NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGHIÊN CỨU THỰC TẾ CỦA ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ, TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH KON TUM 

Thứ hai - 25/01/2021 21:53

Tác giả bài viết:  Minh Phượng - Khoa Lý luận cơ sở

    Trường Chính trị tỉnh Kon Tum là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy Kon Tum, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác…
    Để hoàn thành tốt nhiệm vụ nêu trên, vấn đề nâng cao chất lượng dạy và học tại Trường Chính trị là mục tiêu hàng đầu trong mọi hoạt động của Trường. Muốn vậy yêu cầu cốt lõi là đòi hỏi Trường phải có một đội ngũ cán bộ giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, am hiểu sâu sắc kiến thức về lý luận và thực tiễn.
    Khoa Lý luận cơ sở của Trường là Khoa đảm nhiệm giảng dạy các học phần Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chuyên đề về tình hình nhiệm vụ địa phương. Vì vậy vấn đề kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn là một nội dung rất quan trọng. Hiện nay đội ngũ giảng viên trong Khoa có trình độ sau đại học tương đối cao (01/5 giảng viên Tiến sỹ, 4/5 Thạc sỹ).
    Nhìn chung, đội ngũ giảng viên trong Khoa có tinh thần trách nhiệm cao, giảng dạy nhiệt tình.... Tuy nhiên, qua các cuộc họp rút kinh nghiệm sau những buổi dự giờ, và nhất là từ ý kiến phản hồi của học viên, vẫn có một số bài giảng còn nặng về lý thuyết, hạn chế về kiến thức thực tiễn. Để khắc phục hạn chế trên việc nghiên cứu thực tế đóng vai trò rất quan trọng.
    Theo Bộ Quy chế quản lý đào tạo của Trường Chính trị tỉnh Kon Tum quy định nhiệm vụ của giảng viên, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu thực tế. Trên cơ sở đó, hàng năm, Trường tổ chức cho đội ngũ giảng viên đi nghiên cứu thực tế cơ sở nhằm bổ sung kiến thức thực tiễn vào bài giảng, với quy trình như sau:
    Một là, từ đầu năm mỗi giảng viên căn cứ vào nhiệm vụ được giao để xây dựng kế hoạch đi nghiên cứu thực tế của năm đó. Kế hoạch phải xác định được mục đích, nội dung, thời gian, địa điểm, cách thức, phương pháp… nghiên cứu, gửi về phòng Quản lý Đào tạo và Nghiên cứu Khoa học tổng hợp trình Hiệu trưởng phê duyệt.
    Hai là, sau khi kế hoạch được phê duyệt, các giảng viên xây dựng đề cương gửi về phòng Quản lý Đào tạ và nghiên cứu Khoa học để tổng hợp và thông qua Hội đồng khoa học của Trường. Nếu được thông qua mới tiến hành đi thực tế.
    Ba là, về hình thức đi nghiên cứu thực tế, giảng viên tự đi hoặc đi nhóm, đoàn theo kế hoạch đã được phê duyệt.
    Bốn là, sau khi kết thúc thời gian nghiên cứu thực tế trong vòng 15 ngày, mỗi giảng viên phải có báo cáo thu hoạch gửi về Phòng Quản lý Đào tạo và Nghiên cứu Khoa học để tổng hợp và trình lên Hội đồng khoa học nghiệm thu.
    Qua quy định này cho thấy Ban Giám hiệu nhà trường rất quan tâm đến công tác đi nghiên cứu thực tế của đội ngũ giảng viên. Thực hiện tốt nghiên cứu thực tế một mặt có tác dụng tạo điều kiện cho các giảng viên nắm bắt tình hình thực tế, lý giải những vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở các địa phương, cơ sở. Kết quả nghiên cứu là tài liệu thiết yếu phục vụ cho giảng dạy, đồng thời giúp các giảng viên nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học. Mặt khác đối với giảng viên Trường Chính trị trong quá trình giảng dạy, ngoài trang bị lý luận chính trị người giảng viên phải gắn với thực tiễn, liên hệ với thực tiễn mới có thể giúp người học hiểu và nắm chắc lý luận, biết cách vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách có hiệu quả nhất.
    Thời gian qua hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên Khoa Lý luận cơ sở có những thuận lợi và còn vướng phải những khó khăn sau:
    Về thuận lợi
    Một là, được sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường. Những năm gần đây nghiên cứu thực tế là một trong những nhiệm vụ được Đảng uỷ, Ban Giám hiệu các trường đặc biệt quan tâm. Thông qua đó giúp giảng viên nắm bắt thực tiễn, bổ sung kiến thức, nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp và trình độ. 
    Hai là, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các địa phương nơi giảng viên đến nghiên cứu thực tế: cử đoàn tiếp làm việc theo chủ đề của giảng viên đề ra (Trường có gửi văn bản trước); bố trí cán bộ đưa đoàn đến cơ sở nghiên cứu; giải đáp các thắc mắc (nếu có) của giảng viên.
    Khó khăn, hạn chế
    Thứ nhất, thời gian nghiên cứu quá ít, nên giảng viên hầu như nghe báo cáo và sự giới thiệu từ cán bộ địa phương, do đó số lượng thông tin còn hạn chế và chưa đảm bảo sự bao quát, chi tiết. Cộng thêm kinh nghiệm nắm bắt thực tế của một số giảng viên còn có những hạn chế nhất định nên chưa có sự phân định mức độ của thông tin.
    Thứ hai, một số giảng viên lựa chọn hình thức đi thực tế theo hình thức cá nhân tự đi, tới những địa phương vùng sâu vùng xa sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại, thụ động trong thu thập thông tin.  
    Thứ ba, sau thời gian đi nghiên cứu thực tế, mỗi giảng viên phải có báo cáo về vấn đề mình nghiên cứu trình Hội đồng khoa học nghiệm thu. Tuy nhiên, chất lượng một số báo cáo chưa cao và phải chỉnh sửa nhiều lần mới đạt yêu cầu.
    Để tiếp tục phát huy những kết quả tích cực trong hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên trong khoa Lý luận cơ sở, góp phần bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cần thực hiện một số giải pháp sau:
    Một là, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của lãnh đạo (BGH) với đội ngũ giảng viên về hoạt động nghiên cứu thực tế, xem đây như là giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình hiện nay.
    Hai là, phòng chức năng tham mưu và lãnh đạo nhà trường cần nghiên cứu tìm tòi nhằm đa dạng các hình thức tổ chức, nội dung, phương pháp nghiên cứu thực tế nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu thực tế vừa mang lại hiệu quả, lại vừa dễ tổ chức, yêu cầu các nhóm, cá nhân thực hiện đúng kế hoạch đề ra từ khâu xây dựng đề cương, đăng ký thời gian, địa điểm...đến nộp báo cáo đúng tiến độ
    Ba là, các giảng viên cần nhận thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu thực tế đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường và nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của chính mình. Từ đó, mỗi giảng viên cần chủ động ngay từ khâu đăng ký, xây dựng kế hoạch của cá nhân trong năm, chủ động đề xuất nội dung, địa điểm, thời gian và nghiêm túc trong nghiên cứu thực tế, tránh cách làm hình thức.
    Nghiên cứu thực tế là một việc làm rất cần thiết  đối với đội ngũ giảng viên Trường chính trị Kon Tum nói chung, khoa Lý luận cơ sở nói riêng, bởi vì những kiến thức từ việc nghiên cứu thực tế sẽ giúp giảng viên tự tin và chủ động hơn trong bài giảng, giúp cho bài giảng sống động hơn tránh tình trạng giáo điều, "kinh viện", đảm bảo thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu.   



 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây