Bảo vệ nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay

Thứ ba - 29/09/2020 22:14

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thị Xuân - Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật

       Văn kiện Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng năm 1994 xác định nhiệm vụ thứ 7: Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân. Với nội dung chủ yếu của nhiệm vụ: Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng. Đây là lần đầu tiên trong Văn kiện của Đảng chính thức sử dụng thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” và nêu cụ thể, toàn diện những quan điểm, nguyên tắc, nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những nội dung này tiếp tục được khẳng định, bổ sung trong các Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, IX, X, XI, XII của Đảng ta. Đặc biệt thể chế hóa quan điểm của Đảng (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)), Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định và bổ sung nguyên tắc: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” đây vừa là quan điểm và nguyên tắc có tính chất chỉ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần có sự nhận thức và thực hiện đúng đắn trong toàn dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

       Yêu cầu đặt ra là phải xác định rõ quyền lực nhà nước thống nhất ở đâu, được tập trung vào đâu, thực hiện như thế nào? Vấn đề này cần có sự nhận thức nhất quán để đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc. Quyền lực nhà nước thống nhất không phải bắt nguồn và tập trung vào một nhánh quyền nào hay một cơ quan nào, mà cả ba nhánh quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều bắt nguồn từ Nhân dân - chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước như Hiến pháp năm 2013 khẳng định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân” (khoản 2 Điều 1); Nhân dân trao quyền, ủy quyền cho Quốc hội, Chính phủ, Tòa án thực hiện các quyền này. Quyền lực nhà nước thống nhất được xác định ở việc thống nhất trong mục tiêu hướng tới đó là: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân, phát huy dân chủ từ cơ sở, đảm bảo lợi ích của dân tộc, của quốc gia.

       Tuy nhiên, hiện nay một số cá nhân hiểu rằng quyền lực nhà nước thống nhất, tập trung tuyệt đối ở Quốc hội vì Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Vện kiểm sát nhân dân tối cao. Vì vậy, đề cao vai trò tuyệt đối của Quốc hội và cho rằng Quốc hội thực hiện quyền lập pháp nên đứng trên các cơ quan thực hiện quyền hành pháp và tư pháp. Cách hiểu này có sự phiếu diện về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước của nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất” mà Đảng và Hiến pháp đã đề cập.

       Mặc dù quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng không phải tập quyền, tập trung tuyệt đối vào một nhánh, đề cao quyền lực của một nhánh quyền và hạ thấp vai trò của các nhánh quyền còn lại. Quyền lực nhà nước thống nhất nhưng có sự phân công hợp lý: Quyền lập pháp được trao cho Quốc hội, quyền hành pháp trao cho Chính phủ và quyền tư pháp do Tòa án thực hiện. Bản chất của quyền lập pháp là đại diện cho nhân dân, ý chí của Nhân dân được thể hiện rất rõ trong chức năng của Quốc hội đó là quyền biểu quyết thông qua các văn bản luật, mà đặc biệt là quyền thông qua Hiến pháp – luật cơ bản của nhà nước, là văn bản mà người dân được tham gia và thể hiện tập trung nhất ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, quyền làm chủ của Nhân dân. Bên cạnh đó Quốc hội đại diện cho người dân thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, thay mặt nhân dân biểu quyết những vấn đề quan trọng của đất nước với mục tiêu bảo vệ lợi ích của người dân, của quốc gia. Quyền hành pháp là quyền thực thi pháp luật, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội, quyền này được thực hiện bởi hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở, đứng đầu là Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.  Quyền tư pháp được trao cho Tòa án - thực hiện chức năng xét xử. So với quyền lập pháp và quyền hành pháp, quyền tư pháp cần sự độc lập và chỉ tuân theo những nguyên tắc, quy định của pháp luật để bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ pháp luật, thực thi công lý, công bằng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần xây dựng đất nước ổn định, văn minh, dân chủ và phát triển.

       Một vấn đề nữa cần xác định rõ đó là quyền lực nhà nước là thống nhất nên có sự “phân công” mà không phải là “phân chia” như học thuyết “phân chia quyền lực” (hay còn gọi là học thuyết “tam quyền phân lập”), vì vậy quan điểm của Đảng và tinh thần Hiến pháp năm 2013 đã nhất quán Việt Nam không theo học thuyết “tam quyền phân lập” như nhiều quốc gia trên thế giới.

       Quyền lực nhà nước được phân định thành ba nhánh và phân công cho các cơ quan khác nhau thực hiện, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động bộ máy nhà nước, tránh trùng lắp, chồng chéo và hướng tới thực hiện mục tiêu chung của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để đảm bảo được điều đó, ba nhánh quyền không chỉ có sự phân công mà còn có sự phối hợp lẫn nhau, sự phối hợp tốt nhất đó là các cơ quan đảm bảo thực hiện hiệu lực, hiệu quả tức là làm đúng, đủ và tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn luật định. Đồng thời phối hợp chính là để tạo cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan khi thực hiện các nhánh quyền này. Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ chế kiểm soát được thể hiện rõ trong hoạt động giám sát của Quốc hội với Chính phủ, với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đặc biệt sự hình thành hai cơ quan: Tổng kiểm toán nhà nước và Hội đồng bầu cử quốc gia trong Hiến pháp 2013 và quy định cơ chế bảo hiến tại khoản 2 Điều 119 đã xác định rõ hơn cơ chế kiểm soát, mặc dù Hiến pháp 2013 chưa quy định được một cơ chế bảo hiến chuyên trách như quan điểm của Đảng đã đề ra nhưng đây là lần đầu tiên trong năm bản Hiến pháp của Việt Nam cơ chế bảo hiến được đề cập, điều này khẳng định cơ chế kiểm soát trong thực thi quyền lực nhà nước được tăng cường hơn, cũng như cần phát huy hơn nữa ý thức, trách nhiệm của toàn thể Nhân dân trong kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước – cơ chế kiểm soát bên ngoài tổ chức bộ máy nhà nước.

       Như vậy, xuất phát từ yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân, cần hiểu đúng, nhất quán và đảm bảo tổ chức thực hiện đúng tinh thần của nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” trong toàn đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. 

Tổng số điểm của bài viết là: 27 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây