Những lợi ích kinh tế quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

Thứ bảy - 23/06/2018 03:01

Tác giả bài viết: Bùi Phụ

Nguồn tin: Khoa Lý luận Cơ bản

Chặng đường hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam từ 1986 đến nay là một quá trình đồng hành đầy thử thách, khó khăn. Những thành công đạt được có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề và động lực để Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn

Hội nhập quốc tế là một quá trình phát triển tất yếu, do bản chất xã hội của lao động và quan hệ giữa con người với nhau. Ngày nay, quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng nhanh hơn, mạnh hơn dưới sự tác động của nhiều nhân tố, trong đó kinh tế thị trường và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ là động lực hàng đầu. Hội nhập quốc tế đã, đang là một xu thế lớn của thế giới hiện đại, tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia.


     Hội nhập quốc tế có thể diễn ra trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội (chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh - quốc phòng...) hoặc diễn ra trên cùng nhiều lĩnh vực với tính chất, phạm vi, hình thức khác nhau. Chủ thể chính của hội nhập quốc tế là các quốc gia có đủ năng lực và thẩm quyền đàm phán, ký kết và thực hiện các cam kết quốc tế khi đã ký tham gia. Hội nhập quốc tế là một xu thế lớn, tất yếu và là đặc trưng quan trọng của thế giới hiện nay. Hội nhập quốc tế đem tới cho các quốc gia không chỉ những lợi ích về mọi mặt, mà còn đặt các quốc gia trước những thách thức, bất lợi. Song, con đường phát triển không thể nào khác đối với các nước trong thời đại toàn cầu hóa là tham gia hội nhập quốc tế.

     Nội dung của hội nhập là mở rộng thị trường cho nhau, vì vậy khi Việt nam gia nhập các tổ chức quốc tế sẽ mở rộng quan hệ bạn hàng. Cùng với việc được hưởng nhiều ưu đãi về thuế qua, xóa bỏ hàng rào phi thuế quan và các chế độ đãi ngộ khác đã tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường thế giới. Chỉ tính trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên tăng đáng kể. Kim ngạch xuất nhập khẩu VN-ASEAN tăng trung bình 15,3% hàng năm. Khi xuất khẩu tăng kéo theo số lượng việc làm được tạo ra sẽ nhiều hơn. Như vậy sẽ có tác động tốt, tạo ra nhiều việc làm cũng như tăng thu nhập của người lao động. 

apec

     Hội nhập kinh tế quốc tế cũng góp phần tăng thu hút đầu tư nước ngoài, viện trợ phát triển chính thức và giải quyết vấn đề nợ quốc tế. 

     Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI): Tham gia hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội để thị trường nước ta mở rộng điều này sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư. Họ sẽ mang vốn và công nghệ vào nước ta sử dụng lao động và tài nguyên sẵn có của nước ta ra làm sản phẩm tiêu thụ trên thị trường khu vực và thế giới với các ưu đãi mà nước ta có cơ hội mở rộng thị trường, kéo theo cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước huy động và sử dụng vốn có hiệu quả.

     Viện trợ phát triển (ODA): Tiến hành bình thường hóa các quan hệ tài chính của Việt Nam, các nước tài trợ và các chủ thể tài chính tiền tệ được tháo gỡ từ năm 1992 đã đem lại những kết quả đáng khích lệ góp phần quan trọng trong việc nâng cấp và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng…

      Hội nhập kinh tế quốc tế cũng góp phần giải quyết tốt vấn đề nợ của Việt Nam: trong những năm vừa qua nhờ phát triển tốt mối quan hệ đối ngoại song phương và đa phương các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam trước đây được giải quyết thông qua câu lạc bộ Paris, London và đàm phám song phương. Điều đó góp phần ổn định cán cân thu chi ngân sách tập trung nguồn lực cho các chương trình phát triển kinh tế xã hội trong nước. 

     Tham gia hội nhập kinh tế quốc tế cũng tạo điều kiện cho chúng ta tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến, đào tạo cán bộ quản lý. Việt Nam gia nhập kinh tế quốc tế sẽ tranh thủ được kỹ thuật công nghệ tiên tiến của các nước đi trước để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho công cuộc xây dựng CNXH. Hội nhập kinh tế quốc tế là con đường khai thông thị trường nước ta với khu vực và thế giới, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn và có hiệu quả.

     Qua đó mà các kỹ thuật và công nghệ mới có điều kiện du nhập vào nước ta, đồng thời tạo cơ hội để chúng ta lựa chọn kỹ thuật công nghệ nước ngoài nhằm phát triển kỹ thuật công nghệ quốc gia. 

     Hội nhập kinh tế quốc tế cũng góp phần không nhỏ vào công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trong nhiều lĩnh vực. Phần lớn là cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, các nhà kinh doanh được đào tạo trong và ngoài nước.

      Hội nhập kinh tế quốc tế góp phần duy trì ổn định hòa bình, tạo dựng môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, các chính sách kinh tế, cơ chế quản lý ngày càng minh bạch hơn, nâng cao vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. Trước đây Việt Nam chủ yếu xây dựng mối quan hệ với Liên Xô và các nước Đông Âu. Hiện nay Việt Nam thiết lập mối quan hệ ngoại giao hầu hết với các nước trên thế giới, đồng thời cũng là thành viên của các tổ chức lớn trên thế giới như: ASEAN, WTO, APEC…Chính vì thế mà hệ thống chính trị trong nước ngày càng được ổn định, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tiến trình hội nhập của nước ta ngày càng sâu rộng thì càng đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh theo thông lệ quốc tế, thực hiện công khai, minh bạch các thiết chế quản lý làm cho môi trường kinh doanh của nước ta ngày càng được cải thiện; thúc đẩy tiến trình cải cách trong nước, bảo đảm cho tiến trình cải cách của nước ta đồng bộ hơn, có hiệu quả hơn tạo ra động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền ngày càng vững mạnh. 

     Như vậy, hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo điều kiện cho nguồn lực nước ta được khai thông, tăng cường giao lưu với các nước, đúng theo đường lối đối ngoại của Đảng đã xác định: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”. Thông qua hội nhập để xuất khẩu lao động, sử dụng lao động thông qua các hợp đồng gia công chế biến hàng xuất khẩu, đồng thời tạo cơ hội để nhập khẩu lao động kỹ thuật cao, các công nghệ mới và các sáng chế mà nước ta chưa có. Điều này cho thấy Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế không những mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực vốn, tăng năng lực cạnh tranh, mà còn tăng khả năng tích lũy vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tạo đều kiện để nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây