Xây dựng, củng cố niềm tin chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở - vấn đề cần quan tâm

Thứ hai - 11/06/2018 03:02

Tác giả bài viết: ThS. Quách Thị Minh Thúy - Phó Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh KonTum

Niềm tin chính trị là sự tin tưởng về sự đúng đắn của một lý tưởng chính trị, được quy định bởi tri thức chính trị, lý tưởng chính trị và bản lĩnh chính trị. Nếu tri thức, lý tưởng, bản lĩnh chính trị đúng cho ta niềm tin chính trị đúng.

Niềm tin chính trị đúng là niềm tin vào một nền chính trị có mục đích phù hợp với tất yếu cuộc sống, với nguyện vọng chân chính của con người. Do đó niềm tin chính trị đúng đắn của nhân dân ta là niềm tin cộng sản chủ nghĩa; độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong đó lý tưởng chính trị và niềm tin chính trị luôn gắn bó với nhau, tạo nên sức mạnh chính trị, đó là niềm tin tự nguyện, thuyết phục, tạo ra ý chí, lòng trung thành, đức hy sinh đối với đất nước và dân tộc. Niềm tin chính trị là trụ cột tinh thần, là nhân tố cốt lõi để đảm bảo ổn định tư tưởng chính trị và làm cho hoạt động chính trị đạt kết quả. Tác giả Trần Trọng Quế khẳng định: “ Niềm tin chính trị là một hoạt động quan trọng trong hoạt động chính trị. Niềm tin chính trị được hình thành và củng cố trên cơ sở tri thức khoa học”[1]. Vì vậy, có thể hiểu niềm tin chính trị như sau: Niềm tin chính trị được hình thành từ kinh nghiệm chính trị và tri thức khoa học chính trị. Thông qua đó, chủ thể củng cố tình cảm, đạo đức và lý tưởng chính trị để hình thành hành động chính trị trong hoạt động thực tiễn để đạt được mục đích chính trị, mục tiêu đã chọn.

             Ở nước ta, cấp cơ sở là một cấp quản lý nhà nước trong hệ thống quản lý hành chính nhà nước 4 cấp hiện nay. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở là bộ phận rất quan trọng trong nền hành chính quốc gia, có vai trò quyết định trong sự nghiệp đổi mới kinh tế - xã hội ở nước ta do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Trong giai đoạn hiện nay, công tác xây dựng, củng cố, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở là một tất yếu khách quan nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, trình độ trí tuệ, năng lực hoạt động thực tiễn là việc làm quan trọng và cần thiết.  

Xây dựng, củng cố niềm tin chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở là cung cấp những tri thức khoa học chính trị nói chung, tri thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng; cung cấp những hiểu biết về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; xây dựng tình cảm yêu quê hương đất nước; tình cảm dân tộc, giai cấp, tình đồng chí, đồng đội … làm cho niềm tin chính trị trở thành nền tảng trong đời sống tinh thần, được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú, có tác dụng định hướng cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở về nhận thức và hoạt động thực tiễn chính trị cũng như trong cuộc sống. 

             Xây dựng, củng cố niềm tin chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở phải được tiến hành đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống…) bằng nhiểu hình thức mang tính liên tục, với tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trên các nội dung:

             Thứ nhất, xây dựng hệ thống tri thức khoa học, đặc biệt là tri thức về chính trị - gồm hệ thống tri thức khoa học Mác - Lênin, hệ thống khoa học về tự nhiên, xã hội hiện đại, tri thức về chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó hệ thống tri thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là tri thức nền tảng, giữ vai trò chủ đạo.

             Thứ hai, xây dựng, củng cố niềm tin vào sức mạnh của đất nước,  sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, vào lòng yêu nước và sức mạnh của nhân dân.

             Thứ ba, xây dựng và hình thành nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở - tức xây dựng quan niệm của con người về cuộc sống mang tính tích cực, tốt đẹp; quan hệ giữa con người với con người là hợp tác, nhân ái; giữa cá nhân và xã hội có sự hài hòa về lợi ích, mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người; giữa con người với tự nhiên…, được hình thành trên một kiểu quan hệ sản xuất và một kiểu thế giới quan nhất định.

             Xây dựng, củng cố niềm tin chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở trong giai đoạn hiện nay sẽ mang lại những kết quả như:

          - Người cán bộ, công chức cấp cơ sở có được sự hiểu biết và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng ta về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

          - Người cán bộ, công chức cấp cơ sở tăng thêm ý chí, quyết tâm khắc phục những phong tục lạc hậu, cổ hủ; biết chắt lọc, kế thừa những tinh hoa tốt đẹp truyền thống, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc để xây dựng quan hệ xã hội mới.

          - Người cán bộ, công chức cấp cơ sở được nâng cao năng lực giải quyết công việc, nâng cao nhận thức thực tiễn, tổng kết thực tiễn. Biết nhận thức, đánh giá đúng tình hình, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp thực tế ở địa phương tạo sự tin tưởng và ổn định tâm lý cho nhân dân nhằm ổn định chính trị ở cơ sở.

          - Người cán bộ, công chức cấp cơ sở hình thành nhân cách mới, định hướng được hành vi của bản thân, thực sự trở thành người cán bộ, công chức “vừa hồng, vừa chuyên” - tức vừa phải có niềm tin chính trị, vừa phải có phẩm chất đạo đức trong sáng.

          Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng, củng cố niền tin chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở cần phải:

          Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ cấp cơ sở bằng việc đổi mới nội dung, chương trình giáo dục lý luận chính trị.

          Về chương trình cần được xây dựng thành hai loại: 1) Chương trình bồi dưỡng ngắn hạn: Dùng để bồi dưỡng chuyên sâu theo chuyên đề, cập nhật kiến thức mới, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, năng lực cho các chức danh. Đây là việc làm cần thiết, bởi ngoài kiến thức đã được tiếp thu có hệ thống thì đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở rất cần kiến thức mới, chuyên sâu, đổi mới kỹ năng lãnh đạo, quản lý ở các lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho công tác của mình nhằm nâng cao hiệu quả công tác. 2) Chương trình đào tạo dài hạn: Là chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính, được áp dụng cho tất cả các đối tượng là cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở và đội ngũ cán bộ quy hoạch, dự nguồn các chức danh ở cơ sở. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo cần phải có chương trình sát hợp với yêu cầu thực tiễn, từng đối tượng học viên với nhiều loại lớp khác nhau dựa trên các tiêu chí: Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghành nghề….Tuy nhiên chương trình dùng cho đối tượng nào cũng phải bảo đảm mục tiêu cơ bản: Tăng cường giáo dục lý luận chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, phẩm chất đạo đức cách mạng;  Đồng thời nâng cao kiến thức, kỹ năng bổ trợ phục vụ cho các chuyên ngành khác nhau.

          Về nội dung cần phải được đổi mới sát hợp với mục tiêu đào tạo và yêu cầu của thực tiễn. Nội dung kiến thức đảm bảo tính hệ thống, tính toàn diện, chú trọng yêu cầu đào tạo nghiệp vụ; kỹ năng lãnh đạo, quản lý; kỹ năng xử lý tình huống có thể xảy ra tại cơ sở. Vì vậy cần giảm thời gian lên lớp, tăng thời gian nghiên cứu và đi thực tế của học viên; tăng việc kiểm tra, giám sát và đánh giá học viên nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm và ý thức học tập và rèn luyện của học viên.

          Hai là, nâng cao chất lượng về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, năng lực chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên ở trường Chính trị tỉnh và các trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Mỗi giảng viên, báo cáo viên lý luận chính trị là một tuyên truyền viên của Đảng. Vì vậy, không những phải vững về tư tưởng, về lý luận có sự nhạy cảm về chính trị mà còn phải có phẩm chất đạo đức tốt - đó là sự say mê nhiệt tình trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học được biểu hiện bằng sự cống hiến, bằng hiệu quả công việc. Để có được điều đó đội ngũ giảng viên, báo cáo viên cần không ngừng bổ sung, nâng cao trình độ học vấn, trình độ khoa học, kiến thức chuyên ngành. Đặc biệt phải chú trọng nâng cao kiến thức về khoa học giáo dục, lý luận dạy học nhằm hoàn thiện về phương pháp dạy học. Đây là một đòi hỏi hết sức cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị.

          Ba là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về xây dựng, củng cố niềm tin chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở. Việc xây dựng, phát triển đất nước là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân; đường lối, chính sách phát triển đất nước có thực thi được hay không một phần phụ thuộc vào “đức và tài” của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tạo động lực thúc đẩy mỗi người cán bộ tích cực, nỗ lực vươn lên nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị. Tạo ra cơ chế và chính sách phù hợp cho cán bộ phấn đấu thực hiện được lợi ích vật chất và tinh thần thôi thúc họ vươn lên chăm lo học tập nâng cao trình độ mọi mặt.

          Bốn là, nâng cao tính tự giác rèn luyện đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh cho rằng: đạo đức trước hết là đạo đức cách mạng, là sự kết tinh những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa đạo đức văn hóa của nhân loại. Đó là truyền thống yêu quê hương đất nước, gắn kết cộng đồng, ý chí độc lập tự cường, tinh thần chống giặc ngoại xâm; đoàn kết thủy chung, nhân ái; quý trọng nghĩa tình, yêu lao động… Đạo đức cách mạng là cái gốc của cán bộ cách mạng, bởi vì muốn làm cách mạng trước hết con người phải có lương tâm trong sáng, có đức tính cao đẹp. Tâm và đức ấy phải được thể hiện trong các mối quan hệ xã hội, với dân, với nước, với đồng chí, đồng nghiệp, đồng bào và với công việc. Bởi theo Bác: Mỗi con người nói chung, nhất là người cán bộ cách mạng phải tự rèn luyện đạo đức, tu dưỡng đạo đức vì đạo đức cách mạng không phải có sẵn, mà nó được củng cố và phát triển chủ yếu do sự đấu tranh, rèn luyện hàng ngày mà có được và đó là công việc phải làm suốt đời, không được lơ là, chủ quan, tự mãn mà phải: “Cũng như ngọc càng mài sàng sáng, vàng càng luyện càng trong”[2]. Vì vậy, tính tự giác rèn luyện đạo đức cách mạng của người cán bộ, công chức cấp cơ sở phải gắn liền với công tác xây dựng, chính đốn Đảng, thực hiện nghiêm túc phê bình và tự phê bình trong Đảng và trước quần chúng nhân dân - đó là biện pháp tốt nhất nhằm nâng cao hiệu quả quá trình tự giáo dục, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ công chức cấp cơ sở trong giai đoạn hiện nay./.

 


[1] Trần Trọng Quế: Mấy suy nghĩ về sức mạnh của niềm tin chính trị trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, https://.truongchinhtrina.gov.vn,2014.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.11, tr.612.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây