Tìm hiểu quan hệ Việt – Pháp trong Hiệp định sơ bộ 6-3-1946

Thứ ba - 17/08/2021 21:07

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thị Hiền - GV Khoa Xây dựng Đảng

      Năm 1945-1946 là thời điểm có ý nghĩa chiến lược đối với quan hệ Việt – Pháp, liên quan tới vấn đề chiến tranh hay hoà bình ở Việt Nam. Đối với Pháp, các sự kiện của quan hệ hai nước trong giai đoạn này đã ảnh hưởng sâu sắc đến số phận của Liên bang Đông Dương cũng như quyền lợi, vị trí của Pháp ở Viễn Đông.
      Sau cuộc gây hấn ở Sài Gòn ngày 23-9-1945, quân đội Pháp đánh chiếm Nam Bộ và cực Nam trung Bộ. Sau khi thôn tính Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp chuẩn bị tiến quân ra miền Bắc để thôn tính nước ta. Nhưng với lực lượng hiện có (3,5 vạn), trong khi chưa bình định xong Nam Bộ, nếu đưa quân ra miền Bắc chúng thấy không thể đạt mục đích và chắc chắn sẽ vấp phải lực lượng lớn mạnh gấp bội của nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, sự có mặt của quân Tưởng ở miền Bắc cũng là một trở ngại cho Pháp khi chúng đưa quân ra . Tình hình đó buộc Pháp phải dùng thủ đoạn chính trị: Điều đình với chính phủ Tưởng Giới Thạch để được thay thế quân Tưởng chiếm đóng miền Bắc Việt Nam.
      Về phía Tưởng, hơn nữa năm “Hoa quân nhập Việt” nhưng đã không thực hiện được âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng Việt Nam, trong khi phong trào do Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo ngày một mạnh lên. Vì thế Tưởng Giới Thạch thấy cần tập trung lực lượng đối phó với phong trào cách mạng của nhân dân Trung Quốc đang dâng lên cao. Vì thế, Tưởng và Pháp thoả hiệp với nhau đi đến ký kết bản Hiệp ước Hoa – Pháp ngày 28-2-1946 tại Trùng Khánh. Theo thoả ước này, chính quyền của Tưởng đồng ý cho quân đội Pháp thay thế quân đội Tưởng dưới danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật ở Bắc Đông Dương. Đổi lại, Pháp đã có những nhân nhượng quan trọng vớiTrùng Khánh: chấp nhận trả lại các tô giới và nhượng địa tại Trung Quốc, bán cho Trung Quốc đoạn đường sắt Côn Minh - Hồ Kiều, dành cho Trung Quốc một đặc khu tự do thương mại ở cảng Hải Phòng, miễn thuế cho hàng hoá nhập cảnh và vận chuyển trên đoạn đường sắt Hải Phòng tới biên giới Việt – trung, cho phép người Hoa tại Việt Nam hưởng các quyền lợi về kinh tế và pháp lý ở Việt Nam.
       so bo 6 3

          Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện nước Pháp ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 (ảnh tư liệu)
      Như vậy chỉ một thời gian ngắn sau thoả thuận Pôtxđam, Việt Nam một lần nữa lại phải đương đầu với một giải pháp do các nước lớn áp đặt. Ban thường vụ Trung ương Đảng nhận định trong chỉ thị ngày 3-3-1946: “Hiệp ước Hoa – Pháp không phải là chuyện riêng của Tàu và Pháp. Nó là chuyện chung của phe đế quốc và bọn tay sai của chúng ở thuộc địa. Dù nhân dân Đông Dương muốn hay không muốn, nhất định chúng sẽ thi hành hiệp ước ấy”. Ban thường vụ Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh dự đoán đúng chiều hướng chính sách các nước lớn, cũng thấy những hạn chế trong mưu đồ của Tưởng và Pháp khi thoả thuận việc Pháp trở lại Bắc Đông Dương, từ đó đã kịp thời đề ra quyết sách “hoà để tiến”. Chủ trương thương lượng của Chính phủ Việt Nam với Pháp thể hiện trong ba chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, của Ban chấp hành Trung ương (25-11-1945), “Tình hình và chủ trương” (3-3-1946) và “Hoà để tiến”(9-3-1946) của Ban Thường vụ Trung ương. Trong bản chỉ thị “Tình hình và chủ trương”, chỉ thị nhận định về Hiệp ước Hoa – Pháp, chỉ ra những lý do khiến Pháp muốn dàn xếp với ta và đề ra chủ trương của ta lúc này là hoà hoãn với Pháp. Chỉ thị nêu rõ hai điều lợi lớn của ta khi hoà với Pháp, thứ nhất ta phá được âm mưu của địch muốn đẩy ta chống lại hiệp ước Pháp – Hoa, khi đó ta phải đối phó cùng lúc với nhiều kẻ thù, thứ hai ta có thêm thời gian để chấn chỉnh lại đội ngũ, chuẩn bị tốt hơn cho cuộc kháng chiến lâu dài về sau. Chỉ thị nhấn mạnh: “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào và ở đâu, mà hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta”[1]. 
      Sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ cuộc đấu tranh ngoại giao của ta, như được nêu trong chỉ thị về “kháng chiến kiến quốc” là “Đối với Pháp độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế”. Từ những ngày đầu thành lập, trong khi hoà hoãn với Tưởng, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cuộc tiếp xúc với Pháp, thăm dò về giải pháp cho cuộc xung đột Việt – Pháp. Cuộc tiếp xúc đầu tiên diễn ra tại Hà Nội, giữa các đại diện của Chính phủ Việt Nam Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Đức Hiền với người đứng đầu phái bộ Pháp J Sainteny. Hai bên thông báo về quan điểm và thăm dò thái độ của nhau. Ở Nam Bộ, Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Tạo thay mặt Uỷ ban nhân dân lâm thời Nam Bộ đã gặp Xêđin, uỷ viên cộng hoà Pháp tại Nam Bộ. Xêđin trao tuyên bố ngày 24-8-1945 của De Gaull về việc Pháp quyết tâm trở lại kiểm soát Đông Dương, chỉ để Việt Nam tự trị trong liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp.
      Các đại diện của Uỷ ban Nam Bộ khước từ bản tuyên bố, khẳng định Việt Nam phải được độc lập nhưng sẽ cho Pháp hưởng các thuận lợi về kinh tế, văn hoá. Theo đề nghị của phía Anh, Xêđin và Phạm Ngọc Thạch đã có thêm một số cuộc tiếp xúc, tìm kiếm biện pháp chấm dứt xung đột ở Nhật Bản. Ngày 2-10-1945, Xêđin và Phạm Ngọc Thạch đạt được thoả thuận ngừng bắn trong 6 ngày. Sau đó kéo dài thêm hai ngày, nhưng ngừng bắn đã bị phía Pháp phá vỡ.Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tiếp xúc với J Sainteny. Các cuộc đàm phán, tiếp xúc lúc đầu được giữ bí mật để tránh Tưởng phá.
      Sau ngày 28-2, tình hình phát triển khẩn trương do thoả thuận Hoa – Pháp, Hồ Chí Minh, Phan Anh, Võ Nguyên Giáp đã được Chính phủ cử ra để ứng phó với tình hình cấp bách. Vào thời điểm cuối của cuộc đàm phán, Chính phủ cũng đưa Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh tham gia vào các cuộc thương lượng với Pháp để hạn chế sự chống phá của lực lượng thân Tưởng. Ban thường vụ Trung ương Đảng nhận định: “Hiệp ước Hoa – Pháp không phải là chuyện riêng của Tàu và Pháp…nhưng chúng vẫn gờm cách mạng Đông Dương và dư luận quốc tế, nên cả Tàu lẫn Pháp cũng muốn dàn xếp với ta về việc quân Pháp kéo vào miền Bắc nước ta”[2]
      Mặt khác, mỗi bên đối phương đều có những tính toán riêng. Pháp muốn dàn xếp với Việt Nam để đưa quân ra Bắc được yên ổn, đồng thời tránh sự chống phá của quân đội Tưởng ở miền Bắc Việt Nam. Còn các tướng lĩnh Tưởng dù đã thoả thuận ở Trùng Khánh, vẫn gây khó khăn cho Pháp trong vấn đề thay quân để đòi Pháp thêm một số quyền lợi vật chất ở Việt Nam.
      Chính phủ Việt Nam cũng khôn khéo lợi dụng các bất đồng quan điểm giữa những người Pháp có đầu óc thực tế như LecLerc, J. Sainteny và những kẻ thực dân chủ chiến ở Đông Dương tiêu biểu là D’Argenlieu, Valluy, Pignon được tướng DeGauller hỗ trợ mạnh mẽ. Tuy nhiên, 21-1-1946 DeGauller đã rời Chính phủ ở  Pari và 20-2 Hội đồng liên bộ về Đông Dương của Chính phủ Pháp đã đồng ý chủ trương đàm phán với Chính phủ Việt Nam về một giải pháp đưa quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch.
      Chiều ngày 6-3-1946, sau nhiều cuộc thương lượng, Chính phủ ta đã ký với đại diện Chính phủ Pháp J. Sainteny bản Hiệp định sơ bộ. Hiệp định gồm 3 khoản, có bản phụ khoản đính kèm với những nội dung cơ bản:
      1. Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có Chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng nằm trong khối liên hiệp Pháp. Sự thống nhất đất nước được chính phủ Pháp thừa nhận và do nhân dân Việt Nam trực tiếp phán quyết.
      2. Chính phủ Việt Nam để cho 15.000 quân Pháp thay thế quân Tưởng ở miền Bắc. Số quân này sẽ rút khỏi Việt Nam trong 5 năm. Mỗi năm rút 1/5.
      3. Quân đội Việt Nam và quân đội Pháp ngừng bắn ở nguyên vị trí hiện thời.
      4. Các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ được tiến hành ở Hà Nội, Sài Gòn hoặc Pari.
      Trong đàm phán với phái đoàn Pháp, vấn đề mấu chốt và gay cấn nhất là Việt Nam đòi Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập. Trước sau, phía Pháp vẫn không chấp nhận điều này. Họ sợ công nhận Việt Nam độc lập thì toàn bộ các thuộc địa khác của Pháp sẽ theo gương Việt Nam đòi độc lập. Phía Pháp đưa ra một số phương án để tránh khái niệm “độc lập” như Việt Nam có “quyền tự trị rộng rãi”, “độc lập trong liên bang Đông Dương”…
      Như vậy, mềm dẻo trong sách lược, cứng rắn trên nguyên tắc, Hiệp định Sơ bộ là bước đi cần thiết, hy sinh không gian để đổi lấy thời gian, biến thời gian thành lực lượng vật chất, củng cố thực lực một cách toàn diện để đối phó với kẻ thù chính là thực dân Pháp khi chúng không có lực lượng Đồng minh tại chỗ hỗ trợ. Đánh giá về sự kiện trên, đồng chí Lê Duẩn viết: “Tạm thời hòa hoãn với Pháp để đuổi cổ quân Tưởng và quét sạch bọn phản động tay sai của Tưởng, dành thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, điều mà Đảng ta biết chắc là không thể nào tránh khỏi. Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lênin-nít về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch về sự nhân nhượng có nguyên tắc”[3].
      Việc ký hiệp định sơ bộ phản ánh một trạng thái quân bình về lực lượng giữa Việt Nam và Pháp. Lúc bấy giờ Pháp rất muốn xâm chiếm toàn bộ nước Việt Nam, nhưng chúng chưa đủ sức để làm được như vậy. Đối với Pháp, việc ký Hiệp định sơ bộ là một kế hoãn binh, hoặc nói cho đúng hơn đó là thực hiện “chính sách chiếm đóng quân sự một cách hoà bình”. Còn đối với ta, việc ký hiệp định là thể hiện ý chí hoà bình của Chính phủ và nhân dân ta, và trong trường hợp bất trắc, bất đắc dĩ phải cầm vũ khí tự vệ thì ta cũng có thể tranh thủ thời gian, tăng cường chuẩn bị lực lượng để tránh tình trạng tay không chống lại với kẻ địch hùng mạnh. Trong điều kiện cụ thể lúc đó, không những ta chưa đủ sức để chống lại Pháp ngay mà cũng chưa đủ điều kiện để tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc.
      Đánh giá sách lược hoà hoãn với Pháp và Tưởng thời kỳ này đồng chí Lê Duẩn viết: “Lúc thì tạm thời hoà hoãn với Tưởng để rảnh tay đối phó với thực dân Pháp, lúc thì tạm hoà hoãn với Pháp để đuổi cổ quân Tưởng và quét sạch bọn phản động tay sai của Tưởng, dành thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, điều mà Đảng ta biết chắc là không thể nào tránh khỏi. Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lêninnít về lợi dụng những mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch và về sự nhân nhượng có nguyên tắc”[4]
 

[1] ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tậpTập 8, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 46.
 
[2] ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 41
[3] Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, H. 1979, tr. 31.
[4] Lê Duẩn - Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb ST, H, 1980, tr. 31

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây