Một số đặc điểm của báo chí cách mạng trong nhà tù, trại giam đế quốc (1939-1945)

Thứ hai - 17/08/2020 22:32

Tác giả bài viết: ThS. Trần Thị Thu Hương

Nguồn tin: Khoa xây dựng Đảng

Báo chí cách mạng trong lao tù đế quốc tạo nên nét đặc sắc của dòng báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Trong giai đoạn 1939-1945, cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng trong các nhà tù, trại giam đế quốc diễn ra khốc liệt, tổn thất, hy sinh hơn bao giờ hết

    Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, báo chí cách mạng tiếp tục ra đời và duy trì hoạt động. Trong ngục tối, dù hoạt động hết sức bí mật, luôn bị kẻ thù ngăn cấm, hủy hoại, tiêu diệt nhưng báo chí cách mạng luôn là vũ khí đầy hiệu quả của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng bị tù đày; tuyên truyền đường lối của Đảng; cỗ vũ tù nhân siết chặt đội ngũ, giữ vững niềm tin, ý chí, sức mạnh đấu tranh. Đội ngũ những người làm báo cách mạng được rèn luyện, trưởng thành, cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, bảo vệ Đảng.

      Trong nhà tù đế quốc, quán triệt quan điểm của V.I.Lenin, những chỉ dẫn của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng: Ở đâu có tổ chức đảng ở đó cần ra báo để hoạt động, mỗi một tổ chức Đảng cần ra một tờ báo, báo chí thực hiện nhiệm vụ cách mạng, đã thôi thúc các tổ chức đảng, đảng viên trong nhà tù, trại giam của thực dân Pháp giai đoạn 1939 – 1945 tiếp tục đẩy mạnh hoạt động báo chí trong hoàn cảnh bí mật, khó khăn, nguy hiểm nhất.

      Tại các nhà tù, trại giam của địch ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, nhiều nơi đã có các tờ báo, tạp chí của Đảng ra đời, phát triển. Ở Bắc kỳ, tiêu biểu là báo Suối reo, tờ báo của chi bộ Đảng Nhà tù Sơn La; báo Dòng sông Công (sau đổi thành báo Gió ngàn) là tờ báo của các chiến sĩ cách mạng ở trại tập trung Bá Vân, tỉnhThái Nguyên; Lao tù tạp chí phát triển trên cơ sở tờ báo Lao tù đỏ của Chi bộ Đảng Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ở Trung kỳ, tiêu biểu là Báo Chiến thắng, cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ Ninh Thuận và các tỉnh Nam Trung Bộ từ bên ngoài được chuyển vào Nhà lao Phan Rang, tuy không xuất bản trong tù, nhưng tờ báo có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng ở Nhà lao Phan Rang, đã giúp chi bộ, các đảng viên trong tù nắm bắt tình hình, định hướng đấu tranh; Báo Cờ nghĩa của tù chính trị Buôn Mê Thuột. Ở Nam Kỳ, tiêu biểu là nhà tù Côn Đảo, nơi ra đời nhiều tờ báo cách mạng như Người tù đỏ, Tạp chí Ý kiến chung, báo ộc ập, Rèn Luyện, Đoàn Kết, Niềm Tin, Tiến LênCác tờ báo trên là đại diện tiêu biểu cho bản lĩnh, khí phách cũng như phong cách làm báo cách mạng chưa từng có tiền lệ trước đó.

            

               Nhà tù Côn Đảo, nơi cho ra đời nhiều nhiều tờ báo cách mạng

      Do bị chi phối bởi hoàn cảnh đặc thù, bị giam cầm đày ải, báo chí cách mạng trong tù có nhưng nét khác biệt với công tác báo chí bên ngoài nhà tù. Báo chí cách mạng trong tù hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, ra bí mật, không đều kỳ, số lượng không lớn, chủ yếu lưu hành nội bộ, thời gian tồn tại không dài. Sự hà khắc, tàn bạo của chế độ nhà tù gây nên những khó khăn và nguy hiểm cho hoạt động của những người cộng sàn nói chung và cho công tác báo chí nói riêng. Việc viết báo, biên tập báo rất khó khăn. Tại Nhà tù Hỏa Lò, các đồng chí biên soạn phải làm việc hết sức vất vả để che mắt kẻ địch, phải chui xuống gầm sàn để viết, ban ngày nhờ ánh sáng lọt qua các lỗ thông hơi, ban đêm nhờ đèn điện hoặc đèn dầu. Nhiều khi các bài báo được viết bằng bút chì đen hoặc bằng một thứ nước đặc biệt ken vào khoảng trống giãn dòng chữ in của các tờ kinh thánh từ ngoài chuyển vào, khi nào cần đọc thì dùng một thứ hoá chất bôi lên, chữ sẽ hiện rõ.

      Việc biên soạn báo đã khó, việc cất giấu, bảo vệ báo lại càng khó hơn. Đây cũng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, vất vả của những người làm báo trong tù. Tại Nhà tù Hỏa Lò, các chiến sỹ cách mạng phải tạo ra các “kho” bí mật để cất giấu. Đó là giấu trên trên mái nhà, trong “hầm bí mật”. Hầm được tạo bằng cách đục tường, rút gạch, làm thành kho để cất giữ tài liệu, sau đó dùng xi măng trát lại như cũ. Trong lúc các đồng chí đục tường thì một số đồng chí khác phải giả vờ vật lộn nhau, làm ồn ào để át tiếng động, làm cho địch không phát hiện ra được. Thậm chí, để giữ được những tờ báo, tài liệu đã in ra, các đồng chí còn bỏ vào vỏ hộp sữa, bọc thật kín, rồi dùng dây thả xuống thùng phân mỗi khi bị địch ập vào khám xét.

      Do hoàn cảnh khó khăn và bị địch kiểm soát gắt gao, phương tiện, vật liệu thiếu thốn, nên hầu hết các tờ báo trong tù đều xuất bản bí mật, ra không
đều kỳ. Phần lớn các chi bộ đảng chủ trương ra báo hàng tháng, song trên thực tế, khoảng thời gian giữa các số không ổn định, có khi vài tháng mới ra được một số, thậm chí khi nào có điều kiện thì mới xuất bản. Số lượng phát hành của mỗi tờ báo rất hạn chế. Có những tờ báo, mỗi số chỉ ra được một bài, mỗi bài chỉ một trang giấy khổ nhỏ, tiện cho việc lưu hành nội bộ, truyền tay nhau đọc và giữ được bí mật. Duy nhất có báo Suối reo của Chi bộ Đảng Nhà tù Sơn La, số ra Tết Quý Mùi (năm 1943), độ dày lên tới 60 trang.

      Thời gian tồn tại của hầu hết các tờ báo trong tù đều rất ngắn, có báo chỉ ra một lần rồi ngừng hoạt động. Hiện tượng này có nhiều nguyên nhân, do sự biến động của đội ngũ làm báo, do khó khăn về nguyên liệu, phương tiện, song chủ yếu là do sự đàn áp, bóp nghẹt của kẻ thù.

      Báo chí trong tù được thực hiện trong những điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn, nên rất thô sơ, song vẫn đảm bảo những quy trình, công đoạn làm báo, rất phong phú về loại hình. Về việc lấy tin, trong hoàn cảnh bị cầm tù và kiểm soát rất gắt gao, nhưng được sự chỉ đạo của các chi bộ, các chiến sỹ cộng sản, những người làm báo trong tù đã tận dụng triệt để mọi điều kiện để thu thập tin tức, cập nhật thông tin bằng nhiều cách thức khác nhau, ở nhà tù Côn Đảo, Chi bộ nhà tù bố trí một số đảng viên vào làm việc tại các sở để nắm tin tức, tình hình, cung cấp cho ngưòi viết báo. Tại nhà tù Sơn La, Chi ủy phân công một số đồng chí có khả năng đọc sách báo bằng tiếng nước ngoài, đọc báo hằng ngày, hằng tuần, theo dõi và tổng hợp tin tức thế giới, trong nước, kịp thời thông báo cho các đồng chí trong ban biên tập nắm được những biến đổi của tình hình quốc tế, trong nước để viết bài. Một kênh thu nhận tin nữa là từ những tù nhân mới vào truyền đạt lại, hoặc thông qua một số cơ sở bí mật đưa thông tin từ bên ngoài vào nhà tù.

      Về ngôn ngữ báo chí, do đặc thù của đa số tù nhân, lại ra báo trong hoàn cảnh giam cầm, nên ngôn ngữ báo chí trong các nhà tù rất ngắn gọn, lời văn giản dị, dễ hiểu.

      Về phương tiện làm báo, việc làm báo trong điều kiện nhà tù hết sức khó khăn, tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của các tổ chức đảng trong nhà tù, các chiến sĩ cộng sản, yêu nước, cách mạng đã tìm mọi cách để có được giấy và các phương tiện cần thiết khác. Bị theo dõi, kiểm soát, cấm đoán nghiệt ngã,
nhưng người cộng sản khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy, tận dụng mọi khả năng để ra được báo. Tại Nhà tù Sơn La, báo Suối Reo
“xưởng in” lưu động: "... bàn giấy, xưởng in chỉ là vẻn vẹn hai cái túi vải đựng tài liệu, giấy bút mực. Ở Nhà tù Hoả Lò, giấy để viết báo được cung cấp từ hai nguồn: từ ngoài vào như giấy thuốc lá, giấy bạch hoặc các tù chính trị tự kiếm lấy bằng cách dùng ngay các quyển kinh thánh do cố đạo Đrônây (Droney) mang vào.

      Nhìn chung, các báo trong tù được viết hết sức thô sơ, đơn giản, đa phần chép tay, một số viết bằng bút sắt, bút chì trên giấy học trò. Những tờ báo, tạp chí có khi chỉ như tờ truyền đơn, nhỏ bằng bàn tay.

      Về đội ngũ làm báo, đa số những người làm báo trong tù đều là những người không chuyên, vừa làm, vừa học; học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về cách làm báo. Do đó, tổ chức đảng và những đồng chí có kinh nghiệm đã mở các lớp huấn luyện làm báo. Chi bộ đoàn tù Sơn La – Hỏa Lò, khi bị đày ra Côn Đảo còn tổ chức huấn luyện cán bộ làm báo. Lớp học làm báo có khoảng 20 người, trong đó, có nhiều đồng chí đã từng tham gia làm báo bí mật hoặc công khai của Đảng. Nội dung chương trình có trọng tâm là nghiên cứu lý luận chính trị, nghiệp vụ báo chí. Lớp học nghiên cứu tổng quát lịch sử văn học thế giới, chú ý phân tích đặc điểm văn hóa của các chế độ xã hội. Sau khi nghiên cứu kỹ phần văn học, các học viên thảo luận nghiệp vụ báo chí: các thể loại, cách trình bày, tổ chức in ấn, phát hành … Từ những lớp học này, nhiều đồng chí đã trở thành những cây bút kỳ cựu của Đảng.

      Hầu hết các tờ báo cách mạng phát hành trong các nhà tù, trại giam đế quốc đều do những người cộng sản chỉ đạo. Nội dung các bài báo luôn bám sát đường lối, chủ trương của đảng. Thực hiện tuyên truyền, giáo dục, giữ vững lập trường cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống kẻ thù.

      Báo chí cách mạng trong nhà tù, trại giam đế quốc (1939-1945)- sự ra đời, đặc điểm, vai trò của dòng báo chí đặc thù, đã để lại những kinh nghiệm quý cho nhiệm vụ lãnh đạo công tác báo chí cách mạng của Đảng trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Báo chí cách mạng là lực lượng đi tiên phong trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, định hướng giá trị văn hóa, đạo đức xã hội mà Đảng đang lãnh đạo toàn dân xây dựng./.

 

Tài liệu tham khảo

    - Sở văn hóa Thông tin Hà Nội, Viện Lịch sử Đảng, Đấu tranh của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng tại Nhà tù Hỏa Lò (1899 – 1954), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,1994.

    - PGS.TS. Đào Duy Quát, GS.TS. Đỗ Quang Hưng-PGS.TS.Vũ Duy Thông (chủ biên), Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925 – 2010), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây