Quan điểm "dân là gốc" trong Di Chúc của Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng ta

Thứ năm - 09/05/2019 23:59

Tác giả bài viết: Lê Thị Nghệ - Khoa Xây Dựng Đảng

Trong báo cáo của Chính Phủ nước ta tính đến cuối năm 2018 tăng trưởng kinh tế nước ta đạt 6,98%, thu nhập bình quân đầu người 2580 USD, tuổi thọ đạt 73 tuổi, 63/63 tỉnh, thành phố đật phổ cập trung học cơ sở.

Các chỉ số phát triển trên là minh chứng cho thấy mọi mặt đời sống người dân ngày càng phát triển, trước bối cảnh thế giới, khu vực Đông Nam Á và trong nước có nhiều biến đổi phức tạp, khó lường, trước những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen nhau, nhưng Đảng ta luôn đề cao mục tiêu: tất cả vì dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, và, nhằm tiếp tục gắn nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh với việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương. Đảng ta chủ trương lựa chọn chủ đề “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" làm chủ đề học tập chuyên đề năm 2019.

        Tư tưởng Hồ Chí Minh phong phú và đa dạng, hàm chứa những chân lý bền vững đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm và xác nhận. Đại hội VII Đảng ta đúc rút: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Xuyên suốt hơn 30 năm đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc, một trong số đó chính là: Đổi mới là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; mọi chủ trương, chính sách đều phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Bài học này chính là sự tổng kết thực tiễn sâu sắc trên cơ sở quán triệt quan điểm “Nước lấy dân làm gốc” mà xuyên suốt lịch sử tư tưởng nước ta đã tổng kết được từ Nguyễn Trãi, Vua Lê Thánh Tông, Ngô Thì Nhậm và được nâng lên tầm cao mới  ở Chủ tịch Hồ Chí Minh.

        Tiếp thu quan điểm  của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, trong tư tưởng chỉ đạo cũng như trong thực tiễn hành động, với nghĩa: cách mạng là sự nghiệp của dân chúng với nòng cốt là liên minh công - nông - trí, chứ không phải là việc của một, hai người, từ đó Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao vai trò của nhân dân, quyền lực của dân, tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân.

         Trong tác phẩm chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng ta về sau là “Đường cách mệnh” (1927), Hồ Chí Minh trăn trở: “Ai là người cách mệnh?”, Người giải thích: “Vì bị áp bức mà sinh ra cách mệnh, cho nên ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết. Khi trước tư bản bị phong kiến áp bức cho nên nó cách mệnh. Bây giờ tư bản lại đi áp bức công nông, cho nên công nông là người chủ cách mệnh”[1].

         Điều này được kiểm chứng qua thành công của Cách mạng Tháng Tám  1945, khi đó chúng ta chỉ có 5.000 đảng viên trong tổng số hơn 20 triệu dân, nếu không có sự chung sức đồng lòng của đông đảo quần chúng nhân dân, cách mạng không thể thành công, muốn vậy mục tiêu, khẩu hiệu cách mạng phải thể hiện được nguyện vọng của nhân dân như: phá kho thóc Nhật, chia ruộng đất cho dân cày, cùng chủ trương: đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.

          Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân là gốc của nước”, gốc có vững thì cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân. “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[2]

          Khi chúng ta giành được chính quyền, trong xây dựng phát triển kinh tế xã hội Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải ra sức thực hành dân chủ, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng, dân chủ về kinh tế, dân chủ về chính trị, có dân chủ thì dân mới tin, mới dám "mở mồm". Trong tác phẩm cuối đời mà Người để lại cho chúng ta mà chúng ta đang hướng đến kỷ niệm 50 năm thực hiện Di Chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: "Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng"[3]. Rồi căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".               

        Dù bất cứ ở cương vị nào, kể cả khi quyền cao chức trọng là Chủ tịch nước, người đứng đầu Chính phủ, nhưng Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên và bản thân Người là tấm gương sáng trong việc nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, nghiêm khắc phê phán những biểu hiện vi phạm lợi ích của nhân dân. Người luôn xem mình là người phục vụ quần chúng, chịu trách nhiệm trước quần chúng. Người nghiêm khắc phê phán những biểu hiện của tệ quan liêu, xa dân, thói kiêu ngạo “quan cách mạng” sẽ dẫn đến chỗ “dân không tin”, làm hại đến uy tín của Đảng, của Chính phủ.

          Sau 33 năm đổi mới, chúng ta giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng. Bài  học kinh nghiệm hàng đầu mà Đảng ta rút ra tại các kỳ Đại hội là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.

           Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, trong mục bài học kinh nghiệm Đảng ta chỉ rõ: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân.”[4].

           Trong tiến trình đổi mới Đảng ta nhấn mạnh: “Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới”[5].

         Cương lĩnh Bổ sung, phát triển năm 2011 đúc kết: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”[6].

         Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục quán triệt sâu sắc bài học kinh nghiệm: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm lấy “dân làm gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân”[7].

          Qua đó chứng minh rằng, nhân dân là người làm nên những thành tựu của đổi mới. Đổi mới phải dựa vào nhân dân, tin tưởng vào tài dân, sức dân,  nguồn lực lớn nhất, quan trọng nhất, quyết định nhất là lòng dân và ở nơi dân.

          Tuy nhiên trong thực tế, vẫn còn tình trạng làm “xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng” hay “làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng”. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng đã chỉ ra: “Vấn đề phai nhạt lý tưởng, sa sút phẩm chất đạo đức cách mạng, quan liêu, tham nhũng, cá nhân chủ nghĩa làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng”[8]; “Có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”[9];

          Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước mà các vụ "đại án" vừa qua là minh chứng. Cho nên, trong toàn bộ hoạt động của Đảng cũng như mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng, quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân… Có như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di Chúc của Người./.

 


[1] Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 2, tr. 288.

[2] Sđd, Tập 10, tr.453

[3] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr.39.

 

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.5

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.73

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.9

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.69

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.16.

[9] Đảng Cộng sản Việt nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.21-22

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây