Trường chính trị tỉnh Kon Tum

http://truongchinhtri.kontum.gov.vn


Xây dựng phong cách cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo của người cán bộ lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Phong cách lãnh đạo là tổng hợp những phương pháp, biện pháp, cách thức riêng, tiêu biểu mà người lãnh đạo sử dụng hằng ngày để thực hiện nhiệm vụ của mình. Phong cách được quy định bởi chức năng, nhiệm vụ, phẩm chất, tri thức, điều kiện chính trị và điều kiện sống của người lãnh đạo. Phong cách của người lãnh đạo có vai trò quan trọng trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, trong kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị.
 

Có một số yêu cầu trong phong cách lãnh đạo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường hay nhắc tới, đó là: phong cách dân chủ, nhưng quyết đoán; lãnh đạo sâu sát; khéo dùng người, trọng dụng người tài; cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo. Trong phạm vi bài này, tác giả chỉ đề cập đến phong cách cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo của người cán bộ lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

         1. Phong cách cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo của người cán bộ lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh

         Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một yêu cầu quan trọng trong phong cách của người cán bộ lãnh đạo là phải có sự thống nhất giữa tính đảng, tính nguyên tắc cao với tính năng động, sáng tạo, sự nhạy cảm với cái mới. “Trung với Đảng”, “trung với nước, hiếu với dân” là phẩm chất chính trị cơ bản, thể hiện trong mọi hoạt động của người cán bộ lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, điều chủ chốt trong phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo là phải: “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc"[1].

         Nhiệt tình cách mạng là yếu tố cơ bản trong phẩm chất của người cán bộ lãnh đạo. Có nhiệt tình cách mạng, người cán bộ lãnh đạo mới say mê, tận tuỵ với công việc để tìm ra những phương án sáng tạo nhằm thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao. Tính cách mạng, lòng yêu nước, thương dân là động lực lớn thôi thúc người lãnh đạo chuyên tâm, tận tuỵ với công việc. Đồng thời, người cán bộ lãnh đạo phải có sự tìm tòi sáng tạo, đề xuất được những ý kiến hay, những phương án tối ưu để thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ lãnh đạo, phải là những người vừa “hồng”, vừa “chuyên”, có đạo đức cách mạng, có tinh thần anh dũng, gương mẫu, chịu đựng gian khổ, hy sinh và có năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao.

         Tính khoa học phải được đảm bảo bằng tri thức khoa học. Nhiệt tình cách mạng chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi nó được thống nhất với các tri thức khoa học và trên cơ sở khoa học. Thực tiễn cho thấy, có nhiệt tình mà thiếu tri thức khoa học sẽ dẫn tới sai lầm, chệch hướng, làm hỏng đường lối, chính sách, hành động trái quy luật, thậm chí dẫn đến phá hoại vô ý thức. Những chương trình, dự án, kế hoạch với những ý tưởng tốt đẹp, nhưng do thiếu tri thức dẫn đến thất bại, gây ra tổn thất nặng nề. Để có tri thức khoa học, người cán bộ lãnh đạo phải chịu khó học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, nghiệp vụ, nắm bắt được tình hình trong và ngoài nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ đảng viên nói chung, nhất là với cán bộ lãnh đạo: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân"[2].

         Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ lãnh đạo cần nắm chắc lý luận mới có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, vì lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi.. Đồng thời phải biết liên hệ lý luận với thực tiễn trong công tác lãnh đạo. Vì: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông"[3].

         Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ lãnh đạo phải có năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn, phải gắn lý luận với công tác thực tế. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng phải xuất phát từ tình hình cụ thể, phải giải thích cho quần chúng hiểu và vận động quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách đó, như thế lý luận mới không tách rời thực tế.

         Trong công tác, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, người cán bộ lãnh đạo có thể sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, cần có sự vững vàng, không thay đổi trong những vấn đề thuộc về nguyên tắc, đó là những vấn đề có tính chiến lược, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là “bất biến, phải giữ vững như sắt đá”.

         Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính bất biến, mục tiêu chung trong tất cả các giai đoạn của cách mạng là độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Tuy nhiên, con đường đi đến mục tiêu đó là con đường đấu tranh lâu dài, đầy khó khăn, gian khổ. Người cán bộ lãnh đạo cần sáng suốt, tỉnh táo, nhạy bén để xác định sách lược, hình thức, biện pháp thực hiện trong những hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể, trong mỗi bước đi, mỗi bước tiến lên của cách mạng.

         2. Giải pháp xây dựng phong cách cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo của người cán bộ lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh

         Trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng phong cách cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo của người cán bộ lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần phải thực hiện tốt các giải pháp sau đây:

         Một là, tăng cường giáo dục, rèn luyện phong cách cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo của cả hệ thống chính trị.

         Bên cạnh việc tố chức tốt việc học tập Chuyên đề năm 2018 “về xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên”, cần đưa nội dung giáo dục về xây dựng phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trong đó, chú ý trang bị hệ thống tri thức tổng hợp, phương pháp tư duy khoa học và năng lực tổ chức thực tiễn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. "Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ,...Thực hiện nghiêm túc chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài"[4].

         Bản thân người cán bộ phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, luôn trung thành với Đảng, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức tận tụy với công việc, hoàn thành tốt mọi chức trách nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, phải chịu khó học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ học vấn, chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, và vận dụng có hiệu quả kiến thức tiếp thu vào thực tiễn công tác; luôn năng động, sáng tạo trong công việc.

         Hai là, xây dựng các quy định về phong cách công tác của người cán bộ lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sát hợp với tình hình và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị.

         Một trong những giải pháp quan trọng được Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là: "Xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị"[5]. Vì vậy, trên cơ sở phong cách công tác của người cán bộ lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh, từng cơ quan, đơn vị phải xây dựng được các quy định về phong cách công tác của người cán bộ lãnh đạo ở cơ quan, đơn vị mình, trong đó có quy định về phong cách cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo, kèm theo các yêu cầu bắt buộc, cùng các chế tài cụ thể để xử lý sai phạm.

         Ba là, các cấp ủy, tổ chức đảng phải thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng; quy định rõ hơn về quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu và mối quan hệ giữa tập thể cấp ủy, tổ chức đảng với người đứng đầu, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đi đôi với phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của người đứng đầu và cơ chế xử lý đối với người đứng đầu khi vi phạm.

         Bốn là, nâng cao chất lượng công tác quản lý cán bộ, đảng viên,

         Đẩy nhanh việc xây dựng các quy định, quy chế, nội quy trong thực thi công vụ và thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo.

         Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm, liên hệ theo chức trách, nhiệm vụ được giao, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, chân thành, gắn với thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, theo cương vị công tác. Kết hợp quản lý đảng viên ở nơi làm việc và quản lý đảng viên ở nơi cư trú theo Quy định số 76-QĐ/TW ngày 15/6/2000 của Bộ Chính trị khoá VIII. Làm tốt việc đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên để có căn cứ xem xét, sàng lọc đội ngũ cán bộ của cả hệ thống chính trị, tạo cơ sở để thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng... cán bộ.

         Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

         Các tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra của cấp ủy các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc xây dựng, thực hiện phong cách lãnh đạo của người đứng đầu các cấp. Đồng thời, cần“chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không để người thân trong gia đình lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi"[6].

         Thực hiện nghiêm Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 03/10/2017 của Bộ Chính trị về ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

         Sáu là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII về xây dựng Đảng; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Chuyên đề năm 2018 “về xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” và Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 22/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ./.

                      

                                 

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t.11, tr.603.

[2] Sđd, t10, tr.377.

[3] Sđd, t11, tr.95.

[4] Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của BCHTW khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

 

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII , VPTW Đảng, H.2016, tr.203.

[6] Sđd,  tr.209.

 

Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Lương Thủy

Nguồn tin: Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây