Trường chính trị tỉnh Kon Tum

http://truongchinhtri.kontum.gov.vn


Tinh thần Cách mạng Tháng Tám - 1945 ở tỉnh Kon Tum

Ngày 12-8-1945, tại chiến khu Việt Bắc, Ủy ban lâm thời khu giải phóng ra lệnh tổng khởi nghĩa trong vùng căn cứ địa. Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân trào (Tuyên Quang) ra quyết định Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập ngay trong đêm 13-8-1945, phát quân lệnh số 1 hạ lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc, toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

  Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân khai mạc ở Tân Trào (Tuyên quang), Đại hội nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua những chính sách lớn của Việt Minh. Đại hội quyết định quốc kỳ, quốc ca và cử Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, tức là Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

          Mệnh lệnh khởi nghĩa của ủy ban khởi nghĩa và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát đi từ Tân Trào, đã truyền đi khắp đất nước và cũng đến với nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum theo các kênh thông tin khác nhau. Đây là cơ hội "ngàn năm có một" để nhân dân cả nước nói chung, đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng nổi dậy giành quyền làm chủ. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng quê hương, đất nước.

          Từ ngày 14 đến ngày 18-8-1945, phần lớn số xã, huyện trong vùng căn cứ địa, một số tỉnh ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ đã giành được chính quyền từ tay phát xít Nhật. ở Quảng Ngãi, ngày 14-8-1945, lực lượng vũ trang địa phương đã giải phóng hầu hết các huyện, bao vây quân Nhật ở thị xã. Ngày 19-8-1945, Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi. Ngày 23-8-1945, tỉnh Thừa thiên Huế khởi nghĩa thành công, Nhân dân giành quyền làm chủ kinh thành Huế, chế độ phong kiến nghìn năm bị lật đổ, vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 25-8-1945, Sài Gòn thiết lập chính quyền cách mạng. Làn sóng khởi nghĩa khắp nơi trong nước dội về Kon Tum.

          Khi lực lượng cách mạng khởi nghiã giáng đòn quyết định vào kẻ thù tại các trung tâm đầu não, thì ở tỉnh Kon Tum, chính quyền cai trị Nhật và bọn tai sai hốt hoảng, dao động cực độ. Sau khi tiểu đoàn lính Nhật rút đi, thì phần lớn chiến binh Nhật buộc phải cuốn gói rút chạy khỏi Kon Tum về đồng bằng chờ quân Đồng minh dến giải giáp. Lực lượng của phát xít Nhật ở Kon Tum lúc này còn rất ít binh lính gác các kho, tổ chức thanh niên tiền tiến và những nhóm thân Nhật hoàn toàn tan rã. Đại bộ phận viên chức và binh lính bảo an của chính quyền tay sai bù nhìn, dần dần giác ngộ hướng theo cách mạng. Tình hình diễn biến rất thuận lợi, thời cơ khởi nghĩa chín muồi, nhưng do ở Kon Tum  lúc này thiếu một tổ chức đảng lãnh đạo, nên chưa tạo được nòng cốt và vẫn chưa hành động giành chính quyền được.

          Ngày 23-8-1945, ở Plei Ku khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, Ủy ban cách mạng lâm thời do ông Trần Ngọc Vỹ làm Chủ tịch đã quyết định đưa lực lượng khởi nghĩa gồm các ông Dương Thành Đạt, Trần Sanh, Nguyễn Xuân, Trần Thông, Đỗ Huyên dẫn đầu từ Gia Lai lên Kon Tum hổ trợ phối hợp với lực lượng ở tỉnh Kon Tum giành chính quyền. Đoàn thanh niên cách mạng lấy danh nghĩa Việt Minh điện cho Tỉnh trưởng tỉnh Kon Tum là Hà Ngại, yêu cầu giao chính quyền cho cách mạng.

          Chịu ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh và những người cộng sản, phấn chấn trước thắng lợi của khởi nghĩa giành chính quyền ở nhiều nơi trong nước, nhóm trí thức, viên chức yêu nước và một số binh sỹ tiến bộ, đã bí mật họp tối ngày 23-8-1945, bàn việc tổ chức giành chính quyền ở tỉnh Kon Tum. Cuộc họp đã vạch kế hoạch cụ thể, đặt vấn đề huy động đông đảo quần chúng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, vận động binh lính giao nộp vũ khí, tiến hành nổi dậy ở các công sở, doanh trại của địch, gửi tối hậu thư yêu cầu các chiến binh Nhật còn lại ở Kon Tum không được can thiệp, tổ chức phối hợp đồng bộ với lực lượng từ Plei Ku lên hổ trợ, tạo sức mạnh tổng hợp.

          Kế hoạch khởi nghĩa được chuẩn bị công phu, được bàn bạc kỹ, thống nhất do ông Võ Văn Dật phụ trách quân sự, đã thăm dò thái độ của lính bảo an ở các đồn, tìm cách thu chìa khóa các kho súng đạn và vận động binh lính hạ vũ khí, tiếp đón lực lượng khởi nghĩa. Đồng thời điện báo trước cho các đồn trưởng ở Đăk Tô, Kon Plong, Đăk Glei...các công sở tại tỉnh lỵ như tòa sứ, dinh quản đạo, bưu điện...chuẩn bị sẵn sàng trong thế bàn giao cho cách mạng.

          Sáng ngày 25-8-1945, đoàn xe chở các đồng chí Dương Thành Đạt, Nguyễn Xuân, Trần Thông, Trần Sanh, Đỗ Huyên với danh nghĩa Việt Minh do đồng chí Dương Thành Đạt dẫn đầu từ Gia Lai lên phối hợp giành chính quyền tại tỉnh Kon Tum. Nhờ chuẩn bị tốt, chu đáo, sẵn sàng nên suốt từ cầu Đăk Bla đến nhà bưu điện, dinh tỉnh trưởng, đồn lính bảo an, được đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum tập hợp đông đảo, một số có vũ trang, hàng ngũ chỉnh tề, sẵn sang hoan nghênh chào đón đoàn cán bộ Việt Minh, hăng hái nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh Kon Tum.

          Trước khí thế cách mạng áp đảo của đông đảo quần chúng, Tỉnh trưởng Hà Ngại tuyên bố từ chức, bàn giao toàn bộ ấn tín, hồ sơ cho cách mạng. Công việc bàn giao diễn ra nhanh gọn trong buổi sáng, toàn bộ cơ quan hành chính, quân sự, công sở, kho bạc...đã về tay nhân dân. Việc giành chính quyền ở tỉnh lỵ nhanh gọn không nổ súng, mà triệt để. Một cuộc mít tinh đã được tổ chức ngay tại dinh tỉnh trưởng ở thị xã Kon Tum để tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng.

          Cùng thời gian khởi nghĩa ở thị xã, ở Đăk Tô, Đăk Glei lực lượng của địch ở các đồn sẵn sàng chờ cách mạng đến tiếp quản. Ở Kon Plong, khởi nghĩa giành chính quyền còn có lực lượng Việt Minh ở Quảng Ngãi lên phối hợp.

          Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Kon Tum được thành lập do Bác sỹ Hoàng Lẫm làm Chủ tịch; các ông Tôn Thất Hy, Trần Quang Tường, Võ Văn Dật, EDe là ủy viên.

          Sáng ngày 28-8-1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động thị xã Kon Tum ủng hộ chính quyền cách mạng. Thay mặt ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời, bác sĩ, Chủ tịch Hoàng Lẫm đọc diễn văn chào mừng thắng lợi của khởi nghĩa, giới thiệu danh sách các thành viên ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và tuyên bố xóa bỏ toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền đế quốc phong kiến; xóa bỏ chế độ sưu thuế, lao dịch của đế quốc; lập chính quyền cách mạng của Nhân dân; chính quyền cách mạng kêu gọi toàn dân đoàn kết và triệt để ủng hộ Mặt trận Việt Minh.

          Việc giành chính quyền ở xã, huyện đều diễn ra nhanh gọn, do lực lượng tại chổ phối hợp chặt chẽ với các đoàn cán bộ của tỉnh phái về để thành lập chinh quyền cách mạng. Trong tuần cuối tháng tám năm 1945, đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum đã đoàn kết, nhất tề nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân một cách trọn vẹn, nhanh gọn. Cùng với đồng bào, chiến sỹ trong cả nước, ở tỉnh Kon Tum, ủy ban nhân dân cách mạng đã tổ chức mít tinh rất long trọng tại Ty tuyên truyền mừng Quốc khánh 2-9-1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tối ngày hôm đó (02-9-1945), đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum đã  nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập qua băng ghi âm phát trên sóng phát thanh toàn quốc.

          Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám ở tỉnh Kon Tum, cũng như trong cả nước là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đánh dấu sự đổi đời chưa từng có ở mỗi một con người, ở từng gia đình và toàn xã hội - Từ người nô lệ trở thành người tự do.

          Khác với nhiều tỉnh trong nước, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở tỉnh Kon Tum diễn ra khi chưa có tổ chức cơ sở của Mặt trận Việt Minh và cũng chưa có tổ chức đảng trực tiếp lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa diễn ra nhanh, gọn, thắng lợi trọn vẹn, ít đổ máu, hòa nhập với cao trào Tổng khởi nghĩa cả nước. Đó là biểu hiện sinh động về mối quan hệ gắn bó giữa những người cộng sản với đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum; thể hiện phương pháp đấu tranh của các chiến sỹ cộng sản khi bị địch bắt, tù đày, cực hình vẫn kiên trung làm công tác đảng, công tác binh vận, dân vận, thuyết phục lôi kéo được nhiều viên chức, binh lính, cai đội của địch về với Nhân dân, sớm giác ngộ đi theo ngọn cờ của Đảng Cộng sản Đông Dương, của Mặt trận Việt Minh; thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa những người cộng sản với Nhân dân đã tích tụ và phát triển trong nhiều năm đấu tranh chống ách nô dịch hà hiếp của ngoại bang; thể hiện tính đúng đắn của đường lối, chính sách của Đảng  và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và chính điều kiện khách quan  ấy đặt tiền đề trực tiếp cho sự ra đời của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt nam tỉnh Kon Tum./.

Tác giả bài viết: Mai Văn Bay -Trưởng phòng TC, HC, TT, TL

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây