Một số yếu tố tác động đến sự hình thành đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954-1975)

Thứ hai - 31/05/2021 04:22

Tác giả bài viết: ThS. Trần Thị Thu Hương - Khoa Xây dựng Đảng

Một số yếu tố tác động đến sự hình thành đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954-1975)
     Từ sau Chiến tranh thế giới II, chủ nghĩa xã hội (CNXH) trở thành một xu thế phát triển trên thế giới. Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới do Liên Xô đứng đầu đã “trở thành một khối thống nhất và hùng mạnh bao gồm 12 nước, với 1.000 triệu dân, tức là hơn một phần ba dân số, chiếm gần một phần tư đất đai toàn thế giới”[1].
     Từ năm 1950, Liên Xô đã đứng đầu châu Âu và đứng thứ hai thế giới về sản lượng điện; trong khoa học-kĩ thuật, Liên Xô là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất điện nguyên tử và sau đó phóng thành công vệ tinh nhân tạo lên vũ trụ ... Thu nhập quốc dân từ năm 1940 đến năm 1950 tăng 64%.  Sự lớn mạnh của Liên Xô về kinh tế và quốc phòng đã làm tăng vị thế của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) trên thế giới. Các nước XHCN được sự giúp đỡ của Liên Xô tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Năm 1955, công nghiệp Ba Lan tăng gấp 4 lần trước chiến tranh, trong đó, có nhiều ngành công nghiệp mới ra đời. Năm 1956, Cộng hoà Dân chủ Đức thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai, trờ thành nước đứng đầu châu Âu về sản lượng điện, đứng thứ hai thế giới về sản lượng hóa chất theo đầu người. Đồng thời, các nước XHCN Đông Âu đều hoàn thành công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp và bước vào xây dựng CNXH với quy mô lớn. Ở châu Á, năm 1957, Trung Quốc hoàn thành kế hoạch 5 năm (1953-1957) với nhiều kết qủa mới trong phát triển kinh tế-xã hội. Thành tựu đó chứng minh tính ưu việt của mô hình XHCN và cách thức xây dựng CNXH mà Liên Xô cùng các nước phát triển XHCN đi trước thực hiện, là mẫu hình để các nước XHCN đi sau, trong đó có Việt Nam, tin tưởng, học tập.
     Tháng 11-1957, Hội nghị đại biểu 64 đảng cộng sản và công nhân được tổ chức tại Matxcơva. Hội nghị đã tổng kết công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô, thừa nhận sự đa dạng các hình thức quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH, khả năng thực hiện cách mạng XHCN bằng con đường hòa bình và giành chính quyền không cần nội chiến. Tuy nhiên, Hội nghị nhấn mạnh cho dù hình thức cải tạo và xây dựng CNXH ở các nước khác nhau nhưng đều tuân theo quy luật chung trên cơ sở kinh nghiệm của cách mạng Liên Xô, đó là: “Sự lãnh đạo của giai cấp công nhân mà hạt nhân là Đảng mác-xít đối với quần chúng lao động trong sự tiến hành cuộc cách mạng vô sản dưới hình thức này hay hình thức khác và trong sự kiến lập nền chuyên chính vô sản dưới hình thức này hay hình thức khác; sự liên minh của giai cấp công nhân với quần chúng cơ bản trong nông dân và các tầng lớp lao động khác; sự thủ tiêu chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa và kiến lập chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất cơ bản; sự cải tạo dần dần nền nông nghiệp theo chủ nghĩa xã hội; sự phát triển nền kinh tế quốc dân một cách có kế hoạch, hướng vào chỗ xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, nâng cao mức sống của những người lao động, thực hiện cách mạng xã hội trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa và đào tạo tầng lớp trí thức đông đảo trung thành với giai cấp công nhân; xóa bỏ sự áp bức dân tộc và xây dựng bình đẳng và tình hữu nghị anh em giữa các dân tộc; bảo vệ những thành quả của chủ nghĩa xã hội, chống sự phá hoại của kẻ thù bên ngoài và bên trong; sự đoàn kết của giai cấp công nhân nước này với giai cấp công nhân của tất cả các nước khác tức là chủ nghĩa quốc tế vô sản”[2]. Đó chính là những quy luật phổ biến của công cuộc cách mạng XHCN và xây dựng CNXH chung cho các nước.
     Trong bản Tuyên bố chung của Hội nghị cũng nêu rõ: “Các nước xã hội chủ nghĩa đều tập hợp trong khối liên minh thống nhất vì cùng chung một con đường đi tới chủ nghĩa xã hội, cùng chung một tính chất giai cấp của chế độ xã hội, kinh tế và chính quyền nhà nước, vì yêu cầu ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau, vì sự cùng chung những lợi ích và mục đích trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc giành thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, vì tất cả đều cùng chung nhau một hệ thống tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin”[3]. Tiếp đó, Hội nghị đại biểu các đảng cộng sản và công nhân năm 1960 tiếp tục ra Tuyên ngôn 10 quy luật xây dựng CNXH, trong đó, nhấn mạnh: Nội dung chủ yếu của thời đại là sự quá độ từ CNTB lên CNXH; các đảng cộng sản và công nhân các nước XHCN coi nghĩa vụ quốc tế của mình là giải quyết trong một thời gian ngắn nhất nhiệm vụ lịch sử là vượt hệ thống CNTB về sản lượng tuyệt đối của công nghiệp và nông nghiệp, vượt tất cả các nước TBCN có nền kinh tế phát triển nhất về sản lượng tính theo đầu người và về mức sống. Hội nghị khẳng định: Kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Liên Xô trong công cuộc xây dựng CNXH và CNCS có ý nghĩa nguyên tắc đối với toàn bộ phong trào cộng sản quốc tế. Qua mô hình xây dựng CNXH ở Liên Xô và các nước XHCN đi trước cho thấy, mặc dù hình thức cải tạo và xây dựng CNXH ở mỗi nước có khác nhau nhưng đều tuân theo quy luật chung:
     Thứ nhất, cách mạng do giai cấp công nhân mà đội tiên phong là đảng cộng sản lãnh đạo, trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân với nông dân và các tầng lóp lao động khác.
     Thứ hai, các nước đều tiến hành xây dựng chế độ sở hữu công cộng đối với phương tiện sản xuất chủ yếu, dưới hình thức sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, kế hoạch hóa nền kinh tế. Phương thức tiến hành là công nghiệp hóa và tập thể hóa nông trường quốc doanh và nông trường tập thể.
     Thứ ba, tiến hành đồng thời cuộc cách mạng trên các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.
     Như vậy, những nguyên tắc chung về xây dựng CNXH được đề ra tại hai Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân quốc tế, năm 1957 và năm 1960, trở thành kim chỉ nam, vạch đường lối cho cách mạng XHCN ở các nước trong đó có Việt Nam.
     Đầu năm 1950, sau khi được các nước XHCN công nhận và đặt quan hệ ngoại  giao, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức trở thành thành viên của hệ thống XHCN thế giới. Việt Nam là nước đứng vào hệ thống XHCN muộn hơn, đặc biệt, bắt đầu xây dựng CNXH chỉ trên một nửa đất nước. Từ xuất phát điểm đó, Đảng Lao động Vỉệt Nam đã khẳng định: “Đối với nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, thì sự giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa là một sự cần thiết không thể thiếu được, là một nhân tố rất quan trọng”[4]. Đồng thời, Đảng Lao động Việt Nam cũng nhận thức rõ: “Cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng triệt để nhất... Để giành thắng lợi cho sự nghiệp lớn lao đó, chúng ta phải nắm vững những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác- Lênin về cách mạng xã hội chủ nghĩa, phải học tập những kinh nghiệp quý báu của các nước anh em, đồng thời phải khéo vận dụng những nguyên lý và kinh nghiệm ấy vào điều kiện cụ thể nước ta, tìm ra những hình thức, phương pháp, bước đi, tốc độ thích hợp với đặc điểm nước ta” [5].
      Về việc thực hiện những nguyên tắc chung xây dựng CNXH theo Tuyên bố năm 1957, Đảng Lao động Việt Nam khẳng định: “Sự phát triển của tình hình thế giới ngày càng chứng tỏ những luận điểm nêu trong Tuyên bố và Bản Tuyên ngôn hòa bình Matxcơva năm 1957 là hoàn toàn đúng đắn”[6]. 
        CN nha may Det o HN 1967
        Công nhân làm việc trong nhà máy dệt tại Hà Nội năm 1967 (ảnh: Tư liệu)

     Tháng 9-1960, tại Đại hội III, Đảng đề ra đường lối chiến lược chung của cách mạng Việt Nam. Dựa trên những nguyên tắc chung về hình thức, phương pháp, bước đi theo kinh nghiệm của Liên Xô và các nước XHCN đi trước, Đảng chính thức hoạch định đường lối cách mạng XHCN, lãnh đạo miền Bắc bỏ qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản (CNTB) đi lên xây dựng CNXH; trong đó, xác định rõ tính chất và mục tiêu của cách mạng XHCN: “Là một cuộc cách mạng triệt để nhất và sâu sắc nhất trong lịch sử loài người. Nó xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, xóa bỏ bóc lột và giai cấp bóc lột, thực hiện công hữu về tư liệu sản xuất, mở đường cho sức sản xuất từ trình độ lạc hậu tiến lên trình độ hiện đại... Nó không những là một cuộc cách mạng triệt để về kinh tế, chính trị, mà còn là một cuộc cách mạng triệt để về tư tưởng, văn hóa và kỹ thuật”[7].
     “Công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc phải là một quá trình cải biến cách mạng về mọi mặt nhằm đưa miền Bắc từ nền kinh tế chủ yếu dựa trên sở hữu cá thể về tư liệu sản xuất tiến lên nền kinh tế xã hội chủ nghĩa dựa trên sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, từ chế độ sản xuất nhỏ tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, từ tình trạng kinh tế rời rạc và lạc hậu, xây dựng thành một nền kinh tế cân đối và hiện đại, làm cho miền Bắc tiến bộ mau chóng, thành cơ sở ngày càng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà” [8]. Đảng nhận thức rõ cuộc cách mạng XHCN ở miền Bắc phải trải qua thời kỳ quá độ. Nhiệm vụ đặt ra cho thời kỳ quá độ là: Phá bỏ quan hệ sản xuất TBCN, biến các tư liệu sản xuất trong tay tư bản thành của cải của xã hội. Cải tạo XHCN ở nông thôn, biến kinh tế cá thể thành kinh tế tập thể, kinh tế sản xuất nhỏ thành kinh tế sản xuất lớn. Xây dựng thành phần kinh tế XHCN lớn mạnh, đóng vai trò chủ đạo trong việc cải tạo XHCN của nền kinh tế quốc dân. Sau khi hoàn thành cải cách dân chủ, cải tạo XHCN, sẽ tiến hành công cuộc xây dựng CNXH, theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa XHCN, trong đó, ngành công nghiệp nặng được ưu tiên hàng đầu. Quan hệ sản xuất được xác lập dựa trên chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất, với hai hlnh thức sở hữu nhà nước và tập thể. Cùng với tiến hành cách mạng XHCN trên lĩnh vực kinh tế, cách mạng XHCN được tiến hành đồng thời trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa.
     Có thể khẳng định, hệ thống XHCN đã tác động lớn đến quá trình nhận thức và hình thành đường lối cách mạng XHCN của Đảng để lãnh đạo xây dựng CNXH ở miền Bắc Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, Đảng đã trung thành theo những nguyên tắc chung về xây dựng CNXH của hệ thống XHCN, vận dụng vào quá trình chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, đã tạo được những thành tựu cơ bản trong bước đầu xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc trở thành hậu phương lớn chi viện cho miền Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
       Tuy nhiên, nguyên tắc chung xây dựng CNXH của hệ thống XHCN sớm bộc lộ tính quan liêu, khi kinh nghiệm của một nước là Liên Xô để khái quát thành nguyên tắc chung. Trong khi đó, mô hình và cách thức xây dựng CNXH của Liên  Xô và các nước đi trước trên thực tế ngay trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những khuyết tật, hạn chế:
     Thứ nhất, coi tính ưu việt của CNXH là chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất, dưới hình thức sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, kế hoạch hóa nền kinh tế; chứ không phải ở năng suất lao động và chú trọng đời sống nhân dân. Hạn chế đó ảnh hưởng rõ đến đường lối xây dựng CNXH ở Việt Nam. Từ nền kinh tế nhiều thành phần sau khi miền Bắc được giải phóng, trong 3 năm 1958-1960, miền Bắc tiến hành cải tạo XHCN, xác lập chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất chủ yếu, hình thành lên hình thức sở hữu nhà nước và tập thể. Điều đó, ngay từ đầu đã làm mất đi động lực của nền kinh tế quốc dân.
     Thứ hai, bộc lộ rõ mâu thuẫn về tính phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, đó là xây dựng quan hệ sản xuất XHCN đi trước một bước lực lượng sản xuất XHCN. Điều đó khi vận dụng vào điều kiện phát triển lực lượng sản xuất của miền Bắc đã sớm bộc lộ hạn chế, bởi xuất phát điểm của miền Bắc đi lên xây dựng CNXH rất thấp, từ một nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, lại chịu hậu quả nặng nề do chiến tranh tàn phá.
     Thứ ba, tư tưởng xây dựng CNXH thể hiện tư duy nóng vội, nhanh chng bước qua thời kỳ quá độ lên CNXH để tiển nhanh đến CNCS. Đại hội XIV Đảng Bônsêvích Nga (12-1925) đề ra chủ trương công nghiệp hóa, mục tiêu phấn đấu trong một thời gian ngắn nhất phải trở thành cường quổc công nghiệp tiên tiến, đuổi kịp và vượt các nước TBCN. Đại hội lần thứ XX (1956), Đảng Cộng sản Liên Xô, dự kiến mục tiêu đến đầu thập niên 70 (thế kỷ XX) sẽ hoàn thành xây dựng CNCS, đảm bảo con người làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu.
     Những hạn chế của mô hình CNXH đó đã tác động, ảnh hưởng rõ đến đường lối và công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Đại hội III (9-1960) của Đảng xác định đường lối chung của miền Bắc trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH là: “...đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà” [9]. Thực hiện công nghiệp hóa XHCN bằng cách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách họp lý, đồng thời, ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Thực tế cho thấy, miền Bắc không đủ điều kiện về cơ sở vật chât, kỹ thuật, nhân lực để có thể tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH được. Trong khi đó, thời kỳ quá độ lên CNXH phải trải nhiều giai đoạn với những mục tiêu và nhiệm vụ khác nhau. Việc xóa bỏ các thành phần kinh tế gắn với kinh tế tư nhân không phù họp. Việc ưu tiên cho phát triển công nghiệp nặng cũng không hợp lý trong khi chúng ta phải tích lũy và nâng cao mức sống của nhân dân.
     Có thể nói, đường lối lãnh đạo miền Bắc xây dựng CNXH trên cơ sở vận dụng những nguyên tắc chung của hệ thống XHCN thể hiện ở tính chủ quan, duy ý chí, nóng vội; những nguyên tắc cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhất là những vấn đề có tính quy luật của quá trình tiến từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, nói chung chưa được nhận thức một cách sâu sắc... trong quản lý kinh tế là lối quản lý quan liêu, hành chính, xem nhẹ hiệu quả, năng suất và chất lượng....
     Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã từng bước nhận thức được những hạn chế, khuyết tật của mô hình CNXH, từ đó từng bước điều chỉnh, đưa đến đổi mới mô hình và phương thức xây dựng CNXH trên đất nước Việt Nam như hiện nay./.

Tài liệu tham khảo
[1], [4], [5], [6], [7], [11], [9]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, Tập 21, trang 612, 613,528-535, 938,529,531,558-559.
[2], [3]. Bùi Công Trừng, Miền Bắc Việt Nam trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, trang 191-192.



 

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây