Làm gì để nâng cao chất lượng giảng dạy phần học kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở?

Thứ hai - 14/01/2019 23:09

Tác giả bài viết: Lê Thị Nghệ

Nguồn tin: Khoa Dân vận

Học phần V “Kỹ năng lãnh đạo, quản lý và nghiệp vụ công tác Đảng, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể nhân dân”, trong đó có phần V.1 “Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở” là một trong những phần học quan trọng thuộc chương trình Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành năm 2009 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Đây là phần học có tính chất đặc thù, kiến thức tổng hợp nhằm cung cấp, trang bị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở và cán bộ nguồn cấp cơ sở những kiến thức cơ bản, cần thiết về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, từ đó giúp học viên liên hệ, vận dụng, giải quyết có hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra như: kỹ năng ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định; kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục; kỹ năng thu thập và xử lý thông tin; kỹ năng xử lý điểm nóng chính trị - xã hội…, củng cố niềm tin, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Là giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy phần V.1 và qua thực tế tại Trường Chính trị Kon Tum, bản thân có một vài suy nghĩ bước đầu về việc nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn như sau:

        Một là, để giảng dạy tốt phần học Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý, đòi hỏi người giảng viên phải có phông kiến thức tổng hợp, sâu rộng làm nền tảng, cơ sở để phân tích, giảng dạy từng bài học, từng tình huống cụ thể trong lãnh đạo, quản lý. (Điều này xuất phát từ nội dung kiến thức mang tính đặc thù, tổng hợp của bộ môn). Trong đó, những ngành khoa học có hàm lượng kiến thức tương đối lớn là khoa học Tâm lý, khoa học hành chính, chính trị học, kỹ năng lãnh đạo quản lý…Nếu người giảng viên có phông kiến thức về tâm lý học, khoa học hành chính, chính trị học thì việc giảng dạy học phần sẽ có chất lượng, hiệu quả cao hơn. Và ngược lại thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng, hiệu quả giảng dạy, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín không chỉ đối với cá nhân người giảng viên mà còn là uy tín, danh dự của nhà trường. Ví dụ, để giảng được bài Kỹ năng ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định đòi hỏi người giảng viên phải có sự am hiểu về khoa học hành chính; bài kỹ năng tuyên truyền, phong cách lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức, hiểu biết về tâm lý học; bài xử lý tình huống chính trị - xã hội ở cơ sở đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức về chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học… Do vậy, Ban Giám hiệu, Khối nội dung cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng khi phân công giảng viên giảng dạy phần học này. Ngoài việc tự nghiên cứu, tự tích lũy tri thức thì giải pháp quan trọng để giảng viên có được kiến thức tổng hợp là việc bố trí họ tham gia dự học cao cấp lý luận chính trị, nghiên cứu tổng kết thực tiễn để giảng viên tự trang bị phông kiến thức quan trọng, làm nền cho việc thực hành giảng dạy bộ môn.

        Hai là, giảng viên giảng dạy học phần kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, phải là những người có kinh nghiệm, từng trải trong cuộc sống, đặc biệt là kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý. Thực tiễn cho thấy, đây không phải là học phần lý luận đơn thuần mà là bộ môn hướng dẫn “thực hành”, “trang bị kỹ năng”, mỗi bài học, mỗi tình huống đều gắn với thực tế, phải liên hệ vào công việc cụ thể. Nếu giảng viên hạn chế về kiến thức thực tiễn, ít kinh nghiệm trong công tác tham mưu, chưa từng giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, thì khó có sức thuyết phục trong giảng dạy, khó có thể làm cho lý luận và thực tiễn gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn. Ví dụ, để giảng dạy bài kỹ năng đánh giá và sử dụng cán bộ, nhất thiết người giảng viên phải là người có kinh nghiệm, am hiểu thực tiễn công tác đánh giá và sử dụng cán bộ trong giai đoạn hiện nay, không thể giảng lý thuyết mà không liên hệ, phân tích được.

        Mặt khác, phải tính đến tính đặc thù của đối tượng người học. Họ đã, đang và sẽ là những “cán bộ lãnh đạo quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở” có nhiều kinh nghiệm, một số học viên có trình độ chuyên môn cao, có vốn thực tiễn phong phú, nhiều người đã, đang giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị; họ có tư duy lý luận, tư duy khoa học. Do đó, đòi hỏi người giảng viên phải có kinh nghiệm, am hiểu thực tiễn để tạo ra sức thuyết phục, sự hấp dẫn, tạo hứng khởi học tập và ấn tượng tốt đẹp về môn học, giúp học viên chủ động, tích cực tích lũy tri thức lý luận, nắm được bản chất của vấn để vận dụng vào thực tiễn công tác.

        Có nhiều giải pháp nhằm nâng cao kiến thức thực tiễn cho một số giảng viên. Trong đó, việc đưa giảng viên đi thực tế tại cơ sở là một trong những biện pháp mang tính khả thi. Ban Giám hiệu cần xây dựng kế hoạch cụ thể, kiến nghị, đề xuất với Tỉnh ủy cho luân chuyển một số giảng viên về cơ sở, thâm nhập thực tế có thời hạn để họ thẩm thấu, tích lũy kinh nghiệm.

        Ba là, giảng viên phải sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực; sử dụng thành thạo có hiệu quả các phương tiện dạy học hiện đại. Một chủ đề, bài giảng có thể sử dụng lồng ghép, kết hợp nhiều phương pháp, phương tiện dạy học. Nhưng lựa chọn phương pháp nào lại tùy thuộc vào đặc điểm của từng phần học, từng nội dung và đặc điểm của người học, vào điều kiện cơ sở vật chất hiện có của nhà trường. Từ đặc điểm của học phần V.1, chúng tôi thiết nghĩ cần kết hợp phương pháp thuyết trình với các phương pháp giảng dạy tích cực khác như: thảo luận nhóm, nêu ý kiến ghi lên bảng, phương pháp sàng lọc, phương pháp tình huống, hỏi đáp...

        Việc sử dụng và làm chủ được các phương tiện, đồ dùng dạy học cũng là một yêu cầu đối với giảng viên giảng dạy học phần. Nói chung, trong quá trình dạy học, phương tiện - đồ dùng dạy học giảm nhẹ công việc của giảng viên và giúp cho học viên tiếp thu kiến thức một cách thuận lợi, có được các phương tiện, đồ dùng thích hợp, người giảng viên sẽ phát huy hết năng lực sáng tạo của mình trong công tác giảng dạy, làm cho hoạt động nhận thức của học viên trở nên nhẹ nhàng và hấp dẫn hơn, tạo ra được những tình cảm tốt đẹp với môn học; khi đưa những phương tiện dạy học vào quá trình giảng dạy, giảng viên có điều kiện để nâng cao tính tích cực, độc lập của học viên và từ đó nâng cao hiệu quả của quá trình tiếp thu, lĩnh hội kiến thức và hình thành kỹ năng, kỹ xảo của người học.

2

        Giảng viên trường Chính trị tỉnh Kon Tum trong giờ thực hành lớp Bồi dưỡng Phương pháp giảng dạy tích cực (2017)

        Bốn là, cũng như nhiều phần học khác, giảng viên cần đầu tư, gia công giáo án một cách cẩn thận, chi tiết, bởi vì soạn giáo án là khâu quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của một bài giảng. Trước hết, cần tuân thủ mẫu giáo án do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định: Soạn giáo án đảm bảo 05 bước cơ bản là ổn định lớp, kiểm tra bài cũ, giảng bài mới, củng cố bài, hướng dẫn ôn tập. Xác định đúng mục đích, yêu cầu; kết cấu nội dung, phân chia thời gian, trọng tâm bài giảng; xác định phương pháp và đồ dùng dạy học phù hợp. Việc chuẩn bị tài liệu tham khảo để phục vụ soạn giảng là công việc rất quan trọng vì nội dung trong giáo trình chỉ là khung kiến thức cơ bản. Do đó, để bài giảng có sức hấp dẫn đòi hỏi giảng viên phải đầu tư soạn giáo án một cách công phu, bài bản.

        Năm là, ngoài việc soạn giáo án, đầu tư phương pháp truyền thụ, người giảng viên cần xây dựng một số tình huống và phương án giải quyết tình huống trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Cần tổ chức cho học viên thực hành các bài tập tình huống phù hợp với nội dung kiến thức của từng bài trong học phần như: Bài tập tình huống về ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở; tình huống và phương án xử lý trong công tác tuyên truyền, thuyết phục, trong thu thập và xử lý thông tin; xử lý các tình huống về điểm nóng chính trị - xã hội…

        Sáu là, giảng viên phải tự đặt mình vào vị trí của học viên để có sự sẻ chia mang tính nghệ thuật cao trong từng bài giảng, từng tình huống, đảm bảo việc thực hiện được mục đích, yêu cầu của bài giảng một cách rõ ràng. Giảng viên có cách giới thiệu chủ đề phù hợp với nhu cầu và sự quan tâm của học viên, có cách tiếp cận và trình bày mới lạ về chủ đề chính, xâu chuỗi các phần chính và phụ của bài giảng một cách hợp lý, logic, có kết luận thuyết phục làm cho bài giảng sống động và trực tiếp, tạo nên sự tương tác với học viên trong bài giảng, làm cho mọi người đều có cơ hội tham gia một cách tích cực.

       Với tư cách là giảng viên được nhà trường phân công giảng dạy học phần kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, bước đầu bản thân có một số suy nghĩ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy học phần xin được trao đổi cùng đồng nghiệp, mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy bộ môn./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây