Trường chính trị tỉnh Kon Tum

http://truongchinhtri.kontum.gov.vn


Nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

      Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, quyết định sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng, bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
      Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, việc giảng dạy lý luận chính trị có vai trò vô cùng quan trọng. Hoạt động giảng dạy này sẽ góp phần định hướng thế giới quan, phương pháp luận, giúp cho người học hiểu và vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Trên cơ sở đó, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và củng cố niềm tin vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận”[1], “Đảng ta phải tự nâng cao mình lên nữa, mà muốn tự nâng cao mình thì phải tổ chức học tập lý luận trong toàn Đảng, trước hết là trong cán bộ cốt cán của Đảng”[2]. Yêu cầu đổi mới hoạt động giảng dạy lý luận chính trị nhằm hướng đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được nêu rõ trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: “Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”[3]; “Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên; từng bước khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, dạy và học hình thức”[4]. Đối với giảng viên, việc bảo vệ, giữ vững và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong giảng dạy lý luận chính trị, cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản như:
      Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ giảng viên về vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nhận thức rõ đây là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài, V.I.Lênin chỉ rõ: “Không có gì là lạ nếu học thuyết của Mác, một học thuyết trực tiếp dùng để giáo dục và tổ chức giai cấp tiên tiến của xã hội hiện đại, đã vạch ra nhiệm vụ của giai cấp ấy và chứng minh rằng, do kinh tế phát triển, những trật tự mới nhất định sẽ thay thế chế độ hiện tại; không có gì là lạ nếu mỗi bước tiến của học thuyết ấy trên con đường sinh tồn đều phải kinh qua chiến đấu”[5].
      Hai là, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực giảng dạy lý luận chính trị.
Nâng cao tính chiến đấu trong giảng dạy lý luận chính trị sẽ chỉ là khẩu hiệu chung chung, phi hiện thực nếu không phát huy tính tích cực, tự giác của người giảng viên. Do đó, mỗi giảng viên cần phát huy tính tích cực chính trị, đề cao lòng tự trọng, danh dự, uy tín, phẩm chất nhà giáo. Người giảng viên là đảng viên đảng cộng sản, phải luôn coi việc đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm vinh quang, là sự cống hiến vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, người giảng viên phải không ngừng học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực giảng dạy, xứng đáng là nhà giáo mẫu mực – người chiến sĩ tiên phong tham gia đấu tranh tư tưởng, lý luận, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
      Ba là, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng bài giảng.
Trong hoạt động giảng dạy nói chung, giảng dạy lý luận chính trị nói riêng, đổi mới phương pháp luôn là một yêu cầu quan trọng. Hiện nay, vẫn còn giảng viên nặng về sử dụng phương pháp dạy học theo lối truyền thụ một chiều, ngại đổi mới. Một số giảng viên khác lại đồng nhất giữa phương pháp giảng dạy tích cực và phương pháp có sử dụng phương tiện hiện đại, sử dụng giáo án điện tử và trình chiếu bằng máy Projector làm cho người học dễ rơi vào tình trạng “nhìn-chép”. Vì vậy, việc kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống với phương pháp giảng dạy tích cực là hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc dạy - học các môn lý luận chính trị. Đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại, gắn lý luận với thực tiễn nhằm nâng cao tính khoa học, tính Đảng, tính định hướng, tính chiến đấu trong mỗi bài giảng. Nhiệm vụ này đòi hỏi người giảng viên phải luôn chủ động, sáng tạo, không ngừng áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực; đồng thời cập nhật kịp thời những vấn đề thực tiễn đang đặt ra vào bài giảng để tăng tính chủ động, tích cực và ứng dụng cho học viên trong quá trình học.
      Trong quá trình chuẩn bị giáo án, ngoài vấn đề xác định đúng mục đích yêu cầu; xác định đúng kiến thức trọng tâm, việc lựa chọn các phương pháp giảng dạy cụ thể trong từng phần học sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của giờ giảng. Đồng thời, cần kết hợp lồng ghép nội dung các nghị quyết, chỉ thị,…vào bài giảng, chỉ ra những luận điểm bị xuyên tạc để đấu tranh, bảo vệ; lan tỏa những giá trị tích cực, làm rõ tính đúng đắn, sáng tạo, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao tính chiến đấu và truyền cảm hứng cho người học. Vì vậy, giảng viên cần có cách tổ chức giờ giảng phù hợp, giảm bớt thời gian thuyết trình, tăng cường sự tham gia của người học bằng các hình thức làm việc nhóm, giải quyết tình huống, chia sẻ thông tin, khảo sát thực tế,… Giảng viên thường xuyên nâng cao hiệu quả công việc kiểm tra, đánh giá tri thức, kỹ năng của người học để có những giải pháp kịp thời nhằm khuyến khích ý thức tự giác, tích cực trong học tập lý luận chính trị.
      Bốn là, thường xuyên cập nhật kiến thức, chọn lọc thông tin vào bài giảng.
Đối với người giảng viên, trong quá trình giảng dạy việc thường xuyên cập nhật kiến thức, thu thập thông tin, sử dụng nguồn tư liệu,… vào mỗi bài giảng rất cần thiết. Việc lựa chọn các thông tin, sự kiện cần được tính toán, phân tích vừa đảm bảo tính tính thời sự, tính chính xác vừa tránh sự manh mún, không sát thực với lý luận đang cần chứng minh. Thông tin cung cấp cần phải nhanh chóng, cập nhật, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, nóng bỏng, bức xúc; những luận điệu và hoạt động chống phá nguy hiểm; đồng thời phải có định hướng rõ ràng về quan điểm, chủ trương, phương châm đấu tranh. Người giảng viên cần cập nhật thông tin từ nhiều phía, nhiều góc độ khác nhau, từ đó lựa chọn những tình huống hay câu hỏi liên quan đến công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để tiến hành trao đổi, thảo luận với học viên. Qua đó, phân tích, so sánh, đánh giá để làm nổi bật giá trị về mặt lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời phản bác lại những luận điểm sai trái, thù địch.
       V.I. Lênin khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng. Chỉ Đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”[6]. Với bản chất cách mạng và khoa học, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là lý luận tiên phong dẫn đường để Đảng Cộng sản Việt Nam làm tròn vai trò tiên phong, lãnh đạo cách mạng Việt Nam dành độc lập, thống nhất đất nước và tiến hành xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
 Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có ý nghĩa rất lớn cả về lý luận và thực tiễn. Nhiệm vụ quan trọng này đang đặt ra yêu cầu ngày càng lớn, là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong đó, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị là một trong những phương thức cần được quan tâm và đầu tư nghiêm túc, nhất là đội ngũ giảng viên phải nhận thức và thực hiện đầy đủ, phải thực sự là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hoá tư tưởng.
Tài liệu tham khảo

- Đảng Cộng sản Việt
Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2021.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011.
- V.I.Lênin: Toàn tập, t.17, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2005
- Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.
 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8,  Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr.280
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.91
[3],4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2021, tr.182 - 183, tr.170
5 V.I.Lênin: Toàn tập, tập 17, Nxb Chính trị quốc gia, H.2005,  tr.19

 
[6] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, H.2005, tr.30, 32

Tác giả bài viết: Ths. Ngô Thị Thúy Mai - Giảng viên khoa Xây Dựng Đảng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây