Trường chính trị tỉnh Kon Tum

http://truongchinhtri.kontum.gov.vn


Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyệnTu Mơ Rông tỉnh Kon Tum

      Phát triển kinh tế tập thể là một chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi; dựa trên tinh thần hợp tác, chia sẻ, mang lại lợi ích cho các thành viên và xã hội; không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng trong phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự  an toàn xã hội ở nông thôn. Kinh tế tập thể là phương thức để hỗ trợ hộ kinh tế cá thể cạnh tranh được trong kinh tế thị trường. Muốn sản xuất thực sự gắn với thị trường, muốn hội nhập quốc tế và xuất khẩu phải có hợp tác xã kiểu mới, nhưng không triệt tiêu sản xuất cá thể của nông hộ.
      Hợp tác xã hoạt động theo phương thức các hộ là đơn vị hạch toán kinh doanh, các hộ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh của mình. Hợp tác xã tạo sức mạnh về pháp lý để đàm phán để mua sản phẩm đầu vào, đầu ra, các dịch vụ quy mô lớn… Bản chất của hợp tác kiểu mới là những người sản xuất phải trực tiếp liên kết với nhau trong một tổ chức của nông dân để tạo ra một chuổi giá trị phát triển bền vững.
      Với nhận thức như trên, để thực hiện chủ trương “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông đã thực hiện chỉ đạo Tổ xúc tiến đầu tư và hỗ trợ kinh doanh trên địa bàn huyện và Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể phối hợp cùng các Ban ngành đoàn thể của huyện tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã năm 2012; Nghị định số 193/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013 của Chính phủ; Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 26/5/2014 của Chính phủ và Quyết định 2261/QĐ-TTg, ngày 15/12/2014 bằng nhiều hình thức đến Hợp tác xã và Tổ hợp tác đang hoạt động trên địa bàn huyện như Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 31/8/2021 của UBND huyện Tu Mơ Rông về việc triển khai đánh giá sản phẩm (OCOP) năm 2021 trên địa bàn huyện; Quyết định số 509/QĐ-UBND, ngày 13/9/2021 của Ủy ban nhân dân huyện về việc kiện toàn Hội đồng đánh giá xếp hạng thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2021. Phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý hợp tác xã và tổ hợp tác.
       Hiện nay, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có 28 Hợp tác xã. 44 Tổ hợp tác, được đăng ký hoạt động theo nghị định 151/2007/NĐ-CP, ngày 10/10/2007 của Chính phủ về việc tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác. Các hợp tác xã thực hiện đăng ký thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2012; với tổng vốn điều lệ là: 152.346 triệu đồng; Có 428 thành viên; hoạt động của các hợp tác xã là 100% liên quan đến lĩnh vực Nông nghiệp. Có 08 Hợp tác xã bước đầu có doanh thu, có 17 HTX chưa có doanh thu và có kê khai thuế chủ yếu các hợp tác xã mới thành lập nên chưa có lợi nhuận; Có 03 HTX đang làm thủ tục chờ giải thể trong đó có 01 HTX bỏ địa chỉ kinh doanh; 09HTX có 20 xã viên trở lên; có 05 HTX có 20 xã viên là người tại chỗ....Năm 2022 thành lập mới 06 hợp tác xã[1].
      Nhìn chung số lượng hợp tác xã đăng ký thành lập trên địa bàn huyện tăng so với những năm trước, nhằm thúc đẩy tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Hợp tác xã mới thành lập trên địa bàn chiếm 60% đang trong giai đoạn kiến thiết và đầu tư nên chưa có lợi nhuận, kết quả đóng góp nguồn thu cho ngân sách huyện không đáng kể. Khả năng nhận thức, kiến thức khoa học kỹ thuật còn hạn chế, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng còn kém dẫn đến việc phát triển kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Việc thu hút các thành viên tham gia hợp tác xã còn hạn chế, số lượng tổ viên của các tổ hợp tác còn ít. Trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên việc tuyên truyền các chính sách của Đảng, Pháp luật Nhà nước về các kiến thức kinh tế tập thể chưa đạt hiệu quả cao, năng lực quản lý còn yếu, thiếu vốn sản xuất.
      Tuy nhiên, phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn huyện thời gian qua những khó khăn hạn chế trong công tác triển khai, thực hiện: Là một huyện nghèo, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, mặt bằng dân trí không đồng đều. Trình độ nhận thức của thành viên trong Tổ hợp tác còn hạn chế dẫn đến việc tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và truyền đạt các kiến thức về kinh tế tập thể đạt hiệu quả chưa cao, năng lực quản lý còn yếu, cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu vốn sản xuất và khó khăn về thị trường đầu ra để tiêu thụ sản phẩm;  Một số chính sách, quy định chưa sát thực tế đối với lĩnh vực kinh tế tập thể như: Chính sách đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hợp tác xã. Các văn bản pháp lý, hướng dẫn chưa rõ ràng, cụ thể tại địa phương nên gây khó khăn cho việc áp dụng các hạng mục, định mức hỗ trợ cụ thể cho từng dự án trên địa bàn huyện; Thủ tục hành chính để các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ còn rườm rà, phức tạp khó thu hút các doanh nghiệp, các tổ chức tham gia liên kết. Các hình thức liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự chặt chẽ. Nhận thức của nông dân, HTX với việc liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc liên doanh, liên kết, sản xuất, tiêu thụ nông sản, doanh nghiệp chưa chú trọng vào khâu đầu tư vùng nguyên liệu để thực hiện hợp đồng sản xuất bền vững. Hệ thống kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu liên kết còn nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, chế biến, thu hoạch nông sản; các hệ thống giao thông nội đồng vùng nguyên liệu đã xuống cấp, chưa được đầu tư đúng mức. Khả năng tổ chức sản xuất, kinh doanh của HTX còn hạn chế, đội ngũ cán bộ quản lý đa số lớn tuổi, hoạt động chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, chưa nhạy bén và năng động trong tổ chức điều hành sản xuất - kinh doanh, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới của HTX, một bộ phận thành viên còn tư duy sản xuất nhỏ, ỷ lại, chưa tích cực huy động các nguồn lực nội tại tạo động lực phát triển, chậm thích ứng với cơ chế thị trường
      Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, khắc phục những tồn tại hạn chế trong triển khai thực hiện phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
      Thứ nhất, tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Hợp tác xã năm 2012, dự  thảo sửa đổi, bổ sung  luật HTX năm 2022 và các văn bản pháp luật về Hợp tác xã, mô hình Tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Xây dựng các phóng sự, mở các chuyên trang, chuyên mục về kinh tế tập thể trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tuyên truyền pháp luật cho các tổ hợp tác. Tăng cường hơn nữa vai trò trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc vận động quần chúng, đoàn viên, hội viên, thành viên của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tự nguyện tham gia và phát triển kinh tế tập thể theo đúng tinh thần Nghị quyết của Trung ương và các quy định của pháp luật.
      Thứ hai, Xây dựng, tổ chức thực hiện lựa chọn, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả trên địa bàn huyện, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của hợp tác xã theo đúng nguyên tắc, bản chất, thúc đẩy hợp tác xã phát triển bền vững, theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, gia tăng lợi ích cho thành viên thông qua việc mở rộng liên doanh, liên kết. Trên cơ sở kết quả đạt được sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả, vừa tích lũy nguồn vốn cho hợp tác xã, vừa nâng cao đời sống thành viên và người lao động trong hợp tác xã.
      Thứ ba, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, quan tâm củng cố, khắc phục những yếu kém của các HTX; tạo điều kiện cho các HTX phát triển, mở rộng nội dung, đa dạng hình thức hoạt động, thành lập mới, xây dựng và phát triển kinh tế tập thể trên tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề. Phát huy tốt tiềm năng, lợi thế trong huy động các nguồn lực, đẩy mạnh liên doanh, liên kết tăng hiệu quả hoạt động của các HTX. Thường xuyên kiểm tra, rà soát và đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể; qua đó tổng hợp kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đề xuất, kiến nghị cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
      Thứ tư, phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ chốt các xã và cán bộ quản lý họp tác xã, tổ hợp tác. Tạo điều kiện cho các tổ hợp tác có đủ năng lực tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, khả thi, nắm bắt được nhu cầu thị trường, biết huy động và tập hợp các nguồn lực từ nội bộ để phát triển, sản xuất gắn với thị trường; đồng thời, tổ chức lại căn bản các hoạt động sản xuất kinh doanh, chú trọng đầu tư có trọng điểm, mạnh dạn đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới, mặt hàng mới với chất lượng cao, chú trọng đến đăng ký thương hiệu sản phẩm hàng hoá và dịch vụ.
      Thứ năm, Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư tham gia, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể với quy mô lớn bền vững. Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển vững mạnh, đưa kinh tế tập thể trở thành thành phần kinh tế có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các thành viên và cộng đồng dân cư.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Báo cáo tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã 6 tháng đầu năm 2022 và dự kiến nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
[2] Báo cáo sô 898/BC-UBND  Tu Mơ Rông, ngày 29 tháng 11 năm 2021 về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025).

Tác giả bài viết: Ths. Phan Văn Sinh - Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây