Một số thành tựu trong nhiệm kỳ Đại hội Đại hội lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam

Chủ nhật - 19/01/2020 22:19

Tác giả bài viết: ThS. Trần Thị Thu Hương

Nguồn tin: Khoa xây dựng Đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đường lối đúng đắn của Đảng là yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước. Với khẩu hiệu “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”, trong nhiệm kỳ khóa XII, mặc dù phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII đề ra và đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Về lĩnh vực kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng nhanh, “đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch (6,6-6,8%), thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; quy mô GDP khoảng 266 tỉ đô la Mỹ, bình quân đạt gần 2.800 đô la/người. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 3%, thấp hơn so với kế hoạch Quốc hội đề ra (dưới 4%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên đạt khoảng 517 tỉ đô la (tăng khoảng 8% so với năm 2018), trong đó xuất siêu gần 10 tỉ đô la” [1].

       Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt nhiều kết quả to lớn: “Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn khoảng 4%. Hơn 54% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm hơn kế hoạch gần 2 năm” [2]. Sự nghiệp y tế, thể dục, thể thao, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng con người; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học và công nghệ, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ nét. Kết quả của Đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội thể thao Đông Nam Á vừa qua là một minh chứng sinh động về sự nỗ lực không mệt mỏi, tinh thần, ý chí Việt Nam.

    Tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia tiếp tục được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước.

    Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực “tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường, kết hợp bài bản, nhuần nhuyễn giữa "xây" và "chống"[3]. Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, đồng tình ủng hộ. Cụ thể là việc thanh tra, kiểm tra Dự án gang thép Thái Nguyên, Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm; bổ sung nhiều vụ việc vào diện trực tiếp chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong đó có vụ Công ty Nhật Cường; đưa ra xét xử vụ án Mobiphone mua 95% cổ phần của Công ty AVG...  

    Để phát huy những kết quả đã đạt được và hoàn thành thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội XII đề ra, trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào sáng 30 tháng 12 năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định trong việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tinh thần chung là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019, trong đó tập trung ưu tiên triển khai thực hiện thật tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm [4]:

    Thứ nhất, về phát triển kinh tế, tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Thứ hai, về phát triển văn hóa, xã hội, quan tâm hơn nữa và có những chính sách, biện pháp cụ thể, thiết thực và phù hợp hơn nữa đối với việc phát triển văn hoá, xã hội, xây dựng con người hài hoà với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng; xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tích cực triển khai các nghị quyết Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, dân số... Thực hiện tốt Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; chính sách dân tộc, tôn giáo. Quan tâm chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ. Phát triển thể dục, thể thao cho mọi người và thể thao thành tích cao, chuyên nghiệp.

    Thứ ba, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao; chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn quan hệ với các đối tác; đẩy mạnh đối ngoại đa phương. Chủ động, tích cực chuẩn bị triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tranh thủ tối đa lợi ích mà các hiệp định này có thể đem lại; đồng thời hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.

    Thứ tư, về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu "đúng vai, thuộc bài". Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần tiếp tục rà soát, xác định rõ và làm đúng, hoàn thành tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước do Hiến định, không trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, không đi quá sâu vào các vấn đề kinh tế - kỹ thuật cụ thể...

    Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền các cấp cần chú trọng hơn nữa đến cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức, cán bộ, đổi mới phương pháp và lề lối làm việc (chứ không đơn giản chỉ là cải cách thủ tục hành chính); xây dựng có cơ sở khoa học và tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình, kế hoạch công tác, dành thời gian thoả đáng cho việc tập trung nghiên cứu, xem xét xử lý căn cơ, bài bản, dứt điểm, có trọng tâm, trọng điểm các vấn đề kinh tế - xã hội nổi cộm, tránh phô trương, hình thức, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, lôi kéo, ôm đồm quyền lực, "lợi ích nhóm".

    Các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, tăng cường sự phối hợp trong việc xây dựng, hoàn thiện và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, bảo đảm tính sát hợp, thống nhất, đồng bộ, khả thi cao. Đặc biệt, hệ thống các cơ quan tư pháp cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao năng lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phát huy hơn nữa vai trò lực lượng chủ lực trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thực hiện tốt chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc đúng với tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm công lý.

    Thứ năm, về việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong năm 2020, các cấp uỷ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị cần khẩn trương, nghiêm túc quán triệt Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, đáp ứng thật tốt các yêu cầu. Cụ thể, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng phải thực hiện phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; coi trọng chất lượng, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu; bảo đảm an toàn, thiết thực, không phô trương, hình thức; kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực. Tránh các biểu hiện xấu thường thấy trước mỗi kỳ Đại hội như: “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “nể nang, thoả hiệp”, “né tránh va chạm”, “vận động, tranh thủ phiếu bầu”, “kích động, chia rẽ nội bộ”...

 

Tài liệu tham khảo

[1], [2], [3], [4]  http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-Chinh-phu-voi-cac-dia-phuong-But-pha-de-ve-dich/383777.vgp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây