Phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Thứ năm - 24/10/2019 23:30

Tác giả bài viết: ThS. Phan Văn Sinh - Khoa lý luận cơ sở

Làng nghề là một hình thức sản xuất đặc thù ở khu vực nông thôn, chịu sự chi phối, ràng buộc với vùng nguyên liệu, tập quán sản xuất, các quan hệ xã hội, lợi thế so sánh với các nơi khác và truyền thống lâu đời của địa phương

Làng nghề không chỉ góp phần tạo việc làm lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo ra dấu ấn, bản sắc văn hóa cho mỗi làng quê thông qua các sản phẩm từ nghề được truyền từ đời này sang đời khác.

      Để chỉ đạo phát triển làng nghề hiệu hơn nữa Đề án mỗi làng một nghề được Chính phủ triển khai năm 2005 và Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, nhằm đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hoá gắn với phát triển nền kinh tế thị trường và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới trong nền kinh tế hội nhập, bảo đảm sản phẩm ở nông thôn sản xuất ra có chất lượng, có thương hiệu nhãn mác đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

      Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Đề án và Nghị định số 66 của Chính phủ về Phát triển ngành nghề nông thôn, trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 15 làng nghề([1]). Bình quân tốc độ phát triển làng nghề tăng từ 2%/năm; hoạt động sản xuất nghề nông thôn đã tạo ra việc làm cho hơn 3.000 lao động, thu hút khoảng  80% lực lượng lao động nông thôn, đặc biệt có những địa phương đã thu hút được hơn  90% nhân lực lao động. Mức thu nhập từ sản xuất nghề cao hơn nhiều so với nguồn thu từ nông nghiệp, thu nhập trung bình của người lao động đạt từ  4.000.000- 5.000.000 đồng/tháng, gấp 1,5 lần so với lao động thuần nông([2]).

      Các làng nghề sau khi hình thành đều duy trì và phát triển tương đối ổn định, một số làng nghề có tiềm năng phát triển mạnh, có giá trị thu nhập cao, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở nông thôn, nhất là lao động nông nhàn. Một số sản phẩm làng nghề có mẫu mã, chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, góp phần phát triển ngành dịch vụ, du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
      Thời gian qua, việc xây dựng và phát triển làng nghề nông thôn luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, các cấp, các ngành, trong đó sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá kết quả sản xuất, kinh doanh của các làng nghề; giới thiệu các sản phẩm làng nghề đặc trưng của tỉnh thông qua các hội chợ, lễ hội trong và ngoài tỉnh. Các hoạt động phát triển ngành nghề, làng nghề đã được UBND các huyện, thành phố cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, xác định rõ tầm quan trọng của việc phát triển và bảo tồn ngành nghề, làng có nghề gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

      Mặc dù đã có bước phát triển nhưng đến nay hoạt động của các làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định: Các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn (trong đó có làng nghề) còn mang tính định hướng, thiếu cụ thể, khi thực hiện có nhiều văn bản hướng dẫn khác nhau, dẫn đến quá trình triển khai chính sách thường chậm và thiếu đồng bộ. Mặt khác, các chính sách khuyến khích chưa quy định cụ thể về nội dung, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục nhận hỗ trợ và nguồn vốn hỗ trợ. Sự phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chưa rõ ràng; công tác quản lý của các cấp chính quyền (nhất là cấp xã) còn buông lỏng, chưa quan tâm đến phát triển ngành nghề, quản lý làng nghề; nhận thức về ngành nghề ở nông thôn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; việc phát triển làng nghề thiếu sự quản lý tập trung, chưa thu hút được nguồn lực xã hội để phát triển làng nghề, chưa phát huy được giá trị truyền thống, nét văn hóa của làng nghề. Một số làng nghề hoạt động cầm chừng, thiếu bền vững; quy mô sản xuất của các làng nghề nhỏ, manh mún; nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh ít, khả năng huy động vốn hạn chế; nhiều sản phẩm chưa có nhãn hiệu hàng hóa, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, chủ yếu vẫn là thị trường nội địa. Chính điều đó làm ảnh hưởng nhất định đến việc phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

      Để đảm bảo cho các làng nghề có sự phát triển ổn định, bền vững, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn thì cần có các chính sách cụ thể, các giải pháp đồng bộ:

      - Phải thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành nghề nông thôn bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong làng nghề biết và thực hiện.

      - Cần ưu tiên phát triển các nguồn nguyên liệu lợi thế của địa phương tập trung vào sản phẩm: Trong phát triển làng nghề, “sản phẩm” là yếu tố quan trọng nhất của kinh tế hàng hóa, gắn kết hoạt động sản xuất làng nghề với chương trình phát triển du lịch của tỉnh, hình thành tuyến du lịch làng nghề tạo điều kiện cho khách du lịch tiếp cận hoạt động sản xuất và bản sắc văn hoá dân tộc của làng nghề. Đặc biệt, cần chú trọng và thực hiện thường xuyên việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đổi mới chương trình đào tạo nghề phù hợp với ngành nghề và lứa tuổi lao động, gắn việc học lý thuyết với thực hành, đào tạo với sử dụng tránh đào tạo hình thức lãng phí nguồn lực, khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi trong và ngoài tỉnh kèm cặp, bồi dưỡng truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ thông qua các lớp đào tạo, tập huấn.

      - Phát huy tối đa nội lực của người dân địa phương, đa dạng hoá các hình thức huy động vốn như: vốn nhàn rỗi trong dân, vốn tín dụng, vốn hỗ trợ của doanh nghiệp và các nguồn vốn khác. Cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện về công tác quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành, bản thân các làng nghề cũng cần phải có sự đổi mới, năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường, có sự điều tiết trong khâu sản xuất đảm bảo việc cung ứng hàng hoá theo nhu cầu của thị trường. Không chỉ vậy, các làng nghề cần quan tâm đến việc xây dựng, giữ vững thương hiệu, đảm bảo uy tín lâu dài, quan tâm đến việc thực hiện tốt các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có những giải pháp hiệu quả xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường đảm bảo phát triển bền vững …

      Như vậy, chủ trương phát triển làng nghề là một yêu cầu cần thiết trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giải quyết công ăn việc làm tại chỗ, phát huy được nội lực, thế mạnh, lợi thế so sánh của mỗi địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời thay đổi tư duy, cách làm và tính chủ động của người dân trong sản xuất theo nhu cầu thị trường và thông qua việc xây dựng quy chế hoạt động của làng nghề, tích cực tuyên truyền huy động các nguồn lực tham gia đầu tư hoạt động sản xuất và đẩy mạnh trao đổi học tập kinh nghiệm, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị, tăng thu nhập các hộ trong làng nghề. Chỉ như vậy các làng nghề mới có thể phát triển bền vững, lâu dài, giúp người dân làng nghề sống và làm giàu từ nghề trên chính mảnh đất của quê hương./.

 

[1] 15 làng nghề nhưng chưa được công nhận theo tiêu chí của Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18 tháng 12 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ.

[2] Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018-2020, định hướng năm 2030.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây