ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM - 91 NĂM LÃNH ĐẠO VÀ TRƯỞNG THÀNH

Thứ hai - 11/01/2021 21:36

Tác giả bài viết: ThS. Mai Văn Bay - Trưởng phòng TC,HC,TT,TL

91 năm trước, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử cách mạng nước ta, đánh dấu mốc son chói lọi trên con đường phát triển dân tộc, bởi trước đó các phong trào yêu nước đấu tranh chống lại sự xâm lược, đô hộ của đế quốc, thực dân đều thất bại do bế tắc về đường lối và về giai cấp lãnh đạo.
           Trải qua 91 năm, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo - đã tập hợp sức mạnh, trí tuệ toàn dân tộc tiến hành các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và đã liên tục giành được những thắng lợi vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Nhân dân cả nước ta tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám là kết quả sự phát triển cách mạng trong 15 năm, trải qua 3 cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh; cao trào cách mạng dân tộc dân chủ 1936-1939 và cao trào cách mạng giải phóng dân tộc 1939 - 1945. Cách mạng Tháng Tám đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
          Sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta và Nhân dân ta thiết tha mong muốn kiến thiết đất nước trong hòa bình, chủ trương giao hảo với tất cả các nước gần xa. Song đế quốc thực dân lại đem quân xâm lược nước ta lần nữa. Tất cả vì độc lập tự do, Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và giành những thắng lợi vĩ đại. Đó là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta. Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều nền kinh tế lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh. Những thành tựu Nhân dân ta đã thực hiện trong giai đoạn 1975-1985 là đáng kể. Đảng ta đã có nhiều nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng đường lối, xác định mục tiêu và phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng Đảng ta cũng đã phạm sai lầm chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan; nóng vội trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ nền kinh tế nhiều thành phần, đẩy mạnh quá mức việc xây dựng công nghiệp nặng, duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã tự phê bình nghiêm túc về những sai lầm và đề ra đường lối đổi mới. Trong lúc Đảng ta và Nhân dân ta triển khai công cuộc đổi mới thì một biến cố bên ngoài hết sức phức tạp, bất lợi cho cách mạng đã xảy ra, đó là sự sụp đổ mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên xô. Cách mạng nước ta một lần nữa đứng trước thử thách lớn. Song, nhờ có đường lối đổi mới đúng đắn, có tính nguyên tắc của Đảng; nhờ có tinh thần yêu nước và sự phấn đấu kiên cường của Nhân dân, công cuộc đổi mới đã thu được những thắng lợi quan trọng. Thắng lợi nổi bật nhất là tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tiếp tục đưa đất nước ta phát triển, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của cách mạng Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế. Đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; quan hệ đối ngoại được mở rộng, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
          Trong quá trình xây dựng Đảng và lãnh đạo cách mạng của Đảng, nhất là lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, như nhiều văn kiện của Đảng đã chỉ ra, Đảng ta không chỉ có những ưu điểm và thành tựu mà còn có những khuyết điểm và yếu kém. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình và thẳng thắn đấu tranh để khắc phục yếu kém, sửa chữa sai lầm trong công tác lãnh đạo của mình. Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng bên cạnh những mặt tiến bộ, tích cực, vẫn còn nhiều biểu hiện tiêu cực như, tính tự giác trong việc tự phê bình và phê bình ở một số cấp ủy đảng chưa cao, thậm chí có nơi mất đoàn kết nghiêm trọng.v.v...Ở một số tổ chức đảng và bộ máy Nhà nước, trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tệ tham nhũng, quan liêu, chạy chức, chạy quyền, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. "Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".(1) Đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã từng có ý nhắc nhở rằng: Nếu Đảng và bộ máy nhà nước không trong sạch sẽ ảnh hưởng cho cả đoạn đường rất dài trong thế kỷ tới và khó giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng.
          Thực tiễn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là qua 35 năm tiến hành đổi mới, "con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn". Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đã khắc phục được tình trạng bất cập, yếu kém trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng "Nhận thức, triển khai đổi mới tổ chức bộ máy một số cơ quan Trung ương và địa phương chưa đều, chưa thật đồng bộ. Công tác cán bộ còn có nhiều mặt hạn chế, một số nội dung trong các khâu công tác cán bộ ở một số nơi thực hiện còn hình thức. tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, "lợi ích nhóm", bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi"(2)
          Để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới, dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, đã định hướng: "Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị: Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; những nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo của Đảng trong hoạch định đường lối, chính sách của Đảng. Kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hêt là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược. thực hành dân chủ gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
          Tăng cường xây dựng Đảng về tư tưởng: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước....Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách, phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương phát triển, bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ."(3)
          Để triển khai thực hiện định hướng mà Đảng đã xác định, các cấp ủy đảng và từng cán bộ, đảng viên cần có những quyết tâm, cố gắng vượt bật.
          Trước hết, tiếp tục xây dựng và củng cố niềm tin vững chắc vào lý tưởng cách mạng, con đường cách mạng của Đảng, con đường của chủ nghĩa xã hội; có niềm tin vững chắc vào nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối với người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, sự kiên định niềm tin  ở nền tảng tư tưởng của Đảng là cực kỳ quan trọng và xuyên suốt, đặc biệt trong những bước ngoặc của cách mạng, những thời điểm đất nước gặp khó khăn, thử thách, sự chống phá của các thế lực thù địch... Những lúc như thế, người cộng sản giữ vững được niềm tin thì sẽ đưa con thuyền cách mạng vượt qua mọi sóng to, gió lớn, vững vàng trước thác ghềnh đi lên theo con đường đã chọn. trong tác phẩm Đường Cách mệnh (năm 1927) Bác đã viết: "Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam.
          Bây giờ học tuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin"(4)
          Thứ hai, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận; phải có tư duy sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm trước đòi hỏi của thực tiễn; tiếp tục làm sáng tỏ hơn lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
          Sự nghiệp đổi mới của chúng ta là nhằm giữ vững con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Để đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải xác định được những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng. Tổng kết 25 năm đổi mới cũng như công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trước đổi mới và học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tại Đại hội XI, Đảng ta đã xác định “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển tòan diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân  do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(5). Để xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế cho chủ nghĩa xã hội Việt Nam và kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp Đảng ta cho rằng cần thực hiện tốt tám phương hướng cơ bản sau:
          Một là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên môi trường.
          Hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
          Ba là, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
          Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
          Năm là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
          Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất.
          Bảy là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
          Tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”(6).
         Trong tám phương hướng trên thì hai phương hướng đầu là nhằm xây dựng cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội. Phương hướng ba, bốn, năm là nhằm xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Phương hướng sáu là xây dựng và thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Phương hướng bảy, tám là xây dựng Đảng và Nhà nước như những chủ thể lãnh đạo, quản lý sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các phương hướng này quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau và cùng nhau nhằm thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Trong qúa trình thực hiện tám phương hướng này sẽ phải nhận thức và giải quyết tám quan hệ lớn nêu trên. Như vậy, lý luận về đổi mới và lý luận về chủ nghĩa xã hội Việt Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có mối quan hệ gắn bó hữu cơ nội tại với nhau. Những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội như là những đích đến, những mục tiêu của quá trình đổi mới vì chủ nghĩa xã hội. Để đạt những mục tiêu ấy, chúng ta phải thực hiện tám phương hướng cơ bản như là những giải pháp. Khi thực hiện tám phương hướng cơ bản phải lưu ý nhận thức và giải quyết tám quan hệ lớn nảy sinh mới bảo đảm đúng đích đến là chủ nghĩa xã hội.
          Nhìn lại chặng đường đấu tranh oanh liệt của Đảng ta trong 91 năm qua; ôn lại những khó khăn, gian khổ, sự hy sinh vô bờ bến cùng những thắng lợi vẻ vang mà nhân dân ta đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta càng trân trọng quá khứ, nâng niu gìn giữ những thành quả cách mạng và công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh; càng thấu hiểu, tin yêu và tự hào thêm về dân tộc ta - một dân tộc anh hùng, vị tha, thông minh và sáng tạo; tự hào về Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam trong suốt 91 năm qua đã chứng minh rằng sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu, quyết định thắng lợi cách mạng nước ta; đồng thời, chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện thử thách và không ngừng trưởng thành, ngày càng xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Vì lẽ đó, bao thế hệ người dân Việt Nam đã dành trọn niềm tin, niềm kính yêu vô hạn cho Đảng quang vinh bằng ngôn từ giản dị: “Đảng ta”. 

 (1)Đảng Cộng  sản Việt Nam: Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tháng 4 - 2020, tr 19
(2) Đảng Cộng  sản Việt Nam: Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tháng 02 - 2020, tr 6
(3) Sdd, tr 35,36
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, t2, tr.288.
(5) (6) Văn kiện Đại hội Đại biểu tòan quốc lần thứ XI, NxbCTQG,H2011; tr.70.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây