấy lý luận đó rất gần gũi, sát đúng với những gì họ đang làm ở cơ sở; từ đó, sẽ tạo điều kiện cho họ nắm bắt lý luận nhanh hơn, quán triệt và vận dụng đúng những quan điểm, nguyên tắc công tác vận động quần chúng của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả công tác.

     Trong quá trình giảng dạy các chuyên đề của phần học như: Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc; Nghiệp vụ công tác Công đoàn; Nghiệp vụ công tác Hội nông dân; Nghiệp vụ công tác Đoàn thanh niên; Nghiệp vụ công tác Hội phụ nữ; Nghiệp vụ công tác Hội cựu chiến binh, ngoài việc cung cấp cho học viên nắm được vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động và các nghiệp vụ công tác cụ thể của tổ chức Hội ở cơ sở; giảng viên phải chỉ ra được những cách làm hiệu quả, những kinh nghiệm hay, những điển hình tiên tiến gắn với phong trào hoạt động cụ thể của từng tổ chức trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như: Phong trào Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội Nông dân Việt Nam phát động hoặc ba phong trào hành động cách mạng của tổ chức Đoàn hiện nay là “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo” và “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”,v.v. Bên cạnh đó, giảng viên cũng phải chỉ ra những hạn chế họ thường mắc phải và cách tháo gỡ khó khăn trong quá trình tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tham gia thực hiện các chương trình, phong trào của Hội cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

     Ba là, đưa thực tiễn vào giảng dạy như thế nào cho có hiệu quả. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần phải xác định được nội dung nào cần thiết phải liên hệ thực tiễn và đưa loại hình, cấp độ thực tiễn nào thì phù hợp. Cần lưu ý rằng, không phải tất cả các nội dung lý luận trong bài giảng đều cần có liên hệ thực tiễn, mà chỉ ở những vấn đề quan trọng, cần thiết nhấn mạnh, phân tích nội dung khó hiểu để làm tăng thêm tính thuyết phục cho người học. Những yếu tố thực tiễn đưa vào bài giảng phải có địa chỉ, nguồn gốc trích dẫn rõ ràng và đảm bảo tính trung thực. Khi đưa thực tiễn vào liên hệ nên có sự phân tích để người học thấy được thực tiễn liên hệ có phù hợp lý luận hay không, thực tiễn đó mang ý nghĩa tiêu cực hay tích cực để định hướng cho học viên.

     Bốn là, giảng viên phải biết kết hợp nhuần nhuyễn tri thức của tất cả các phần học. Về lý luận, đây là một môn khoa học tổng hợp, khi giảng dạy người học cần phải có kiến thức sâu, rộng, kết hợp các tri thức của các môn học khác như: Triết học, Xây dựng Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, Quản lý hành chính nhà nước… Đây là cơ sở, nền tảng cho từng bài giảng của phần học, nếu giảng viên không nắm được yêu cầu này thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu của người học.

     Năm là, bên cạnh công tác nghiên cứu thực thế hàng năm thì lãnh đạo trường cần mạnh dạn xây dựng kế hoạch, đề xuất Tỉnh ủy luân chuyển một số giảng viên về cơ sở tham gia công tác trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong thời gian nhất định để họ có cơ hội xâm nhập, thẩm thấu thực tiễn và tích lũy kinh nghiệm. Phần học “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở” là một nội dung chỉ có trong chương trình đào tạo của Trường Chính trị (không có ở các trường Đại học), nó tạo ra cho các trường những thế mạnh, vị thế nhất định nhưng đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức không nhỏ đối với năng lực và chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây