Sử dụng phương pháp bạo lực cách mạng trong thời kỳ 1930-1945

Thứ hai - 17/08/2020 22:29

Tác giả bài viết: ThS. Ngô Thị Thúy Mai - Khoa xây dựng Đảng

       C.Mác cho rằng, bạo lực chỉ là bà đỡ cho một xã hội đã thai nghén trong lòng xã hội cũ. Do đó, bạo lực không phải là mục đích của giai cấp vô sản mà chỉ là phương tiện của giai cấp vô sản mà thôi. Sử dụng phương pháp bạo lực cách mạng trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ sự thống trị của chủ nghĩa tư bản, xây dựng và bảo vệ chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan.

       Đồng chí Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã từng nhấn mạnh: “Lịch sử phát triển cách mạng thế giới đã cho thấy một phong trào nào đó có khi bế tắc, không có lối ra, thậm chí thất bại không phải vì không có mục tiêu và phương hướng rõ ràng, cũng không phải không tổ chức được lực lượng cách mạng, mà chủ yếu vì thiếu phương pháp cách mạng và hình thức đấu tranh thích hợp”[1]. Chính thực tiễn lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh qua các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (Phong trào Cần Vương, phong trào nông dân Yên Thế, phong trào yêu nước theo khuynh hướng tư sản của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,…), tất cả những phong trào yêu nước ấy lần lượt bị thất bại vì thiếu đường lối và phương pháp đấu tranh đúng đắn. Mọi khuynh hướng cải lương, thỏa hiệp đều không thể đưa cách mạng đến thành công. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ phương pháp tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc phải bằng con đường bạo lực cách mạng. “Sự áp bức và bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết”[2]. Do đó, “trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền".[3] Sức mạnh bạo lực cách mạng là sức mạnh của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong sử dụng bạo lực cách mạng, Đảng ta đã kết hợp chặt chẽ cả hai lực lượng chính trị, vũ trang; sử dụng kết hợp hai hình thức đấu tranh (đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang) để hình thành nên phương pháp bạo lực cách mạng hiệu quả. Trong đó, đấu tranh chính trị được xác định là hình thức đấu tranh cơ bản, có ý nghĩa quyết định trong mọi thời kỳ cách mạng, có sức tiến công và tạo ra thế uy hiếp địch rất to lớn về mặt chính trị tinh thần. Đấu tranh vũ trang là hình thức đấu tranh cơ bản có tác dụng trực tiếp tiêu hao sinh lực địch, đập tan những âm mưu và hành động chính trị, quân sự của chúng, thắng lợi của đấu tranh quân sự cũng là tiền đề để đấu tranh chính trị phát triển. Như vậy mới tạo ra được phương pháp cách mạng hoàn chỉnh để đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù[4]. Trong đó, bộ phận nòng cốt của lực lượng chính trị là Mặt trận Việt Minh. Từ căn cứ địa Cao Bằng, cơ sở Mặt trận Việt Minh lan nhanh ra khu Việt Bắc và cả nước. Các đoàn thể cứu quốc phát triển khắp nơi, mạnh nhất là các vùng nông thôn và căn cứ địa. Đầu năm 1943, Thường vụ Trung ương Đảng đã họp và đề ra chủ trương mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất và tập trung mọi hoạt động vào việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang khi có thời cơ. Thực hiện chủ trương đó, công tác chuẩn bị lực lượng cách mạng càng được đẩy mạnh. Đảng tiến hành thành lập “Hội văn hóa cứu quốc” (năm 1944) nhằm tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ vào trận tuyến đấu tranh vì một nền văn hóa mới, vì sự nghiệp chống đế quốc Pháp- phát xít Nhật, giành độc lập dân tộc. Đồng thời, Đảng vận động, giúp đỡ một số sinh viên, trí thức yêu nước thành lập “Đảng dân chủ Việt Nam” (6/1944) góp phần mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, làm thất bại âm mưu chia rẽ và lôi kéo tư sản dân tộc và trí thức của phát xít Nhật và tay sai. Đảng cũng tăng cường công tác vận động binh lính người Việt trong quân đội Pháp và ngoại kiều thông qua “Mặt trận dân chủ chống phát xít Nhật” tại Đông Dương. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), công tác xây dựng lực lượng chính trị được đẩy lên một bước mới. Ở nông thôn, Đảng phát động phong trào phá kho thóc Nhật cứu đói. Tại các vùng đô thị, Mặt trận Việt Minh liên tiếp tổ chức mít tinh, biểu tình chống phát xít Nhật.

         

       Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, lực lượng vũ trang có vai trò quyết định trong việc phát triển chiến tranh du kích cục bộ ở nông thôn, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang sẽ gây thanh thế rất lớn cho cách mạng, góp phần phát triển cơ sở chính trị quần chúng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thời kì toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Phải tìm một phương thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”[5]. Ngay sau khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1940), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đội du kích Bắc Sơn được duy trì và đổi tên thành Cứu quốc quân. Để chống lại âm mưu càn quét của thực dân Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ đạo Cứu quốc quân bám sát quần chúng, kiên trì đấu tranh chống địch khủng bố, giữ gìn lực lượng, cỗ vũ phong trào quần chúng trong cả nước. Từ giữa năm 1944, tình hình trong nước và thế giới phát triển mau lẹ, cuộc chiến tranh chống phát xít đang bước vào giai đoạn kết thúc, quân đội Xô viết đang phản công Đức trên nhiều mặt trận. Ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa”, ra lời kêu gọi nhân dân “sắm vũ khí, đuổi thù chung”. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập với phương châm chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, có nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, vận động nhân dân nổi dậy đấu tranh, dìu dắt các đội vũ trang địa phương trong việc huấn luyện, trang bị vũ khí; đồng thời gây dựng cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sắp tới. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Hồ Chí Minh có giá trị như một cương lĩnh quân sự của Đảng. Chỉ ba ngày sau khi thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã liên tiếp tấn công xoá sổ hai đồn địch ở Phay Khắt (25/12/1944), Nà Ngần (26/12/1944) gây tiếng vang lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước. Sau những thắng lợi đầu tiên, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền, kết hợp chính trị và quân sự, xây dựng cơ sở cách mạng góp phần củng cố và mở rộng khu căn cứ Cao-Bắc-Lạng.

       Ngay sau Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12/3/1945), quyết định phát động cao trào kháng Nhật cứu nước để tiên lên tổng khởi nghĩa khi có đủ điều kiện. Bản chỉ thị đã thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, kịp thời của Đảng. Ở khu căn cứ Cao-Bắc-Lạng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gấp rút đi nhiều hướng chặn đánh địch, kêu gọi binh lính người Việt trong quân đội Pháp ở các đồn lẻ ra hàng và nộp vũ khí; mở rộng công tác vũ trang tuyên truyền, phát triển các hội cứu quốc, tổ chức huấn luyện chính trị và quân sự cho nhân dân. Phong trào đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần diễn ra nhiều nơi ở vùng thượng du và trung du phía Bắc. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân phối hợp với lực lượng chính trị của quần chúng giải phóng hàng loạt châu, xã, huyện thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Ở Bắc Giang, quần chúng nổi dậy thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng ở nhiều làng, thành lập đội du kích Bắc Giang. Ở Hưng Yên, đội tự vệ chiến đấu đánh chiếm đồn Bần, thu toàn bộ vũ khí của địch. Ở Quảng Ngãi, đội du kích Ba Tơ được thành lập. Đây là đội vũ trang thoát ly đầu tiên do Đảng tổ chức và lãnh đạo ở miền Trung.

       Giữa lúc cao trào kháng Nhật cứu nước đang dâng cao, tháng 4/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Việt Nam tại Hiệp Hoà (Bắc Giang), quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân, phát triển các lực lượng tự vệ vũ trang và tự vệ chiến đấu, xây dựng các chiến khu trong cả nước, mở lớp huấn luyện quân chính,…Ngay khi nhận được tin Nhật chấp nhận đầu hàng Đồng minh, từ ngày 14 đến ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tiếp sau Hội nghị toàn quốc của Đảng, ngày 16/8/1945, Đại hội quốc dân đã họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhất trí tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của mặt trận Việt Minh, lập Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu nhân dân đã nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến ngày 28/8/1945), cuộc tổng khởi tháng Tám đã thành công. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền cả nước về tay nhân dân.

       Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là thắng lợi của sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, trong đó công tác xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng giữ vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. “Nếu Đảng ta trước đó không xây dựng lực lượng vũ trang và thành lập những khu căn cứ rộng lớn để làm chỗ dựa cho lực lượng chính trị và phong trào đấu tranh chính trị, và khi điều kiện đã chín muồi không mau lẹ phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang thì cách mạng cũng không thể mau chóng giành được thắng lợi”[6]. Thực tiễn Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của một quá trình chuẩn bị đấu tranh cách mạng lâu dài, trải qua ba lần tổng diễn tập với ba cao trào cách mạng 1930-1931, 1936- 1939 và 1939-1945. Đó là một cuộc cách mạng bạo lực kết hợp chặt chẽ lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, lấy đấu tranh chính trị làm chính. Hình thái khởi nghĩa là từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa, gắn việc giành chính quyền về tay nhân dân với việc bảo vệ thành quả cách mạng. Nắm vững và vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm bạo lực cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ động nắm bắt thời cơ, Đảng đã kịp thời lãnh đạo toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Bạo lực trong cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính là bạo lực của đội quân chính trị hùng hậu của quần chúng, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt xung kích đã đập tan bộ máy thống trị của chủ nghĩa thực dân giành thắng lợi cho cách mạng.

       Xác định phương pháp cách mạng đúng đắn trong thời kỳ 1930-1945 được bắt nguồn từ bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tiếp thu và vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục bổ sung, phát triển và hoàn thiện đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, đồng thời góp phần làm phong phú thêm về kho tàng lý luận cách mạng giải phóng dân tộc.

 


[1] Trường Chinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam, Nxb Lý luận, H.1991, tr.149

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, tập 2, tr.15

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tập 12, tr. 304

[4]  Đào Xuân Kỳ, Về phương pháp cách mạng của Đảng ta, Tạp chí Xây dựng Đảng  (2011)

[5] Võ Nguyên Giáp, Từ nhân dân mà ra, Nxb Quân đội nhân dân, H.1969, tr.132

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 21, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, tr.631

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây