Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tự phê bình và phê bình theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Thứ tư - 12/10/2022 21:54

Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Lương Thủy - Trưởng phòng QLĐT&NCKH

      Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt Đảng, là quy luật phát triển của Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và uy tín của Đảng. Vì vậy, thực hiện nghiêm túc, có chất lượng tự phê bình và phê bình là trách nhiệm của tất cả các tổ chức đảng và đảng viên của Đảng.
      Trong học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, tự phê bình và phê bình được xác định là một trong những nguyên tắc tổ chức, hoạt động quan trọng, là quy luật phát triển của Đảng. Tự phê bình và phê bình trong Đảng là hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên chủ động chỉ ra ưu điểm để phát huy và vạch rõ khuyết điểm để khắc phục, nhằm làm cho đảng viên và tổ chức đảng luôn giữ vững vai trò người chiến sĩ tiên phong, người lãnh đạo.
      Tự phê bình và phê bình trong Đảng có vai trò hết sức quan trọng, là quy lut phát trin của đảng cng sn; là cách tt nhất để giáo dc, rèn luyn cán bộ, đảng viên; là bin pháp tích cực để cng ctăng cường đoàn kết thng nhất trong Đảng; là tiêu chí đánh giá một chính đảng, mt tchức đảng, mt cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:“Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[1].
      Đối với Đảng ta, trong quá trình xây dựng Đảng và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn coi trọng tự phê bình và phê bình. Đảng ta khẳng định tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là thước đo trình độ sinh hoạt dân chủ trong Đảng và là ý thức trách nhiệm của Đảng với nhân dân. “Phải làm cho vũ khí tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên, thật sự trở thành vũ khí sắc bén của toàn Đảng, làm cho tự phê bình và phê bình thật sự là một quy luật phát triển của Đảng”[2]. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình được quy định trong Điều lệ Đảng, việc thực hiện nguyên tắc này là nhiệm vụ của tất cả các tổ chức đảng và đảng viên.
      Trong hơn 90 năm qua, nhờ thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình, Đảng ta đã sửa chữa kịp thời nhiều sai lầm, khuyết điểm, làm cho Đảng ngày càng lớn mạnh, vượt qua những thử thách quyết liệt, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong những năm gần đây, thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, nhất là tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII đã có chuyển biến tích cực: “Các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã gương mẫu, nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, chú trọng gợi ý kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân có biểu hiện vi phạm. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã dành thời gian thỏa đáng để kiểm điểm ở cấp mình, trực tiếp dự, chỉ đạo, gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý; coi trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình”[3]. Qua đó, góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
      Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng cũng còn có những hạn chế như: Ở nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, tự phê bình và phê bình chủ yếu được thực hiện vào dịp kiểm điểm cuối năm, chưa trở thành việc thường xuyên, hằng ngày; tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu. "Việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ. Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao"[4]; tình trạng lợi dụng phê bình để đả kích, nói xấu, hạ bệ lẫn nhau còn xảy ra ở nhiều nơi….Tình trạng trên làm cho uy tín, sức chiến đấu của tổ chức đảng bị giảm sút, vừa làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân, vừa làm sai lệch trong đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên, dẫn đến những sai lệch khác trong công tác cán bộ và xây dựng tổ chức đảng.
      Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là do không ít đảng viên nhận thức chưa đầy đủ và đúng đắn về vai trò, tác dụng của tự phê bình và phê bình nên còn chưa nghiêm túc và tự giác chấp hành; một số đảng viên tính chiến đấu kém, không có chính kiến, bản lĩnh khi góp ý phê bình nhất là phê bình cán bộ lãnh đạo, cấp trên, sợ bị trả thù, trù dập, ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân; do bệnh thành tích, sợ khuyết điểm bị chỉ ra sẽ ảnh hưởng đến kết quả xếp loại của cá nhân đảng viên, tập thể tổ chức đảng nên khi có khuyết điểm không tự giác, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, tìm mọi cách trốn tránh, giấu giếm khuyết điểm hoặc đổ lỗi cho khách quan...
Trong giai đoạn hiện nay, để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, cần phải quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương của Đại hội lần thứ XIII: "Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tự phê bình và phê bình"[5], với những giải pháp chủ yếu sau:
      Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên về vai trò và  tính chất của tự phê bình và phê bình trong Đảng; xác định đúng nội dung, lựa chọn đúng hình thức và phương pháp tự phê bình và phê bình. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ; cấp ủy cấp trên chủ động gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân ở những nơi có vấn đề phức tạp, có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; coi trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
      Hai là, cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu tự phê bình và tiếp thu phê bình. Cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt nếu có khuyết điểm, sau khi tự phê bình và được cấp dưới phê bình cần định thời gian khắc phục. Đối với từng đảng viên, cần thực hiện nghiêm túc các quy định về tự phê bình và phê bình, chủ động thực hiện quyền được phê bình và chất vấn trong phạm vi tổ chức về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp, khắc phục tâm lý ngại tự phê bình và phê bình, né tránh, lựa chiều khi phê bình người khác, nhất là khi phê bình cán bộ chủ chốt và cán bộ cấp trên.
      Ba là, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ, cấp ủy thường kỳ và trong đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hằng năm. Phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng gắn với tăng cường sự lãnh đạo tập trung, giữ nghiêm kỷ luật. "Nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cấp uỷ, thường vụ cấp uỷ, đề cao và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, "dĩ hoà vi quý". Kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"[6].
      Bốn là, thực hiện nghiêm túc việc tổ chức cho nhân dân phê bình đảng viên và tổ chức đảng; kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình trong Đảng với phê bình của nhân dân. Kết hợp tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
      Năm là, đấu tranh kiên quyết, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên có thái độ và hành động không đúng đối với người phê bình thẳng thắn; xử lý kiên quyết, thích đáng những người lợi dụng phê bình để vu khống, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ và trả thù cá nhân, nhất là đối với những kẻ lợi dụng phê bình để truyền bá quan điểm sai trái, tuyên truyền xuyên tạc làm giảm uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, tiếp tay cho kẻ thù phá hoại Đảng, phá hoại cách mạng.
      Sáu là, tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra của cấp trên, nhất là với những tổ chức đảng yếu kém, nội bộ có nhiều vấn đề phức tạp. Cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"./.
-----------------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 5, tr.301.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng (tại Đại hội IV), Nxb Sự thật, H.1977, tr.97.
[3], [4], [5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2021, tập 2, tr.175-176, tr.179, tr.241.
[6] Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây