Trường chính trị tỉnh Kon Tum

http://truongchinhtri.kontum.gov.vn


Cảnh giác và thận trọng với các luận điệu xuyên tạc sai trái trên mạng xã hội

          1- In-tơ-nét và cách thức chống phá trên mạng In-tơ-nét thời gian qua

          Trước đây, khi ta cần gửi "lá thư" đoạn đường 40-50 km phải mất vài ngày qua đường bưu điện thì ngày nay gửi cả nghìn trang văn bản với file đính kèm ngay trong vòng vài giây cách xa hàng nghìn km người nhận đọc được ngay nhờ gửi mail qua mạng thông tin toàn cầu (Internet), do đặc thù của Internet là tốc độ truyền tải thông tin nhanh nhạy, thông tin gần như tức thì, việc lập một địa chỉ mail, một Blog cá nhân, một địa chỉ Facebook, một nick zalo...chỉ mất vài phút và gần như không tốn bất kỳ chi phí gì, chưa kể thông tin đăng ký tính “tự do” tương đối của những chủ thể thông tin... nên những quan điểm "chẳng biết đúng sai" "không rõ thật hay giả" "chẳng biết từ đâu"...trên mạng internet có khả năng ảnh hưởng nhanh, sâu và rộng đến nhiều đối tượng. Thực tế cho thấy thời gian qua không ít thông tin trên mạng đã gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, gây mất phương hướng, sa sút niềm tin, làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước...

          Mạng internet ra đời là một bước đột phá về công nghệ phục vụ con người. Với tốc độ phát triển mạnh mẽ, internet trở thành công cụ không thể thiếu cho cuộc sống và sự phát triển của xã hội loài người. Việc truyền tải, chia sẻ thông tin trên internet về mặt khách quan nó đã hàm chứa tính tiện ích hơn gấp trăm lần các phương tiện truyền thông trước nó. Nó tác động đến tất cả mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Càng ngày phạm vi bao phủ của mạng Internet càng lớn, dung lượng  chứa đựng và tốc độ kết nối, lưu chuyển dữ liệu càng cao, và càng có nhiều dịch vụ, kết nối nhiều người trên toàn thế giới, bất kể địa lý, không gian và thời gian.

          Vấn đề là ở chỗ, những âm mưu, thủ đoạn xảo trá, những điều vô nghĩa, phi lý được tung lên mạng toàn cầu lại có "khả năng" lung lạc không ít người truy cập. Không phải ai và lúc nào cũng đủ tỉnh táo và có thể phân biệt được thật - giả, đúng - sai, trong khối lượng thông tin khổng lồ và dày đặc được tung lên mạng toàn cầu.

          Cho nên, internet trở thành phương tiện mà các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội thoái hóa biến chất, đã sử dụng hàng trăm trang tin điện tử để truyền bá quan điểm sai trái, chống chế độ XHCN, chống chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, và thường bằng các cách thức sau:

          Cách thức phổ biến nhất là các trang tin này được thiết kế nhiều hình thức "bắt mắt" với nhiều thông tin hấp dẫn, có tác dụng thu hút, lôi kéo người dân trong nước truy nhập vào, để rồi sau đó cài vào đó các thông tin phản động, chống đối. Loại hình nói trên đều có đặc điểm chung là sử dụng nhiều phương thức, hình thức dịch vụ tin tức, trao đổi khác nhau để lôi kéo định hướng người sử dụng Internet đến với các nội dung cần tuyên truyền. Đôi khi các thông tin đánh lạc hướng là những thông tin rất có giá trị để nhằm làm người đọc mất cảnh giác khi đến với các nội dung phản động, họ đã "trộn lẫn thật giả". Các nội dung thường bị bóp méo, xuyên tạc dẫn đến làm sai lệch cách nhìn nhận của cộng đồng mạng về tình hình trong nước.

            Cách thức phổ biến thứ hai được sử dụng là tường thuật trực tuyến (livetreams) hoặc thông qua các dịch vụ hội thoại (chat), trao đổi trực tuyến, diễn đàn (forum). Hội thoại trực tuyến bao gồm cả hội thoại dùng chữ (text), dùng lời (voice), dùng hình ảnh (video), ... Hội thoại trực tuyến là dịch vụ cho phép hai hay nhiều người có thể trao đổi trực tuyến với nhau tức thời thông qua Internet. Có thể nói dịch vụ này đã giúp mọi người liên kết được với nhau một cách thuận tiện, vượt qua không gian, thời gian, và quan trọng nhất là rất rẻ tiền, nếu không nói là hoàn toàn miễn phí.

             Cách thức phổ biến thứ ba là sử dụng thư điện tử (email). Hằng ngày có hàng tỷ email được truyền đi qua Internet. Thư điện tử đã trở thành một dạng dịch vụ không thể thiếu đối với người sử dụng Internet. Có rất nhiều giao dịch, kể cả giao dịch thương mại đã sử dụng email như phương pháp truyền thông hiệu quả và tin cậy. Do đó thông qua email để tiếp cận đối tượng tuyên truyền là một hình thức rất hiệu quả trong thời đại Internet. Hiện tại việc lạm dụng email để quảng cáo, tuyên truyền, thậm chí lừa đảo đã trở thành một vấn nạn toàn cầu. Trong trào lưu đó, các phần tử phản động đã nhanh chóng áp dụng các phương pháp tiếp cận bằng email vào hoạt động của mình.

          Thời gian qua, các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội, những người "đào ngũ tư tưởng" đang tăng cường sử dụng mạng In-tơ-nét với hàng trăm trang mạng xã hội và blog, với nội dung xấu độc, với liều lượng, tần suất ngày càng tăng để tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, tập trung vào một số vấn đề chính như:

         Thứ nhất, qua các trang mạng xã hội và blog xấu độc, tung ra những thông tin và quan điểm sai trái, thù địch nhằm phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường đi lên CNXH của Việt Nam; xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; gây mâu thuẫn nội bộ, vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Kêu gọi thay đổi chế độ chính trị, đòi đa nguyên, đa đảng; kêu gọi biểu tình gây áp lực đối với Đảng, Nhà nước; âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, phi chính trị hóa quân đội…

             Thứ hai, họ phát tán trên mạng In-tơ-nét những tin, bài, tài liệu có nội dung sai trái, thù địch và khuyến khích nhiều người lên mạng “trao đổi”, “thu nhận” thông tin; dùng các trang mạng xã hội và blog làm “nóng” các vấn đề trong nước để tuyên truyền chống phá ta,  kêu gọi từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, xuyên tạc, tung tin thất thiệt gây chia rẽ nội bộ, kêu gọi biểu tình, phản đối ban hành Luật Đặc khu...

            Thứ ba, lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo” “đất đai”... để vu cáo, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, gây sức ép về chính trị và kinh tế, gắn vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” với các điều kiện về hợp tác kinh tế; tìm cách tác động, kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế gia tăng sức ép với Việt Nam…nhằm gây chú ý của dư luận, tạo áp lực với Đảng, Nhà nước ta; nhào nặn, lan truyền những thông tin thất thiệt gây tâm lý bi quan, hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, thực hiện mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, từng bước hướng lái Việt Nam theo chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

            Thứ tư, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, xã hội, những vấn đề “nóng”, “bức xúc” trong xã hội để xuyên tạc, bóp méo, lấy hiện tượng quy thành bản chất nhằm công kích sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, gieo rắc tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

           Thứ năm, lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý, định hướng thông tin, tác nghiệp ở một số cơ quan báo chí để xảy ra tình trạng một số bài viết phản ánh về các vụ việc phức tạp, nhạy cảm sai sự thật, thiếu khách quan; cá biệt một số tờ báo có những bài viết “giật tít” nhằm câu khách; tần suất, số lượng bài viết về các mặt trái, tiêu cực xã hội quá nhiều, nhất là trên một số báo điện tử, để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá ta.

             Tình hình đó  đặt ra nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết đối với cách mạng nước ta cần  phải nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống “DBHB”, trên mạng internet.

          2- Một số giải pháp cần quyết liệt thực hiện để ngăn ngừa, vô hiệu hóa sự phá hoại của các thế lực thù địch trên mạng In-tơ-nét

           Thời gian tới, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những âm mưu, thủ đoạn hoạt động “diễn biến hòa bình”, chống phá ta trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; chúng triệt để sử dụng công nghệ thông tin, nhất là các mạng xã hội, blog xấu độc trên mạng In-tơ-nét, tìm mọi cách móc nối giữa các thế lực thù địch bên ngoài với các phần tử cơ hội chính trị trong nước để nhào nặn thông tin, hình ảnh, tung những bài viết có quan điểm sai trái trên mạng In-tơ-nét, thông qua các trang mạng xã hội và blog xấu độc. Để ngăn chặn, vô hiệu hóa những âm mưu và thủ đoạn phá hoại đó của các thế lực thù địch, thì các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị thực hiện một số giải pháp sau:

         Một là, cấp ủy đảng các địa phương, cơ quan, đơn vị phải thường xuyên nắm chắc âm mưu và thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị; kịp thời có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phản bác; tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, góp phần phòng, chống tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.

              Hai là, các tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị-xã hội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thấy rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị trong việc thu thập, tán phát thông tin và luận điệu sai trái chống phá ta trên các trang mạng xã hội, blog xấu độc, phần lớn có máy chủ đặt ở nước ngoài. Nâng cao cảnh giác không tin theo, không truy cập và tán phát những thông tin xấu độc đó; chủ động đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái không để các thế lực thù địch lợi dụng mạng In-tơ-nét chống phá ta; đồng thời tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, mở rộng việc cung cấp thông tin chính thức, kiến thức pháp luật để nâng cao trình độ nhận thức, tạo sức đề kháng của cán bộ, đảng viên và nhân dân chống lại, vô hiệu hóa những thông tin và luận điệu sai trái, thù địch.

             Ba là, các cơ quan thông tin đại chúng duy trì thường xuyên chuyên trang, chuyên mục đăng tải các tin, bài đấu tranh phản bác các thông tin và luận điệu sai trái, thù địch; siết chặt quy trình làm báo không để xảy ra sai sót về chính trị, nhất là những tin, bài liên quan những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, các sự kiện chính trị của đất nước, của các địa phương, đơn vị mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để thổi phồng, vu cáo chống phá ta.

             Bốn là, ban tuyên giáo các cấp, các ngành phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên nắm bắt tình hình; kịp thời phát hiện, đề xuất tham mưu với cấp ủy các giải pháp ngăn chặn ảnh hưởng, tác hại của những thông tin xấu độc, luận điệu sai trái do các thế lực thù địch tung lên mạng In-tơ-nét nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta./.

Tác giả bài viết: TS. Ngô Hoàng Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây