Nội dung và giá trị nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ tư - 29/05/2019 23:57

Tác giả bài viết: ThS. Lê Thị Minh Phượng - Khoa Lý luận cơ sở

Nhận thấy sức khỏe của mình có phần giảm sút so với những năm trước đó. Từ năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, ở tuổi 75, Người đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm”. Tuy cảm thấy “tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh”, nhưng Người dự báo “Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm mấy tháng nữa?”[1]

Rõ ràng Hồ Chí Minh đã dự cảm được thời khắc quan trọng của thời gian còn lại ở cuối cuộc đời mình. Từ dự cảm đó, Người viết: “Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”[2].

     Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tình thương yêu và những lời căn dặn tâm huyết Người để lại cho nhân dân ta, cho Đảng và bạn bè gần xa, thể hiện cháy bỏng một tình yêu lớn và tinh thần trách nhiệm cao với đồng chí, đồng bào toàn dân tộc, với cách mạng Việt Nam và với cách mạng thế giới.

     Nội dung và giá trị bản Di chúc được thể hiện qua một số điểm cơ bản sau:

     Thứ nhất, nhận định về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

     Trước khi từ giã cõi đời, điều mong muốn thiết tha, nỗi niềm canh cánh, khắc khoải trong trái tim Người chính là miền Nam chưa giải phóng, đất nước còn chia hai, đồng bào hai miền đang chịu bao nhiêu chết chóc đau thương. Mở đầu bản Di chúc, Người đã nói ngay về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”[3]. Về mặt thời gian, cuộc kháng chiến ấy sẽ còn phải kéo dài mấy năm nữa; về tính chất, đó là một cuộc kháng chiến nhiều gian khổ và hi sinh. Thế nhưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng vào sự quyết tâm, quả cảm của đồng bào ta và khẳng định chắc chắn rằng chúng ta nhất định giành thắng lợi.

     Nói ngay về công cuộc chống Mỹ cứu nước là nói trúng vào tâm lý người Việt Nam yêu nước lúc bấy giờ. Đấy là một mẫu mực về nghệ thuật tuyên truyền, nghệ thuật công tác tư tưởng, nghệ thuật của người lãnh đạo, quản lý. Làm đúng những quy luật của tâm lý học không chỉ cần đối với nghề dạy học, mà thật vô cùng cần thiết đối với người cán bộ tuyên huấn, cán bộ dân vận và mọi cán bộ lãnh đạo. Sự nghiệp kháng chiến cứu nước của chúng ta không phải nhờ vào may rủi, mà thắng lợi của nó là kết quả của sự vận động của quy luật khách quan, là sự kết hợp hài hòa của nhân tố khách quan và nhân tố chủ quan. Đó là thắng lợi của sự nghiệp chính nghĩa, phù hợp với sự tiến bộ của xã hội, được nhân dân thế giới nhiệt liệt đồng tình và ủng hộ, kết hợp được sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, là thắng lợi của sức mạnh thần kỳ của chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng vô cùng sáng suốt. Hơn nữa, lời căn dặn của Bác về thắng lợi cuối cùng thuộc về nhân dân ta còn xuất phát từ thực tiễn sống động mà nhân dân ta đã chiến đấu anh hùng dưới ngọn cờ của Đảng, của Bác, nhất là từ năm 1965, ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, địch càng đánh càng suy yếu, càng đánh càng thua. Thực tiễn đã diễn ra đúng như lời Người dự báo. Năm 1972, đế quốc Mỹ đã leo thang chiến tranh đến đỉnh điểm, nhân dân ta đã trải qua gian khổ, hy sinh vô cùng to lớn và chiến đấu anh dũng, kiên cường. Đế quốc Mỹ đã thua sau khi thất bại trên bầu trời Hà Nội và ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Năm 1973 mở ra cuộc đấu tranh trên cả ba mặt: chính trị, quân sự, ngoại giao. Binh lính Mỹ đã phải rút khỏi miền Nam Việt Nam và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa đến Đại thắng mùa xuân năm 1975.

     Thứ hai, về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng

    Trong hệ thống tư tưởng của Hồ Chí Minh, tư tưởng về Đảng và xây dựng Đảng là nội dung quan trọng đặc sắc, xuyên suốt từ khi chuẩn bị cho Đảng ra đời trong tác phẩm Đường Cách Mệnh cho đến trước lúc Người đi xa qua những lời căn dặn sâu sắc trong Di chúc. Về vai trò của Đảng đối với cách mạng, ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường Cách Mệnh, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy.”[4] Suốt hơn 70 năm kể từ khi thực dân Pháp xâm lược, cách mạng Việt Nam chìm trong đêm tối không có lối ra vì khủng hoảng về đường lối, chưa có một tổ chức chính trị chặt chẽ để đủ sức lãnh đạo cách mạng. Tháng 2 – 1930, với sự chuẩn bị kỹ càng về chính trị, tư tưởng, tổ chức của Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã đồng hành cùng với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Trong suốt quá trình ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm công tác xây dựng Đảng, giáo dục cán bộ đảng viên để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.

     Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng về xây dựng Đảng giữ một vị trí vô cùng quan trọng; Người coi đó là công việc hàng đầu của Đảng ta. Bởi lẽ, Đảng ta là một đảng cầm quyền, để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đó, Đảng phải được xây dựng thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi. “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”[5].

     Công việc trước tiên là nói về Đảng. Người phân tích nguyên nhân, đồng thời cũng là bài học bảo đảm cho Đảng ta luôn giữ được vai trò lãnh đạo đối với toàn xã hội, đó là: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đế thắng lợi khác”[6].

     Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[7]. Theo Người, vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng chính là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đi đến gắn bó với cách mạng thế giới, mở rộng tình đoàn kết quốc tế. Để giữ gìn sự đoàn kết thống nhất thống nhất ấy, Người yêu cầu: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.”3. Đó cũng chính là những vấn đề cơ bản thuộc về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quy luật phát triển của Đảng và là yêu cầu rèn luyện cán bộ, đảng viên trong suốt những năm qua.

     Người căn dặn: Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân[8]. Đây chính là những yêu cầu cơ bản về đạo đức của cán bộ, đảng viên, xuất phát từ bản chất cách mạng của Đảng, từ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực tiễn hiện nay, chúng ta có thể thấy chắc chắn một điều rằng, để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, phải bắt đầu từ việc xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ đức, đủ tài, những người thực sự là “đày tớ của nhân dân” như Người nhắc nhở.

     Thứ ba, về đoàn viên thanh niên và bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

     Trong Di chúc của mình, ngay sau những lời căn dặn dành cho Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành những lời căn dặn thiết tha và quan trọng cho Đoàn viên và thanh niên: “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng vừa “chuyên”.

     Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.”[9]

     Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh đặt vấn đề đoàn viên, thanh niên ngay sau vấn đề về Đảng, điều đó cho thấy trong tư tưởng của Người, vai trò của đoàn viên, thanh niên là vô cùng quan trọng, họ sẽ là lực lượng kế cận hùng hậu, là chủ nhân tương lai của đất nước. Trong mọi thời kỳ cách mạng, nhất là trước các bước ngoặt, trước những tình huống quyết liệt, khó khăn của sự mất còn của dân tộc, Người vẫn tin tưởng vững chắc rằng, thanh niên ta luôn sẵn sàng cảm tử cho tổ quốc quyết sinh và với ý nghĩa đó, "Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc "[10].

     Những lời căn dặn của Bác nhằm nhắc nhở Đảng luôn phải quan tâm, bồi dưỡng kịp thời thế hệ cách mạng cho đời sau, đó chính là nhiệm vụ hết sức cần thiết, mang tính cấp bách gắn với nhiệm vụ chính trị của cách mạng.

     Thứ tư, về vấn đề nhân dân lao động

     Hồ Chủ tịch đã thể hiện một lòng tự hào sâu sắc tới nhân dân ta, dân tộc ta. Một dân tộc rất anh hùng, gan góc, một dân tộc anh dũng, kiên cường. Dân tộc ta, nhân dân ta dù đã trải qua biết bao gian khổ, chịu đựng sự áp bức, bóc lột của biết bao bè lũ xâm lược, nhưng nhân dân ta với một lòng nồng nàn yêu nước, vẫn anh dũng, hiên ngang, gan góc chống lại sức mạnh, tội ác của kẻ thù để bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc, và xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn, khang trang hơn. Người khen ngợi: “đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dẫn đã luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ.”[11]

     Từ đó Người khẳng định sức mạnh của nhân dân đã tăng lên gấp bội khi có Đảng dẫn đường, Đảng dìu dắt. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, là một Đảng cầm quyền lãnh đạo hệ thống chính trị và xã hội, trải qua quá trình lãnh đạo cách mạng và trưởng thành, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đường lối đúng đắn mà Đảng vạch ra chính là việc tạo được niềm tin tưởng, sự trung thành của nhân dân với Đảng. Đảng được sự tín nhiệm của nhân dân, nhân dân một lòng đứng quanh Đảng làm nên sức mạnh vô địch chống lại mọi kẻ thù. Chính vì vậy, để gìn giữ, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, để được nhân dân tin tưởng, nhiệm vụ của Đảng đó là phải chăm lo mọi mặt đời sống cho nhân dân.  “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”[12].

     Như vậy, dù là ở những năm cuối cuộc đời, thì vấn đề Người quan tâm, trở thành nỗi trăn trở thường trực đó chính là chăm lo cho lợi ích, cho đời sống của nhân dân ta, làm sao cho dân ta có được cuộc sống hạnh phúc, ấm no, đầy đủ…Đó cũng chính là tư tưởng nhân văn cao nhất của Người được thể hiện qua tác phẩm Di chúc.

     Thứ năm, về vấn đề phong trào cộng sản quốc tế

     Theo Hồ Chí Minh, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo với sự đoàn kết, thống nhất về đường lối đúng đắn, sáng tạo; toàn dân đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất; nhân dân thế giới đoàn kết ủng hộ, giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Người kết luận: “Đó là ba bài học lớn mà mỗi cán bộ và đảng viên ta cần ghi sâu vào lòng và phát huy thêm mãi”[13]. Đoàn kết quốc tế là một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó được Người đề cập khá đậm nét trong Di chúc. Trước hết, Hồ Chí Minh khẳng định, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam không thể tách rời sự đoàn kết, sự ủng hộ, giúp đỡ tận tình của các nước xã hội chủ nghĩa và bầu bạn khắp năm châu. Vì vậy, một trong những dự kiến đầu tiên, ngay sau khi chiến tranh kết thúc của Hồ Chí Minh là thay mặt nhân dân ta, Người sẽ đi thăm, cảm ơn và mở rộng hơn nữa khối đoàn kết quốc tế đối với Việt Nam.

     Thực tế cho thấy, với uy tín nhiệt tình cách mạng và chủ nghĩa quốc tế trong sáng, ngay từ những năm 1920, Hồ Chí Minh đã có những đóng góp quan trọng vào sự đoàn kết, thống nhất giữa các lực lượng cách mạng trên thế giới. Nhưng khi mà dân tộc Việt Nam, đang phải  bước vào cuộc kháng chiến khốc liệt với kẻ thù lớn, thì phong trào cộng sản công nhân quốc tế lại lắng xuống, sự bất hòa giữa các đảng anh em làm Người thực sự đau lòng. Vì vậy, tâm nguyện của Người trước lúc ra đi là làm sao Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghiã Mác- Lênin, và chủ nghĩa quốc tế vô sản: “Tôi mong rằng      Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình.”[14]

     Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đang và sẽ tiếp tục làm hết sức mình vì hoà bình, đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc. Suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh gắn bó trọn vẹn với dân tộc, với Đảng Cộng sản Việt Nam: với nhân dân và bạn bè quốc tế. Cũng suốt đời mình, Người phấn đấu, cống hiến cho sự đoàn kết thống nhất của Đảng của dân tộc và quốc tế. Vì vậy, trước khi qua đời Người ''để lại muôn vàn tình thân yêu” cho toàn Đảng, toàn dân toàn quân cho các cháu thanh niên, nhi đồng Việt Nam và cho đồng chí bầu bạn, thanh niên, nhi đồng quốc tế. Những tư tưởng, quan điểm nêu trên của Hồ Chí Minh vẫn được Đảng, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đón nhận suy ngẫm và vận dụng. Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về đoàn kết được để hiện sâu sắc trong Di chúc của Người vẫn sống động cùng nhân dân đất nước và thời đại.

     Thứ sáu, về việc riêng

     Trong Di chúc, điều làm chúng ta xúc động là khi Người viết "Về việc riêng". Viết "về việc riêng", nhưng Người lại không dành bất kỳ điều gì riêng cho cá nhân, mà toát lên qua từng câu, từng chữ là lòng yêu thương con người, tất cả vì những người đang sống. Bởi suốt đời Người phấn đấu cũng vì hạnh phúc của nhân dân, bởi mục đích của Người trước, sau vẫn không hề thay đổi: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

     "Cái riêng" của Người đã hòa quyện trong "cái chung" của dân tộc. Vì thế mà trước lúc đi xa Bác “không có điều gì phải hối hận” chỉ tiếc duy nhất một điều - một điều cao cả, là “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” cho dân, cho nước.  Ở cả 3 bản Di chúc 1965, 1968, 1969, Người đều căn dặn, khi Người mất, "chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân".

     Và cuối cùng, Người để lại trọn vẹn "muôn vàn tình thương yêu" cho đồng chí, đồng bào, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng, cho bè bạn và nhân dân thế giới. với một mong muốn sâu sắc toàn đảng, toàn quân, toàn dân “đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[15].

     Chủ nghĩa nhân văn xuyên suốt tác phẩm

     Chủ nghĩa nhân văn xuyên suốt tác phẩm chính là tình yêu thương bao la Bác muốn để lại cho toàn dân tộc, toàn dân ta. Tình yêu đó thể hiện trên từng lời, từng từ, từng ý mà Người viết trong bản di chúc.

     Trong Di chúc của Người, cái làm nên giá trị tinh thần lớn lao và mang ý nghĩa cải tạo thực tiễn sâu sắc là quan điểm vì con người và giải phóng con người thấm đượm chủ nghĩa nhân đạo cao cả, đó là triết lý nhân sinh mà Người đã dày công xác lập.

     Xuyên suốt trong Di chúc của Người đó là tình yêu thương đối với tất cả mọi tầng lớp người trong xã hội. Việc đầu tiên mà Người quan tâm ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi là "công việc đối với con người”. Người chỉ rõ, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man đã gây ra biết bao đau thương cho mỗi người dân Việt Nam; "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân[16]. Theo Người, đó là công rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang, bởi nó luôn mang nội dung tư tưởng nhân văn cao cả là chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng đem lại cho xã hội và mọi người những cái mới mẻ, tốt tươi.

     Trong Di chúc, Người đã căn dặn phải có những chính sách, việc làm cụ thể đối với từng đối tượng, từ những anh hùng liệt sĩ, thương binh và cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ đến những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong và các lực lượng thanh, thiếu niên, phụ nữ đã đóng góp xương máu và công sức cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tư tưởng nhân văn cao cả trong vĩ đại của Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở đó, bởi đối tượng quan tâm của Người còn là “Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v., thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dụ vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những ngườ lao động lương thiện"[17].

     Theo Người, chủ nghĩa xã hội không phải là cái gì khác mà chính là làm mọi người được ăn no, mặc ấm, được sung sướng và tự do. Chủ tịch Hồ Chí minh khẳng định: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[18]. Vì vậy, suốt cuộc đời hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân,

     Triết lý nhân sinh của Người là sự gắn kết giữa chủ nghĩa nhân đạo cao cả với tư tưởng nhân văn sâu sắc. Cội nguồn của chủ nghĩa nhân đạo và tư tưởng nhân văn ấy là truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam kết hợp với truyền thống nhân ái của nhân loại. Nội dung cốt lõi của chủ nghĩa nhân đạo và tư tưởng nhân văn ấy là lòng thương yêu, quý trọng con người gắn với lòng yêu nước, yêu dân nồng nàn. Mục tiêu cao cả của chủ nghĩa nhân đạo và tư tưởng nhân văn ấy là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc là chủ nghĩa nhân văn cách mạng sáng ngời lý tưởng cộng sản. Là tình cảm dạt dào, to lớn, mà suốt cuộc đời Người chỉ cống hiến, phấn đấu hết mình cho tình yêu thương đó. Đến lúc ra đi, Người xin gửi lại muôn vàn tình yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Và Người khẳng định: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[19]

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.611

[2] Đã dẫn, tập 15, tr.611

[3] Đã dẫn, tập 15, tr. 621

[4] Đã dẫn, tập 2, tr.289.

[5] Đã dẫn, tập 15, tr.616

[6] Đã dẫn, tập 15, tr.621-622

[7] Đã dẫn, tập 15, tr.622

[8] Đã dẫn, tập 15, tr.622

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.622

[10] Đã dẫn, tập 15, tr.79

[11] Đã dẫn, tập 15, tr.617

[12] Đã dẫn, tập 15, tr.622

[13] Đã dẫn, tập 14, tr.467

[14] Đã dẫn, tập 15, tr.623

[15] Đã dẫn, tập 15, tr.624

[16] Đã dẫn, tập 15, tr.623

[17] Đã dẫn, tập 15, tr.617

[18] Đã dẫn, tập 4, tr.64

[19] Đã dẫn, tập 15, tr.624

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây