Trường chính trị tỉnh Kon Tum

https://truongchinhtri.kontum.gov.vn


Người có uy tín trong thực hiện “Dân vận khéo” ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum

Kon Tum là tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu chiếm 53,2% tổng dân số trong toàn tỉnh[3]. Trong những năm qua, nhận thức rõ vai trò quan trọng của người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)

Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc và các ban, ngành đoàn thể, các cấp Uỷ đảng, chính quyền đã hết sức quan tâm, chú trọng đến đội ngũ người có uy tín. Trên địa bàn tỉnh hiện có 811 người được công nhận là người có uy tín trong đồng bào DTTS (trong đó có 228 người là đảng viên), gồm: 315 già làng, 13 người là trưởng dòng họ và tộc trưởng, 98 người là trưởng thôn, 38 người là cán bộ hưu trí, 28 người là chức sắc tôn giáo, 69 người là doanh nhân và người sản xuất giỏi, 17 người là trưởng ban công tác Mặt trận, 233 người là thành phần khác[4]. Đa số người có uy tín trên địa bàn tỉnh Kon Tum sinh sống tại các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế; phần lớn là già làng, thôn trưởng, có một số người uy tín vừa là già làng, thôn trưởng; vừa là đại diện cho các chức sắc tôn giáo, trưởng tộc, trưởng họ... chiếm trên 60% tổng số người có uy tín trên địa bàn. Người có uy tín không những làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn là tấm gương, gương mẫu trong lời nói, việc làm, am hiểu phong tục, tập quán, có sức ảnh hưởng mạnh đến cộng đồng xung quanh, được nhân dân trong thôn, làng kính trọng bầu chọn. Là lực lượng nòng cốt góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con tại thôn, làng.

  

      Để phát huy vai trò người có uy tín vùng đồng bào DTTS góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn cần phải thực hiện nhiều hình thức và phương pháp khác nhau. Một trong những phương pháp cơ bản nhất mà tỉnh Kon Tum những năm qua đã thực hiện đó là phương pháp "dân vận khéo" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

      Trong công tác vận động, xây dựng khối đại đoàn kết tại vùng đồng bào DTTS, người có uy tín vùng đồng bào DTTS tỉnh Kon Tum là già làng, thôn trưởng vừa làm chức việc … đã kết hợp, lồng ghép công tác chính quyền với việc sinh hoạt tôn giáo để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giáo dục nhân dân sống tốt đời đẹp đạo, thông tin phản ánh về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách ở địa phương với cơ quan công tác dân tộc để có những tháo gỡ và chỉ đạo kịp thời giải quyết những vướng mắc, tồn đọng trong đồng bào DTTS; gương mẫu, động viên gia đình, dòng tộc, bà con trong thôn, làng, khu dân cư chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiêu biểu trong lĩnh vực này tại huyện Đăk Hà có ông A Nun  dân tộc Xơ Đăng, thôn Kon Hnông Yôp, xã Đăk Hring; Tại huyện Kon Rẫy có Bà Y Tảo dân tộc Ba Na thị trấn Đăk Rơ Ve …

      Trong phong trào toàn dân đoàn kết thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, với mô hình "Dân vận khéo" nhiều Già làng với tinh thần cần cù, sáng tạo và giàu kinh nghiệm trong sản xuất, những người có uy tín là những tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, là lực lượng nòng cốt góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; là nhân tố tích cực trong việc vận động người dân ở thôn, làng và động viên con cháu trong gia đình tích cực tham gia phát triển kinh tế, yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và từng bước ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả cao, không chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy; vận động con cháu, nhân dân thực hiện đa dạng hóa các mô hình kinh tế hiệu quả giá trị kinh tế cao mang lại mức sống tốt hơn cho gia đình … Đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển KT-XH ở địa phương. Tiêu biểu trong lĩnh vực này tại huyện Đăk Tô có ông A Đing dân tộc Xơ Đăng, thôn Kon Đào 2, xã Kon Đào với mô hình trồng cao su, trồng lúa nước, nuôi bò địa phương; Tại huyện Kon Rẫy có ông Sầm Văn Phá dân tộc Nùng, thị trấn Đăk Rơ Ve với mô hình nuôi thỏ, kết hợp Vườn-Ao-Chuồng (V-A-C). Tại Thành phố Kon Tum có mô hình V-A-C của ông A Ưm người có uy tín thôn KonHngo Kơtu, Già làng A Brẫy ở xã Xốp, A Mơ ở thôn Rooc Nầm, xã Đăk Choong thuộc huyện Đăk Glei… Tuy tuổi đã già, sức yếu nhưng các Già làng luôn nỗ lực làm việc, phối hợp với các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở cơ sở để vận động dân làng ra sức tiết kiệm, phát triển kinh tế, đổi mới cách làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm xóa đói giảm nghèo cho bà con địa phương.

      Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, với mô hình "Dân vận khéo" các Già làng đã tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, vận động xóa bỏ tập tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, làm lành mạnh các quan hệ xã hội ngay trong từng gia đình; động viên các gia đình cho con em học hành, thực hiện sống vui, sống khỏe, sống có ích, kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội. Điển hình như  già làng A Trẻ xã Đăk Nhoong, A Branh xã Xốp thuộc huyện Đăk Glei đã thường xuyên tham dự các buổi họp thôn, ngày hội của làng để truyền đạt những kinh nghiệm quý báu cho bà con, tham gia đóng góp ý kiến thiết thực trong việc giữ gìn an ninh trật tự thôn; giữ gìn vệ sinh thôn làng, ngõ xóm luôn xanh, sạch, đẹp. Điển hình là già làng Y Ế, A Dâng, … xã Ngọc Linh, A Boi xã Đăk Môn; ông A Hoàng, thôn 1 xã Ngọc Wang huyện Đăk Hà là tấm gương về việc vận động đồng bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng khu dân cư văn hóa, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và các quy định, quy chế của địa phương. Ông A Nhất, thôn 5 xã Tân Lập huyện Kon Rẫy là người hướng dẫn nhân dân trong làng tập đánh cồng chiêng, nét đẹp văn hóa của dân tộc; Bà Y Pan, thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi là tấm gương điển hình trong việc “ Phát triển kinh tế- xã hội; giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

      Trong cuộc sống hàng ngày, do sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan niệm, nhận thức, lối sống, tính cách,… nên việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa các hộ gia đình và giữa các cá nhân với nhau trong cộng đồng dân cư là điều không thể tránh khỏi. Già làng là những người am hiểu cuộc sống, xã hội, họ ý thức được vai trò và trách nhiệm trong việc gìn giữ sự yên ấm, hòa thuận của các gia đình trong thôn, làng và trong dòng tộc của mình. Mỗi khi có xung đột xảy ra, bằng lời nói và sự uy tín của mình, Già làng đã vận dụng "dân vận khéo" để xoa dịu được cơn nóng giận ở đôi bên. Điển hình như già làng A Chông thôn Đăk Long, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà; già làng A Klớt ở xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei….

      Trong cuộc vận động xây dựng nền quốc phòng toàn dân và giữ gìn an ninh trật tự, với phương pháp "dân vận khéo" lực lượng Già làng luôn thể hiện bản chất cách mạng, tinh thần yêu nước. Nhiều nội dung công việc ở làng, xã như: vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, nhắc nhở dân quân du kích tuần tra, truy quyét nạn khai thác trái phép khoáng sản, tham gia xây dựng tổ chức tự quản, tổ hòa giải, các cụ đều tích cực vận động bà con nhân dân tham gia tích cực. Điển hình A Nar xã Ngọc Linh, A Boi xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei; già làng A Bem, người dân tộc Xơ Đăng, làng Đăk Tăng, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô ...

      Ngoài ra, các Già làng còn là những tấm gương đi đầu trong việc nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu của những thế lực thù địch muốn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng để dụ dỗ, kích động, gây mất an ninh trật tự, phá hoại cuộc sống yên bình của dân làng. Với phương pháp "dân vận khéo"  già làng phối hợp với tổ chức Đảng, Chính quyền, mật trận, đoàn thể đến từng gia đình, thuyết phục bà con không nghe, không làm theo để chống lại những âm mưu và thủ đoạn của kẻ xấu.

      Thông qua các cuộc họp của thôn, làng người có uy tín đã vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, vượt biên trái phép ra nước ngoài, xâm nhập trái phép qua biên giới, di dân tự do, tranh chấp đất đai, truyền đạo trái phép…. Tiêu biểu trong lĩnh vực này tại huyện Kon Rẫy có ông U Đê dân tộc Xơ Đăng, thôn 4, xã Đăk Tơ Lung. Tại huyện Kon Plông có ông Đinh Ngọc Huông, dân tộc Xơ Đăng, thôn Đăk Liêu, xã Hiếu….

       Những kết quả “dân vận khéo” theo quan điểm Hồ Chí Minh được thể hiện trong bài báo Dân vận mà người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum những năm qua đã vận dụng trong thực tiễn chứng tỏ họ thực sự là những người có kỹ năng: óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm - tức biết vận dụng “ngũ quan”, hiểu rõ thực tế, nói đi đôi với làm; nắm vững bản chất của con người, của sự việc; thành thạo quy trình dân vận; có phương pháp tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu; biết dân chủ bàn bạc với bà con để đặt kế hoạch, tổ chức cho mọi người thi hành; đồng thời biết kiểm tra, theo dõi, động viên, khuyến khích bà con dân làng; khi xong biết rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng kịp thời để từ đó có hướng giải quyết nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn.

       Có được những kết quả "dân vận khéo" như trên, người có uy tín vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thực hiện tốt những yêu cầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:

      Thứ nhất, nội dung vận động thiết thực, cụ thể, trước hết là tập trung phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt cho dân làng. Đây chính là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của công tác dân vận, là làm sao mọi người phải có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Bởi, khi có tiềm lực mạnh về kinh tế mới có điều kiện đầu tư cho phát triển sản xuất, củng cố quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho bà con. Vì vậy, công tác dân vận phải khéo bám sát nhiệm vụ chính trị, nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế của từng giai đoạn, từng thôn, làng để vận động bà con hiến kế, tham gia tích cực, chủ động vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

      Thứ hai, “khéo” còn thể hiện công tác vận động bà con trong thôn, làng không chỉ là nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể mà còn là trách nhiệm của người có uy tín  với vai trò là những tấm gương sáng trong phát triển sản xuất, làm kinh tế giỏi; là lực lượng nòng cốt góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần tại địa phương.

      Thứ ba, phương thức, phương pháp thực hiện của người có uy tín phù hợp với từng đối tượng cụ thể, kịp thời, lấy tuyên truyền, thuyết phục làm chủ yếu, phát huy dân chủ, bàn bạc với bà con trong thôn, làng “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân”[5]. Đây là cơ sở hình thành phương thức lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Hồ Chí Minh khái quát quy trình “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”[6]

      70 năm trôi qua, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân Vận khéo thì việc gì cũng thành công” đã được minh chứng thực tế thông qua mô hình "Dân vận khéo" trong phát huy vai trò người có uy tín vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian qua góp phần quan trọng trong vận động, tập hợp, tạo ra sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc - nhân tố cơ bản đưa tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển về kinh tế, ổn về chính trị để Kon Tum cùng các tỉnh khu vực Tây nguyên phấn đấu đến năm 2020 "Phát triển vùng Tây Nguyên phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước"[7] như trong kế hoạch của Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành kèm theo Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 18/02/2014. Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng các dân tộc ở địa phương, trong đó không thể không nói đến vai trò của Người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tư tưởng "Dân vận khéo" của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đưa đến đích cuối cùng của công tác dân vận đó là không ngừng cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, phát huy dân chủ, tạo nguồn lực cho sự nghiệp CNH, HĐH, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"./.
 

 ThS. Quách Thị Minh Thúy[1]
  CN. Bùi Thị Thùy Mai[2]

 

[1] Phó Hiệu Trưởng trường Chính trị tỉnh Kon Tum

[2] Giảng viên khoa NN & PL trường Chính trị tỉnh Kon Tum

[3] Theo số liệu Niên giám thống kê năm 2018 của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum.

[4] Quyết định số 536/QĐ-UBND ngày 30/5/2018 của Ủy Ban nhân dân tỉnh Kon Tum….; Quyết định số 118/QĐ-UBND ngày 28/01/2019 của Ủy Ban nhân dân tỉnh Kon Tum….;

[5] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.5, tr.698.

[6] . Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.290.

[7] Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020 kèm theo Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 18/02/2014

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây