Nâng cao chất lượng nắm bắt tư tưởng, dư luận trong cán bộ, Đảng viên tại chi bộ lý luận cơ sở

Thứ ba - 27/12/2022 08:00

Tác giả bài viết: Ths. Lê Thị Minh Phượng - Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

      Nắm bắt, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội là một nội dung trọng yếu trong công tác tư tưởng của Đảng, có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, các thế lực thù địch tăng cường thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng. Do đó, từ các tổ chức cơ sở đảng cần phải làm tốt công tác nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
      1. Những nhận thức lý luận về vấn đề nắm bắt tư tưởng, dư luận trong cán bộ, đảng viên
Tư tưởng hiểu theo nghĩa chung nhất là một hình thức tồn tại của ý thức xã hội, kết quả của quá trình nhận thức hiện thực khách quan, trở thành kinh nghiệm và sự hiểu biết trong tâm trí mỗi con người.
      Tư tưởng là sản phẩm chủ quan của con người nhưng tư tưởng của mỗi con người lại phụ thuộc chặt chẽ vào đối tượng phản ánh và trình độ nhận thức của họ. Tư tưởng tồn tại như một thực tế khách quan, gắn liền với hoạt động của con người, trở thành một trong những yếu tố chi phối hành động của con người.
      Dư luận hay dư luận xã hội là ý kiến công khai của cá nhân, nhóm người, là một hiện tượng tâm lý xã hội khá phổ biến trong đời sống xã hội; hiện tượng xã hội thuộc đời sống tinh thần đó là các ý kiến đánh giá, biểu thị quan điểm, thái độ và định hướng hành động của các nhóm người về những sự kiện xảy ra trong xã hội có liên quan đến lợi ích chung.
      Nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội là một nội dung quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng và của hệ thống chính trị các cấp nhằm nắm bắt kịp thời, chính xác tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để phản ánh kịp thời, trung thực và đầy đủ nhất nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, điều hành của chính quyền các cấp.
      Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo đến công tác tư tưởng, Người khẳng định: "Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm"[1], "tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất thì nhiệm vụ tuy nặng nề, công việc tuy khó khăn phức tạp, ta cũng nhất định thắng lợi"[2], "giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng"[3].
      Thực tế cho thấy, ở một số tổ chức đảng hiện nay nhiệm vụ này có lúc còn chưa được chú trọng; có cán bộ, đảng viên tư tưởng chưa thực sự kiên định, thậm chí dao động trước các thông tin xấu, độc, dẫn đến nhận thức, hành động sai lệch, không chuẩn mực…
Thường thì biểu hiện về quan điểm, tư tưởng của đảng viên không thể bộc phát trong phút chốc mà được biểu hiện qua nhiều hình thức, nhiều giai đoạn. Chẳng hạn, đảng viên có thể không bằng lòng với một quyết định nào đó của cấp ủy, của chi bộ, đã có phản ứng nhưng chỉ được xem đơn thuần là một hình thức biểu hiện thái độ mà không được đả thông, giải tỏa, dẫn đến sự xa cách, mất lòng tin đối với cấp ủy và chi bộ của mình, nguy hiểm hơn có thể nâng dần thành sự mất lòng tin với tổ chức Đảng, đảng viên...
      Các vấn đề về tư tưởng của mỗi đảng viên thường liên quan đến các yếu tố sau:
      Thứ nhất, quyền lợi của đảng viên. Các yếu tố về quyền lợi bao gồm lợi ích vật chất và liên quan đến vật chất (chế độ đãi ngộ, đề bạt, chế độ chính sách, lương, thưởng…), lợi ích phi vật chất (sự tôn trọng, sự quan tâm, sự giúp đỡ, động viên…). Với những dư luận, tâm trạng, phản ứng của đảng viên, cấp ủy, chi bộ cần lắng nghe một cách thấu đáo và giải quyết một cách cầu thị.
      Thứ hai, các vấn đề của nội bộ tổ chức đảng, của cơ quan, đơn vị. Có thể có hiện tượng “bằng mặt mà không bằng lòng” mà nếu thiếu đào sâu tìm hiểu, cấp ủy, lãnh đạo có thể bỏ qua các dấu hiệu bất ổn và không kịp thời điều chỉnh, xử lý.
      Thứ ba, sự “lây lan” trước các thông tin, biểu hiện thiếu lành mạnh. Có khi, các thông tin, vấn đề không tích cực, lành mạnh chỉ xuất hiện và tồn tại ở một vài cán bộ, đảng viên, nhân viên nhưng do không kịp thời phát hiện, điều chỉnh, xử lý nên làm lây lan sang một số người khác hoặc lan từ chuyện này sang chuyện kia, làm người tích cực bị trở nên bị dao động, thiếu tích cực, làm chuyện đúng cũng bị hiểu thành sai…
      Thứ tư, bị ảnh hưởng bởi các thông tin sai trái, xuyên tạc. Trên thực tế, do nhận thức, trình độ, góc nhìn, bản lĩnh… mà không phải đảng viên nào cũng có thể có “bộ lọc” hữu hiệu khi tiếp nhận các thông tin sai trái đó. Vì vậy, có đảng viên tỏ ra băn khoăn, từ đó nếu không được kịp thời làm công tác tư tưởng thì dẫn đến dao động, mất lòng tin… và đi đến các biểu hiện suy thoái khác.
      2. Thực trạng công tác nắm bắt tư tưởng, dư luận trong cán bộ, đảng viên tại Chi bộ Lý luận cơ sở
      Chi bộ đã làm tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, các đảng viên trong Chi bộ có lập trường tư tưởng vững vàng, chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc, xuyên tạc sự thật, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu tạo nên sự đoàn kết, thống nhất hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
      Về công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, Chi bộ thường xuyên phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến toàn thể đảng viên trong Chi bộ, thông tin thời sự trong nước, quốc tế, địa phương, các văn bản của Đảng, Nhà nước và cấp ủy các cấp; các tài liệu tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng đất nước….
      Chi bộ thường xuyên nắm bắt tư tưởng của các đảng viên, giảng viên trong Chi bộ, Khoa để kịp thời nhắc nhở, chia sẻ và tháo gỡ những vướng mắc trong suy nghĩ và hành động của mỗi đảng viên, giúp các đảng viên trong Chi bộ thực hiện đúng các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
      Chi bộ luôn coi trọng công tác xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, rèn luyện đảng viên, quán triệt thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của đảng viên, chỉ đạo kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng trong công tác chuyên môn, phân công công việc cho các đảng viên một cách phù hợp.
      Ngoài ra, Chi bộ thực hiện việc kiểm tra, giám sát đảng viên trong hành động và phát ngôn nhằm ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; lãnh đạo, quản lý đội ngũ đảng viên, giảng viên giữ nghiêm kỷ luật, chấp hành tốt nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, giữ mối quan hệ trong công tác giữa các Khoa, Phòng, thực hiện nếp sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh, trật tự cơ quan; xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ...
      Nhìn chung, với đội ngũ đảng viên đều là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, có nhận thức, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, do đó, trong Chi bộ không xảy ra các biểu hiện suy thoái tư tưởng, những hành động, những dư luận xấu, các đảng viên luôn tỉnh táo và có thái độ đúng đắn trước những luồng thông tin sai trái trên mạng xã hội cũng như trong đời sống.
      3. Giải pháp tăng cường công tác nắm bắt tư tưởng, dư luận trong cán bộ, đảng viên Chi bộ Lý luận cơ sở hiện nay
      Một là, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, trước hết là của người đứng đầu và của mỗi cán bộ, đảng viên.
      Hai là, cung cấp thông tin đủ, đúng, kịp thời về tình hình giúp cho cán bộ, đảng viên “có đủ thông tin chính thống” để bàn luận, thống nhất nhận thức và hình thành thái độ đúng với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
      Ba là, cán bộ, đảng viên là người đứng đầu, lãnh đạo, quản lý phải tăng cường đối thoại, tiếp xúc với cán bộ, đảng viên lắng nghe tâm tư, kịp thời nắm bắt và giải quyết hoặc kiến nghị cấp trên giải quyết những nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đảng viên. Việc nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm trạng của đảng viên có thể bằng nhiều cách, như thông qua sinh hoạt tư tưởng trong mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, qua các đợt sinh hoạt chuyên môn hoặc trao đổi công tác, kể cả qua chuyện trò mang tính chất cá nhân, đồng chí, đồng nghiệp và cần được tiến hành thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ khi phát hiện có vấn đề.
      Bốn là, tăng cường công tác thông tin định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên nhất là thông tin về những vấn đề được dư luận quan tâm (quyền lợi, công tác cán bộ, chủ trương, chính sách, kế hoạch…) nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, tránh những ý kiến trái chiều.
      Nói tóm lại, tất cả cán bộ đảng viên trong Chi bộ cần nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, hình thành dư luận tốt, hoàn thành nhiệm vụ chung vì mục tiêu xây dựng Chi bộ và Đảng bộ ngày càng trong sạch vững mạnh.
 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.114
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.555
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.279

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây