Trường chính trị tỉnh Kon Tum

https://truongchinhtri.kontum.gov.vn


Chi bộ Hành chính Đào tạo Khoa học Học tập chuyên đề năm 2019 theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Năm 2019, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 50 năm đó cũng là sự phấn đấu bền bỉ, đồng sức, đồng lòng của chúng ta để thực hiện những ước nguyện thiêng liêng của Người.

   Xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác nói chung, Di Chúc của Bác nói riêng  là "một lòng vì dân vì nước", nhằm mục đích: Tăng cường việc xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, nhằm tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới, góp phần đẩy mạnh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, củng cố hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay.

          Nhằm tiếp tục gắn nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh với việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương. Đảng ta chủ trương lựa chọn chủ đề “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" làm chủ đề học tập chuyên đề năm 2019.

          Trong khuôn khổ bài viết này Tôi chỉ đề cập đến Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân và những việc cần làm để vận dụng tư tưởng ấy vào cuộc sống.

         

          1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân.

          Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân được thể hiện là phải có thái độ đánh giá cao vai trò, vị trí của nhân dân.

          Theo Bác, muốn thật sự tôn trọng nhân dân thì phải hiểu tài dân, sức dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của nhân dân, ý thức tôn trọng nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm nhân dân. Phải luôn luôn tôn trọng và giữ gìn của công, của nhân dân.

          Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng nhân dân. Từ chỗ đánh giá cao vai trò của dân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm.

          Dân chủ được Người giải thích ngắn gọn, súc tích là dân làm chủ và dân là chủ. Trong nước dân chủ thì địa vị cao nhất là dân, dân là quý nhất, lực lượng nhân dân là mạnh nhất. Phát huy dân chủ là phát huy tài dân. Muốn vậy, thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Học hỏi dân để lãnh đạo dân. Theo Hồ Chí Minh: không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân.

          Theo tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Người nói rằng “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[1]

          Theo Bác, muốn có sức dân, lòng dân thì phải chăm lo đời sống của dân. Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh vẫn quan tâm “đầu tiên là công việc đối với con người”. Người dặn trong Di chúc “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”[2]

          2. Những việc cần làm trong quá trình học tập Chỉ thị 05 của Bộ Chính Trị và chuyên đề 2019 này:

          Thứ nhất, Đảng ủy Trường Chính trị nói chung, Chi bộ Hành chính Đào tạo Khoa học (HC - ĐT) nói riêng, lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan đơn vị trực thuộc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thực hiện trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về những nội dung của chuyên đề: Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân; phát huy dân chủ; chăm lo đời sống Nhân dân.

          Ngay từ đầu năm (14/01/2019) chi bộ đã cử các đồng chí là cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động trong các phòng tham gia đầy đủ lớp quán triệt chủ đề 2019 do Đảng ủy nhà trường tổ chức, sau đó chi bộ nhắc nhở và yêu cầu các cán bộ, đảng viên bám sát chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình thực hiện theo chủ đề 2019, toàn chi bộ quán triệt và sẵn sàng tinh thần thực hiện theo  Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và quy định của Tỉnh ủy về sắp xếp, cơ cấu lại Trường Chính trị nói chung và Chi bộ nói riêng.

          Từ tháng 4/2019 các cán bộ nhận sự điều động phân công của tổ chức đã về các phòng mới và hiện đang chờ cấp ủy cấp trên ra quyết định chuẩn y thành lập chi bộ mới.

          Các bộ phận tham mưu, giúp cấp ủy cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu, học tập và tuyên truyền cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ cụ thể của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị nói chung từng đơn vị nói riêng.

          Thứ hai, cấp ủy phối hợp với lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể, phòng khoa chuyên môn của Trường lựa chọn những vấn đề hạn chế còn tồn tại có liên quan tới 3 nội dung của chuyên đề: xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân; phát huy dân chủ; chăm lo đời sống Nhân dân, để tập trung giải quyết, gắn với kế hoạch thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các phong trào thi đua của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”; Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầmnhiệm vụ”; về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Quy định 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

          Thứ ba, Chi bộ chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, báo cáo kết quả học tập, làm theo với cấp ủy cấp trên. Việc nghiên cứu, liên hệ theo chuyên đề, chọn việc làm theo thực hiện ở chi bộ, do chi ủy chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện. Từng chi bộ, định kỳ, tổ chức sinh hoạt về những nội dung có liên quan trực tiếp tới nhiệm vụ chính trị của chi bộ và các đảng viên của chi bộ; thảo luận, trao đổi về các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém (nếu có) và đề ra phương hướng phấn đấu; đánh giá kết quả làm theo; báo cáo kết quả với cấp ủy cấp trên.

          Thứ tư, từng đảng viên trong Chi bộ đăng ký vào bản cam kết thực hiện và làm theo chủ đề 2019, tự liên hệ bản thân, xây dựng kế hoạch tu dưỡng rèn luyện, đề ra phương hướng phấn đấu làm theo, giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của mình trong quá trình công tác, sinh hoạt hàng ngày, trong phong cách làm việc và trong phong cách lãnh đạo (đối với đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, nhất là với người đứng đầu), chọn một số nội dung cụ thể, đăng ký thực hiện, cuối năm báo cáo kết quả thực hiện với chi bộ.

          Với niềm tin lớn trong việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, cũng như hưởng ứng dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di Chúc củ Hồ Chí minh vĩ đại Tôi tin tưởng và kỳ vọng rằng Chi bộ HC-ĐT Trường Chính trị tỉnh Kon Tum sẽ là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện hiệu quả chủ trương mà toàn Đảng, toàn dân ta đang triển khai./.

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, CTQG 2011, t.4, tr.187

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, CTQG 2011 tập 15, trang 622.

 

Tác giả bài viết: Võ Thị Yến - Phó trưởng Phòng QLĐT và NCKH

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây