Một số điểm mới của Nghị định số 33/2023/NĐ-CP về cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách

Thứ tư - 11/10/2023 22:55

Nguồn tin: Ths. Nguyễn Thị Xuân Phó trưởng khoa Nhà nước và pháp luật

          Ngày 10/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP Quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (gọi tắt là Nghị định số 33/2023/NĐ-CP). Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/8/2023, thay thế các nghị định của Chính phủ đã được ban hành trước đó để điều chỉnh về cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách. So với các nghị định trước, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP có nhiều điểm mới quy định về cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách, những điểm mới này đã khắc phục hạn chế, điểm vênh giữa quy định của pháp luật và thực tiễn về cán bộ, công chức cấp xã mà các nghị định trước đã ban hành.
          Một là, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định sáu chức danh công chức, bỏ chức danh công chức đối với Trưởng Công an xã, sáu chức danh gồm: Văn phòng - Thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội. Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (có 7 chức danh công chức cấp xã); Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, giảm một chức danh so với quy định trước đó phù hợp với thực tiễn vì đến ngày 14/5/2022, Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã bố trí hơn 48.000 cán bộ công an xã, thị trấn chính quy tại 100% xã, thị trấn trên toàn quốc.
           Hai là, quy định mới về số lượng cán bộ, công chức cấp xã; Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính và có sự khác nhau giữa xã, thị trấn và phường; giảm số lượng cán bộ, công chức xã, thị trấn 01 người so với phường ở cùng loại đơn vị hành chính. Đối với phường: Loại I có 23 người; loại II là 21 người, loại III là 19 người; Đối với xã, thị trấn: Loại I có 22 người; loại II có 20 người; loại III có 18 người (trước đây Nghị định 34/2019/NĐ-CP quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã chung cho cả ba đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn: Loại I có 23 người, loại II có 21 người, loại III có 19 người).
          Đồng thời với việc xác định số lượng cán bộ, công chức các đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn khác nhau; Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định số lượng cán bộ, công chức ở các loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn không chỉ đóng khung cứng theo quy định chung mà có điểm mở cho những xã, phường, thị trấn có dân số và diện tích lớn hơn theo quy định của Nghị quyết số 1211/ 2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung theo bởi Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 1211/ 2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính). Đó là, đối với phường thuộc quận cứ tăng thêm đủ 1/3 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 công chức; các đơn vị hành chính cấp xã còn lại cứ tăng thêm đủ 1/2 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 công chức. Ngoài ra đơn vị hành chính cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên được tăng thêm 01 công chức. Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định rõ quy mô dân số bao gồm dân số thường trú và dân số tạm trú quy đổi và diện tích tự nhiên tính đến hết 31/12 hàng năm để xác định số lượng cán bộ, công chức cấp xã.
           Nghị định 34/2016/NĐ-CP trước đây quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã (chung cho cả xã, phường, thị trấn) theo đơn vị hành chính loại I là 23, loại II là 21, loại III là 19 người. Điều này dẫn tới thực tiễn có những đơn vị hành chính thuộc loại II nhưng khối lượng công việc của chính quyền ở đó nhiều hơn cả đơn vị hành chính loại I vì dân số đông, kinh tế phát triển, nhu cầu giao dịch của người dân nhiều. Vì vậy, dẫn tới chưa phù hợp giữa quy định của pháp luật và thực tiễn về số lượng cán bộ, công chức cấp xã của các đơn vị hành chính và khối lượng công việc chính quyền cần giải quyết. Khắc phục những hạn chế, bất cập này ngoài việc đơn vị hành chính khi có diện tích và dân số tăng hơn so với quy định của pháp luật. Nghị định 33/2016/NĐ-CP đã đẩy mạnh phân cấp cho cấp tỉnh: Hàng năm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc phạm vi quản lý đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương, nhưng tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã thuộc các đơn vị hành chính cấp huyện không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã tính cho cả đơn vị hành chính cấp tỉnh theo quy định của Nghị định 33/2023/NĐ-CP. Không chỉ đẩy mạnh phân cấp về cho cấp tỉnh, Chính phủ đẩy mạnh phân cấp tới cấp huyện, cho phép Ủy ban nhân dân cấp huyện hàng năm được quyền quyết định số lượng cụ thể cán bộ, công chức ở từng đơn vị hành chính cấp xã và bố trí số lượng công chức của từng chức danh công chức các xã, phường, thị trấn trực thuộc phù hợp với từng đơn vị; việc bố trí số lượng cán bộ, công chức của từng đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn trên địa bàn của cấp huyện có thể thấp hơn mức của cấp xã loại III hoặc cũng có thể cao hơn mức của cấp xã loại I theo Nghị định 33/2023/NĐ-CP, việc bố trí, sắp xếp này bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã của cả đơn vị hành chính cấp huyện đã được Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
          Như vậy, cùng với quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tăng thêm đối với những đơn vị hành chính có diện tích và dân số tăng theo quy định của pháp luật. Chính phủ đẩy mạnh phân cấp về cho chính quyền địa phương (Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện) trong việc quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã của từng đơn vị hành chính cấp huyện và việc Ủy ban nhân dân huyện có quyền chủ động trong việc bố trí số lượng công chức của từng chức danh cấp xã trực thuộc trong phạm vi pháp luật quy định đã cụ thể hóa tỉnh thần của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).  Điều này đã khắc phục những bất cập, tồn tại trước đây của Nghị định số 34/2019/NĐ-CP khi quy định số lượng cứng cho tất cả các đơn vị hành chính ở xã, phường, thị trấn.
          Ba là, Tăng số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Giống như Nghị định 34/2019/NĐ-CP trước đây, Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tính theo đơn vị hành chính: Loại I có 14 người, loại II là 12 người, loại III là 10 người. Tuy nhiên, Nghị định 33/2023/NĐ-CP có điểm khác đó là đối với các xã, phường, thị trấn ở những đơn vị hành chính có diện tích và dân số lớn hơn so với quy định của Nghị quyết 1211/2016/NQUBTVQH13 và Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 thì được tăng thêm (thẩm quyền này Chính phủ giao về cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình số tăng thêm) đó là: Phường thuộc quận tăng thêm đủ 1/3 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách. Và các xã còn lại tăng thêm đủ 1/2 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách. Ngoài việc tăng thêm người hoạt động chuyên trách theo quy mô về dân số như vậy, thì đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn nào cứ tăng đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách.
          Bốn là, Tăng mức khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố so với trước. Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định mức khoán phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã: Đơn vị hành chính loại I được khoán quỹ phụ cấp 21,0 lần mức lương cơ sở; đơn vị hành chính loại II được khoán quỹ phụ cấp bằng 18,0 lần mức lương cơ sở; đơn vị hành chính cấp xã loại III được khoán quỹ phụ cấp bằng 15,0 lần mức lương cơ sở (Nghị định 34/2019/NĐ-CP quy định mức khoán phụ cấp: Đơn vị hành chính loại I được khoán quỹ phụ cấp bằng 16,0 lần mức lương cơ sở; đơn vị hành chính loại II được khoán quỹ phụ cấp bằng 13,7 lần mức lương cơ sở; đơn vị hành chính loại III được khoán phụ cấp bằng 11,4 lần mức lương cơ sở). Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định đối với đơn vị hành chính cấp xã có số lượng người hoạt động không chuyên trách tăng được thêm theo diện tích và dân số thì tổng mức khoán phụ cấp được tính tăng thêm tương ứng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở/01 người hoạt động không chuyên trách tăng thêm.
          Đối với mức khoán phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố quy định mức tăng hơn so với trước: Đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực biên giới, hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở. Đối với các thôn, tổ dân còn lại được khoán quỹ phụ cấp bằng 4,5 lần mức lương cơ sở (trước đây mức phụ cấp được quy định tương ứng là 5,0 lần và 3,0 lần mức lương cơ sở ). Một trong những điểm mới của Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định chế độ kiêm nhiệm của người hoạt động không chuyên trách: Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách khác ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm.
           Để khuyến khích người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân dân phố học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định những người hoạt động không chuyên trách khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật. Nghị định quy định căn cứ vào quỹ phụ cấp được ngân sách Trung ương khoán cho mỗi cấp xã, mỗi thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật; nguồn kinh phí ngân sách chi cho cải cách chính sách tiền lương của địa phương…Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định: Chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã, việc kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách, đặc biệt là mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố phải đảm bảo tương quan hợp lý với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ đào tạo.
           Nghị định 33/2023/NĐ-CP có nhiều điểm mới so với các nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách so với thời điểm trước. Những quy định mới của Nghị định 33 không đóng khung, cứng nhắc, mà có sự mở tạo sự phù hợp với từng đơn vị hành chính, đặc biệt Chính phủ đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã, số người hoạt động không chuyên trách cũng như chủ động trong việc bố trí công chức cho từng chức danh đối với các đơn vị hành chính trực thuộc. Tăng mức khoán quỹ đối với người hoạt động không chuyên trách, các quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng, kiêm nhiệm theo hướng có lợi cho người hoạt động không chuyên trách, khuyến khích được người hoạt động không chuyên trách tham gia đào tạo, bồi dưỡng, đây là nguồn kế cận cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và cũng là vấn đề giữ chân được cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách khắc phục tình trạng thiếu cán bộ, công chức cấp xã và giải quyết bài toán sự dịch chuyển số lượng cán bộ, công chức cấp xã chuyển ra khu vực công làm việc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây