Xây dựng và phát triển kinh tế xã hội ở xã Ya Ly theo tinh thần Nghị quyết 04 của tỉnh Kon Tum

Chủ nhiệm ThS. Trần Thanh Hùng Thành viên ThS. Mai Văn Bay - Thư ký; ThS. Trần Thị Thu Hương - Thành viên
Số N/A Năm 2018
Cấp độ Đề tài NCKH cấp cơ sở Lĩnh vực Kinh tế xã hội
BÁO CÁO TÓM TẮT
Đề tài khoa học: Phát triển kinh tế - xã hội ở xã Ya Ly theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Kon Tum
1 . Tính cấp thiết của đề tài    
         Thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, để Kon Tum trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2007, Tỉnh ủy Kon Tum khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 04 - NQ/TU ngày 14 tháng 6 năm 2007 về đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn đã xác định mục tiêu và biện pháp, kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải pháp xây dựng thôn, làng thành cộng đồng phát triển kinh tế, cộng đồng có đời sống văn hóa mới và cộng đồng đoàn kết giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội bền vững. Trên tinh thần đó, các cấp ủy, các cơ quan, đơn vị nhận kết nghĩa xây dựng xã quán triệt và nhận thức sâu sắc mục tiêu  Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy đề ra. Trong những năm qua, cùng với các cơ quan, đơn vị nhận kết nghĩa xã Ya Ly, Trường chính trị đã phối hợp với Đảng ủy, HĐND, UBND xã triển khai thực hiện giúp xã Ya Ly theo tinh thần Nghị quyết 04 tỉnh ủy đã có nhiều giải pháp trong triển khai thực hiện. Các cơ quan, đơn vị được phân công kết nghĩa xây dựng xã đã thành lập tổ, đội công tác giúp xã xây dựng mô hình phát triển kinh tế hàng hóa cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã, hướng dẫn, giúp đỡ, vận động nhân dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội; tập trung sức xây dựng thôn (làng) đạt thôn (làng) no đủ - vững mạnh - an toàn, qua đó từng bước giúp họ thoát nghèo, ổn định đời sống, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã.
         Trong quá trình triển khai xây dựng xã Ya Ly phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy một cách đồng bộ, đó là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị kết nghĩa với các cấp ủy Đảng, chính quyền, và cùng với sự nỗ lực và quyết tâm của nhân dân các thôn làng ở xã Ya Ly, nên diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Hệ thống chính trị của xã từng bước được kiện toàn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã đang tiếp tục đầu tư, từng bước củng cố, nâng cấp, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến nay xã Ya Ly vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn (CT135). Do đó, vấn đề tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao những thành tựu khoa học - công nghệ trong sản xuất còn hạn chế. Nhìn tổng thể, công tác xây dựng xã vẫn chưa đạt được mục tiêu Nghị quyết 04 - NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra. Với những lí do trên, đề tài Phát triển kinh tế xã hội ở xã Ya Ly theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Kon Tumcó ý nghĩa lý luận và thực tiễn thiết thực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ Chính trị của Trường.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Trên cơ sở quán triệt nghị quyết của Đảng về tiếp tục đẩy mạnh, phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi cao, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Vấn đề này đã trở thành chủ đề được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ, phạm vi khác nhau, qua đó làm sáng tỏ các vấn đề lý luận, thực tiễn về phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn. Tiêu biểu là những công trình đã được công bố như:
- “Các dân tộc thiểu số trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi” của GS. Bế Viết Đẳng (Chủ biên), Nxb Văn hóa dân tộc, H.1996. “Phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam” Nxb Văn hóa dân tộc, H.2007. Các công trình ở trên đã trình bày một cách có hệ thống và tương đối khái quát những vấn đề lý luận chung về mối quan hệ tương hỗ trong phát triển kinh tế và văn hóa, xã hội; về vai trò, tầm quan trọng của mối quan hệ này trong quá trình phát triển chung của xã hội. Bên cạnh đó, các công trình cũng nêu lên đặc điểm, thực trạng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của các dân tộc thiểu số nước ta trong tiến trình phát triển chung của đất nước hiện nay, đồng thời đề ra định hướng và một số nhóm giải pháp mang tính bền vững nhằm tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần cho các dân tộc thiểu số nước ta thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở miền Trung, Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới (Nxb CT-HC, H.2009) của PGS.TS. Trương Minh Dục. Từ những đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về vấn đề dân tộc, tác giả đã khẳng định tầm quan trọng và vai trò của chính sách dân tộc ở miền Trung - Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Đồng thời tác giả cũng nêu lên một số định hướng và giải pháp thực hiện phát triển kinh tế- xã hội nhằm tiếp tục xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên.
- Các công trình nghiên cứu liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Kon Tum nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
+ Hoàn thiện chính sách xóa đói giảm nghèo đối với tỉnh miền núi (Lấy ví dụ ở Kon Tum) Luận văn thạc sỹ Nguyễn Trung Hải, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, H. 2006. Tác giả đã trình bày quan niệm đói nghèo và vai trò của chính phủ trong xóa đói giảm nghèo, các chính sách xoá đói giảm nghèo và cơ sở lý luận hoàn thiện chính sách xóa đói giảm nghèo cũng như kinh nghiệm quốc tế về giải quyết đói nghèo. Trên cơ sở đó, luận văn đã nêu lên tổng quan về hệ thống chính sách và thực trạng thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo chủ yếu ở Kon Tum, nêu lên phương hướng và các giải pháp chủ yếu hoàn thiện các chính sách xóa đói giảm nghèo ở miền núi Kon Tum trong thời gian tới.
+ Huy động và sử dụng vốn xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, Luận văn thạc sỹ của Trần Thanh Hùng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2009. Tác giả đã hệ thống một số vấn đề lý luận về vốn, phương thức huy động và sử dụng vốn, đồng thời tập trung nghiên cứu đánh giá thực trạng huy động và sử dụng vốn (tính giá trị bằng tiền) từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và vốn từ một số chương trình lồng ghép xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum trong thời gian qua. Đề xuất một số giải pháp huy động và sử dụng vốn xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Kon Tum trong thời gian tới. Nhìn chung, luận văn đã tập trung nghiên cứu việc huy động và sử dụng vốn (tính giá trị bằng tiền) từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và vốn từ một số chương trình lồng ghép xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum giai đoạn từ 1997 - 2008.
+ Đảng bộ tỉnh Kon Tum lãnh đạo phát triển kinh tế ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số từ năm 1991 đến nay. Đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2014 do Ths. Vũ Hoài Nam, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III làm chủ nhiệm. Đề tài đã hệ thống quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về phát triển kinh tế vùng núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Quan điểm, chủ trương phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc của Đảng bộ tỉnh Kon Tum qua các văn kiện đại hội. Đồng thời, đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong thực hiện chính sách dân tộc vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum thời gian tới.
+ Phát triển kinh tế nông hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum - Thực trạng và giải pháp. Đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2016, do TS. Ngô Hoàng Anh làm chủ nhiệm. Đề tài đã khái quát hóa, hệ thống hóa quan điểm của C.Mác - Lênin về vai trò kinh tế nông hộ và sự vận dụng của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới. Phân tích, đánh giá thực trạng, tác động của kinh tế nông hộ đồng bào dân tộc thiểu số đến sự phát triển xã hội ở huyện Đăk Hà. Đồng thời đề ra phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế nông hộ đồng bào dân tộc thiểu số gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở huyện Đăk Hà.
+ Phát triển kinh tế hợp tác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum - Thực trạng và giải pháp. Đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2017, do ThS. Trần Thanh Hùng làm chủ nhiệm. Đề tài đã khái quát hóa, hệ thống hóa quan điểm, các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Chỉ rõ vai trò kinh tế hợp tác xã và sự vận dụng của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới. Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Hà. Đồng thời đề ra phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Hà gắn với giải quyết đồng bộ vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở huyện Đăk Hà trong thời gian tới.
- Ngoài ra, còn có một số bài viết trên các tạp chí, báo đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum như đã trình bày trong Đề tài.
Nhìn chung, các công trình và bài viết đã hướng đến các giải pháp nhằm phát triển toàn diện hoặc trên một lĩnh vực riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum, nhưng hầu như chưa có một công trình nghiên cứu đánh giá một cách hệ thống về thực trạng triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Kon Tum, trước đó là Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy, cũng như đề xuất các nhóm giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, xã nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum thời kỳ từ 2008 đến 2019. Tuy nhiên các công trình nghiên cứu trên đã gợi mở nhiều vấn đề tri thức khoa học trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… Đây là giá trị khoa học có tính thực tiễn để nhóm tác giả tiếp tục tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu vận dụng.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ của đề tài
- Về mục tiêu
Phân tích, đánh giá có hệ thống và toàn diện những thành tựu, thách thức, hạn chế, đánh giá thực trạng trong xây dựng xã Ya Ly phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, tỉnh Kon Tum. Qua đó, xã Ya Ly sớm đạt được mục tiêu của Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy đề ra.
Trên cơ sở đó, Đề tài đưa ra những phương hướng và các giải pháp trong huy động các nguồn lực, hỗ trợ, giúp xây dựng xã Ya Ly nhằm phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại.
- Nhiệm vụ chủ yếu của đề tài
Tổ chức, triển khai điều tra, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội xã Ya LY nói chung và xây dựng xã Ya Ly phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, tỉnh Kon Tum
Đánh giá thực trạng trong xây dựng xã Ya Ly phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Kon Tum.
Nghiên cứu thực tế, lấy ý kiến người dân, đồng thời khảo cứu một số xã thực hiện công tác xây dựng xã theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy đã thoát khỏi xã thuộc diện chương trình 135.
Đề ra các giải pháp hữu hiệu trong thực hiện công tác xây dựng xã Ya Ly phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Kon Tum.
Phần 2: Tóm tắt kết quả nội dung Đề tài đã nghiên cứu, cụ thể đó là:
1. Ngoài phần mở đầu, tính cấp thiết của đề tài, kết luận, kiến nghị và tài liệu tham khảo, Đề tài gồm có 3 chương, 6 tiết với tổng thể nội dung nghiên cứu được trình bày trong 71 trang giấy A4.
Để đạt được kết quả nghiên cứu, Đề tài còn xây dựng 02 phiếu điều tra (có phụ lục kèm theo) và tham khảo trên 74 nguồn tài liệu. Trong đó, bao gồm các văn kiện, nghị quyết, quyết định, báo cáo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương, ở địa phương; đặc biệt là kế thừa, vận dụng, phát triển các giá trị tri thức khoa học từ 19 công trình khoa học luận án, đề tài cấp quốc gia, bộ ngành và cấp cơ sơ của các học giả và của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đã được công bố thành sách, báo cáo thành chuyên đề và công bố trên các tạp chí khoa học.
2. Nội dung của kết quả nghiên cứu đề tài
Ở Chương 1. Những vấn đề xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và tính cấp thiết xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội xã Ya Ly, huyện Sa Thầy theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Kon Tum
Một là, đề tài đã nêu lên cơ sở lý luận về phát triển kinh tế - xã hội ở các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở nước ta. Qua nghiên cứu, khảo sát đề tài đã khái quát hóa, hệ thống hóa quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi khu vực Tây Nguyên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nông thôn mới.
Hai là, trên cơ sở quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi khu vực Tây Nguyên. Đề tài đã nêu lên cơ sở pháp lý và yêu cầu bức thiết xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội xã Ya Ly, huyện Sa Thầy theo tinh thần Nghị Quyết 04 của Tỉnh ủy Kon Tum khóa XIII; đặc biệt là Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Kon Tum khóa XV. Chỉ ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội xã Ya Ly, huyện Sa Thầy theo tinh thần Nghị Quyết 04 của Tỉnh ủy Kon Tum. Bao gồm, từ vị trí, tầm quan trọng của xã Ya Ly trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam; từ yêu cầu thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 đối với các xã đặc biệt khó khăn; đồng thời từ thực trạng kinh tế - xã hội của xã Ya Ly trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
Ba là, từ những vấn đề nguyên cứu ở chương 1, Đề tài rút ra kết luận, đó là:
- Để cụ thể hóa việc thực hiện những quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, của Chính phủ, nhất là thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn của Kon Tum giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU đề ra chủ trương tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới với ý nghĩa, mục đích như đã luận giải ở Chương 1.
- Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 19/8/2016 của Tỉnh ủy khóa XV vừa là yêu cầu cấp thiết phải thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ xã Ya Ly, đồng thời vừa là cơ sở pháp lý quan trọng để các đơn vị 04 Xây dựng xã Ya Ly triển khai thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta
- Xây dựng và phát triển kinh tế xã hội xã Ya Ly theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Kon Tum được hiểu là tập trung huy động mọi nguồn lực vốn (kể cả con người) thực hiện chính sách dân tộc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với mục đích là đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, qua đó sớm đưa xã Ya Ly ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn.
- Những vấn đề phân tích, chỉ ra ở Chương 1 là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu và luận giải, đánh giá thực tiễn từ việc vận dụng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Kon Tum về “Tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới”.
Ở Chương 2. Thực trạng xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội xã Ya Ly theo tinh thần Nghị quyết 04 Tỉnh ủy Kon Tum từ 2008 - 2019
Thứ nhất, Đề tài đã khảo sát, nghiên cứu, phân tích những nhân tố tác động đến quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội xã Ya Ly theo tinh thần Nghị quyết 04 Tỉnh ủy. Bao gồm những nhân tố về địa lý và điều kiện tự nhiên; nhân tố về cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, nhân tố về tiềm lực kinh tế - xã hội; nhân tố con người, lực lượng lao động; nhân tố thị trường, kinh tế hàng hóa, khoa học và công nghệ của xã. Từ đó, đề tài đánh giá những nhân tố tác động tích cực, nhân tố thách thức đến quá trình thực hiện tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy
Thứ hai, đánh giá thực trạng xây dựng và phát triển kinh tế xã hội xã Ya Ly, huyện Sa Thầy theo tinh thần Nghị Quyết 04 của Tỉnh ủy từ 2008 đến 2019. Đề tài đã đánh giá trên 6 mặt hoạt động của các Đơn vị 04 Xây dựng xã, bao gồm kết quả thực hiện công tác xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; kết quả thực hiện công tác tuyên truyền, vận động; giúp xã phát triển kinh tế; giúp xã giữ vững an ninh - chính trị và trật tự an toàn xã hội và giúp xã củng cố, xây dựng hệ thống chính trị
Trên cơ sở kết quả đạt được trên 6 mặt công tác, Đề tài đánh giá kết quả tổng quan, những tác động, hiệu quả tích cực từ kết quả thực hiện Nghị quyết 04. Bao gồm:
- Đảng bộ, nhân dân xã và toàn thể cán bộ công chức, viên chức của các đơn vị 04 Xây dựng xã đã nhận thức đầy đủ về nội dung, tinh thần, về ý nghĩa, vai trò của Nghị quyết của coi công tác xây dựng xã là nhiệm vụ chính trị của các đơn vị 04 Xây dựng xã Ya LY, huyện Sa Thầy. Đặc biệt, công tác xây dựng xã của các đơn vị 04 Xây dựng xã đã tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội của xã Ya Ly khá rõ rét. Qua kết quả phiếu điều tra tham khảo ý kiến các chuyên gia, cho thấy 99% cho rằng việc thực hiện công tác xây dựng xã Ya Ly đã tác động tích cực, có hiệu quả; có 64,18% người dân đã chủ động tìm hiểu nghiên cứu, học tập về kỷ thuật trồng trọt, canh tác, chăn nuôi thông qua từ người quen, người làm kinh tế giỏi và học hỏi từ truyền thông VTV, từ Internet.
- Các đảng viên tích cực tham gia làm tốt công tác phụ trách hộ, nhóm hộ trong sản xuất, đã có 5/5 chi bộ thôn, làng với 29 đảng viên phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ với tổng số hộ được phân công là 517 hộ/517 hộ, chia thành 29 nhóm hộ[[1]].
- Từ khi triển khai thực hiện mô hình kinh tế nông hộ đến nay, Nhân dân ở 3 làng đã thay đổi nhận thức chuyển từ tư duy kinh tế tự nhiên sang phát triển kinh tế hàng hóa. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã nhận thức trong phát triển sản xuất, họ đã tích cực cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, hoa màu và chăn nuôi gia cầm, biết tận dụng quỹ đất và sử dụng đất vườn. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản, Trường Chính trị hỗ trợ 12 hộ nghèo ở làng Chờ. Mô hình đã được đánh giá cao vì có ý nghĩa to lớn đối với các hộ nghèo, đến nay đã sinh sản được 11 con bê con, đây vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất (dùng phân bò chăm bón cho cây trồng) để các hộ nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Đồng thời qua mô hình này đã có hiệu ứng rất trích cực, rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã học hỏi làm theo.
Có thể thấy, qua thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng xã Ya Ly, với những kết quả đạt được nói trên trong xây dựng xã phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nên diện mạo nông thôn xã Ya Ly đã có nhiều chuyển biến tích cực, khởi sắc, Nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; giữ gìn cảnh quan văn hóa xanh sạch đẹp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã đang tiếp tục đầu tư, từng bước củng cố, nâng cấp, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 51,12% năm 2016 xuống còn 20,55% năm 2019, đời sống người dân được nâng cao. Đây là, nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và sớm hoàn thành các mục tiêu xây dựng Nông thôn mới của xã trong tương lai.
Thứ ba, Đề tài đã chỉ ra 5 hạn chế, yếu kém, 4 nguyên nhân của hạn chế và 5 bài học kinh nghiêm
Như vậy, qua phân tích thực trạng Xây dựng và phát triển kinh tế xã hội xã Ya Ly theo tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TU Tỉnh ủy Kon Tum, Đề tài rút kết luận, đó là: Đề tài đã phân tích, chỉ ra các nhân tố thuận lợi, những thách thức bởi do điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội của Ya Ly và những yếu tố kinh tế thị trường từ bên ngoài tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đến việc thực hiện đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo. Đánh giá các kết quả giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo có điều kiện sinh kế để họ phát huy năng lực làm chủ trong đời sống kinh tế; giúp xã tăng cường, cũng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời chỉ ra hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, những yêu cầu, nguyện vọng của người dân, người thụ hưởng, đặc biệt là những tiềm năng của xã cần phải đầu tư, khai thác đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Những vấn đề phân tích, chỉ ra ở Chương 1 và Chương 2 là cơ sở để Đề tài đưa ra phương hướng và giải pháp Xây dựng và phát triển xã Ya Ly ở Chương 3.
Chương 3. Giải pháp thực hiện xây dựng và phát triển kinh tế xã hội xã Ya Ly theo Nghị quyết 04 Tỉnh ủy đến 2025
Thứ nhất, Từ những vấn đề phân tích, chỉ ra ở Chương 1 và Chương 2, Đề tài đưa ra mục tiêu, phương hướng và giải pháp Xây dựng và phát triển xã Ya Ly theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Kon Tum. Về mục tiêu, Xây dựng xã Ya Ly đến năm 2025 thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, từ đó đề ra phương hướng thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã.
Thứ hai, Đề tài đã đề ra 6 nhóm giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội xã Ya Ly
3. Kết luận và kiến nghị
- Kết luận: Thực hiện Xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội xã Ya Ly, huyện Sa Thầy theo tinh thần Nghị Quyết 04 của Tỉnh ủy Kon Tum về bản chất là thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng, của Chính phủ và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Kon Tum về phát triển kinh tế - xã hội bền vững các xã đặc biệt khó khăn. Đây chính là góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Qua thực tiễn việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy trong thời gian qua ở Ya Ly, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Chính vì vậy, việc nghiên cứu một cách toàn diện vấn đề Xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TU ở xã Ya Ly trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Từ đó đề tài đưa ra hệ thống các nhóm giải pháp vừa mang tính giải pháp chung thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng, Chính phủ, đồng thời vừa có những giải pháp cụ thể nhằm phát huy những thành tựu và khắc phục hạn chế, thách thức là hết sức cần thiết. Từ những kết quả nghiên cứu thực hiện giúp xây dựng xã Ya Ly theo tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Kon Tum khóa XV, Đề tài rút ra kết luận như sau:
- Đề tài đã xây dựng và phân tích được một số vấn đề lý luận làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở xã Ya Ly như: các quan điểm của Đảng, của Chính phủ về xã đặc biệt khó khăn ở nước ta. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi khu vực Tây Nguyên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nông thôn mới. Quan điểm, nghị quyết, chính sách của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kon Tum về xây dựng và phát triển các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời làm rõ những yêu cầu bức thiết phải xây dựng xã Ya Ly theo tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TU Tỉnh ủy khóa XV
- Trên cơ sở tiền đề lý luận, Đề tài đã phân tích, đánh giá các nhân tố tác động như: điều kiện về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội; phân tích, đánh giá thực trạng xây dựng xã trong thời gian qua, chỉ ra các kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế; từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong xây dựng xã.
- Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong xây dựng xã Ya LY, Đề tài đưa ra phương hướng và giải pháp khả thi nhằm tiếp tục xây dựng xã trong những năm tới. Các quan điểm và hệ thống nhóm giải pháp đề tài xây dựng cần tiến hành thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, đến 2025 Ya Ly sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới.
Kiến nghị: Để các nhóm giải pháp nêu trên được thự hiện một cách đồng bộ, thiết thực trong Xây dựng và phát triển xã Ya Ly theo tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Kon Tum, đồng thời để đến năm 2025 xã Ya Ly thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, Đề tài đề xuất một số kiến nghị sau:
* Kiến nghị với Đảng ủy xã Ya Ly
- Đảng ủy xã tiếp tục quán triệt quan điểm Nghị quyết 04/TU cho cán bộ đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị ở xã nhận thức đúng đắn. Vận động, hướng dẫn nhân dân chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; giúp đỡ, hỗ trợ một phần kinh phí cho hộ nghèo chứ không phải làm thay công việc của xã và hiểu đúng “giúp đỡ” theo tinh thần Nghị quyết.
- Phát động phong trào thi đua trong cán bộ, công chức đảng viên, Nhân dân tích cực tham gia phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng văn hóa.
- Chủ động phối hợp với các đơn vị xây dựng xã trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
* Kiến nghị với Huyện uỷ Sa Thầy
- Tăng cường chỉ đạo, điều hành để các đơn vị Xây dựng xã của huyện phối hợp chặc chẽ trong thực hiện nhiệm vụ chung và phối hợp tốt với Trường Chính trị trong công tác xây dựng xã.
- Chỉ đạo UBND huyện thông báo cho các đơn vị Xây dựng xã những chủ trương, nhiệm vụ trọng tâm và các chỉ tiêu kế hoạch của xã cần phải triển khai lồng ghép thực hiện trong năm ngay từ cuối năm trước để các đơn vị Xây dựng xã phối hợp xây dựng tốt kế hoạch.
- Chỉ đạo UBND huyện kịp thời thông báo cho các đơn vị Xây dựng xã về việc đầu tư các công trình dự án trên địa bàn xã trước khi triển khai thực hiện.
- UBND huyện Sa Thầy nghiên cứu triển khai, phát triển đồng bộ mạng lưới bảo trợ, an sinh xã hội như xây dựng các quỹ cộng đồng, người nghèo, tình thương, từ thiện, khuyến học, quỹ hỗ trợ thiên tai, giống vật nuôi.
* Kiến nghị với Tỉnh ủy Kon Tum
- Cần xây dựng cơ chế chính sách (đề nghị Chính phủ) ưu tiên đặc biệt trong đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội.
- Có cơ chế để Tập đoàn điện lực (Ban quản lý Dự án thủy điện 4) trích một phần lợi nhuận thu được (ít nhất 1%) từ công trình thủy điện Ya Ly nhằm hỗ trợ đầu tư các công trình phúc lợi xã hội.
* Kiến nghị với các đơn vị Xây dựng xã
          Tiếp tục triển khai thực hiện mô hình kinh tế - xã hội tại xã (Trường đã hỗ trợ hộ nghèo mua bò chăn nuôi) trích một phần kinh phí hàng năm hỗ trợ cho hộ nghèo, tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo./.
 
[1] Huỳnh Châu Lâm (2018), Công tác của Đảng ủy xã Ya Ly thuộc Đảng bộ huyện Sa Thầy từ đầu nhiệm kỳ (2015 - 2020) đến nay, Báo cáo nghiên cứu thực tế.

Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi 2022

Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, số 06/2022/QH15

Thời gian đăng: 18/08/2022

lượt xem: 1813 | lượt tải:0

Quy định kèm theo QĐ số 97 - QĐ/TCT ngày 20

Quy định Về việc thi, kiểm tra các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

Thời gian đăng: 25/05/2021

lượt xem: 1440 | lượt tải:951

112/2020/NĐ-CP

Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ Về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Thời gian đăng: 07/10/2020

lượt xem: 11 | lượt tải:6

90/2020/NĐ-CP

Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

Thời gian đăng: 07/10/2020

lượt xem: 1867 | lượt tải:441

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây