Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới ở xã Ya Ly(*), huyện Sa Thầy giai đoạn 2010 – 2020

Thứ sáu - 08/11/2019 02:15

Tác giả bài viết: ThS.Huỳnh Châu Lâm - Phó Hiệu trưởng

Ya Ly là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Sa Thầy, dân tộc thiểu số chiếm 74,91% dân số toàn xã; khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhìn chung điều kiện kinh tế - xã hội của xã còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, kết cấu hạ tầng nông thôn yếu, kém, thiếu đồng bộ

Trình độ nhận thức của nhân dân còn hạn chế, thu nhập bình quân đầu người thấp (năm 2010 là 6,36 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao (năm 2010 là 78%). Qua 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của người dân nên đã đạt được kết quả nhất định, tạo sự thay đổi quan trọng bộ mặt nông thôn của xã.

      Hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội của xã Ya Ly đã có bước phát triển đáng kể, hệ thống đường giao thông, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa,... được đầu tư xây dựng, củng cố, từng bước hoàn thiện, tạo đà cho phát triển chung của xã.

      - Về giao thông, thực hiện chủ trương Nhà nước hỗ trợ 100% vật liệu (cát, đá, sỏi, xi măng...), nhân dân hiến đất và tham gia đóng góp ngày công lao động để làm đường làng, ngõ xóm, trong 9 năm qua với tổng số hơn 30 tỷ đồng được đầu tư cho giao thông nông thôn thì người dân đã tự nguyện đóng góp gần 5 tỷ đồng (hiến đất làm đường và tham gia ngày công lao động), đặc biệt có gia đình đã tình nguyện đóng góp tiền và công sức trị giá hơn 50 triệu đồng. Nhờ đó đã hình thành nhiều tuyến đường khang trang, sạch đẹp như làng Chờ, làng Tum. Tỷ lệ cứng hóa, bê tông hóa đạt khoảng 35%.

      - Về thủy lợi, các công trình, dự án thủy lợi được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp như Công trình thủy lợi A Đất, Công trình Thủy lợi làng Lung với tổng mức đầu tư khoảng 45 tỷ đồng đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa. Năm 2018 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về thủy lợi.

      - Về điện, đến nay, toàn xã có 12 km đường dây trung áp, 15 km đường dây hạ áp, 5 trạm biên áp với dung lượng 50 KVA; 5/5 thôn làng (đạt 100%) đã có điện; tỷ lệ hộ sử dụng điện tăng từ 85% năm 2010 lên 98% năm 2018; Hiện tại xã có hệ thống điện đạt chuân nông thôn mới.

      - Về dịch vụ bưu chính viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn xã. Hiện tại trên địa bàn xã có 3 trạm thu phát sóng di động. Tỷ lệ phủ sóng di động đạt trên 80% dân số, 100% các trường học, cơ quan có mạng Internet.

      - Về giáo dục, xã có đủ 3 cấp học (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở), đã hoàn thành phổ cập tiểu học và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Trường Trung học cơ sở và các điểm trường tiểu học và mầm non ở các thôn, làng đều được đầu tư xây dựng khang trang theo hướng kiên cố hóa, tổng vốn đầu tư trong 9 năm trên 4 tỷ đồng. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến lớp đạt 100%, duy trì sĩ số học sinh đạt 96-98%. Đến nay xã đã hoàn thành tiêu chí Giáo dục nông thôn mới.

      - Về y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực y tế xã được tăng cường. Trạm y tế xã có bác sỹ, 100% thôn làng có y tá hoạt động, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%. Các hoạt động thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia và công tác khám chữa bệnh được triển khai thực hiện có hiệu quả. Xã đạt tiêu chí về y tế nông thôn mới.

      Hệ thống cung cấp nước sạch nông thôn tiếp tục được tập trung đầu tư góp phần nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 40% năm 2010 lên 80% năm 2018. Tỷ lệ hộ dân có 3 công trình sinh hoạt (nhà tắm, hố xí, bể nước) đạt tiêu chuẩn vệ sinh đạt 45%, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 40%.

      - Về văn hóa, các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn xã được quan tâm đầu tư. Các làng đồng bào dân tộc thiểu số đều có nhà rông (03/03 làng); trong 02 thôn của xã thì 01 thôn có Hội trường thôn, 3/5 thôn làng có sân bóng chuyền, 2/5 thôn làng có sân bóng đá đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thôn làng hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

      Cuộc vận động ‘'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn háa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới đã động viên, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn trong các tầng lớp nhân dân. Phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng phát triển sâu rộng. Toàn xã đã có 2/5 thôn làng đạt danh hiệu thôn làng văn hóa (năm 2010 không có thôn, làng nào đạt danh hiệu này), 52% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (năm 2010 là 25%). Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh và ngày càng đa dạng. Năm 2019 xã phấn đấu đạt tiêu chí văn hóa nông thôn mới.

      Cùng với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được Đảng ủy, Chính quyền xã xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Xã xây dựng, thực hiện các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế tại địa phương như: cao su, cà phê, cây ăn quả, lúa. Xã đã chuyển đổi gần 200 ha đất canh tác bạc màu, kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao như: cao su, cà phê, cây ăn quả... Giá trị sản xuất bình quân từ 6,5 triệu đồng/ha năm 2010 lên 47,84 triệu đồng/ha năm 2018; phát triển chăn nuôi từ nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 6,36 triệu đồng/năm đến năm 2018 là 24,41 triệu đồng/năm, dự kiến năm 2019 đạt hơn 27 triệu đồng. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên tăng từ 80% năm 2010 lên 95% năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể: năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn xã  chiếm 39% (năm 2010 là 78%).

      - Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Đảng bộ xã giữ vững vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo hệ thống chính trị; Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền ngày càng nâng cao. Đội ngũ cán bộ, công chức được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện có nhiều tiến bộ về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Xã phấn đấu năm 2019 đạt tiêu chí về hệ thống chính trị.

      An ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn xã tiếp tục được giữ vững và ổn định. Các tổ chức trong hệ thống chính trị ở xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, xử lý tốt các vấn đề phức tạp phát sinh, tạo sự chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Xã đã đạt tiêu chí về an ninh trật tự, an toàn xã hội.

      Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Ya Ly từ điểm khởi đầu không đạt một tiêu chí nào, đến nay xã đã đạt 8/19 tiêu chí (Quy hoạch, Điện, Y tế, Giáo dục, Cơ sở hạ tầng thương mại, Quốc phòng, an ninh, Lao động có việc làm, Thủy lợi), dự kiến đến cuối năm 2019 xã sẽ đạt thêm 2 tiêu chí (văn hóa và hệ thống chính trị) nâng tổng số tiêu chí nông thôn mới đạt được lên 10 tiêu chí. Qua thực hiện Chương trình xã đã rút ra những kinh nghiệm:

      Một là, thực hiện xây dựng nông thôn mới trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ; làm cho người dân xác định chính họ là chủ thể của xây dựng nông thôn mới và là người trực tiếp thụ hưởng những thành quả của công cuộc xây dựng nông thôn mới mang lại.

      Hai là, xác định việc bức xúc, yêu cầu chính đáng, cần kíp của nhân dân phải tập trung thực hiện trước, từ đó tạo niềm tin và khí thế phấn khởi cho người dân, khơi dậy và phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

      Ba là, phát huy dân chủ. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực trong nhân dân để xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Người dân được tham gia bàn bạc, quyết định và thực hiện quyền giám sát theo quy định pháp luật.

      Bốn là, sự lãnh đạo sâu sát của cấp ủy; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở xã, nhất là thái độ quyết tâm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; sự đoàn kết đồng lòng, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

      Năm là, xây dưng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, không nóng vội, chạy theo thành tích, nhưng phải hết sức tích cực, quyết liệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; cần kịp thời khen thưởng, biểu dương những cá nhân, tổ chức tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới và tăng cường kiểm tra, giám sát để có chỉ đạo, uốn nắn kịp thời.

      Những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở xã Ya Ly tuy còn hết sức khiêm tốn, song đó là thành quả đạt được của cả hệ thống chính trị, đặc biệt có sự chung tay, góp sức và sự ủng hộ tham gia nhiệt tình của nhân dân toàn xã. Những thành quả nêu trên là tiền đề quan trọng để xã thực hiện xây dựng nông thôn mới tốt hơn trong thời gian tới, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn và phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới./.


(*) Trường Chính trị tỉnh là đơn vị kết nghĩa xây dựng xã Ya Ly theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Kon Tum khóa XV "về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới"

Nguồn bài viết: Báo cáo số 56/BC-UBND, ngày 08/6/2019 về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và Kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn tiếp theo của Ủy ban nhân dân xã Ya Ly.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây