Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiệm vụ xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thứ năm - 13/05/2021 22:27

Tác giả bài viết: ThS. Lê Thị Nghệ - Khoa Xây dựng Đảng

Kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc ta. Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã chủ trương đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất để cùng nhau chống kẻ thù chung vì độc lập tự do của Tổ quốc.

      Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo mà đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ tĩnh đang diễn ra sôi nổi và rầm rộ trong cả nước, ngày 18.11.1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế Đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam để tập hợp mọi lực lượng yêu nước làm cách mạng giải phóng dân tộc. Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn phát huy vai trò của mình trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước của người Việt Nam, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một lực lượng hùng mạnh để đánh đuổi bè lũ thực dân, đế quốc, giành lại độc lập cho Tổ quốc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
      Đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta xác định là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện đường lối chiến lược đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, một lần nữa Đảng ta khẳng định “Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội”[1].
      Vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ được khẳng định trong ý thức của nhân dân, trong đường lối, chủ trương của Đảng mà còn được ghi nhận trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), thể chế hóa trong Điều 9 Hiến pháp năm 2013 và trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.
      Là bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp đoàn kết các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo và các thành phần trong xã hội; kịp thời tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tham gia giám sát và phản biện xã hội; tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước; tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân... đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới đất nước gần 35 năm qua.
      Trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, để mở rộng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động các phong trào, các cuộc vận động như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hoạt động Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội; phong trào “Đoàn kết sáng tạo” và ngày đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm, qua đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở cơ sở. Những kết quả đạt được của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể nhân dân đã được Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội; thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước”[2].
      Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ đối với sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước nói chung và sứ mệnh xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng thì đất nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới đặt ra, tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ tới sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội ngày càng gay gắt; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân... còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận cùng với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chĩa mũi nhọn tấn công, hòng phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tế này đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân, trở thành thách thức đối với mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
      Để tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang nỗ lực cùng Đảng, Nhà nước và các tổ chức thành viên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết trên cơ sở các giải pháp cụ thể sau:
      Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả Mặt trận tham gia xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
      Phát huy vai trò của Mặt trận trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc với tư cách là tổ chức liên minh chính trị rộng lớn nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, Mặt trận cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia đề xuất, xây dựng, phản biện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đông đảo nhân dân.
      Thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Mặt trận các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ “Mặt trận lắng nghe nhân dân nói”, đa dạng hóa các kênh tập hợp ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của nhân dân, phản ánh định kỳ và đột xuất để các cơ quan Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết; đồng thời theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị, đề nghị chính đáng của nhân dân.
      Hai là, thực hiện hài hòa lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
      Mặt trận cần chủ động góp phần cùng Đảng, Nhà nước xây dựng một cơ chế kết hợp hài hòa, hợp lý giữa các lợi ích vật chất và tinh thần, lợi ích chung và lợi ích riêng, lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài… của các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc tập hợp, phát huy sức mạnh tổng lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.
      Mặt trận cụ thể hóa việc bảo đảm hài hòa lợi ích hợp pháp, chính đáng thông qua vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà trực tiếp là triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào lớn: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”…
      Thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân phát huy trách nhiệm công dân, đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng sự đồng thuận xã hội và đề cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, ý chí tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, chức sắc tôn giáo trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn. Qua đó, tăng cường đoàn kết các dân tộc và sự đồng thuận giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo với những người không tín ngưỡng, tôn giáo. Thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân; xử lý nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; giải quyết ổn định những vụ việc khiếu kiện đông người, không để kéo dài, phức tạp. Chủ động định hướng dư luận và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động, kẻ xấu hòng gây mất đoàn kết trong nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
      Ba là, “Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội”[3].
      Đa dạng hóa các hình thức tập hợp, động viên nhân dân đồng tâm, hiệp lực thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực nắm bắt, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên.
      Bốn là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng; xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong đội ngũ cán bộ, đảng viên trên cơ sở phải chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị sinh sống tại các khu dân cư. Tiếp tục phát huy vai trò của các ban công tác mặt trận, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng để kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án mà người dân được trực tiếp thụ hưởng, góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên cần tăng cường hiệu quả của công tác tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch đang lợi dụng những khuyết điểm, hạn chế, sơ hở của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một số địa phương, lợi dụng lòng yêu nước của một bộ phận quần chúng nhân dân để kích động, xuyên tạc, phá hoại sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc./.

 


[1] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2016, tr.166.
[2] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2016, tr.156-157.

[3] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, tr.172.
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây