Trường chính trị tỉnh Kon Tum

https://truongchinhtri.kontum.gov.vn


Đôi điều suy nghĩ về trách nhiệm trong công việc đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức hiện nay trong cơ quan, đơn vị

Đôi điều suy nghĩ về trách nhiệm trong công việc đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức hiện nay trong cơ quan, đơn vị

      Mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong một cơ quan, đơn vị, tổ chức đều giữ vị trí, vai trò nhất định, phải có trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị và tổ chức mà mình tham gia và là thành viên. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức là thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và phải thực hiện đúng những quy định của pháp luật, quy chế mà cơ quan, đơn vị đề ra. Cùng với trách nhiệm, người cán bộ, công chức, viên chức còn phải gương mẫu trong rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, lối sống, tâm huyết với nghề nghiệp.

      Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa về tinh thần trách nhiệm bằng những từ ngữ rất giản dị và dễ hiểu: “Tinh thần trách nhiệm là: Nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ(1), là “khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v., là không có tinh thần trách nhiệm”(2). Người yêu cầu, nhắc nhở, bất kỳ ai, dù ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm; “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”(3).

      Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đã được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cử cho đi đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ Lý luận Chính trị; bồi dưỡng về quản lý Nhà nước, ngoại ngữ, tin học… từ đó năng lực chuyên môn của từng cán bộ, công chức, viên chức ngày càng vững vàng hơn. Nhìn chung, đa số cán bộ, công chức, viên chức có lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức rèn luyện, phấn đấu, năng động, sáng tạo. Một số cán bộ công chức, viên chức làm việc khoa học tâm huyết, say mê nghiên cứu, có nhiều đóng góp tích cực cho cơ quan, đơn vị. hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

      Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống chính trị chạy theo bằng cấp, học hàm, học vị; Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức có mặt còn hạn chế; một số bộ phận cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, kèn cựa địa vị, đùn đẩy né trách công việc, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, chối bỏ trách nhiệm khi xảy ra sai phạm, không có tinh thần trách nhiệm trong công việc; chưa lập chương trình, kế hoạch cụ thể cho từng ngày, giờ làm việc một cách khoa học dẫn đến năng suất lao động, hiệu quả làm việc thấp; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trẻ còn thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện và học tập đẫn đến khi xử lý công việc không linh hoạt, thậm chí chưa đúng theo quy định.

      Từ những vấn đề đã nêu trên, để mỗi cán bộ, công chức, viên chức xác định đúng chức trách và nhiệm vụ của mình, làm việc có hiệu lực và hiệu quả thiết nghĩ cần thực hiện tốt những vấn đề sau:

      Thứ nhất: Mỗi cán bộ, công chức, viên chức làm việc phải theo chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, chi tiết. Công tâm, khách quan, hợp lý, hợp tình đồng thời quyết tâm tìm ra những biện pháp thích hợp để hoàn thành việc mình đang làm.

      Thứ hai: Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm với công việc. Nói và làm được thể hiện qua hành động, cách ứng xử và xử lý công việc hằng ngày. Tự ý thức và chịu trách nhiệm của mình trong công việc được giao theo đúng vị trí việc làm của từng người đảm nhiệm. Cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được cơ quan, đơn vị giao. Làm việc với niềm say mê, luôn yêu nghề, tin tưởng và phấn khởi với công việc của mình đảm nhận, với mong muốn góp phần nhỏ bé vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị.

      Thứ ba: Mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong xử lý và giải quyết công việc cần phải tuân thủ nguyên tắc, có lập trường tư tưởng rõ ràng, làm đúng theo quy định của Nhà nước, của cơ quan, đơn vị. Không vì lợi ích cá nhân mà sách nhiễu gây phiền hà làm mất uy tín đạo đức, lối sống, kém tinh thần trách nhiệm.

      Thứ tư: Mỗi cán bộ, công chức, viên chức không ngừng nghiên cứu học tập, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Phải xác định việc học tập, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức cách mạng là một việc rất quan trọng đúng như lời dạy của V.I.Lê-nin được Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc: “Học, học nữa, học mãi”, nếu không học tập và rèn luyện lâu ngày sẽ bị tụt hậu và đào thải. Do vậy, xác định việc học tập và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phải được thường xuyên. Cán bộ, công chức, viên chức nào lười học, lười suy nghĩ, không thường xuyên cập nhập, tiếp nhận những thông tin, tri thức mới đây cũng là biểu hiện sự suy thoái tụt hậu. Cần phải có tính tự giác - tự mình ý thức về trách nhiệm, tự mình làm những công việc cần làm và phải làm để đem lại hiệu quả cao nhất. Đó là một trong những cơ sở để xem xét đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm của cơ quan, đơn vị./.

------------------------------

(1), (2)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr. 249, 248

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.6, tr. 131

Tác giả bài viết: Nguyễn Quý An

Nguồn tin: Phòng QLĐT & NCKH

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây