Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na ở Thành Phố Kon Tum hiện nay

Thứ ba - 21/04/2020 22:51

Tác giả bài viết: ThS. Phan Văn Sinh

Nguồn tin: Khoa Lý luận cơ sở

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na ở Thành Phố Kon Tum hiện nay

     Dân tộc Ba Na trên địa bàn thành phố Kon Tum là một cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ của tỉnh Kon Tum sở hữu một kho tàng văn hóa đồ sộ. Biểu hiện sinh động trong hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như kiến trúc nhà, các loại nhạc cụ, vật dụng sinh hoạt, văn học nghệ thuật, luật tục, tín ngưỡng…

        Gắn với chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về xây dựng nền văn hóa và con người mới, việc giữ gìn và phát huy giá trị vàn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ trong đó có dân tộc Ba Na trên địa bàn thành phố Kon Tum là một nhiệm vụ thường xuyên, cấp thiết trong tình hình hiện nay.

        Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na, UBND thành phố chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin Thành phố Kon Tum tiến hành điều tra, khảo sát đời sống văn hóa cơ sở nhằm bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, đặc biệt là loại hình diễn kể sử thi, hát dân ca, trình diễn cồng chiêng, múa xoang của dân tộc Ba Na và các loại nhạc cụ dân tộc như đàn KLongpút, T’rưng... được khôi phục, duy trì và phát triển. Các ngành nghề, làng nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm được duy trì và phát triển ở một số địa bàn phường Thắng Lợi, xã Vinh Quang, xã ĐăkRơWa, phường Quang Trung.

        Duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, lễ hội với nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia[1]. Các đội cồng chiêng, đội văn nghệ quần chúng thường xuyên tham gia giao lưu văn hóa văn nghệ do các ngành, các cấp tổ chức, qua đó giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Ba Na trên địa bàn thành phố, khơi dậy và giữ gìn phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương. Đến năm 2018 toàn thành phố đã tổ chức được 61 lớp dạy cồng chiêng, với 1084 học viên tham gia, do 32 nghệ nhân truyền dạy. Duy trì các làng nghề truyền thống. Lập hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân cho các nghệ nhân trên địa bàn…

           nharong1

         Nhà Rông Kon Klor - Một điểm đến hấp dẫn du khách ở Tp. Kon Tum

      Quy hoạch các làng đồng bào dân tộc nội thành thành các địa điểm du lịch cộng đồng gắn với giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS thành phố tại thôn KonK’tu, xã ĐăkRơWa. Tổ chức rà soát toàn bộ hộ gia đình, cá nhân có khả năng dệt thổ cẩm của dân tộc Ba Na; tổ chức dạy nghề, nâng cao kỹ năng, công nhận nghệ nhân dệt thổ cẩm. Thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm dệt thổ cẩm: Thiết kế bao bì, mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu, xuất xứ, nguồn gốc cho sản phẩm và tổ chức tiêu thụ sản phẩm.

        Tuy nhiên, hiện nay nhìn chung đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, tại một số nơi thì luật tục lạc hậu vẫn thực hiện. Trong khi đó sinh hoạt văn hóa mang đậm các sắc tộc đôi khi bị lấn át và mai một. Cơ chế của nền kinh tế thị trường đã tác động nhiều đến nền văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung và dân tộc Ba Na nói riêng đang đứng trước những thử thách lớn. Cùng với trào lưu hiện đại của xã hội, thì tập tục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn bàn thành phố Kon Tum đang có nguy cơ bị mai một, nghệ thuật dân gian dân tộc Ba Na cũng nằm trong số đó. Đặc biệt là với sử thi trên địa bàn thành phố Kon Tum chỉ còn 13 nghệ nhân còn nhớ và hát kể lại được, nhưng tuổi họ đều ngoài 60-70 cùng với đó là cuộc sống hiện tại của họ còn nghèo và khó khăn. Những nghệ nhân này đều tuổi cao, sức khỏe lại yếu, trí nhớ bị suy giảm, khả năng hát kể không được lâu và liên tục như trước đây nữa. Bên cạnh đó là thế hệ trẻ hầu như không còn quan tâm hay có ý thức về việc tiếp thu nghệ thuật dân gian…

         Sự xâm nhập mạnh mẽ văn hóa từ bên ngoài vào nền văn hóa dân tộc vốn đã yếu sức đề kháng. Lứa tuổi thanh niên chư­a ý thức đầy đủ về nền văn hóa dân tộc của mình nên dễ tiếp thu văn hóa bên ngoài không có sự chọn lọc, có biểu hiện xu hướng vọng ngoại, quay lưng lại với những sinh hoạt văn hóa dân tộc mình.

        Trên địa bàn thành phố chư­a có được những mô hình, những phương thức tổ chức sinh hoạt văn hóa thực sự hiệu quả trong các cơ sở thôn, làng. Các sinh hoạt văn hóa dân gian và công tác sưu tầm nhiều lúc còn mang tính hình thức và việc biến nó thành những sinh hoạt bổ ích, lành mạnh có tính thường xuyên và tính xã hội còn gặp nhiều khó khăn.

         Còn thiếu những công trình nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn cho các mục tiêu giữ gìn và phát huy vốn văn hóa dân gian vào đời sống xã hội; nguồn kinh phí, ngân sách, phương tiện, con người cần đầu tư­, bố trí cho lĩnh vực này còn hạn chế và vốn đầu tư còn ít ỏi và khó khăn, đặc biệt là sự thiếu hụt cán bộ làm công tác văn hóa là người các DTTS ở địa phương.

         Các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương thành phố chư­a chú trọng và có biện pháp chỉ đạo tích cực, hữu hiệu cho việc bảo tồn, phát huy kho tàng bản văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na. Việc tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn văn hóa dân tộc ch­ưa được tiến hành thường xuyên và sâu rộng đến các thôn, làng và các tầng lớp Nhân dân.

        Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Ba Na trên địa bàn thành phố Kon Tum trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

        Thứ nhất, phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo là điều kiện quan trọng để đảm bảo hiệu quả công tác giữ gìn và phát huy văn hoá dân tộc Ba Na.

        Có thể thấy rõ, việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Ba Na ở thành phố Kon Tum là một quá trình khó khăn và lâu dài, nó không thể là sản phẩm chủ quan duy ý chí mà trước hết phải phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, vào tình hình và điều kiện cụ thể của địa phương. Vì vậy, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo được khẳng định là cơ sở quan trọng hàng đầu để phát triển văn hóa.

        Để phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc Ba Na. Nhà nước cần có chính sách đầu tư và quản lý đầu tư tốt hơn nữa để xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông; hỗ trợ vốn kỹ thuật và giống cây trồng, vật nuôi cho đồng bào phát triển kinh tế - xã hội để từng bước xoá đói giảm nghèo. Nhà nước và chính quyền địa phương cần tăng cường cán bộ khoa học kỹ thuật nhất là cán bộ biết tiếng dân tộc Ba Na, đến từng bản làng hướng dẫn đồng bào một cách cụ thể, tránh tình trạng chỉ đạo chung chung. Bên cạnh đó, trong các hoạt động văn hoá, thông tin nên lồng ghép nội dung tuyên truyền các mục tiêu và các hoạt động kinh tế - xã hội. Các cơ quan văn hoá cần kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hoá với tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội để đồng bào dân tộc Ba Na hiểu và hăng hái tham gia các hoạt động xây dựng văn hoá và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của công việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Ba Na.

        Thứ hai, đẩy mạnh công tác giáo dục văn hoá, lịch sử văn hoá truyền thống, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc Ba Na hiện nay.

        Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, với đường lối cải cách mở cửa, hội nhập với thế giới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thử thách lớn hơn cả về kinh tế, chính trị và văn hoá... nhất là những mưu đồ phản động của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng. Để cộng đồng tộc người Ba Na phát triển được trong quá trình toàn cầu hoá, một trong những vấn đề cần quan tâm hàng đầu là tăng cường giáo dục lịch sử văn hoá truyền thống, giáo dục các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, giáo dục chủ nghĩa yêu nước tinh thần tự hào dân tộc. Bên cạnh đó phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó và góp phần làm thất bại mọi âm mưu đen tối của các thế lực thù địch chống phá gây tổn hại đến khối đại đoàn kết các dân tộc. Cùng với giáo dục chủ nghĩa yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc là giáo dục lòng nhân ái, tình cảm cộng đồng dân tộc để phát huy truyền thống dân tộc và giúp con người sống cân bằng trong điều kiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập. Đồng thời, phải đặc biệt quan tâm giáo dục tính cần cù sáng tạo trong lao động và học tập cho đồng bào Ba Na để đồng bào có thu nhập chính đáng và có nghề nghiệp chuyên môn vững vàng. Giáo dục tinh thần dân chủ và công bằng xã hội đây là hạt nhân của định hướng xã hội chủ nghĩa trong lối sống mới, đạo đức mới.

        Thứ ba, chủ động bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc Ba Na ở thành phố Kon Tum.

        Để làm tốt công việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc BaNa ở thành Phố Kon Tum.  Điều đầu tiên phải điều tra nghiên cứu, sưu tầm những di sản văn hoá của dân tộc Ba Na từ đó đưa ra các kết luận có cơ sở khoa học và có sức thuyết phục về bản sắc văn hoá của dân tộc Ba Na. Từ việc điều tra, kiểm kê đánh giá, các nhà quản lý các cấp (nhất là ở địa phương) nên phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tuyên truyền, giáo dục rộng rãi cho các vùng, các dân tộc hiểu biết văn hoá từng vùng, từng dân tộc qua sách, báo, các phương tiện thông tin đại chúng và giáo dục ở nhà trường. Điều đáng quan tâm là, tại các vùng có dân tộc BaNa sinh sống, các cấp uỷ đảng và chính quyền cần xây dựng chương trình và tổ chức thực hiện việc tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong cộng đồng tộc người Ba Na về việc sưu tầm, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình, từ đó tìm ra biện pháp khả thi để duy trì và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Ba Na.

        Cùng với hoạt động tuyên truyền các vùng có dân tộc Ba Na sinh sống cần đẩy mạnh công tác xã hội hoá việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc Ba Na, đồng thời đầu tư kinh phí cho hoạt động sưu tầm, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Ba Na một cách thoả đáng. Để tăng kinh phí, ngoài nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước, tỉnh cần tranh thủ nhiều nguồn tài trợ theo hướng đa dạng hoá nguồn đầu tư: nhân dân tự nguyện đóng góp, tài trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ... Đồng thời phương thức bảo tồn ở trạng thái tĩnh của những đơn vị chuyên ngành khi sưu tầm, văn bản hoá, ghi âm, ghi hình... cần tiến hành ở phương thức bảo tồn ở trạng thái động, nghĩa là đưa các giá trị văn hoá truyền thống về với môi trường văn hoá cộng đồng, nơi đã nảy sinh ra các giá trị văn hoá, làm cho nhân dân các bản làng Ba Na nhận thức được ý nghĩa nền tảng và động lực của việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống thì chính họ sẽ là chủ thể quan trọng có thể giải quyết được những mâu thuẫn đặt ra với văn hoá truyền thống. Tuy nhiên, chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc định hướng và tạo điều kiện để nhân dân có nhiều cơ hội giữ gìn, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hoá truyền thống.

        Thứ tư, đổi mới chính sách đối với cán bộ làm công tác văn hoá tạo động lực cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Ba Na hiện nay

           Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá và cán bộ quản lý văn hoá là nhân tố có vai trò quyết định đến hiệu quả công việc gìn giữ, lưu truyền và phát triển văn hoá truyền thống các DTTS trong đó có văn hoá truyền thống dân tộc Ba Na.

         Có chính sách ưu đãi đối với đội ngũ Nghệ nhân dân gian trên các lĩnh vực diễn xướng sử thi... bằng cơ chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, có chế độ vật chất kèm theo để khuyến khích họ phát huy hơn nữa công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Có cơ chế chính sách đầu tư về đội ngũ cán bộ khoa học và kinh phí để bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị bản sắc văn hóa thông qua các đề án cụ thể của từng lĩnh vực giữa các Viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý của Trung ương đối với địa phương.

        Thứ năm, tập trung đầu tư, hỗ trợ công tác sưu tầm, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống; các làng văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.

        Xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trang phục một số DTTS có nguy cơ mai một. Có cơ chế hỗ trợ, tôn vinh đối với các nghệ nhân và những người am hiểu văn hóa truyền thống, có công trong việc bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

        Như vậy, đối với dân tộc Ba Na ở thành phố Kon Tum, một dân tộc đã có một nền văn hóa phong phú,độc đáo và hết sức đặc sắc, thì việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc này ngày càng trở nên đặc biệt cần thiết trong điều kiện hiện nay. Nếu làm tốt được điều này thì không những chúng ta có thể giữ gìn những nét văn hóa riêng đáng tự hào củamột dân tộc, mà còn phát huy được sức mạnh tiềm tàng vốn có của nó từ bao đời nay, góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.

 


[1] Các Lễ hội truyền thống như: lễ ăn lúa mới, lễ hội giọt nước....Tổ chức liên hoan cồng chiêng các dân tộc thiểu số. Đến nay việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn các xã, phường đã có những bước chuyển biến tích cực, yếu tố văn hóa trong lễ cưới, lễ tang, lễ hội được chú ý coi trọng, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số các hủ tục lạc hậu đã cơ bản xoá bỏ.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây