Nghị quyết 15 của Đảng đối với cách mạng miền Nam

Thứ ba - 21/04/2020 23:10

Tác giả bài viết: ThS. Ngô Thị Thuý Mai

Nguồn tin: Khoa xây dựng Đảng

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi, song sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước vẫn chưa hoàn thành. Miền Bắc được giải phóng, miền Nam vẫn còn dưới ách thống trị của đế quốc thực dân. Đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền.

 Lợi dụng sự thất bại và khó khăn của thực dân Pháp ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ muốn thay chân Pháp biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, làm bàn đạp tấn công miền Bắc, ngăn chặn làn sóng đấu tranh cách mạng ở khu vực Đông Nam Á. Sau khi dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, chúng liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, bình định miền Nam với chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, “đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật”, ra đạo luật 10/59, thực hiện khẩu hiệu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, thẳng tay đàn áp các phong trào đấu tranh của nhân dân ta. “Chỉ trong 4 năm (từ 1955-1958), ở Nam Bộ chỉ còn khoảng 5.000 so với 60.000 đảng viên trước đó. Ở đồng bằng Liên khu V, có khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi ủy viên bị địch giết hại, 12 huyện không còn cơ sở đảng”[1]. Chế độ thống trị của Mỹ-Diệm ở miền Nam lúc bấy giờ là một chế độ độc tài, hiếu chiến. Chúng ngang nhiên phá hoại Hiệp định Giơnevơ, mưu tính chia cắt lâu dài nước ta. Đứng trước những diễn biến phức tạp đó, lịch sử đặt ra cho Đảng Lao động Việt Nam một yêu bức thiết là phải vạch ra đường lối chiến lược đúng đắn để đưa cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi.

         Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (7/1954) nhận định: “Hiện nay, đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương. Cho nên, mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ”.[2] Từ đó, Đảng ta chỉ đạo “phải tích cực xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng cách mạng thì mới có thể có điều kiện nắm lấy thời cơ thuận lợi và giành lấy thắng lợi cuối cùng”[3]. Trải qua nhiều hội nghị, chủ trương của Đảng về chiến lược cách mạng giải phóng miền Nam từng bước được hình thành.

         Trong tình hình mới, nhiệm vụ của Đảng đối với cách mạng miền Nam là “lãnh đạo nhân dân đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình, thực hiện tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất và tranh thủ độc lập. Đồng thời, phải lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống những hành động khủng bố, đàn áp, phá cơ sở của ta, bắt bớ cán bộ ta và quần chúng cách mạng; chống những hành động tiến công của địch”[4]. Mục đích của cách mạng miền Nam “là phải đánh đổ chính quyền Mỹ-Diệm, thực hiện một chính quyền liên hiệp dân chủ có tính chất dân tộc, độc lập để giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách đế quốc”[5]. Trước yêu cầu đó, tháng 10/1954, Xứ ủy Nam Bộ được thành lập do đồng chí Lê Duẩn - Ủy viên Bộ Chính trị làm Bí thư. Tháng 12/1956, đường lối cách mạng miền Nam được thông qua, trong đó khẳng định “để chống Mỹ-Diệm, nhân dân miền Nam chỉ có con đường cứu nước và tự cứu mình là con đường cách mạng ngoài con đường cách mạng không có con đường nào khác”[6]. Hội nghị lần thứ mười ba Ban Chấp hành Trung ương khóa II (12/1957) nhấn mạnh “khi ta đồng thời chấp hành hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hai nhiệm cách mạng nói trên đều quan trọng, coi nhẹ nhiệm vụ nào cũng đều sai lầm”[7].

         Trên cơ sở nhận định tình hình miền Nam dưới chế độ Mỹ-Diệm, Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười lăm của Đảng (01/1959) đã vạch rõ: Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”[8]. Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là con đường lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp đấu tranh chính trị và vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, thành lập một chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam. Hội nghị nhận định “đế quốc Mỹ là đế quốc hiếu chiến nhất, cho nên trong những điều kiện nào đó, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ... và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”[9]. Nghị quyết nêu rõ cần tăng cường công tác mặt trận để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố, xây dựng Đảng bộ miền Nam vững mạnh đủ sức lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi.

         Sự ra đời của Nghị quyết 15 có ý nghĩa vô cùng to lớn, đáp ứng đúng yêu cầu của lịch sử, mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên. Nghị quyết 15 chính là ngọn lửa châm ngòi cho phong trào “Đồng khởi” trên quy mô lớn tại các tỉnh Nam Bộ và Khu V nhất tề đứng lên. Tiêu biểu như cuộc khởi nghĩa ở Bắc Ái (2/1959), Trà Bồng (8/1959), Tua Hai (1/1960), đặc biệt là phong trào nổi dậy ở tỉnh Bến Tre. Phong trào “Đồng khởi” như tức nước vỡ bờ lan nhanh ra khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và Trung Trung Bộ. Đến cuối năm 1960, về cơ bản cách mạng đã làm tan rã trên 2/3 bộ máy chính quyền địch ở nông thôn, “làm chủ được 600 trong tổng số 1298 xã, trong đó có 116 xã được hoàn toàn giải phóng. Ở các tỉnh đồng bằng ven biển Trung Bộ, có 904 trong tổng số 3829 thôn được giải phóng. Tây Nguyên có tới 3200 trong tổng số 5721 thôn không còn chính quyền ngụy”[10]. Dưới sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng cùng với thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng. Công tác xây dựng đảng, phát triển đảng viên được đẩy mạnh. Hàng nghìn chi bộ được khôi phục, phát triển ở tất cả các đảng bộ miền Tây, miền Trung và miền Đông Nam Bộ. Số lượng đảng viên tăng nhanh từ 7.641 đảng viên (cuối năm 1959) đã tăng lên 12.946 đảng viên (cuối năm 1960). Sự khôi phục nhanh chóng của các tổ chức cơ sở đảng đã tạo chuyển biến mạnh mẽ và động lực quan trọng cho các lực lượng chính trị, vũ trang miền Nam phát triển. “Ở miền Đông Nam Bộ, đã xây dựng được 40 trung đội tập trung và 60 đội tự vệ vũ trang; miền Trung Nam Bộ có 36 trung đội và 68 đội tự vệ xã; miền Tây Nam Bộ xây dựng được 37 trung đội và 150 đội tự vệ xã”[11]. Có thể thấy, phong trào “Đồng khởi” đã giáng đòn chí tử vào chế độ Mỹ-Diệm, đẩy chúng rơi vào tình thế bị động lúng túng, buộc phải thay đổi chiến lược đối phó với cách mạng miền Nam. Phong trào “Đồng khởi” thắng lợi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Từ trong khí thế đó, ngày 20/12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, góp phần quy tụ, phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc.

         Thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” chính là “biểu hiện cụ thể, sinh động của sự vận dụng sáng tạo Nghị quyết 15 vào thực tiễn đấu tranh của các cấp ủy Đảng và nhân dân miền Nam (…) đưa cách mạng thoát khỏi thế hiểm nghèo, mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, tạo tiền đề quan trọng cho quân và dân ta đánh bại các chiến lược quân sự của Mỹ trong những năm tiếp theo của cuộc kháng chiến”[12] góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 


[1] Lê Mậu Hãn (Chủ biên), Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư, Đại cương Lịch sử Việt Nam, Tập III, Nxb Giáo dục, H.2007, tr.159-160

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, h.2001. tr.172

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002. tr.82-83

[4] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H.2006, tr.205

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 17, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002. tr.787

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 17, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002. tr.785

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 18, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002. tr.771-772

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002. tr.81

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002. tr.85

[10] Đinh Xuân Lâm (Chủ biên), Nguyễn Xuân Minh, Trần Bá Đệ, Lịch sử 12, Nxb Giáo dục, H.2006, tr.131

[11] Phong trào Đồng khởi-50 năm nhìn lại, Nxb Chính trị quốc gia, H.2010, tr.52

[12] Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phong trào Đồng khởi miền Nam 1960-Bước ngoặt chiến lược của cuộc kháng chiến chống mỹ, cứu nước, Tạp chí  Lịch sử Đảng, số 350 (1/2020), tr.11

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây