Trường chính trị tỉnh Kon Tum

https://truongchinhtri.kontum.gov.vn


Cộng đồng người Kinh đầu tiên trên vùng đất Bắc Tây Nguyên

      Cùng với việc tìm đường truyền giáo lên Tây Nguyên, vùng đất Kon Tum dần hình thành các cộng động người Kinh sống xen kẽ với người dân tộc thiểu số  (DTTS). Nguồn gốc hình thành các làng người Kinh từ nhiều nguồn khác nhau: Nguồn gốc cư dân đầu tiên trong các làng người Kinh ở Kon Tum khá đa dạng: làng hình thành từ người nhà và tín đồ của linh mục người Kinh đem theo giúp việc, sau đó định cư lâu dài ở đây; những người kinh trong các làng người DTTS, được các giáo sĩ chuộc lại, biên chế vào các làng người Kinh đã có hoặc lập ra một làng mới. Một số làng hình thành do quá trình cộng cư từ nhiều nguồn cư dân như số người được chuộc lại, số giáo dân từ Bình Định lên Kon Tum thời phong trào Văn Thân (1885); có làng hình thành do tách cư dân của làng cũ để lập làng mới,v.v…
Chia theo vùng DTTS, chúng ta thấy một số làng người Kinh có lịch sử ra đời sớm trên đất Kon Tum sau đây:
Vùng người Ba Na: Làng Tân Hương (nay là phường Thống nhất, TP. Kon Tum) được hình thành năm 1874. Ban đầu, những người theo Linh mục Nguyễn Do và số người đã chuộc lại lập ra một xóm nhỏ gọi là Trại Lý, đến năm 1909 đổi tên là Gò Mít, năm 1926 lập làng Tân Hương. Linh mục P. Dourisboure cho rằng, phương pháp chuộc lại những người kinh từ các làng  người DTTS để thành lập nhiều gia đình và dần dần thành làng      Công giáo đã được các điểm truyền giáo khác làm theo[1].
      Làng Phương Nghĩa (nay là phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum) lập năm 1882. Một số giáo dân theo Linh mục Hoà từ vùng truyền giáo người Mnông về Kon Tum lập nên làng Phương Nghĩa, sau đó tiếp nhận thêm giáo dân từ đồng bằng lên dần hình thành làng Công giáo người Kinh, sau này trở thành một giáo xứ.
      Làng Phương Quý (nay là xã Vinh Quang, TP. Kon Tum) hình thành năm 1887. Linh mục Poyet Trinh chuộc lại một số người có nguồn gốc từ Quảng Nam và cho người về Quảng Nam chiêu mộ thêm người lên thành lập làng Phương Quý. Năm 1933, dân số của làng đã là 400 người.
Làng Phương Hoà (nay là xã Đoàn Kết, TP. Kon Tum) được lập năm 1892. Cư dân của làng vốn là người của Trại Lý (Tân Hương) theo Linh mục Nicolas Cận, vượt sông Đăk Bla qua làm ruộng nước vì đất đai ở đây màu mỡ, dễ khai phá. Đến năm 1933, dân số của làng tăng lên hơn 300 người, trở thành điểm quy tụ cư dân nhiều nơi đến sinh sống.
      Vùng người Xơ Đăng: làng Ngô Trang (nay là xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) được lập năm 1885. Cư dân làng này gốc vùng Hà Đông (nay thuộc thành phố Tam Kỳ và huyện Núi Thành (Quảng Nam) sống tại các làng người Xơ Đăng, Linh mục Irigoyen Hương chuộc về lập một làng nhỏ (khoảng 80 người), cùng với số giáo dân từ Bình Định lên, nhập vào thành làng Ngô Trang. Đến năm 1934, ở vùng Xơ Đăng lập thêm làng Hà Mòn (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà).
      Vùng người Gia Rai: Làng Ngô Thạnh (nay là xã Hòa Bình, TP. Kon Tum) lập năm 1925, ban đầu gọi là Tân Thạnh, từ năm 1920 đổi thành Ngô Thạnh. Khởi nguyên chỉ có một số người giúp việc cho Linh mục Kemlin Văn ra làm nhà ở gần một làng người Gia Rai. Sau đó, thêm nhiều người gia nhập, nhân khẩu tăng lên và lập ra một thôn từ năm 1925. Làng Phước Cần, từ năm 1922 đã có người Kinh từ đồng bằng lên sinh sống, lập nên ấp Tân Phước, đến đầu năm 1929 mới thành lập một làng nhỏ tên là Phước Cần.
      Ở tỉnh Gia Lai ngày nay cũng lần lượt hình thành các làng người Kinh theo Công giáo ở nhiều địa bàn trong tỉnh như: Tiên Sơn (1909), Thanh Bình (1913), Ngô Sơn (1915), Phú Thọ (1917), Mang Yang (1917), Hiển Sơn (1924), Bầu Cạn (1924), Plei Dal (1924), La Sơn (1924), Phước Thiện (1929), Đồng Chè (1930), An Tập (1933), Trà Vinh (1933), Phước Thạnh (1933), Quang Hiển (1934), Phú Cần (1934), Ayounh (1936), Quan Định (1941)[2].
      Ngoài các làng Công giáo nêu trên, ở Kon Tum có 2 làng người Kinh không theo đạo Công giáo là làng Trung Lương (lập năm 1924) và làng Lương Khê (lập năm 1927)[3].
Khi người Kinh lên vùng đất mới Kon Tum, họ sống tụ cư thành một xóm, rồi thành lập nên một làng. Họ mang theo văn hoá từ đồng bằng lên Tây Nguyên trong cách tổ chức xóm làng, sinh hoạt kinh tế và văn hoá. Đồng thời, họ cũng tiếp thu những yếu tố mới của nơi đến, tạo ra những nét văn hoá đặc trưng riêng.
      Về tổ chức bộ máy, bên cạnh hệ thống hương chức như ở đồng bằng, các làng người Kinh ở Kon Tum còn có thêm những chức vị mới như Chủ mộ là người mộ dân lập làng; Chủ tạo là người coi sóc việc làm đình chùa; Chủ khẩn là người coi việc khai khẩn ruộng đất; Thủ sắc là người giữ sắc thần; Phụng tế là người Chánh tế của làng; Chủ bái là người xem việc tế tự trong một xóm.
Về tổ chức đời sống kinh tế, buổi đầu các làng người Kinh thường định cư ở những vùng có điều kiện làm lúa nước. Do ruộng đất tốt không cần bón phân nên người dân chỉ cần làm một vụ là đủ lúa ăn cả năm. Vì: "Tuy ruộng một mùa mà người làm ruộng không lo sợ mất, vì chính khi làm ruộng lúa mọc, là trên này về mùa mưa, khỏi lo tát nước như các tỉnh dưới Trung châu. Ruộng xấu nhất, một thúng giống khi gặt cũng 25 thúng lúa. Chỗ tốt, năm thứ nhất, không phân tro gì, cũng được 75-80 thúng"[4].
      Ngoài làm ruộng, người Kinh ở Kon Tum còn làm nhiều nghề khác có nguồn gốc từ quê cũ như nghề mộc, nghề đánh cá, nghề giết mổ gia súc, nghề nấu rượu,… Trong các nghề, thì nghề trao đổi hàng hoá với các DTTS địa phương, quen gọi là “nghề buôn Mọi” là nghề phát đạt nhất. Cách thức trao đổi phổ biến là các nhà buôn mang hàng hóa vào từng làng để mua bán trực tiếp. Về sau, các chợ phiên được hình thành làm nơi buôn bán giữa người Kinh với người DTTS bản địa. Đến năm 1935, ở TP. Kon Tum có 6 chợ phiên[5].
      Các làng người Kinh buổi đầu mới thành lập được xây dựng theo chủ ý của các giáo sĩ. Hầu hết các làng này được phân bố ở những vị trí trọng yếu của miền truyền giáo lúc đó như: Kon-Maha, Touer, Hà Mòn, Kon Trang Menei…và có mặt trong ba DTTS chủ yếu ở Kon Tum là Ba Na, Xơ Đăng và Gia Rai: Ở đâu có Trung Tâm Truyền Giáo, thì lập tức ở đó hình thành một cộng đồng nhỏ người Annam. (...) Cuối cùng ở đó còn có hàng chục người Annam được các vị Thừa Sai chuộc lại từ trong các làng thượng. Đa số những người này quyết định ở lại xứ sở và sống quây quần chung quanh các xứ đạo rồi bám rễ ở đó luôn (...)"[6].
      Hầu hết người Kinh lên Kon Tum lập nghiệp là những tín đồ Công giáo. Bởi vì, những làng kiểu này là do các giáo sĩ đứng ra thành lập, đồng thời cũng là người tổ chức cuộc sống theo hướng có lợi cho công cuộc truyền giáo của mình. Điều quan trọng hơn, các nhà truyền giáo mong muốn xây dựng các làng người Kinh phát triển về kinh tế, ổn định về xã hội và nề nếp trong việc đạo sẽ có tác động tốt đến đời sống đạo đối với các làng người DTTS trong vùng./.
 
[1] P. Dourisboure (2008), Sđd, tr.140.
[2] Toà Giám mục Kon Tum (1974), Lịch Công giáo năm 1974, Nhà in Sao Mai, Thủ Đức, tr.273.
[3] Nguyễn Kinh Chi - Nguyễn Đổng Chi (1937), Mọi Kon Tum, xuất bản tại Huế, tr.30-31.
[4] Võ Chuẩn (1933), Kon Tum Tỉnh Chí, xuất bản tại Huế, tr.30-31 và tr.31.
[5] Nguyễn Kinh Chi - Nguyễn Đổng Chi (1937), Sđd, tr.16.
[6] Ban Truyền thông Giáo phận Kon Tum, "Sứ vụ truyền giáo vùng Tây Nguyên Việt Nam", được đăng ngày 21/11/2013, trên trang thông tin điện tử của Tòa Giám mục Kon Tum, htt//gpkontum.Wordpress.com

Tác giả bài viết: TS. Đặng Luận - Hiệu trưởng Trường Chính trị Kon Tum

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây