Nâng cao nhận thức cho cấp ủy viên, đảng viên về nguyên tắc tập trung dân chủ

Thứ hai - 24/12/2018 01:46

Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Lương Thủy - Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Tư tưởng về xây dựng một đảng vô sản trên cơ sở của nguyên tắc tập trung dân chủ đã được C. Mác và Ph. Ăngghen đưa vào Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản. Kế thừa và phát triển tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen về cách tổ chức đảng của giai cấp công nhân trong điều kiện lịch sử mới, khi cách mạng vô sản đã trở thành nhiệm vụ trực tiếp, V.I. Lênin đã bảo vệ, luận chứng và áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ vào xây dựng và hoạt động của chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân.

  Tinh thần chủ yếu của nguyên tắc tập trung dân chủ là bảo đảm cho sự thống nhất về tư tưởng và chính trị của Đảng được củng cố bằng sự thống nhất về tổ chức. Nó làm cho Đảng được xây dựng thành một đội ngũ có kỷ luật chặt chẽ, có sức chiến đấu cao, phát huy được cao độ tính chủ động, năng động và sáng tạo của đông đảo cán bộ, đảng viên. Nó bảo đảm cho Đảng luôn luôn là một tổ chức chiến đấu, một tổ chức lãnh đạo, một tổ chức hành động mà không phải là một câu lạc bộ chỉ bàn cãi suông. Nó quy định mối quan hệ của đảng viên với tổ chức đảng, giữa các tổ chức đảng từ dưới lên trên, giữa một cấp ủy đảng với đại hội đại biểu hay đại hội đảng viên của cấp đó. Nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đạo mọi hoạt động xây dựng tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng chi phối các nguyên tắc tổ chức, hoạt động khác của Đảng.

      Tập trung dân chủ là nguyên tắc phân biệt chính đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân với các đảng phái khác. Nguyên tắc này đã được V.I. Lênin khẳng định để xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, phân biệt với các đảng cơ hội trong Quốc tế II hồi đầu thế kỷ XX. Thừa nhận và tổ chức, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ là một dấu hiệu, một điều kiện cơ bản bảo đảm cho một chính đảng đi theo và trung thành với những nguyên tắc của một đảng mácxít - lêninnít.

      Là một đảng cách mạng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đạo toàn bộ hoạt động xây dựng tổ chức và hoạt động của Đảng, vừa bảo đảm cho Đảng thống nhất ý chí và hành động, vừa phát huy dân chủ, tạo nên sức mạnh vô địch của Đảng. Nhờ được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng ta đã có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam thành công và ngày càng phát triển.

      Trong những năm đổi mới, vượt qua các khó khăn, thử thách, Đảng ta đã giữ vững và có nhiều tiến bộ trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Chế độ tập trung, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được giữ vững. Những quyết định lớn của Đảng đã được tổ chức thảo luận rộng rãi, lấy ý kiến của các tổ chức đảng và đảng viên từ cơ sở trở lên. Sinh hoạt của các cấp ủy và tố chức đảng được tiến hành dân chủ, cởi mở hơn. Việc bầu cử trong Đảng, cũng như trong phong cách lãnh đạo của Đảng có tiến bộ theo hướng dân chủ hơn. Công tác tổ chức và cán bộ, nhất là đánh giá tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, được tiến hành công khai, dân chủ. Việc xây dựng quy chế làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng được chú ý đổi mới cả về hình thức và nội dung. Trong quá trình hoạt động, đa số cấp ủy, tổ chức đảng đã bám sát quy chế làm việc, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy được vai trò của tập thể và trách nhiệm cá nhân. Tình trạng cục bộ, mất đoàn kết trong cán bộ được chấn chỉnh kịp thời hơn... Những tiến bộ và kết quả thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng tuy mới là bước đầu, nhưng đã góp phần quan trọng thúc đẩy công cuộc đổi mới.

      Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ vẫn còn có những khuyết điểm như: Còn có tình trạng cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên tùy tiện, thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật, không chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, báo cáo không trung thực. Một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ lãnh đạo thiếu tôn trọng và phát huy quyền của đảng viên, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới; cán bộ lãnh đạo ở một số nơi gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức. “Vẫn có tình trạng một số cấp ủy viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa thật sự tôn trọng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc. Còn tình trạng dân chủ hình thức, thống nhất một chiều, thiếu sự tranh luận, thảo luận thấu đáo, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ ở một số nơi. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trên thực tế ở nhiều nơi còn hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi có sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm..”[1].

      Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến khuyết điểm nêu trên, là do một số cấp ủy viên, đảng viên chưa có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực tế hiện nay cho thấy, có một số cấp ủy viên, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về tính tất yếu phải thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, về bản chất, nội dung của nguyên tắc này, đặc biệt là không nắm được những nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định tại Điều 9 của Điều lệ Đảng, không nhớ rõ là đảng viên thì có những nhiệm vụ và quyền gì, dù trước khi được kết nạp vào Đảng đã được học Điều lệ Đảng. Từ đó dẫn đến tình trạng cấp ủy viên, đảng viên vi phạm nguyên tắc này hoặc không thấy rõ được sự vi phạm nguyên tắc này của cấp ủy viên, đảng viên khác để kịp thời khắc phục.

      Xuất phát từ nguyên nhân đó, trong thời gian tới, để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, đòi hỏi phải nâng cao nhận thức cho cấp ủy viên, đảng viên về nguyên tắc tập trung dân chủ. Vì điều kiện tiên quyết bảo đảm cho việc thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ là mọi cấp ủy, đảng viên phải có nhận thức đúng, sâu sắc về bản chất, nội dung nguyên tắc, thấy được tính tất yếu phải thực hiện nguyên tắc, từ đó nêu cao ý thức tự giác thực hiện đúng, đầy đủ nguyên tắc. Đặc biệt, phải nhận thức rõ tập trung dân chủ là một nguyên tắc thống nhất, không tách rời giữa tập trung và dân chủ. Tập trung trên cơ sở dân chủ và dân chủ dưới sự chỉ đạo của tập trung. Tập trung càng cao thì dân chủ càng phải mở rộng và dân chủ càng mở rộng thì tập trung càng cao. Tuyệt đối hóa, nhấn mạnh một yếu tố nào đều không đúng, trái với bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.

      Nâng cao nhận thức cho cấp ủy viên, đảng viên về nguyên tắc tập trung dân chủ là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trong đó trực tiếp là cấp ủy cơ sở. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục cho cấp ủy viên, đảng viên về nguyên tắc này thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, về nghiệp vụ công tác của bí thư chi bộ và cấp ủy viên ở cơ sở...; cấp ủy cơ sở cần tăng cường việc tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức nguyên tắc tập trung dân chủ cho cấp ủy viên, đảng viên thông qua sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ. Gắn với đó, phải thường xuyên kiểm tra nhận thức và đánh giá việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của cấp ủy viên, đảng viên./.

                         


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII , VPTW Đảng, H.2016, tr.335

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây