Một số vấn đề về soạn giáo án giảng dạy chương trình trung cấp lý luận chính trị- hành chính

Thứ năm - 12/11/2020 03:36

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thị Hiền- Khoa Xây dựng Đảng

                                        
          Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý vì là nghề truyền đạt tri thức cho các thế hệ. Để có sự truyền đạt kiến thức đem lại hiệu quả cao, bài giảng đạt được chất lượng thì sự hỗ trợ của giáo án giảng dạy là cần thiết. Bởi vì, chất lượng của một buổi giảng không chỉ đòi hỏi về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm với đạo đức, tác phong giáo dục của người thầy mà còn yêu cầu về kỹ năng tổ chức hay sự chuẩn bị chu đáo cho mỗi buổi học. Sự cân nhắc, tính toán kỹ từng nội dung, từng phương pháp dạy- học, việc phân bổ thời gian, sử dụng thiết bị dạy học, đối tượng người học sẽ được thể hiện trong giáo án. Do đó, giáo án được chuẩn bị tốt sẽ đảm bảo cho giờ dạy thành công.
          Với hoạt động giảng dạy lý luận chính trị soạn giáo án được qui định là công việc bắt buộc mọi giảng viên phải thực hiện. Một giáo án thiết kế nội dung đầy đủ sẽ giúp cho giảng viên nắm chắc và kiểm soát được nội dung, tự tin trong truyền đạt kiến thức, nhất là những giảng viên trẻ. Đồng thời, việc xác định được nội dung trọng tâm trong giáo án sẽ giúp giảng viên có được bố cục giảng dạy hợp lý và khoa học, phân bổ thời gian một cách hài hòa cho các tiểu mục và cả bài giảng.
          Soạn giáo án cũng giúp cho giảng viên xác định được các phương pháp, thiết bị và đồ dùng giảng dạy phù hợp cho nội dung bài giảng và đối tượng học viên để buổi học đạt được chất lượng tốt nhất. Phương pháp dạy học hiệu quả, thiết bị, đồ dùng phù hợp sẽ phát huy được sự chủ động của giảng viên khi đứng lớp và tính tích cực của học viên. Do đó, việc chuẩn bị kỹ giáo án có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của giảng viên khi lên lớp.
          Để có giáo án khoa học, công phu, bài giảng hay, cuốn hút, giảng viên cần tập trung những vấn đề sau:
          Trước hết, giảng viên phải nắm chắc mẫu giáo án theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02/05/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về việc Ban hành quy chế quản lý đào tạo của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, bài giảng phải thể hiện được các bước lên lớp, gắn với nội dung của mỗi bước là phương pháp, phương tiện và thời gian giảng dạy phù hợp.
          Thứ hai, giảng viên cần xác định được mục tiêu cần đạt qua bài giảng, bao gồm mục tiêu về trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng và định hướng thái độ cho học viên.
          Việc xác định được mục tiêu một cách rõ ràng, đầy đủ, cụ thể và chính xác giúp giảng viên lựa chọn và sắp xếp kiến thức và lựa chọn phương pháp dạy học cho phù hợp với từng đối tượng học viên. Để xác định đúng kỹ năng và thái độ phải nắm chắc nội dung của bài giảng. Từ nội dung bài giảng, giảng viên sẽ xác định theo nội dung đó sẽ hình thành ở người học những kỹ năng cụ thể gì ? định hướng thái độ cụ thể cho học viên như thế nào. Mục tiêu cần phải được xác định cụ thể và thể hiện rõ trong giáo án, tránh chung chung, na ná nhau giữa các bài giảng.
          Thứ ba, cần xác định được đối tượng học viên
          Nhiệm vụ cơ bản của các trường Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương là đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương. Học viên của các trường Chính trị hết sức đa dạng về độ tuổi, trình độ, kinh nghiệm trong công tác…Vì vậy, khi soạn giáo án xác định được đối tượng học viên để xác định được dung lượng kiến thức và phương pháp dạy học phù hợp.
          Thứ tư, nghiên cứu kỹ giáo trình và tìm kiếm các tài liệu chuẩn bị cho bài giảng.
            Chuẩn bị tài liệu, tư liệu là việc rất quan trọng để xây dựng đề cương bài giảng. Trước hết, giảng viên cần nghiên cứu kỹ giáo trình để nắm bắt các nội dung cơ bản nhất sẽ truyền đạt đến học viên, vì giáo trình được xem là căn cứ pháp lý mang tính chất định hướng. Nhưng nếu như chỉ căn cứ vào giáo trình thôi thì chưa đủ mà giảng viên cần tìm kiến thức  mở rộng, những tư liệu, những ví dụ thực tế để minh họa. Thực tiễn luôn vận động, nên các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước luôn được bổ sung và phát triển. Do đó, việc cập nhật kiến thức như: những Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, những bài viết có liên quan trên tạp chí lý luận, tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta…là rất cần thiết để chuẩn bị bài giảng. Tham khảo những tài liệu có liên quan đến nội dung bài giảng giúp giảng viên hiểu sâu, hiểu thấu đáo các vấn đề; từ đó làm cho việc trình bày các kiến thức của bài giảng được thực hiện một cách tự tin, chính xác, sâu sắc. Kiến thức được chuẩn bị trong bài giảng phong phú bao nhiêu thì bài giảng lại càng có sức thuyết phục bấy nhiêu. Bài giảng sâu thể hiện ở chỗ làm cho học viên hiểu rõ, hiểu đúng, nắm được bản chất của kiến thức và vận dụng được các kiến thức của bài học vào thực tiễn.
          Thứ năm, cần xác định đúng nội dung trọng tâm của bài giảng.
          Trong mỗi bài học có nhiều nội dung, việc xác định chính xác trọng tâm của bài giảng giúp giảng viên chủ động hơn về nội dung kiến thức cũng như phân bổ thời gian cho từng nội dung hợp lý và khoa học hơn. Nội dung trọng tâm của bài giảng là phần thể hiện nội dung chính của bài, đòi hỏi giảng viên phải giành nhiều thời gian và nội dung kiến thức hơn các phần khác để làm rõ. Vì vậy, giảng viên phải xác định được phần trọng tâm của bài giảng để khi soạn giáo án phân bổ thời gian và kiến thức cho tương xứng. Việc xác định kiến thức trọng tâm rất quan trọng, quyết định hướng đi của buổi giảng. Bởi vì khi xác định đúng, bài giảng của giảng viên sẽ trở nên cô đọng, súc tích, vững chắc và đạt được mục tiêu bài học.
          Thứ sáu, nội dung bài giảng phải được thể hiện đầy đủ, chi tiết trong giáo án
          Để đảm bảo cho việc thể hiện nội dung kiến thức khi lên lớp được đầy đủ và mang tính chủ động cao, trong giáo án cần soạn chi tiết nội dung bài giảng. Trong từng nội dung, gắn liền với việc phân tích, diễn giải làm rõ các ý chính mang tính chất lý luận là những ví dụ, dẫn chứng minh hoạ nhằm làm rõ nét hơn những kiến thức lý luận. Nội dung giáo án phải thể hiện đầy đủ kể cả những vấn đề liên hệ thực tế hay những ví dụ cụ thể để minh họa nhằm làm tăng tính thuyết phục, làm phong phú, sinh động thêm nội dung bài giảng.
          Thứ bảy, tăng cường vai trò và trách nhiệm quản lý của lãnh đạo Khoa chuyên môn và Ban Giám hiệu đối với giáo án
          Khoa chuyên môn với tư cách trực tiếp quản lý nội dung phần học theo phân công, giữ vai trò chủ đạo và chịu trách nhiệm chính về chất lượng, hiệu quả thực hiện nội dung phần học nói chung và chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên trong Khoa nói riêng. Chính vì vậy, việc chuẩn bị giáo án của giảng viên trong Khoa cần có sự tham gia, góp ý của lãnh đạo Khoa chuyên môn. Giáo án của giảng viên (kể cả giảng viên kiêm nhiệm) phải được thông qua Khoa và Ban Giám hiệu xác nhận trước khi lên lớp để đảm bảo chất lượng cũng như tính chất pháp lý để đánh giá về nội dung giảng dạy của giảng viên.    Tóm lại, chuẩn bị tốt giáo án là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định trong nâng cao chất lượng bài giảng lý luận chính trị, góp phần trực tiếp vào việc triển khai thực hiện tốt qui định mới về soạn giáo án theo quy định của Học viện, cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, đáp ứng yêu đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh hiện nay.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây