Trường chính trị tỉnh Kon Tum

https://truongchinhtri.kontum.gov.vn


TRƯỜNG CHÍNH TRỊ KON TUM - CHẶNG ĐƯỜNG 30 NĂM

  Ngày 12- 8 -1991, tại kỳ họp lần thứ 9 Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết giải thể tỉnh Gia Lai - Kon Tum và thành lập lại 2 tỉnh: tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum lâm thời đã bắt tay ngay vào việc kiện toàn, cũng cố tổ chức bộ máy, khắc phục những khó khăn trước mắt để ổn định, lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và ổn định đời sống của nhân dân. Cùng với việc thành lập các cơ quan của tỉnh, Trường Đảng tỉnh Gia Lai - Kon Tum cũng được chia tách thành 02 trường: Trường Đảng tỉnh Gia Lai và Trường Đảng tỉnh Kon Tum.
         Cuối tháng 10 - 1991, Trường Đảng tỉnh Kon Tum đã được chuyển về thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum), tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Tỉnh ủy giao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ngay sau khi thực hiện việc chia tách, cán bộ, viên chức của Trường nhanh chóng ổn định tư tưởng, khắc phục những khó khăn với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, từng bước xây dựng tổ chức bộ máy, chuẩn bị cho việc triển khai nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
        ảnh bìa 1
        Tập thể viên chức Trường Chính trị tỉnh Kon Tum, tháng 10, năm 2021

      Trên cơ sở của việc chia tách Trường Đảng tỉnh Gia Lai - Kon Tum, ngày 14 - 10 - 1991, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum ban hành Quyết định số 05-QĐ/TU về việc thành lập Trường Đảng tỉnh Kon Tum. Thực hiện Quyết định số 15-QĐ/TW, ngày 02 - 01 - 1983 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác tại các Trường Đảng tỉnh, thành phố và Quyết định số 05-QĐ/TU, ngày 14 - 10 - 1991 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum, về việc thành lập Trường Đảng tỉnh Kon Tum, với đội ngũ cán bộ, giảng viên và cơ sở vật chất hiện có, Trường Đảng tỉnh Kon Tum đã quyết định thành lập 02 liên khoa và 01 phòng chức năng, gồm: Liên Khoa Triết - Kinh tế chính trị - Chủ nghĩa Cộng sản khoa học - Phong trào Cộng sản, Công nhân quốc tế;  Liên khoa Quản lý kinh tế - Quản lý Nhà nước - Lịch sử Đảng - Xây dựng Đảng và phòng Hành chính quản trị - Tổ chức giáo vụ - Tư liệu, thư viện. Tính đến năm 1995, tổng số cán bộ viên chức (CBVC) của Trường là 19 người, trong đó 10 giảng viên.
      Năm 1994, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 88-QĐ/TW ngày 05 - 9 - 1994, về thành lập Trường Chính trị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thực hiện Quyết định 88-QĐ/TW,  Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum đã ban hành Quyết định số 447-QĐ/TU, ngày 10 - 10 - 1994 về việc thành lập Trường Chính trị tỉnh Kon Tum, trên cơ sở nhập bộ phận Quản lý hành chính của Trường Hành chính - Kinh tế tỉnh vào Trường Chính trị tỉnh.
      Thực hiện Quyết định của Trung ương và của Tỉnh ủy, Trường Đảng tỉnh Kon Tum được đổi tên thành Trường Chính trị tỉnh Kon Tum và tiếp tục thực hiện việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên và xây dựng cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ do Tỉnh ủy tỉnh giao và nhu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Trường đã thành lập các Khoa, phòng của Trường  gồm có 02 khoa: Khoa Lý luận cơ bản và  Khoa Xây dựng Đảng - Quản lý Nhà nước;  02 phòng chức năng: Phòng Giáo vụ - Tư liệu - Thư viện và Phòng Tổ chức - Hành chính.
      Trường Đảng tỉnh Kon Tum những năm đầu mới chia tách, mặc dù còn có rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ; sự phối hợp chung tay góp sức của các cấp, các ngành; thần đoàn kết thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn của đội ngũ cán bộ, viên chức của Trường, Trường đã nhanh chóng đi vào ổn định, triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị do Tỉnh uỷ giao. Gần 5 năm, từ cuối năm 1991 đến hết năm 1995, Trường Chính trị Tỉnh Kon Tum đã đào tạo, bồi dưỡng được 974 học viên, với nhiều loại hình, đây là những cán bộ chủ chốt, đương chức và dự nguồn trong hệ thống chính trị của tỉnh. Hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau khi được đào tạo, bồi dưỡng tại Trường đã chủ động vận dụng lý luận vào thực tiễn, đảm đương tốt nhiệm vụ, góp phần cùng các cơ quan trong tỉnh ổn định tình hình hoạt động, cùng nhân dân các dân tộc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh.
      Nhằm góp phần triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp, trong 5 năm (1996 - 2000), Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đã đào tạo, bồi dưỡng được 72 lớp với số lượng 5.169 học viên. Đây là kết quả của sự nỗ lực, vượt khó của đội ngũ cán bộ, viên chức và học viên của Trường trong điều kiện Trường sau khi chia tách còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhờ những thành tích đạt được trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, năm 1997 Trường Chính trị tỉnh Kon Tum vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng III.
      Trong giai đoạn 2001 - 2005, công tác xây dựng tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Giám hiệu và các khoa, phòng được quan tâm thực hiện. Để từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy theo chức năng nhiệm vụ được giao, từ năm 2002 đến năm 2004 Trường thành lập thêm 02 khoa, 01 phòng và điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các khoa, phòng theo sự hướng dẫn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và phù hợp với điều kiện của Trường. Lúc này, tổ chức bộ máy của Trường gồm 04 khoa và 03 phòng, tính đến cuối năm 2005, đội ngũ CBVC của Trường có 33 người, trong đó giảng viên 21.
      Cùng với việc tăng cường về số lượng cán bộ, viên chức, Trường cũng rất chú trọng đến việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, viên chức nói chung, giảng viên nói riêng. Trong thời gian này Trường đã cử 05 giảng viên đi đào tạo Thạc sĩ các chuyên ngành tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; cử 05 cán bộ, viên chức đào tạo Đại học. Tính đến cuối năm 2005, đội ngũ giảng viên của Trường có 06 Thạc sỹ.
      Đồng thời với việc củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Giám hiệu, các khoa, phòng;  giai đoạn 2001 - 2005, các tổ chức đảng, đoàn thể của Trường Chính trị tỉnh Kon Tum cũng có sự thay đổi về mô hình tổ chức và xúc tiến Đại hội theo nhiệm kỳ. Do đặc thù của tổ chức cơ sở đảng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum, số lượng đảng viên sinh hoạt của Chi bộ chỉ có 22 đồng chí (trong đó đảng viên chính thức là 20, dự bị là 02), Chi bộ lại nhận thêm 11 đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng tạm thời là học viên. Để tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng Trường Chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối cơ quan đân chính đảng tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 82-QĐ/ĐU, ngày 09-7-2003 về việc thành lập Đảng bộ cơ sở Trường Chính trị tỉnh trực thuộc Đảng ủy Khối. Sau đó, Ban chấp hành Đảng bộ Trường đã ban hành quyết định thành lập 06 chi bộ trực thuộc (trong đó có 01 chi bộ học viên).
      Trong 5 năm (2001 - 2005), bám sát Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng, Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đã đào tạo, bồi dưỡng cho 5.429 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành; trong đó có đội ngũ chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh, góp phần không nhỏ vào sự ổn định và phát triển bền vững của tỉnh nhà. Song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho tỉnh, từ năm 2001 đến năm 2005, Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đã tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và thực hiện được 03 đề tài khoa học cấp tỉnh, 01 đề tài khoa học cấp trường.
      Năm 2007, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ IV (khóa X)  đã ra Nghị quyết “về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ  IV  (Khoá X), ngày 14 - 01- 2008, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum ban hành Quyết định số 580-QĐ/TU, Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh. Trên cơ sở Quyết định số 580-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trường Chính trị Kon Tum đã thành lập mới Khoa Quản lý Hành chính Nhà nước (trên cơ sở tách Khoa Nhà nước Pháp luật). Đến lúc này, tổ chức bộ máy của Trường gồm có Ban Giám hiệu và 05 khoa, 03 phòng.
      Cũng trong giai đoạn này, ngày 03-  9 - 2008, Ban Bí thư ban hành Quyết định số 184-QĐ/TW, về chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thực hiện Quyết định số 184-QĐ/TW, Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đã sáp nhập Khoa Quản lý hành chính Nhà nước và Khoa Nhà nước pháp luật thành Khoa Nhà nước và pháp luật. Cùng với việc củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, Trường luôn chú trọng đến công tác nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Từ năm 2006 đến năm 2010, Trường đã cử 01 giảng viên đi đào tạo Tiến sĩ; 07 giảng viên đi đào tạo Thạc sĩ các chuyên ngành tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính quốc gia; 02 cán bộ học Cử nhân Hành chính. Ngoài ra Trường còn cử giảng viên tham gia các lớp tập huấn về nội dung giáo trình và phương pháp giảng dạy tích cực. Nhờ đó trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên ngày một được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của Trường.
      Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện có chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ năm 2006 đến năm 2010, Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đã đào tạo, bồi dưỡng được 44 lớp với 5.525 học viên. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đã và đang phát huy tác dụng tốt, góp phần vào sự thành công chung trên các mặt của tỉnh Kon Tum trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
      Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường giai đoạn 2011 - 2015, Trường đã tiếp tục thực hiện việc củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhất là đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới. Để tăng cường lực lượng giảng viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy của các Khoa, trong thời gian này, Trường đã tuyển dụng mới 07 giảng viên và tiếp nhận 03 giảng viên. Tính đến cuối tháng 9 - 2016, tổng số cán bộ, viên chức của Trường là 38 người. Đội ngũ giảng viên có 25, trong đó có 01 giảng viên cao cấp, 07 giảng viên chính; 17 giảng viên; 02 giảng viên tập sự. Trình độ chuyên môn của cán bộ, viên chức: Tiến sĩ 02 đồng chí; Thạc sĩ 12 đồng chí; Đại học 18 đồng chí; Cao đẳng 01 đồng chí; Trung cấp 03 đồng chí. Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp, cử nhân 19 đồng chí; Trung cấp 02 đồng chí.
      Thực hiện định hướng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XIV, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và đội ngũ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được cấp trên giao cho. Trong 5 năm (2011- 2015), Trường đã đào tạo, bồi dưỡng được 64 lớp với số lượng 5.295 học viên. Đa số học viên sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy tác dụng tốt, vận dụng có hiệu quả kiến thức được trang bị vào giải quyết nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum ngày một phát triển. Trong điều kiện cơ sở vật chất của Trường còn nhiều khó khăn, kinh phí hoạt động có hạn, giảng viên giảng dạy ở một số chuyên ngành còn thiếu, kết quả đào tạo, bồi dưỡng đã đạt được nêu trên là thành quả chung của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Trường, tinh thần khắc phục khó khăn, ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện của học viên và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, của Tỉnh ủy Kon Tum.
      Cùng với việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của Trường được triển khai thực hiện với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, như: viết bài cho Trang thông tin điện tử, cho Nội san của Trường và các tờ báo, tạp chí; biên soạn chương trình, tài liệu cho các lớp bồi dưỡng; tổ chức Hội thảo về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường; tham gia ý kiến đánh giá Chương trình Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành năm 2009 và năm 2014; thành lập Hội đồng tư vấn nâng cao chất lượng dạy - học của Trường;... Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn giúp cho đội ngũ cán bộ, viên chức của Trường tích lũy thêm nhiều kiến thức lý luận và thực tiễn, từ đó vận dụng có hiệu quả và góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn (nhất là công tác giảng dạy), rèn luyện và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
      Ngày 20 - 11- 2015, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 117-KL/TW về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 184-QĐ/TW và xây dựng đề án trình Ban Bí thư ban hành Quyết định mới về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, cuối năm 2017, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định trên và phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị dự thảo quyết định mới trình Ban Bí thư thay thế cho Quyết định 184 nêu trên. Ngày 13 tháng 11 năm 2018, Ban Bí thư ban hành Quy định số 09-QĐi/TW “về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".
      Thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư và Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum; tổ chức, bộ máy của Trường được sắp xếp lại, gồm: Ban giám hiệu và 3 khoa, 02 phòng với tổng biên chế 38 CBVC. Như vậy, tổ chức, bộ máy của Trường được sắp xếp lại, số đầu mối trực thuộc còn 05, giảm 02 so với trước đây.         
      Cùng với việc chăm lo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, Ban Giám hiệu Trường đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, viên chức. Từ năm 2015 đến năm 2020, Trường đã cử 14 viên chức đi đào tạo thạc sĩ; 09 viên chức đi đào tạo Cao cấp lý luận chính trị; 11 viên chức được đào tạo Trung cấp lý luận chính trị; 05 viên chức dự bồi dưỡng chuyên viên Cao cấp; 15 viên chức đi bồi dưỡng chuyên viên và chuyên viên chính; 19 giảng viên tham gia lớp bồi dưỡng Kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; 100% giảng viên được bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy lý luận chính trị và nhiều lượt viên chức tham gia các khóa bồi dưỡng cập nhật kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ khác. Nhờ vậy, trình độ các mặt và năng lực công tác của cán bộ, viên chức ngày càng được nâng cao, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao, góp phần quyết định vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Trường.
      Hiên nay, tổng số cán bộ, viên chức của Trường là 38 người, trong đó giảng viên 26. Trình độ chuyên môn của cán bộ, viên chức: Tiến sĩ 02, Thạc sĩ 23, Đại  học 12, Trung cấp 01. Trình độ lý luận chính trị: Cử nhân, Cao cấp 21, Trung cấp 13. Về trình độ Quản lý nhà nước: Chuyên viên Cao cấp 06, Chuyên viên chính 18, Chuyên viên 12. Ngạch viên chức: 01giảng viên cao cấp, 11 giảng viên chính, 14 giảng viên; chuyên viên chính 04, chuyên viên 02, Trung cấp chuyên nghiệp 01 và  100% giảng viên đã được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy hiện đại.
      Nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm của Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV để bổ sung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tiếp tục cải tiến, đổi mới toàn diện, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và công tác nghiên cứu khoa học tổng kết thực tiễn; xác định chất lượng giảng dạy là mục tiêu hàng đầu của quá trình đào tạo, bồi dưỡng góp phần tích cực vào nhiệm vụ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, phong cách làm việc hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
      Trong giai đoạn (2015 - 2020), Trường Chính trị tỉnh Kon Tum đã đào tạo, bồi dưỡng và phối hợp với các cơ sở đào tạo quản lý được 154 lớp, số lượng 13.436 học viên. Trong đó, đào tạo 42 lớp, số lượng 3.302 học viên; bồi dưỡng 112 lớp, số lượng 10.134 học viên (So với giai đoạn 2010 - 2015 tăng 60 lớp, số lượng 6.165 học viên). Riêng về đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính 35 lớp, số lượng 2.716 học viên (So với giai đoạn 2010 - 2015 tăng 18 lớp, số lượng 1.257 học viên). Ngoài ra, Trường phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III quản lý 05 lớp Cao cấp lý luận Chính trị, tổng số 443 học viên; phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quản lý 01 lớp Cao học Xây dựng Đảng, số lượng 40 học viên; phối hợp với Học viện Hành chính quốc gia quản lý 02 lớp Bồi dưỡng chuyên viên Cao cấp, số lượng 72 học viên; phối hợp với Đại học Nội vụ cơ sở miền Trung mở 01 Đại học quản lý hành chính, số lượng 103 học viên và nhiều lớp bồi dưỡng ngắn hạn theo yêu cầu của Tỉnh.
      Ngoài công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được triển khai qua nhiều kênh: viết bài cho trang thông tin điện tử, viết bài thông tin lý luận và thực tiễn, các báo địa phương và Trung ương, các tạp chí; Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới theo Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII); Công tác bảo vệ bí mật Nhà nước theo Chỉ thị 03-CT/TU ngày 22/01/2018 của Tỉnh ủy Kon Tum. Biên soạn tài liệu, biên soạn mới một số chuyên đề thuộc chương trình cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng; Xuất bản thông tin lý luận và thực tiễn; tổ chức Hội thảo cấp trường, tham gia hội thảo Cụm thi đua các tỉnh Tây nguyên và các Hội thảo khác; chủ trì và phối hợp tham gia 02 đề tài cấp tỉnh; 01 công trình nghiên cứu  tổng kết lý luận do Ban Thường vụ tỉnh ủy trực tiếp giao; thực hiện 11 đề tài cấp cơ sở; đi nghiên cứu thực tế; sáng kiến kinh nghiệm. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn giúp cho đội ngũ giảng viên của trường tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm kiến thức lý luận và thực tiễn, từ đó vận dụng có hiệu quả và góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Nhìn chung đội ngũ giảng viên, viên chức của Trường dần đã trưởng thành về mọi mặt.
      Công tác đảng, đoàn thể được Đảng ủy và Ban Giám hiệu đặc biệt quan tâm vì hoạt động của tổ chức Đảng, Đoàn thể trong nhà trường góp phần khơi dậy tinh thần tích cực, chủ động sáng tạo trong việc hoàn thành nhiệm vụ của từng công chức, viên chức nhà trường, do đó các hoạt động của đảng bộ, chi bộ, Công đoàn, Đoàn thanh niên được tạo điều kiện cấp kinh phí hoạt động theo quy định. Công đoàn thực sự là người bảo vệ quyền lợi của người lao động.
      Với những thành tích đã đạt được qua 30 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã được Nhà nước, Chính phủ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng thưởng cho các tập thể, cá nhân các danh hiệu cao quý khác nhau. Đây là nguồn động viên, khích lệ to lớn để  Trường Chính trị tỉnh Kon Tum lấy làm động lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và hướng đến sớm đạt Trường Chính trị đạt chuẩn ở mức độ 1 năm 2026 và  mức độ 2 năm 2031 theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII./.

Tác giả bài viết: TS. Đặng Luận - TUV, Hiệu trưởng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây