Trường chính trị tỉnh Kon Tum

https://truongchinhtri.kontum.gov.vn


Nguyễn Huệ với sự nghiệp thống nhất đất nước cuối thế kỷ XVIII

      Từ thế kỷ XVI, nhân chính quyền nhà Lê suy yếu, nhiều thế lực phong kiến nổi lên tranh giành quyền lực. Với sự biến năm 1527, Mạc Đăng Dung lật đổ triều Lê, lập triều Mạc. Ngay sau đó, Nguyễn Kim chiếm Thanh - Nghệ dựng lên triều chính “Lê Trung Hưng”, rồi Trịnh Kiểm chấp chính với thể chế “ vua Lê chúa Trịnh”. Đất nước sa vào cục diện Nam - Bắc phân tranh. Bắc triều vừa thất thế thì nội bộ Nam triều xuất hiện hai phe phong kiến thù địch Trịnh và Nguyễn, dẫn đến thảm cảnh Đàng Trong – Đàng Ngoài lìa chia trên hai thế kỷ.
      Yêu cầu thống nhất quốc gia càng cấp bách khi bên trong và bên ngoài,cả phía Nam và phía Bắc, cả chủ nghĩa bành trướng phương Đông và phương Tây, thù trong và giặc ngoài đang đe doạ nền độc lập dân tộc .Độc lập dân tộc đang đứng trước những thử thách hiểm nghèo mà nhân dân ta chỉ có thể vượt qua được bằng cách sớm tiêu diệt các thế lực cắt cứ, xoá bỏ chia cắt lập lại nền thống nhất đất nước. Thống nhất quốc gia trở thành nguyện vọng tha thiết của nhân dân là yêu cầu khách quan hết sức cấp bách của xã hội và dân tộc ta hồi cuối thế kỷ XVIII.
      Trên vũ đài lịch sử lúc đó nghĩa quân Tây Sơn xuất hiện với tư cách đại diện cho lực lượng nông dân đảm nhận sứ mệnh lịch sử. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn với lãnh tụ tiêu biểu là Nguyễn Huệ, phát triển như một cơn bão táp cách mạng của quần chúng bị áp bức, lướt mạnh trên cả hai miền Nam Bắc, lật nhào các chính quyền phong kiến phản động: Nhà Nguyễn, Nhà Trịnh và vua Lê, dập tan các đạo quân xâm lược của phong kiến ngoại bang, đáp ứng yêu cầu ruộng đất của nông dân, yêu cầu thống nhất đất nước và độc lập dân tộc.
Cống hiến của anh hùng Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn đối với dân tộc thật to lớn, riêng về sự nghiệp thống nhất quốc gia thể hiện trên ba lĩnh vực sau đây:
      Thứ nhất, tiêu diệt các thế lực phong kiến phản động, xoá bỏ tình trạng chia cắt, khôi phục nền thống nhất quốc gia.
Từ năm 1627 đến 1672, trải qua 7 cuộc hỗn chiến lớn không phân thắng bại, hai tập đoàn phong kiến Trinh – Nguyễn chấp nhận giảng hoà, lấy sông Gianh làm giới tuyến chia đôi nước Đại – Việt, biến mỗi miền thành một giang sơn riêng, giống như hai quốc gia đối địch. Ở phía Bắc chúa Trịnh chuyên quyền độc đoán quan lại tàn bạo, xu thời, lợi dụng chốn quan trường để vơ vét, tham ô, hối lộ bốc lột nhân dân. Chốn thôn xã bọn cường hào mặc sức tung hoành. Ở trong Nam chúa Nguyễn lập triều đình đế vương, cầu phong nhà Thanh; bọn quan lại sâu mọt, tham nhũng và thối nát. Chúa Nguyễn bắt nhân dân “đổi y phục thay phong tục”, “quần áo theo thể chế Trung Quốc” để phân biệt với Đàng Ngoài.
      Sự chống đối của nông dân lên đến tột cùng. Phong trào Tây Sơn xuất hiện, nhanh chóng lan khắp mọi nơi. Thứ nhất, tiêu diệt chính quyền cát cứ của nhà Nguyễn, làm chủ phần lãnh thổ phía Nam năm 1773, nghĩa quân làm chủ Quy Nhơn, chiếm Quảng Ngãi, giải phóng Phú Yên, cắt đôi phạm vi thống trị của chúa Nguyễn. Trong những năm từ 1776 đến 1783, Nguyễn Huệ 3 lần vượt biển vào Gia Định. Cả 3 lần Chúa Nguyễn đều đại bại và bị đánh bật ra khỏi đất liền, trốn trên các hoang đảo hoặc sống lưu vong và cầu cứu ngoại viện. Chính quyền họ Nguyễn tồn tại trên 200 năm đến đây sụp đổ tan tành. Tây sơn làm chủ toàn bộ phần lãnh thổ từ Hải Vân vào cực Nam Tổ quốc.
      Năm 1776 cơn bão táp Tây Sơn chuyển hướng ra phía Bắc. Trong vòng 10 ngày, Nguyễn Huệ đánh tan 3 vạn quân Trịnh, giải phóng Phú Xuân, tiến đến sông Gianh. Với tầm nhìn xa rộng, Nguyễn Huệ đã có quyết định sáng suốt: không dừng lại ở sông Gianh mà thừa thắng tiến công ra Bắc, lật đổ chế độ ChúaTrịnh đã tồn tại gần 300 năm. Quyết định có ý nghĩa lịch sử đó chứng tỏ tài năng của người anh hùng “áo vải” phù hợp với yêu cầu phát triển của phong trào, với ý chí và nguyện vọng thống nhất mạnh mẽ của cả dân tộc. Ngày 21 – 7 – 1786, Nguyễn Huệ vào Thăng Long, thực sự làm chủ Bắc Hà. Vua Lê Hiến Tông đặt lễ triều hạ, niêm yết “Nhất thống sơn hà”.   
      Như vậy, phong trào Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài tình của Nguyễn Huệ đã tiêu diệt các thế lực phong kiến phản động, thủ phạm gây ra chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài, xoá bỏ ranh giới phân chia Nam – Bắc, làm chủ toàn bộ lãnh thổ từ cực bắc Đàng Ngoài đến cực nam Đằng Trong, khôi phục quốc gia thống nhất. Non sông nước Việt sau gần ba thế kỷ bị chia cắt đã được thu về một mối, lần đầu tiên sự thống nhất được thực hiện trên toàn cõi đất nước rộng lớn. Đây là một thắng lợi vĩ đại của phong trào Tây Sơn, tiêu biểu là thủ lĩnh kiệt xuất Nguyễn Huệ.
      Thứ hai, bảo vệ độc lập dân tộc
      Cuối thế kỷ XVIII, đất nước ta chồng chất khó khăn. Trong nước nền thống nhất bị phá vỡ, giai cấp phong kiến suy tàn, đối lập với nhân dân và đi ngược lại lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập và thống nhất quốc gia. Các tập đoàn phong kiến trong Nam và ngoài Bắc đã mất hết lòng tự tôn dân tộc. Để bảo vệ lợi ích riêng, chúng sẵn sàng câu kết với bất cứ thế lực ngoại xâm nào, chống lại một cách điên cuồng phong trào đấu tranh của quần chúng đang ngày càng lên cao. Nhà Mạc thoả hiệp và cắt đất cho nhà Minh. Chính quyền nhà Trịnh bất lực để mất nhiều dải đất biên cương phía Bắc. Trong Nam, Nguyễn Ánh không chịu nổi sức tiến công mãnh liệt của Tây Sơn, đã trốn sang Xiêm, rước 5 vạn quân giặc vào giày xéo Gia Định. Ánh còn gửi con trai ( Hoàng tử Cảnh) cho giám mục Bá-đa-lộc làm con tin sang cầu cứu nước Pháp, đã kí hiệp ước nhượng cho Pháp đảo Côn Lôn và cho người Pháp tự do truyền đạo để đổi lấy sự “viện trợ” của thực dân. Ở phía Bắc, năm 1788, Lê Chiêu Thống cầu cứu nhà Thanh để chúng có thời cơ thuận lợi dẫn 29 vạn quân tràn sang cướp phá Thăng Long.
      Vận mệnh của dân tộc bị đe doạ từ nhiều phía, cả thù trong và giặc ngoài. Các tập đoàn phong kiến không chỉ đã phá huỷ quốc gia thống nhất mà còn đang tâm phản bội dân tộc, rước voi về giày mả tổ. Trong hoàn cảnh đó, thống nhất quốc gia và độc lập dân tộc càng có quan hệ chặt chẽ. Không có độc lập thì không có thống nhất, bởi vua Xiêm luôn tham vọng chiếm vùng lãnh thổ phía Nam nước ta, còn nhà Thanh thì lại muốn Bắc Hà thành quận huyện nội thuộc Trung Quốc” Sự nghiệp thống nhất của phong trào Tây Sơn hơn bao giờ hết bị đe doạ nghiêm trọng.
Đứng trước tình hình khó khăn phức tạp này, Nguyễn Huệ đã tỏ rõ không chỉ là một lãnh tụ  xuất sắc của nông dân mà còn là một lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc. Ngày 20 – 11- 1785, bằng nghệ thuật quân sự tài giỏi, độc đáo, Nguyễn Huệ đã đánh tan 5 vạn quân xâm lược Xiêm cùng hàng vạn quân bán nước Nguyễn Ánh, làm nên chiến thắng lẫy lừng Rạch Gầm – Xoài Mút, phải từ bỏ âm mưu xâm chiếm nước ta. Bốn năm sau, mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), Nguyễn Huệ lập nên chiến thắng Đống Đa lịch sử, chỉ trong vòng 5 ngày đánh tan 29 vạn quân Thanh, giải phóng thăng Long, quét sạch lũ giặc ra khỏi Bắc Hà, hoàn thành sứ mệnh giải phóng Tổ Quốc, bảo vệ độc lập và thống nhất giang sơn.
      Như vậy, Nguyễn Huệ không những có công khôi phục quốc gia thống nhất mà còn có công bảo vệ thành quả thống nhất, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Phong trào Tây Sơn đã không dừng lại ở phạm vi đấu tranh giai cấp mà sau khi đánh đổ chính quyền phong kiến phản động đã tiến lên làm nhiệm vụ dân tộc, khôi phục thống nhất, đánh tan giặc ngoại xâm, bảo vệ và củng cố sự nghiệp vĩ đại của mình.
      Thứ ba, tiếp tục củng cố nền thống nhất quốc gia
Sau cuộc kháng chiến chống Thanh thắng lợi, trên cương vị hoàng đế của một vương triều phong kiến mới, Quang Trung đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp dựng nước, tiếp tục củng cố nền độc lập và thống nhất đã giành được.
      Thắng lợi của phong trào Tây Sơn là bước mở đường cho kinh tế xã hội phát triển. Các trở lực phong kiến phản động bị tiêu diệt, thoả mãn được yêu cầu dân chủ, kinh tế tiểu nông có điều kiện phát triển; mặt khác xoá bỏ được tình trạng chia cắt, kinh tế hàng hoá được lưu thông và nảy nở. Sau chiến tranh, Quang Trung có nhiều biện pháp tích cực nhằm phục hồi nông nghiệp và đẩy mạnh phát triển kinh tế, công thương nghiệp. Đó là những chính sách củng cố cơ sở kinh tế của quốc gia thống nhất.
      Quang Trung coi trọng tiếng nói dân tộc, đưa chữ Nôm thành chữ viết trong toàn quốc gia, ra lệnh bãi bỏ chế độ cưỡng bức của chúa Nguyễn trước đây bắt nhân dân Đàng Trong phải thay đổi phong tục tập quán và ăn mặc theo lối Trung Quốc. Nền văn hoá lại được thống nhất; tâm lí phân biệt Bắc Nam, Đàng Trong – Đàng Ngoài dần dần xoá bỏ và ý thức cộng đồng quốc gia dân tộc có điều kiện phát huy, củng cố thêm cơ sở văn hoá tinh thần cho quốc gia thống nhất.
      Nhưng tiếc thay, cuộc đấu tranh củng cố quốc gia thống nhất của Quang Trung vì thể chưa thể hoàn thành triệt để thì Quang Trung đã từ trần (16-9-1792). Song dẫu sao những thành quả đã đạt được đã khẳng định công lao to lớn của Quang Trung đối với công cuộc củng cố nền thống nhất của nước Đại Việt.
      Sự nghiệp thống nhất đất nước cuối thế kỷ XVIII là sự nghiệp của phong traò Tây Sơn, của nhân dân cả nước, song Quang Trung - Nguyễn Huệ là người có công lớn nhất.
      Đất nước ta sau gần ba thế kỷ bị chia cắt, đến cuối thế kỷ XVIII, với những chiến công vang dội của mình, phong trào Tây Sơn dưới sự lãnh đạo tài tình của Nguyễn Huệ đã hoàn thành được những nhiệm vụ lịch sử trọng đại nhất, lập lại nền thống nhất quốc gia và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc. Đó là sự nghiệp của toàn dân tộc, nhưng công lao lớn nhất thuộc về anh hùng Quang Trung- Nguyễn Huệ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.       PGS.TS. Đỗ Bang, Bài giảng chuyên đề: Nghiên cứu triều Nguyễn và những vấn đề đặt ra hiện nay.
2.       PGS.TS. Đỗ Bang (2002), Triều Nguyễn sau 200 năm nhìn lại, Bài viết đăng trên tạp chí Huế Xưa và Nay, số 5, Hội Sử học Việt Nam.
3.       Đỗ Bang - Trần Bạch Đằng và các tác giả khác (1999), Tư tưởng canh tân đất nước dưới triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa.
4.       Đinh Xuân Lâm, Thất bại của xu hướng đổi mới ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX, Tạp chí Xưa và Nay, số 317,10. 2008.
5.       Phan Huy Lê, Nhận thức mới về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, Tạp chí Đại học Huế, số 68, 11.2008.
6.       Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), (2006), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục.
7.       Quốc sử quán triều Nguyễn (1974), Đại nam thực lục chính biên, tập 29, Nxb Khoa học xã hội.
8.       Quốc sử quán triều Nguyễn (1974), Đại nam thực lục chính biên, tập 30, Nxb Khoa học xã hội.
9.       Quốc sử quán triều Nguyễn (1974), Đại nam thực lục chính biên, tập 31, Nxb Khoa học xã hội.
10.     Nguyễn Thế Anh (2008), Kinh tế - Xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn, Nxb Văn học.

 

Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Thị Hiền - Giảng viên khoa Xây Dựng Đảng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây