Nâng cao hiệu quả thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Chi bộ Xây dựng Đảng

Thứ ba - 13/07/2021 23:28

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Lương Thủy - Khoa Xây dựng Đảng

     Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân, có tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động trên cơ sở những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Đảng ta khẳng định: “Sự chặt chẽ về nguyên tắc là vấn đề sống còn của Đảng và bảo đảm quan trọng nhất cho sức sống, sự trong sạch và vững mạnh của Đảng”[1].
     Đảng Cộng sản từ khi ra đời đến nay đã lựa chọn nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đây là nguyên tắc cơ bản để xây dựng tổ chức và chỉ đạo hoạt động của mình. Tinh thần chủ yếu của nguyên tắc này là bảo đảm cho sự thống nhất về tư tưởng và chính trị của Đảng Cộng sản được củng cố bằng sự thống nhất về tổ chức. Nguyên tắc tập trung dân chủ làm cho Đảng Cộng sản được xây dựng thành một đội ngũ có kỷ luật chặt chẽ, có sức chiến đấu cao, phát huy được cao độ tính chủ động, năng động và sáng tạo của đông đảo cán bộ, đảng viên; đảm bảo cho Đảng luôn là một tổ chức chiến đấu, một tổ chức lãnh đạo, một tổ chức hành động mà không phải là một câu lạc bộ chỉ bàn cãi suông. Nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đạo mọi hoạt động xây dựng tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng chi phối các nguyên tắc tổ chức, hoạt động khác của đảng.Tập trung dân chủ là nguyên tắc phân biệt chính đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân với các đảng phái khác.
     Về bản chất, tập trung dân chủ là một nguyên tắc thống nhất, không tách rời, càng không thể đối lập giữa tập trung và dân chủ. Tập trung trên cơ sở dân chủ, dân chủ đi đôi với tập trung, đi tới tập trung. Dân chủ là điều kiện, tiền đề của tập trung, tập trung là cơ sở bảo đảm cho dân chủ được thực hiện và phát huy.

     Là một đảng cách mạng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, ngay từ tháng 10 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam (khi đó là Đảng Cộng sản Đông Dương) đã quy định cách tổ chức của Đảng trong Điều lệ: Đảng “tổ chức theo lối dân chủ tập trung”[2]. Từ đó đến nay, trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Nhờ được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng ta đã có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam thành công và ngày càng phát triển.
     Hiện nay, nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định tại Điều 9 của Điều lệ Đảng (Khóa XI), bao gồm:
     1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
     2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp ủy).
     3. Cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp ủy cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.
     4. Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.
     5. Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.

     6. Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên[3].
     Chi bộ Xây dựng Đảng là chi bộ trực thuộc Đảng ủy Trường Chính trị tỉnh Kon Tum, được thành lập tháng 8 năm 2019 trên cơ sở tách ra từ Chi bộ Xây dựng Đảng – Nhà nước và pháp luật, hiện nay có 06 đảng viên chính thức.
     Từ khi được thành lập đến nay, trong tổ chức và hoạt động của Chi bộ luôn thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ được quy định trong Điều lệ, thể hiện: Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ hiện nay là do Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022 bầu ra, trong hoạt động của Chi bộ luôn thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ luôn phát huy quyền dân chủ của đảng viên, mọi vấn đề quan trọng thuộc sự lãnh đạo của Chi bộ đều được tập thể đảng viên bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ và quyết định theo đa số. Chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt thường kỳ và trong cuộc họp đánh giá, xếp loại chi bộ, đảng viên hằng năm được thực hiện nghiêm túc. Những tồn tại, hạn chế của cá nhân và tập thể đã được Chi bộ phát hiện, chỉ ra kịp thời, giúp đảng viên, Chi bộ sửa chữa, khắc phục từ đó ngày một tiến bộ hơn. Kết quả đánh giá, phân loại tập thể và cá nhân hằng năm đúng thực chất. Trong tổ chức và hoạt động, từng đảng viên cũng như tập thể Chi bộ luôn chấp hành nghiêm túc Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết của Đảng; chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.... Đến nay, trong Chi bộ không có tình trạng đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, không có tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...Những kết quả thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, hoạt động của Chi bộ đã góp phần quan trọng xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh.
     Tuy nhiên, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của Chi bộ vẫn còn một số mặt hạn chế như: Việc nghiên cứu, tham gia góp ý văn kiện trình Đại hội Đảng các cấp (nhiệm kỳ 2020-2025) của một số đảng viên còn ít; trong sinh hoạt Đảng, còn có đảng viên chưa mạnh dạn trong góp ý phê bình…Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về nguyên tắc tập trung dân chủ và trách nhiệm của bản thân trong thực hiện; do tâm lý e ngại, nể nang…
     Để nâng cao hiệu quả thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Chi bộ, trong thời gian tới, Chi bộ Xây dựng Đảng cần phải thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau đây:
     Một là, nâng cao nhận thức cho đảng viên về nguyên tắc tập trung dân chủ.
    Nguyên tắc tập trung dân chủ có nội dung và phạm vi áp dụng rất rộng, có nhận thức đúng mới thực hiện đúng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ thời gian qua là do có đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về nguyên tắc này. Để nâng cao nhận thức cho đảng viên về nguyên tắc tập trung dân chủ, Chi bộ cần tổ chức cho đảng viên học tập nắm vững các Quy định, Hướng dẫn của Trung ương Đảng về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
     Hai là, phát huy dân chủ đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Chi bộ.
     Chi bộ phải phát huy mạnh mẽ dân chủ trong sinh hoạt, trước hết là bảo đảm thực hiện các quyền của đảng viên, nhất là quyền được thông tin, thảo luận, chất vấn, phê bình, bảo lưu ý kiến…Đồng thời, cùng với việc mở rộng dân chủ, phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Chi bộ, không để bất cứ ai lợi dụng dân chủ, lợi dụng quyền phê bình để bôi nhọ, hạ thấp uy tín của đồng chí mình, gây mất đoàn kết nội bộ. Chi bộ và đảng viên phải chấp hành các quy định của Đảng, nói và làm theo nghị quyết của Đảng.
     Ba là, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách. Chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách là nội dung quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ, cần cụ thể hóa chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách bằng quy định cụ thể, để vừa giữ vững chế độ lãnh đạo tập thể, vừa tăng cường mạnh mẽ trách nhiệm cá nhân.
     Bốn là, mỗi đảng viên trong Chi bộ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu nắm vững nội dung nguyên tắc tập trung dân chủ trong Điều lệ, các Quy định, Hướng dẫn của Trung ương Đảng và thực hiện nghiêm túc; phải xác định rõ, chấp hành và bảo vệ nguyên tắc này là một nhiệm vụ quan trọng của người đảng viên.
     Năm là, 
tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Đảng ủy Trường đối với việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của các chi bộ trực thuộc, trong đó có Chi bộ Xây dựng Đảng. Xử lý nghiêm minh, kịp thời những đảng viên, tổ chức đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ./.
 

[1]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,  H.2004, t.37, tr.772.
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1998, t.2, tr.119.
[3] Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam,  Nxb CTQG, H., 2011, tr. 16-19.

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây