Trường chính trị tỉnh Kon Tum

http://truongchinhtri.kontum.gov.vn


Nhìn lại hoạt động ngoại thương của tỉnh Quảng Trị thời kỳ Chúa Nguyễn

Một đặc sắc trong chính sách của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, bên cạnh việc khai thác đất đai ở phía Nam là “mở cửa” các cửa biển tiếp xúc với các nước khác, Á cũng như Âu, giao thương buôn bán, thu dụng những tài năng, những phẩm vật, những gì mới lạ về kỹ thuật và khoa học.

   Chúa Nguyễn trong 56 năm đóng Dinh ở Quảng Trị đã tạo cho vùng đất này có một sự chuyển biến tích cực, cũng như xây dựng cơ nghiệp Đàng Trong giàu có, mở đầu bằng chính sách “mở cửa” giao thương từ đất vùng đất này.

         Qua các chính sách đã ban hành, các chúa Nguyễn nhận ra rằng; nông nghiệp chỉ đảm bảo an ninh lương thực, chính thương nghiệp mới làm đất nước giàu lên một cách nhanh chóng. Trong lúc triều đình nhiều quốc gia châu Á theo đuổi chính sách ức thương, thì các chúa Nguyễn thời kỳ này khuyến khích mua bán, trao đổi, củng cố và mở rộng hệ thống giao thông vận tải về đường thủy, lẫn đường bộ trên địa bàn.

         Từ thời chúa Nguyễn Hoàng, ở Dinh Cát (Ái Tử), thuyền buôn các nước đã vào Cửa Việt, rồi theo sông Quảng Trị đến buôn bán ở Dinh Chúa. Sử sách ghi lại ở thời điểm năm 1572 như sau: “Bấy giờ Chúa Nguyễn Hoàng ở trấn đã hơn mười năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang,.. chợ không hai giá,…, thuyền buôn các nước đến nhiều, trấn trở nên một đô hội lớn” [1]. Trấn ở đây là dinh Ái Tử. Qua một số tài liệu, đặc biệt là bức thư của chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên lúc còn đóng dinh ở Quảng Trị gửi cho Mạc phủ Đức Xuyên trong những năm đầu thế kỷ XVII. Trong các bức thư đó có đoạn:

         Tôi biết có luồng buôn bán sớm giữa Nhật Bản và Việt Nam không phải Hội An hay một nơi nào khác ở nước ta, mà là một địa điểm nào đó trên đất Quảng Trị, trong khoảng từ Cửa Việt đến Thành Cổ năm bên bờ sông Thạch Hãn hiện nay. Tôi suy đoán có thể là chợ Sãi hay "kinh đô" (ám chỉ dinh trấn của chúa Nguyễn), như một giáo sĩ và thương nhân nước ngoài đã từng nhắc đến trong ký sự của mình khi họ đến Quảng Trị vào thời chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên. Hôm nay tôi chỉ xác định là thương nhân Nhật Bản đến với Quảng Trị sớm nhất, bởi vì có sự kiện Bạch Tân Hiển Qúy vào Cửa Việt năm 1585, nhưng sử sách nước ta ghi là thuyền Tây Dương nên sự việc ít quan trọng hơn [2].

         Sự kiện Hiển Qúy vào Cửa Việt được chúa Nguyễn Hoàng gửi thư cho Mạc Phủ Đức Xuyên đệ nhất là Tosugawa Iegasu, sau đó Tosugawa Iegasu gửi thư trả lời chứng tỏ quan hệ Việt Nam - Nhật Bản mở đầu bằng sự giao hảo của ngoại thương thời chúa Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị, cho đến nay chưa xác định được địa điểm buôn bán với thương khách nước ngoài, nhưng tại đây đã có thị trường đối ngoại khá quan trọng và có nhiều thương thuyền đến Quảng Trị và lưu lại đây nhiều ngày, riêng Hiển Qúy ít nhất có hai lần đến Quảng Trị vào các năm 1585 và năm 1599. Qua sự kiện Hiển Qúy, Nguyễn Hoàng có thư cho các thương thuyền Nhật Bản xuất bến buôn bán với nước ngoài. Cũng vào thời kỳ đô hội của dinh trấn Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát, thương gia các nước tấp nập ra vào Cửa Việt, đặc biệt là sự phồn thịnh của chợ phiên Cam Lộ. Chúa Nguyễn Phúc Chu cho rằng: "Sông Hiếu, xã Cam Lộ,… giáp với đất Ai Lao, các bộ lạc Man Lục Hoàn, Vạn Tượng, Trấn Ninh, Quy Hợp đều có đường thông đến đấy, bèn sai đặt dinh, mộ dân chia làm 6 thuyền quân để coi giữ gọi là dinh Ai Lao" [3]. Phủ biên tạp lục có ghi:

         Xã Cam Lộ huyện Đăng Xương ở thượng lưu sông Điếu Ngao, dưới thông thương với Cửa Việt, trên tiếp với các sách nguồn Sái đất Ai Lao, … Từ xã ấy (xã Cam Lộ) đi vào đến phường An Khang, có tuần gọi là Ba Giăng cũng gọi là đồn Hiếu-giang. Theo lệ các lái buôn đến đồn xin giấy đi vào đầu nguồn mua trâu bò, thóc gạo cùng các thứ sản vật, mỗi năm phải nộp thuế 20 quan tiền. Từ tuần ấy đi 2 ngày rưỡi đến đất nước Ai Lao bên sông Cái… Bên Hữu sông xã Cam Lộ có tuần Cây-lúa,… thuế hàng năm rất ít. Từ đấy thông sang đạo Mường Vanh và nước Vạn- tượng. Bên tả đồn Hiếu-giang có tuần Ngưu-cước, …, thuế hàng năm là 120 quan tiền,… [4].

         Từ những ghi chép đó cho thấy đất Quảng Trị xưa là nơi có nền sản xuất hàng hóa khá phát triển, nhu cầu trao đổi hàng hóa cao và là nơi có luồng thương nghiệp mạnh mẽ qua tuyến Cửa Việt – Cam Lộ - Ai Lao, tạo nên luồng buôn chuyến trên bộ, dưới thuyền từ biển lên Lào và ngược lại. Từ đó hình thành một thị trường nội địa sầm uất ở ngay Dinh của Chúa, ở chợ phiên Cam Lộ*. "Cửa Việt và dinh Ai Lao lúc đó là hai cửa khẩu, đúng hơn là hai thương khẩu sầm uất của nước ta hồi đó" [5]. Thuyền buôn vào Cửa Việt có Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và một số nước ở Đông Nam Á. Từ năm 1604 đến năm 1616, có 186 thuyền buôn Nhật đến buôn bán với Đàng Ngoài, Đàng Trong, Nam Trung Quốc, Mã Lai,… thì đã có 42 thuyền đến các cảng ở Đàng Trong, trong đó có Cửa Việt (Cảng Mai Xá) [6]. Thương nhân vào cửa khẩu dinh Ai - Lao có các bộ tộc Lào, Lạc Hoàn, Vạn Tượng, thương nhân ở miền Tây Thanh Nghệ từ trấn Ninh, Quy Hợp cũng về đây. Với luồng thương nghiệp mạnh mẽ như vậy đã hình thành con đường buôn bán "vô danh" "mà có thể gọi là con đường của hương liệu, trâu, voi, nông sản, hải sản, kim loại và vũ khí [7]. Luồng buôn bán mạnh mẽ hai miền xuôi – ngược qua chợ phiên Cam Lộ đã tạo ra sự giao lưu văn hóa, sự đồng cảm dân sinh giữa người Việt, dân tộc thiểu số và các bộ tộc Lào. Chính luồng thương nghiệp đó đã tạo nên một nguồn thuế khá lớn cho chúa Nguyễn trong buổi đầu xây dựng dinh cơ ở Quảng Trị.

         Nhiều tư liệu cho thấy dưới thời Nguyễn Hoàng đóng thủ phủ ở Quảng Trị, cảng Mai Xá (Cửa Việt) đã từng sầm uất đô hội, ghi dấu ấn một thời với tuyến đường buôn bán, trao đổi Mai Xá -  Cam Lộ - Ai Lao và ngay từ thời đó đã thiết lập thư từ bang giao buôn bán với Nhật Bản. Bên cạnh sự phát triển bước đầu đó có thể nhận thấy, nội thương thời kỳ này thiếu mạnh mẽ, ngoại thương lại đậm yếu tố chính trị chi phối, làm cho quan hệ thông thương thiếu tính toàn diện và mất cân đối. Những khó khăn do cơ chế hành chính cứng nhắc, bất đồng ngôn ngữ làm cho thương mại giảm thiểu khả năng mở rộng thị trường cũng như tính năng động, hầu như chỉ đáp ứng nhu cầu của Dinh phủ là hấp lực lớn nhất, chi phối toàn bộ quan hệ thương mại vùng đất Quảng Trị đương thời. Sự sầm uất của cảng thị Mai Xá, suy cho cùng cũng nhờ phần lớn vào vai trò điều tiết của thủ phủ, đến lúc khả năng chi phối đó không thắng được những bất lợi của điều kiện tự nhiên, thì nó sẽ lụi tàn nhanh chóng khi mất đi vai trò Dinh phủ.

 

                           Tài liệu tham khảo

 [1], [2], Quốc Sử quán Triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục tiền biên, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.31, 41.

[3], [7], Phạm Xuăn Vinh (1991), “Thương nghiệp Quảng Trị ngày xưa”, t/c Cửa Việt, số 9, tr.89-90.

 [4], Lê Qúy Đôn (1977) Phủ biên tạp lục, (toàn tập, tập I), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,tr.108.

[5], [6], Đỗ Bang, (1992), “Kinh tế khu vực đường 9 – Quảng Trị, quá khứ và những vấn đề đặt ra”, T/c  Nghiên cứu Kinh tế, số 4, tr.33-38.

 


* Hiện nay cạnh đường 9, làng Tân Trường

Tác giả bài viết: ThS. Trần Thị Thu Hương - Khoa Xây dựng Đảng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây