Trường chính trị tỉnh Kon Tum

http://truongchinhtri.kontum.gov.vn


Giáo dục thế hệ trẻ đi theo con đường Bác Hồ đã chọn

Lịch sử dân tộc Việt Nam sẽ mãi ghi lại thời khắc lịch sử ngày 5/6/1911 với hình ảnh người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành bước chân xuống chiếc tàu Đô đốc La-tút-xơ Tơ-rê-vin sang nước Pháp, dấn thân vào tận sào huyệt của chủ nghĩa thực dân để tìm cho được một hướng đi đúng đắn nhất, thích hợp nhất và bảo đảm nhất cho dân tộc mình trên con đường đấu tranh để tự giải phóng

Cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sôi nổi của Người trong 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc là một tấm gương sáng cho hoài bão, ý chí nghị lực và cả sức mạnh của tuổi trẻ trong cuộc đấu tranh cách mạng và thúc đẩy phát triển xã hội. Cũng chính trong những năm tháng đó, Người đã nhận ra những phẩm chất tuyệt vời của thanh niên, sứ mệnh của họ đối với Tổ quốc, dân tộc và mạnh dạn giao nhiệm vụ, từng bước dìu dắt thanh niên tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người theo quỹ đạo cách mạng vô sản.

     Trong cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp tập hợp những bài báo Nguyễn Ái Quốc viết trong những năm 1921-1924, bài viết: Gửi thanh niên Việt Nam được Người để ở phần Phụ lục của cuốn sách, đó là những lời tâm huyết của Người với thế hệ thanh niên trước vận mệnh của đất nước. Từ việc đánh giá đúng vị trí, vai trò của thanh niên trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Người kêu gọi: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”[1].

     Vận dụng sáng tạo học thuyết Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã gắn thanh niên với vận mệnh của dân tộc, và tiếp đó với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và Đảng tiền phong. Khi bắt đầu truyền bá tư tưởng cách mạng cho dân tộc, Người đã chọn thanh niên là đối tượng đầu tiên. Tháng 11/1924, từ Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, sáng lập ra Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tổ chức các lớp huấn luyện chính trị đặc biệt, đào tạo bồi dưỡng những thành phần cách mạng cốt cán của thanh niên. Từ cuối năm 1925 đến tháng 4/1927, dưới sự sắp xếp và lên kế hoạch cụ thể của Nguyễn Ái Quốc, 3 đoàn thanh niên gồm 75 người từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam đến Quảng Châu, tham gia vào lớp tập huấn chính trị, trong đó có hơn 20 người vào học quân sự tại Trường Hoàng Phố. Những thanh niên Việt Nam lần lượt đến Quảng Châu đã nhanh chóng trưởng thành trong học tập và thực tiễn đấu tranh, trở thành nòng cốt của cách mạng Việt Nam. Họ chính là những trái ngọt đầu tiên của việc quán triệt quan điểm coi trọng bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn và cử những thanh niên đi đào tạo, Nguyễn Ái Quốc còn muốn gửi những thiếu nhi độ tuổi từ 12-15 có mặt ở Quảng Châu sang Mátxcơva để đào tạo, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán đáp ứng yêu cầu của cách mạng Việt Nam sau này.

     Từ lòng yêu thương, sự tin tưởng đối với thế hệ trẻ kết hợp với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những di sản tư tưởng có giá trị về chiến lược xây dựng thế hệ trẻ: phải coi trọng giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ có đạo đức, có tri thức văn hoá, khoa học và kỹ thuật giỏi, làm cho họ là những người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Theo Người, “trường học của ta là trường học xã hội chủ nghĩa... Nhà trường xã hội chủ nghĩa là nhà trường: Học đi đôi với lao động. Lý luận đi với thực hành. Cần cù đi với tiết kiệm”[2]. Đó là một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của học sinh; là con đường làm cho con em chúng ta thành những trò giỏi, con ngoan, bạn tốt, và mai sau là những công dân dũng cảm, cán bộ gương mẫu, người chủ xứng đáng của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, Hồ Chí Minh khẳng định: Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội, trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Ngày 31/10/1955, khi miền Bắc đã giải phóng, Hồ Chí Minh viết: “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”[3]. Ngày 16/10/1968, viết thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới[4]. Các đoàn thể là một yếu tố quan trọng trong việc đào tạo thế hệ trẻ, nhất là Đoàn thanh niên. Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ hoạt động và sinh hoạt hàng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn và sửa chữa[5].

     Với quan điểm “đạo đức là gốc của người cách mạng”, Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới việc tu dưỡng rèn luyện chí khí cách mạng, đạo đức cách mạng cho thanh niên. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đoàn được triệu tập từ 25/10 - 4/11/1956 tại Hà Nội, Người đã ân cần căn dặn đoàn viên, học sinh, sinh viên phải giữ vững đạo đức cách mạng; Phải xung phong trong mọi công tác; Phải cố gắng học tập chính trị, văn hoá, nghề nghiệp để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt; Phải rèn luyện thân thể cho khoẻ mạnh, khoẻ mạnh thì mới đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công việc ích nước, dân.

     Bận rộn muôn vàn công việc trên cương vị lãnh đạo Đảng, lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành thời gian viết thư thăm hỏi, đến dự các hội nghị, đại hội, theo dõi các phong trào của thanh niên Việt Nam, nhằm khuyến khích,  đề cao những thành tích, những công việc mà thanh niên đã đạt được, đồng thời cũng nhẹ nhàng phê bình, chỉ ra những thiếu sót còn tồn tại. Ngày 15/10/1956, tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bác nhắc nhở trách nhiệm của tuổi trẻ với phong trào thi đua yêu nước: “... thanh niên là công dân của nước Việt Nam độc lập, tự do, có Đảng, có Đoàn của mình, có chính quyền, có mặt trận, có quân đội của mình, là người chủ tương lai của nước nhà mình. Chính vì là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước nhà tốt đẹp - một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh...”[6]. Ngày 24/3/1961, Bác nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và yêu cầu: Đoàn viên thanh niên “cần phải làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước, phải thực hiện khẩu hiệu: “Đâu Đảng cần thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”[7]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt dõi theo sự phát triển của phong trào “Ba sẵn sàng” - một trong những phong trào do Người phát động trong thanh niên. Ngày 25/3/1966, tại Lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ niềm tự hào, vui sướng của “người theo dõi tổ chức thanh niên từ bước đầu hiếm hoi chỉ có tám cháu, ngày nay trông thấy có hàng triệu đoàn viên thanh niên, hàng triệu cháu bé nhi đồng, phát triển mơn mởn như hoa nở mùa xuân” và “thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang”[8].

     Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã khẳng định: Thanh niên Việt Nam thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, góp sức làm nên những kỳ tích trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với vai trò “là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng” như Bác Hồ kính yêu đã tin tưởng. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, trong những năm gần đây, các nhà trường và tổ chức Đoàn thanh niên đã có nhiều đổi mới trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ với những nội dung phong phú, đa dạng, bao gồm: Giáo dục về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thông qua đó từng bước nâng cao nhận thức của các em về tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là vị trí và vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, nâng cao ý thức chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng cho thế hệ trẻ, qua đó phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong đấu tranh phản bác, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; Giáo dục tinh thần đoàn kết, làm cho thế hệ trẻ nhận rõ được vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế trong lịch sử dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước; giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần yêu lao động, phát huy truyền thống hiếu học, chuyên cần và sáng tạo thông qua đó hình thành ý thức tự giác của các em trong lao động, học tập và rèn luyện, phấn đấu trở thành những người vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Trong Giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, gắn với việc thực hiện và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

     Những năm qua, Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa, nhiều tấm gương thuyết phục và có sức lan tỏa. Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Chỉ thị 05- CT/ TW của Bộ Chính trị ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và chủ đề năm 2020, năm cuối trong thực hiện  Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Làm sao để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó có thế hệ trẻ, cần chú ý tới những vấn đề sau:

     Một là, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không có nghĩa là làm một cách máy móc, mà phải hiểu rõ tinh thần cốt lõi của từng bài học đạo đức. Có nghĩa là cuộc vận động này không nhằm làm cho mọi người máy móc bắt chước Bác Hồ, mà là để mỗi người soi vào tấm gương của Bác để giải quyết hài hòa ba mối quan hệ: Với người, với mình và với công việc.

     Hai là, các cấp bộ Đoàn khi triển khai tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải chuẩn bị kỹ đề cương với từng đối tượng cụ thể, làm sao để mỗi đoàn viên thanh niên sau khi được tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đều cảm thấy việc học tập và làm theo Người không phải là xa lạ, hoặc quá sức. Ngược lại, mỗi người đều có thể sáng tạo, áp dụng ở mỗi công việc cụ thể hàng ngày gắn với yêu cầu nhiệm vụ của mình như: Trong thanh niên trường học gắn với thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt; thanh niên công an gắn với thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân; đối với thiếu niên gắn với thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng…

     Ba là, có nhiều cách để học tập, làm theo tấm gương của Bác, nhưng trước hết chúng ta thực hiện chính những lời dạy của Bác về thanh niên, rèn luyện những phẩm chất đạo đức mà Bác đòi hỏi ở thế hệ tương lai của nước nhà. Đặc biệt, thanh niên cần đẩy mạnh việc trau dồi những phẩm chất đạo đức mà Hồ Chí Minh đòi hỏi ở những con người Việt Nam trong thời đại mới: Trung với nước, hiếu với dân; Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư; Lòng yêu thương con người; Tinh thần quốc tế trong sáng v.v.

     Bốn là, việc học tập Bác không ở đâu xa mà ở ngay những hành động cụ thể, những điều giản dị, thường ngày. Các cấp bộ Đoàn nên phát động những phong trào, những hoạt động gần gũi, có ý nghĩa thiết thực đối với đoàn viên. Theo chúng tôi, nên có các hoạt động phong trào thường ngày và những hoạt động có tính chất điểm nhấn. Phong trào thường ngày như trước khi ra khỏi phòng thì tắt điện, giữ vệ sinh, bảo vệ của công, tiết kiệm của công, nói không với các tệ nạn xã hội… Hay xây dựng phong trào học tập, làm việc khoa học… Đấy chính là hướng cho các bạn đoàn viên thanh niên học tập Bác Hồ ở tính tiết kiệm thời gian, chăm chỉ học tập làm việc và tham gia những hoạt động có ích cho bản thân và xã hội. Như thế thì mỗi đoàn viên, thanh niên sẽ dễ hình dung mình cần phải làm gì và như thế nào, và chắc chắn phong trào sẽ đi vào chiều sâu và có hiệu quả hơn. Đồng thời, mỗi đoàn viên thanh niên khi đã rèn cho mình lối sống đạo đức thì cũng phải thử soi xem đã làm được bao nhiêu phần trăm, tự đánh giá, từ đó giúp đỡ những người xung quanh, những người còn chưa làm tốt.

 


[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2011, t2, tr. 144

[2]     Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 594

[3]    Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 186

[4]  Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 508

[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 265-266

[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 437

[7]  Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 90

[8] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 77

Tác giả bài viết: Chu Mai Phong - Khoa Lý luận cơ sở

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây