Mô hình Ấp chiến lược trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam

Thứ ba - 21/04/2020 23:11

Tác giả bài viết: ThS. Trần Thị Thu Hương

Nguồn tin: Khoa xây dựng Đảng

“Chiến tranh đặc biệt” là một trong ba loại hình chiến tranh của chiến lược quân sự toàn cầu “phản ứng linh hoạt” của đế quốc Mỹ. Đặc điểm chủ yếu của chiến lược này là đế quốc Mỹ không trực tiếp cai trị mà thông qua chính quyền và quân đội tay sai làm công cụ tiến hành chiến tranh; với vũ khí, phương tiện chiến tranh, tài chính của Mỹ và do cố vấn Mỹ chỉ huy.

Để thực hiện chiến lược chiến tranh đó, đế quốc Mỹ đã áp dụng kinh nghiệm “chống quân nổi loạn” của đế quốc Mỹ đã thành công ở Philipin, của thực dân Anh thành công ở Malaysia trong những năm 40 và 50 và đưa vào miền Nam chính sách mới mang tên là Strategic hamlet – ấp chiến lược.

        Mỹ xem việc thiết lập “ấp chiến lược” là một “quốc sách” có ảnh hưởng quan trọng đến sự thành bại của các kế hoạch chiến tranh. Mục đích của “quốc sách” này là nhằm chiếm đất, giành dân, kiểm soát nông thôn, phá hoại hậu phương và căn cứ cách mạng, tiến tới cô lập và tiêu diệt hoàn toàn các lực lượng cách mạng, hòng áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam.

        Để đạt được mục tiêu đề ra, chính quyền Sài Gòn đã quy định sáu tiêu chuẩn cho việc hoàn thành một ấp chiến lược”

Tiêu chuẩn 1: Đã thanh toán cộng sản nằm vùng và đã phối hợp với cảnh sát, hội đồng xã, trưởng ấp để kiểm tra nhân – vật – lực tại ấp chiến lược.

Tiêu chuẩn 2: Đã phối hợp với công – dân – vụ, thông tin… để vận động quần chúng tổ chức thành đoàn thể nhân dân.

Tiêu chuẩn 3: Đã hướng dẫn phân công mọi tầng lớp nhân dân về bổn phận của họ lúc bình thường và khi có biến.

Tiêu chuẩn 4: Đã hoàn thành rào, chông, giao thông hào, hầm kín trong mỗi nhà, v.v…

Tiêu chuẩn 5: Đã tổ chức “mật” hai tiểu tổ đặc công cho mỗi ấp chiến lược.

Tiêu chuẩn 6: Đã tổ chức bầu “kín” ban trị sự và thiết lập hương ước.

        Sau một thời gian thực hiện, Mỹ bổ sung thêm hai tiêu chuẩn nữa là:

- “Đã huấn luyện và vũ trang thanh niên chiến đấu”

- Đã tổ chức hệ thống thông tin và liên lạc để xin tiếp viện” [1]

        Theo 8 tiêu chuẩn trên, Mỹ – Ngụy đã tiến hành xây dựng một hệ thông ấp chiến lược như những nhà tù khổng lồ, dồn dân, rào làng như những nhà tù khổng lồ, dồn dân, rào làng: với ba vòng rào, trong cùng là cọc tre vót nhọn, giữa là chông, ngoài cũng là dây kẽm gai, quanh các vành đai là hào sâu và các bờ thành có những tháp canh và đồn bốt.

        Như vậy, chính sách bình định miền Nam bằng dồn dân, lập ấp chiến lược trong thời điểm này được nâng lên tầm chiến lược, không chỉ để đè bẹp, kiểm soát nhân dân, tách dân với cách mạng, nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng, không chỉ biến nông thôn từ địa bàn chiến lược của ta thành hậu cứ xung yếu của địch, mà còn xây dựng nông thôn miền Nam thành thuộc địa kiểu mới phục vụ lâu dài cho chủ nghĩa thực dân.

         “Việt cộng muốn xâm nhập vào đây phải vượt ba sông trèo ba núi (sông, núi do địch đặt ra để chỉ những mương sâu và bờ thành cao bao quanh ấp chiến lược. Mương sâu 2m, rộng 2.5m. Đất đào mương đắp bờ thành cũng cao 2m, rộng 2.5m, ở chân thành và trên mặt bờ thành, từng chặng có lô cốt ngầm và lô cốt nổi). Trước khi qua sông thứ nhất, Việt cộng phải trả giá rất đắt với bãi mìn rãi thảm. Qua sông phải chìm tận đáy sông vì lòng sông đầy chông, mìn, kẽm bùng nhùng. Muốn vượt núi cũng phải qua bãi mìn dày đặc trên sườn núi và hệ thống lô cốt ngầm chằng chịt, đài quan sát có trang bị súng lớn, có đèn pha cực sáng” [2].

        Bên trong ấp có nhà tù, sân bay trực thăng, kho vũ khí, kho tập trung lúa của dân…, có những ấp chiến lược đặt ở giữa vòng đồn bốt vây quanh để khống chế nhân dân hoặc tạo thành những vành đai trắng, gây khó khăn cho ta trong việc bắt liên lạc, nắm cơ sở trong dân.

        Sau khi rào làng, dồn dân vào những khu vực đã chọn, các “cán bộ bình định” tiến hành phân loại dân trong từng ấp để thực hiện khẩu hiệu “phát giác nội tuyến, tấn công toàn diện”:

        - Đối với dân loại 1 là những gia đình cách mạng hay có cảm tình với cách mạng: gom vào một lô riêng để theo dõi và đàn áp.

        - Đối với dân loại 2 là loại “lưng chừng” tiến hành chính sách lôi kéo, dụ dỗ, ly gián lẫn nhau.

        - Đối với dân loại 3 là những gia đình binh sĩ, ác ôn, có công với chính quyền Sai Gòn: thực hiện chính sách ưu đãi và sử dụng họ làm lực lượng nồng cốt để theo dõi, khống chế nhân dân trong ấp”.

        Bộ máy kìm kẹp xen kẽ chằng chịt trong dân, gồm trưởng liên gia, trưởng ô, trưởng ấp, do thám, gián điệp, hội đồng hương chính, dân vệ, công dân vụ, bọn phản động cách mạng… Mỗi xã có từ 20 đến 30 tên cán bộ bình định. Bọn này đều nêu khẩu hiệu “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân, nhưng thực chất là để tổ chức do thám, gián điệp phối hợp chặt chẽ với bọn tề, bảo an, dân vệ nhằm khống chế, kìm kẹp quần chúng.

        Ngoài ra, địch tăng cường rải chất độc hóa học với quy mô lớn và ác lệt nhằm triệt phá mùa màng, khủng bố tinh thần nhân dân ở những vùng có phong trào cách mạng mạnh, từng bước dồn dân lập ấp chiến lược, phát quang những vùng có cây cối rậm rạp, triệt lương thực của quân du kích. Mỹ – Diệm còn dùng chất độc trộn vào gạo, thuốc men và các loại thực phẩm khác bán ở các vùng căn cứ của ta làm cho dân hoang mang sợ hãi phải chạy vào các ấp chiến lược.

        Hệ thống ấp chiến lược mà Mỹ –Ngụy xây dựng chẳng khác gì hệ thống nhà tù giam cầm, kìm kẹp nhân dân miền Nam, nhằm cô lập lực lượng cách mạng, quây ráp, truy lùng những cơ sở cách mạng để đè bẹp sự nổi dậy của nhân dân. Tại Đại hội lần thứ nhất (từ ngày 16/2/1962 đến 3/3/1962), Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam nhận định: “ấp chiến lược là một hình thức kìm kẹp mới, tổng hợp tất cả thủ đoạn về quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và gián điệp của địch để khống chế, đàn áp nhân dân, cướp giật nhân tài, vật lực của nhân dân, âm mưu dùng lực lượng của nhân dân chống lại nhân dân, thực hiện việc bán nước và cướp nước của chúng”. “Ấp chiến lược là những địa ngục trần gian giết hại dân lành vô tội” [3].

        Quốc sách ấp chiến lược là sản phẩm của những chuyên gia hàng đầu chống “chiến tranh nổi dậy” của bộ máy chiến tranh đế quốc trên thế giới, được đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn coi là “bửu bối” để “đánh bại Việt cộng”, là cuộc đại quy mô quyết định sự trường tổn của chế độ, vì vậy đây là một thách thức đầy gay go và quyết liệt đối với cách mạng miền Nam trong giai đoạn này.

                      ttxvn 1603 kon tum 1

                           Đồng bào Kon Tum quây quần bên các chiến sỹ giải phóng trong buôn làng dọc đường 19 

                                      trong những ngày Tây Nguyên được giải phóng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

        Trong thực tế, để chống lại các thủ đoạn đó của địch, ta kiên trì đẩy mạnh đấu tranh chính trị và mở các trận phản công chống địch càn quét. Chủ trương lấy hoạt động quân sự để hỗ trợ nhân dân phá lỏng, phá rã ấp chiến lược được thực hiện triệt để. Ngày 2 tháng 1 năm 1963, tại Ấp Bắc (Mỹ Tho), lần đầu tiên chúng ta đánh bại một càn quét lớn của Mỹ – Ngụy. Sau chiến thắng Ấp Bắc, ngày 25-3-1963, Trung ương Cục quyết định phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở miền Nam. Phong trào phá ấp chiến lược diễn ra mạnh mẽ, từ năm 1961 đến năm 1963 chúng ta phá hoàn toàn 2.865/6.164 ấp, giành quyền làm chủ 12.000/17.000 thôn; giải phóng 5/14 triệu người [4] . Phong đấu tranh của học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân diễn ra rầm rộ với 90 triệu người tham gia. Trên mặt trân quân sự, thắng lợi liên tiếp của chúng ta ở An Lão (Bình Định), Bình Gĩa (Bà Rịa); Ba Gia (Quảng Ngãi)… đã làm phá sản cơ bản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ./.

Tài liệu tham khảo

[1]. TS. Trần Thị Thu Hương, Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh chống phá “quốc sách” ấp chiến lược của Mỹ – Ngụy ở miền Nam Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, trang 49

[2]. Trích Lịch sử Tỉnh ủy Bình Dương, Nguyễn Bá Niên, 92 ngày đêm đánh phá khu ấp chiến lược “kiểu mẫu” Bến Tượng, trang 3.

[3]. TS. Trần Thị Thu Hương, Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh chống phá “quốc sách” ấp chiến lược của Mỹ – Ngụy ở miền Nam Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, trang 53.

[4].  Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị – hành chính, Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2017, trang 205.

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây