Trường chính trị tỉnh Kon Tum

http://truongchinhtri.kontum.gov.vn


“Chi bộ binh” – Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Kon Tum

Từ cuối năm 1931, cách mạng Đông Dương bước vào thời kỳ khó khăn khi thực dân Pháp thi hành chính sách đàn áp, khủng bố trắng dã man, tàn bạo, nhất là đối với nhân dân Nghệ - Tĩnh sau cao trào cách mạng 1930-1931. Đứng trước tình hình đó, Quốc tế Cộng sản đã kêu gọi: “Những người cộng sản Đông Dương phải đem ý chí Bônsêvích phấn đấu tiến lên (…) phải đứng mũi vượt cơn phong ba bão táp do bọn đế quốc và bon phản động gây ra, kiên trì xây dựng và củng cố phong trào cộng sản ở Đông Dương”[1].

   Ngục Kon Tum được thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1915-1917, ban đầu chỉ để giam giữ tù thường phạm. Nhưng để giải quyết lượng tù nhân quá tải, đồng thời phục vụ cho ý đồ khai thác thuộc địa giải quyết hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933, từ tháng 12-1930 đến tháng 4-1931, thực dân Pháp đày ải những đoàn tù chính trị từ nhà lao các tỉnh miền Trung lên giam giữ ở Tây Nguyên, ngục Kon Tum nhanh chóng trở thành nơi giam giữ “lý tưởng” những người tù cộng sản. Để thuận lợi cho việc đàn áp, khổ sai, thực dân Pháp tiếp tục cho xây dựng nơi đây 2 khu nhà gọi là lao trong và lao ngoài cùng những thủ đoạn nhục hình, tra tấn dã man. Trên 500 lượt tù chính trị đã bị giam cầm tại ngục Kon Tum và hơn một nửa trong số đó đã bị giết hại trong nhà lao hoặc vùi thây dọc đường 14 khi bọn địch cưỡng bức tù nhân đi làm đường. Ngục Kon Tum trở thành “địa ngục trần gian”.

       Tháng 6/1930, đồng chí Ngô Đức Đệ (Can Lộc, Hà Tĩnh), là đảng viên Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, đang bị giam giữ ở nhà ngục Kon Tum đã từng bước giác ngộ, cảm hóa Đội Thơ (Huỳnh Đăng Thơ), Cai Liễu (Huỳnh Liễu), Cai Cừ (Nguyễn Cừ). Đến ngày 25/9/1930, khi điều kiện đã chín muồi, một cuộc họp bí mật ngay trong nhà ngục Kon Tum đã được tổ chức để tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng (Chi bộ binh) đầu tiên ở Kon Tum. Sau này, ngày 25/9 đã trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum.

       Sau khi ra đời, Chi bộ binh đã bí mật tổ chức tuyên truyền, vận động, giác ngộ binh lính, giáo dục cho đảng viên về lý tưởng cách mạng, về lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, về phương pháp đấu tranh cách mạng theo đường lối của Đảng. Do đó, phong trào đấu tranh trong nhà Ngục Kon Tum được tổ chức chặt chẽ hơn, vừa đạt được mục đích đấu tranh, vừa đỡ mất mát hy sinh, xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất trong anh em tù chính trị, giác ngộ tù thường phạm và cả những người lính cai ngục có lòng yêu nước. Đến năm 1931, Chi bộ đường phố đã được thành lập, mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của phong trào yêu nước ở Kon Tum.

       Chi bộ binh đã phối hợp với Chi bộ đường phố nhằm xây dựng và phát triển mạnh cơ sở cách mạng ra bên ngoài, phát động phong trào đấu tranh trong quần chúng nhân dân. Mặc dù chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn, nhưng sự ra đời của Chi bộ binh ngay trong nhà tù đế quốc thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo của người chiến sĩ cộng sản “biến nhà tù thành trường học cách mạng”. Sự ra đời của Chi bộ binh - Chi bộ cộng sản đầu tiên tại Kon Tum là một bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng cả nước trong thời kỳ bảo vệ, khôi phục hệ thống tổ chức Đảng những năm 1931-1935, tạo tiền đề quan trọng để Đảng Cộng sản Đông Dương tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ nhất vào tháng 3/1935. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập  lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn. Mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua”[2].

       Trải qua thực tiễn gần 90 năm xây dựng và trưởng thành từ ngày Chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời, phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, Đảng bộ tỉnh Kon Tum luôn khẳng định vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo nhân dân giành nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, H.1999, tr.252-253

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, tr.3-4

Tác giả bài viết: Ngô Thị Thuý Mai

Nguồn tin: Khoa xây dựng Đảng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây