Hào khí Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940

Thứ tư - 02/10/2019 23:39

Tác giả bài viết: Trịnh Thu Trang - GV Khoa Nhà nước và Pháp luật

Khởi nghĩa Nam kỳ là trang sử oanh liệt của miền Nam "đi trước về sau" trên suốt chặng đường cách mạng của đất nước.

  Nam bộ lúc đó phong trào cách mạng mạnh mẽ hơn các nơi trong cả nước. Từ sau Hội nghị trung ương Đảng lần thứ VI (11-1939) họp tại Hóc Môn-Bà Điểm, mặc dù một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng bị bắt nhưng Xứ ủy Nam kỳ vẫn được củng cố và tiếp tục lớn mạnh.

      Tháng 3-1940, Ban thường vụ Xứ ủy đã vạch ra Đề cương chuẩn bị bạo động đưa các hoạt động lẻ tẻ vào phong trào chống đế quốc Pháp và tay sai, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Cả Nam bộ rạo rực không khí chuẩn bị, nhiều cuộc biểu tình nổ ra giữa ban ngày. Có nơi, khi bọn mật thám kéo đến bắt cán bộ, nhân dân nổi trống mõ uy hiếp, đánh tháo.

      Các đội tự vệ, du kích dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, phát triển ngay ở những xí nghiệp lớn ở Sài Gòn như Ba Son, bến tàu, nhà đèn Chợ Quán, trường Bách Nghệ... ở nông thôn phần lớn các xã đều có từ một tiểu đội đến một trung đội du kích.

      Làng nào cũng có lò rèn ngày đêm sản xuất vũ khí. Nhân dân góp nồi đồng, mâm thau, lư hương để du kích đúc đạn. Thậm chí xuất hiện cả những cơ sở làm bom, lựu đạn xi măng, súng thô sơ.

      Ðến giữa tháng 11-1940, trước tình hình phong trào cách mạng sôi sục, tinh thần phản chiến trong binh lính người Việt lên cao, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân.

      Hội nghị Trung ương Ðảng họp tại Ðình Bảng từ ngày 6 đến 9 tháng 11-1940 đã quyết định đình chỉ cuộc khởi nghĩa vì điều kiện chủ quan và khách quan chưa chín muồi, giao đồng chí Phan Ðăng Lưu trở về truyền đạt quyết định của Trung ương cho Xứ ủy Nam Kỳ.

      Ngày 22 tháng 10 năm 1940, vừa về đến Sài Gòn, đồng chí Phan Đăng Lưu đã bị bắt, lệnh khởi nghĩa lúc đó đã phát đi khắp nơi không thể thu hồi lại. Đáng tiếc hơn nữa, kế hoạch của cuộc khởi nghĩa đã phần nào bị địch phát hiện thấy trước ít ngày. 

      Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố ở Nam Kỳ, kéo dài từ đêm 22 rạng sáng 23-11 đến ngày 31-12-1940. Cả Nam Kỳ rung chuyển dưới sức nổi dậy của quần chúng cách mạng. Bọn phản cách mạng bị xét xử, ruộng, thóc của địa chủ phản động được chia cho dân cày nghèo.

      Mặc dù chính quyền cách mạng chỉ giữ được trong một thời gian ngắn (lâu nhất ở Mỹ Tho giữ được 49 ngày) nhưng cũng như Xô Viết Nghệ Tĩnh 10 năm trước, đó là những ngày hội của quần chúng nhân dân.

      Thực dân Pháp điên cuồng đàn áp nhằm tiêu diệt chính quyền cách mạng, chung cho máy bay dội bom xuống làng mạc, thôn xóm. Chỉ trong 40 ngày, riêng bốn tỉnh Gia định, Mỹ Tho, Long Xuyên và Cần Thơ có tới 5.640 người bị giặc lấy dây thép xâu tay rồi phơi nắng cho đến chết khô, hoặc chất lên sà lan đưa ra biển nhận chìm... 

      Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị dập tắt, bọn đế quốc vẫn chưa hết hoảng sợ. Ngày 28-8-1941, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam có một cuộc tàn sát quy mô lớn, các đồng chí lãnh đạo, những người con ưu tú của dân tộc, của Đảng, trong đó có thể kể đến như: Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai... đã bị giặc Pháp bắt giết. Tấm gương hy sinh dũng cảm của các đồng chí mãi mãi sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

      Cuộc khởi nghĩa tuy không thành công, bị kẻ thù dìm trong biển máu nhưng đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 và nhiều giá trị lịch sử cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng và nhân dân ta.

      Cuộc khởi nghĩa là tiếng súng báo hiệu cho phong trào khởi nghĩa toàn quốc, thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của nhân dân các tỉnh Nam Bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của Ðảng. 

      Khởi nghĩa Nam Kỳ nêu lên một tấm gương sáng ngời về tinh thần kiên cường bất khuất của nhân dân Việt Nam, đã đào tạo và rèn luyện một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng của Ðảng, gương mẫu chiến đấu hy sinh vì quyền lợi của dân tộc, của nhân dân, hàng vạn quần chúng đã được thử thách trong đấu tranh, để từ đó tiếp tục theo Ðảng  thực hiện cuộc vận động giải phóng dân tộc tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

      Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940 đã chứng minh một chân lý, muốn lật đổ ách thống trị của bọn thực dân đế quốc để giành độc lập tự cho dân tộc, nhất thiết phải bằng bạo lực cách mạng, bạo lực vũ trang của toàn dân, chứ không chỉ bằng đấu tranh chính trị đơn thuần.

      Tôn vinh ý nghĩa to lớn của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh số 163/SL ngày 14-4-1948 long trọng tuyên dương: “Đội quân Khởi nghĩa Nam bộ 1940 đã nổi lên chiến đấu oanh liệt với địch và đã biểu dương ý chí quật cường của dân tộc”[1].

 


[1] Trong Sắc lệnh số 163-SL tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1940

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây