Tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum - Thực trạng và giải pháp

Thứ sáu - 05/01/2024 02:32

Nguồn tin: Th.S Nguyễn Thị Xuân - Phó Trưởng khoa NN&PL

Theo khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Tảo hôn được hiểu là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, tuổi kết hôn của nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên, tuổi kết hôn của nam là từ đủ 20 tuổi trở lên.

          Thực hiện Quyết định số: 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đề án điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số. Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, trong đó kết quả điều tra đánh giá tình trạng tảo hôn năm 2014 của người dân tộc thiểu số là 55.894/210.197 người kết hôn (chiếm 26,6%), đến cuộc tổng điều tra năm 2019, tình trạng tảo hôn của người dân tộc thiểu số giảm xuống còn 21,9% (số liệu thống kê năm 2018), giảm được 4,7%, trung bình mỗi năm giảm 1%, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu giảm bình quân 2%-3%/năm số cặp tảo hôn đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao và đến năm 2025 phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số theo mục tiêu cụ thể của Đề án của Thủ tướng Chính phủ[1]. Đánh giá của kết quả điều tra dân số năm 2019 nhận định: “Mặc dù tình trạng tảo hôn của người dân tộc thiểu số có sự cải thiện đáng kể, tỷ lệ tảo hôn vẫn ở mức cao tại những vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Tây Nguyên với hơn một phần tư số người bước vào hôn nhân khi chưa đủ tuổi kết hôn (27,5%)”[2]. Như vậy, tỷ lệ tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên cao hơn mức trung bình của cả nước là 5,6%.
          Những con số trên cho thấy tảo hôn là một vấn nạn dai dẳng, vấn đề nhức nhối, gây ra nhiều hậu quả, là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn tới chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và cả xã hội. Vì vậy, xác định rõ hậu quả của nạn tảo hôn, tình hình tảo hôn, nguyên nhân của tình trạng tảo hôn, để từ đó tìm ra những giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và ở tỉnh Kon Tum nói riêng là vấn đề vô cùng quan trọng, góp phần  nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tộc thiểu số, giúp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu phát triển.
          1. Hậu quả của tảo hôn
          - Dưới góc độ pháp lý, tảo hôn là hành vi trái pháp luật.
          Kết hôn là một trong những quyền của con người, quyền công dân được hiến định, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Khoản 1 Điều 36 Hiến pháp tiếp tục khẳng định “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”, cụ thể hóa quyền này của Hiến pháp Bộ Luật dân sự năm 2015 khẳng định cá nhân có quyền nhân thân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình: “Cá nhân có quyền kết hôn” (khoản 1 Điều 36) và “Cá nhân có thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật này, Luật hôn nhân và gia đình và luật khác có liên quan” (khoản 2 Điều 36 Bộ Luật dân sự năm 2015). Như vậy, từ Hiến pháp tới Bộ Luật dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình đều khẳng định kết hôn là quyền của cá nhân và nhà nước sẽ bảo hộ quyền này, bảo hộ hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, tảo hôn lại là hành vi trái pháp luâtn, hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, hành vi này bị cấm tại điểm b khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015.
          Dưới góc độ pháp lý, tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật, phá vỡ trật tự trong quan hệ hôn nhân và gia đình mà nhà nước hướng tới, xây dựng, bảo vệ. Vì vậy, chủ thể thực hiện phải chịu trách nhiệm pháp lý, bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự.
          Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định:
          1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
          2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hàn vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
          Điều 183 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định: Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
          - Ảnh hưởng đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống, sự phát triển kinh tế - xã hội.
  Dân số hiện nay của Việt Nam đạt 100 triệu người, giữ vững cơ cấu dân số vàng suốt 18 năm qua. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang bước qua đỉnh của thời kỳ cơ cấu dân số vàng, đặt biệt trong những năm gần đây mức sinh có sự chênh lệch giữa các khu vực, có khu vực mức sinh thấp dưới 2con/phụ nữ như khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên mức sinh của khu vực trung du, miền núi, Tây Nguyên lại cao 2,34con/phụ nữ. Những khu vực có mức sinh cao lại là những khu vực khó khăn, kinh tế- xã hội kém phát triển hơn.
Tảo hôn là một trong những nguyên nhân làm tăng dân số nhanh ở những khu vực có tỷ suất sinh cao nhưng chất lượng dân số lại giảm. Phần lớn trẻ vị thành niên lấy vợ, lấy chồng thường là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không được đến trường, việc học bị bỏ dở dang, không được tiếp thu những kiến thức, nền tảng của giáo dục, thiếu kiến thức xã hội, khi bước vào cuộc sống hôn nhân gia đình nhiều em thiếu kinh nghiệm, kiến thức, không biết cách tạo ra thu nhập, phát triển kinh tế cho gia đình, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, gia đình cũng nhiều hơn. Trẻ em gái tảo hôn, làm vợ, làm mẹ, sinh đẻ trong khi chưa có sự phát triển hoàn thiện về sinh lý, thiếu sự hiểu biết, kinh nghiệm, tâm lý chưa sẵn sàng điều đó ảnh hưởng tới sức khỏe của các bé gái cũng như thai nhi, nuôi dạy và sự phát triển của con cái. Những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình tảo hôn nhiều khi bị các chứng bệnh, dị tật, ốm đau, suy dinh dưỡng, không được học hành, tảo hôn cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em người dân tộc thiểu số.
Như vậy, tình trạng nghèo đói, khó khăn, bệnh tật, không hạnh phúc, con cái không được chăm sóc, không được học hành….như trên không chỉ diễn ra ở một thế hệ mà nó tạo thành một vòng tròn tiếp diễn trong các gia đình tảo hôn, là một trong những nguyên nhân dẫn tới chất lượng dân số, nguồn nhân lực, làm tăng chi phí y tế, thu nhập và năng suất lao động giảm, đây cũng chính là lực cản đối với sự tiến bộ xã hội, sự phát triển kinh tế - xã hội.
  2. Thực trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum
Tình hình tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum giai đoạn từ 2016 - tháng 6/2023:
Kon Tum với đặc điểm điều kiện tự nhiên là tỉnh miền núi diện tích 9677,30 km2; dân số 597.914 người, dân tộc thiểu số chiếm 53% dân số (số liệu năm 2022), có 43 dân tộc cùng sinh sống trong đó có 7 dân tộc tại chỗ: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Gié - Triêng, Hrê, Brâu, Rơ Măm. Để triển khai thực hiện Quyết định số: 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số: 792/QĐ-UBND ngày 05/10/2015 phê duyệt Đề án “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020” (giai đoạn I), Kế hoạch số: 1025/KH-UBND ngày 01/4/2021 Thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn II (2021-2025), chỉ đạo Ban Dân tộc, chính quyền địa phương các huyện, thành phố triển khai các biện pháp để đẩy lùi tình trạng tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện bước đầu có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn của tỉnh Kon Tum vẫn còn cao ở một số năm trong giai đoạn 2016-2023.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh: Năm 2016 đến 2020 toàn tỉnh có 1.048 trường hợp tảo hôn, trong đó vợ hoặc chồng là 806 trường hợp, cả vợ và chồng là 242 cặp, tảo hôn tập trung nhiều ở một số huyện: Đăk Glei 217 trường hợp (cả vợ và chồng có 66 cặp), Kon Rẫy 131 trường hợp (cả vợ và chồng có 35 cặp), Kon Plong 126 trường hợp (cả vợ và chồng có 36 cặp), Tu Mơ Rông 177 trường hợp (cả vợ và chồng có 60 cặp), ngay tại thành phố Kon Tum tảo hôn có tới 153 trường hợp (cả vợ và chồng có 18 cặp); các huyện còn lại: Đăk Hà có 42 trường hợp, Đăk Tô có 77 trường hợp, Ngọc Hồi 72 trường hợp, Sa Thầy 55 trường hợp.
Giai đoạn 2016 -2020 tình trạng tảo hôn có ở 9/10 huyện và thành phố của tỉnh (huyện IahDrai không có). Từ 2016 đến năm 2020, năm sau có giảm so với năm trước, tuy nhiên đến năm 2020 vẫn còn 75 trường hợp, mức giảm này không duy trì được ổn định cho giai đoạn tiếp theo, đến năm 2021 tình trạng tảo hôn lại gia tăng ở các huyện, toàn tỉnh có tới 395/2977 cặp kết hôn (chiếm 13,26%) so với năm 2020 tăng 320 trường hợp, năm 2022 có 238 trường hợp tảo hôn/3964 cặp kết hôn (chiếm 6%), chỉ trong 06 tháng đầu năm 2023 có 91 trường hợp tảo hôn/1903 cặp kết hôn (chiếm 4,78%). Mặc dù đã có sự nỗ lực, vào cuộc của chính quyền các cấp nhưng tỷ lệ tảo hôn của tỉnh Kon Tum vẫn cao, có năm giảm nhưng tỷ lệ giảm không được duy trì ổn định và chưa đạt được mục tiêu giảm bình quân 2%-3%/năm số cặp tảo hôn theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyên nhân:
Một là, do còn tồn tại những hủ tục lạc hậu của một số đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh, đời sống người dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội kém phát triển, trình độ dân trí của người dân tộc thiểu số còn thấp, chưa tiếp cận và hiểu về những quy định của pháp luật về tảo hôn, hôn nhân và gia đình.
Hai là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về tảo hôn, hôn nhân và gia đình chưa được thường xuyên, chưa có chiều sâu, còn nhiều hạn chế.
Ba là, chính quyền địa phương ở một số nơi chưa quyết liệt, sát sao trong việc phòng chống nạn tảo hôn trên địa bàn. Có những cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị cấp xã là người của địa phương, người dân tộc thiểu số nên còn cả nể, biết những trường hợp lấy vợ, lấy chồng chưa đủ tuổi theo quy định nhưng thiếu quyết liệt trong xử lý, tuyên truyền, vận động.
Bốn là, quy định của pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực tảo hôn chưa đủ sức răn đe, mặc dù đã được nghị định của Chính phủ, Bộ Luật hình sự điều chỉnh. Thực tiễn việc giải quyết, xử lý đối với những chủ thể vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền chưa quyết liệt, triệt để, chưa đảm bảo tính răn đe, giáo dục.
          Giải pháp:
           Một số giải pháp đặt ra để đảm bảo giảm tỷ lệ tảo hôn, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu như Đề án của Thủ tướng Chính phủ đặt ra.
          Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng các cấp, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong phòng chống tảo hôn.
          Các cấp ủy đảng cần có sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Chính quyền cấp huyện, cấp xã tăng cường hơn nữa trách nhiệm, sự quyết liệt trong công tác giảm thiểu, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, nhất là tại các huyện có tỷ lệ tảo hôn cao như Đăk Glei, Kon Plông. Chính quyền cấp xã gần dân, sát dân nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những trường hợp có thể xẩy ra tảo hôn đồng thời xử lý nghiêm các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật trong tảo hôn, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, qua đó người dân thấy rõ tính răn đe của pháp luật đồng thời đảm bảo tính giáo dục đối với người dân. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong phòng, chống tảo hôn của cơ quan chuyên trách: Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc.       
          Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.
          Chú trọng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về hậu quả tảo hôn, hôn nhân và gia đình, về sức khẻo sinh sản cho người dân, trẻ vị thành niên người dân tộc thiểu số. Không chỉ chú trọng vai trò của các báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện, cần chú trọng tới cả tuyên truyền viên cấp xã, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, khu dân cư trong công tác tuyên truyền. Cùng với đó đẩy mạnh việc giáo dục giới tính, hậu quả của tảo hôn,… trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.
          Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục: Tuyên truyền miệng, băng rôn, phóng sự, bài viết, hội thi, tờ gấy, lồng ghép vào các lễ hội truyền thống của người dân tộc thiểu số…Tăng cường sự phối hợp giữa Ban dân tộc, Đài truyền hình tỉnh, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Báo tỉnh trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đối với người dân. Báo tỉnh, Đài truyền hình tỉnh cần có nhiều hơn nữa các bài viết, phóng sự về phòng, chống tảo hôn, những hậu quả của tảo hôn mang lại qua đó người dân hiểu những hệ lụy của tảo hôn tác động, ảnh hưởng lớn tới sức khẻo, chất lượng cuộc sống, đời sống kinh tế như thế nào.
          Ba là, nâng cao đời sống, trình độ dân trí của người dân tộc thiểu số.
          Phần lớn trường hợp tảo hôn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em không được quan tâm, chăm lo về sức khẻo, tinh thần, việc học tập bị bỏ giữa chừng, thậm chí nhiều cha mẹ là người dân tộc thiểu số không muốn cho con đi học bắt con cái ở nhà đi làm, lấy chồng trước khi mới chỉ 14 -15 tuổi. Khi bước vào cuộc sống hôn nhân chưa đủ tuổi các cặp vợ chồng lại để con cái họ nối tiếp vòng hạn chế đó. Vì vậy, một trong những giải pháp cần thiết đó là nâng cao trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của người dân tộc thiểu số, đảm bảo phổ cập đạt 100% chương trình giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho các em học sinh là người dân tộc thiểu số sau khi học nghề.
          Thực hiện tốt các chính sách của trung ương, của tỉnh về chăm lo tới người dân tộc thiểu số, làm tốt cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo”. Đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hỗ trợ người dân tộc thiểu số trong việc vay vốn, cây giống, con giồng, kiến thức khoa học áp dụng vào canh tác. Tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của người dân, tránh để tình trạng “mất mùa được giá, được mùa mất giá”.
           Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội.
          Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong công tác nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của người dân. Các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận đồng đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia lao động, sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, sản xuất, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu nói chung và phòng chống tảo hôn.
          Kết luận: Để thực hiện được mục tiêu theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ đặt ra về giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Đại hội Đại biể toàn quốc của Đảng lần thứ XIII đặt ra: “Xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển”, “nâng cao chất lượng dân số, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm mức tăng dân số hợp lý” [3] cần nhận thức đúng về thực trạng, hậu quả, nguyên nhân của tình trạng tảo hôn và triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp.
           
 
[1] Quyết định số: 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”.
[2] Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, tr.151.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây