KON TUM: PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GÓP PHẦN CỦNG CỐ KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC

Thứ hai - 13/11/2023 20:37

Nguồn tin: ThS. Lê Thị Minh Phượng - GV Khoa LLCS

          Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, tôn giáo, với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Nhìn chung, các dân tộc sống đoàn kết, hòa thuận, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện địa lý nên cộng đồng các dân tộc Việt Nam có trình độ phát triển không đều về kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống dân trí và các hoạt động xã hội giữa nông thôn với thành thị, miền xuôi và miền núi còn có sự chênh lệch. Đặc biệt, các cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) sống ở vùng sâu, vùng núi cao, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Đó chính là “cơ hội” để các thế lực thù địch tìm mọi cách lợi dụng nhằm tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, kích động đồng bào tham gia các cuộc biểu tình, bạo loạn chống đối chính quyền, gây thiệt hại về kinh tế, mất ổn định về chính trị - xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì thế, việc tổ chức thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS có hiệu quả sẽ góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc và có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội của địa phương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
             Nhằm thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả. Ngày 14/10/2021, Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 ra đời với mục tiêu tổng quát là: Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân.
            Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, ở phía Bắc Tây Nguyên, có vị trí địa chính trị quan trọng về quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên; diện tích tự nhiên gần 9.677 km2, toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 102 xã, phường, thị trấn (trong đó có 13 xã biên giới giáp Lào và Campuchia). Dân số toàn tỉnh khoảng 569.000 người với 43 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54%, có 07 dân tộc thiểu số tại chỗ (gồm: Xơ đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ -Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre (Hrê)), trên 42% dân số theo các tôn giáo[i]. Toàn tỉnh có 35 xã khu vực I, 05 xã khu vực II, 52 xã khu vực III[ii] và 371 thôn đặc biệt khó khăn[iii]; 03 huyện nghèo (Kon Plông, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai)[iv].
           Trong thời gian qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, xem đầu tư phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng để phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với bình quân chung toàn tỉnh và gắn với nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, góp phần củng cố, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc ở địa phương.
          Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Kế hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn II), Đề án "bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS” đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, đã ban hành nhiều Văn bản chỉ đạo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn I từ năm  2021 đến năm 2025. Theo đó, kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có những chuyển biến rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS không ngừng cải thiện, nâng cao, đặc biệt là đồng bào DTTS tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
            Theo báo cáo gần nhất, GRDP bình quân đầu người của tỉnh tăng từ 46,78 triệu đồng năm 2021 lên 52,44 triệu đồng năm 2022, đạt 100,84% kế hoạch. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 15.943 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 10,86% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh; trong đó hộ nghèo DTTS là 15.215 hộ, chiếm 95,43%); 8.857 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 6,03% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó hộ cận nghèo DTTS 7.936, chiếm tỷ lệ 89,60%); trung bình tổng số hộ thoát nghèo hằng năm đạt tỉ lệ trên 4%, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra[v].
Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa trên địa bàn không ngừng được đầu tư, nâng cấp và mở mới, nhiều tuyến đường huyện, đường đô thị, đường liên xã, giao thông nông thôn được đầu tư, nâng cấp tạo nên mạng lưới giao thông cơ bản hoàn chỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 6.137,97km đường giao thông được đầu tư, nâng cấp và mở mới, 100% số xã, phường, thị trấn và thôn, làng có điện quốc gia và hệ thống truyền tải lưới điện được chú trọng đầu tư đưa vào vận hành, góp phần nâng tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 99,84%, tăng 1,71% so với năm 2015[vi], đảm bảo thuận lợi cho sản xuất và phục vụ đời sống của Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
           Các chế độ, chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm, triển khai tương đối có hiệu quả, điều kiện sinh kế của người dân được cải thiện. Tỉnh cũng đã có những nỗ lực trong việc thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đột xuất, đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân thiếu đói không được trợ giúp. Công tác giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS tiếp tục được chú trọng, tỷ lệ hộ DTTS có đất ở khoảng 97,90%; tỷ lệ hộ DTTS có đất sản xuất khoảng 97,62%[vii].
           Chất lượng giáo dục dục vùng DTTS từng bước được cải thiện và có nhiều chuyển biến tích cực. Triển khai hiệu quả Đề án "về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2016-2020". Huy động các nguồn lực tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành ở các trường vùng DTTS. Triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách dành cho học sinh các vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần duy trì sĩ số học sinh, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn. Có chính sách miễn, giảm học phí, phí nội trú, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên là người DTTS rất ít người, trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là người DTTS theo quy định. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm.
             Cùng với lĩnh vực giáo dục – đào tạo, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm lĩnh vực y tế. Hầu hết nguồn lực y tế, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cơ bản đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Trên địa bàn tỉnh hiện nay 100% trạm y tế có bác sỹ, 100% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế[viii].
             Nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đã được duy trì và phát triển phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương  như: Thâm canh lúa, sắn, ngô, cao su, nuôi cá trên các hồ chứa… Triển khai hiệu quả chương trình vay vốn giải quyết việc làm nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động có nhu cầu, tiếp cận được nguồn vốn đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, các loại vật tư, tư liệu phục vụ cho việc phát triển sản xuất,  tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, từng bước cải thiện đáng kể đời sống người dân vùng nông thôn, miền núi.
            Thông qua nguồn hỗ trợ từ Ủy ban Mặt trận tổ quốc và huy động các tổ chức, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, dột nát, nâng cao chất lượng nhà ở dân cư, ưu tiên hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách.
            Những năm qua, công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống của các DTTS được triển khai tích cực. Toàn tỉnh có 728 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đảm bảo tiêu chuẩn, phục vụ người dân trong việc sinh hoạt, hội họp, góp phần nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa của người dân. Tiếp tục triển khai đề án Bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các DTTS tại chỗ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025.
           Quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh truyền hình bằng tiếng DTTS trên sóng phát thanh, truyền hình và trang thông tin điện tử tổng hợp. Sản xuất, phát sóng các chương trình bằng tiếng phổ thông và 4 tiếng DTTS: Bahnar, Xê đăng, Jẻ Triêng và JaRai giúp đồng bào các DTTS tiếp cận tốt hơn với thông tin.
           Tỉnh uỷ đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác kết nạp đảng viên  gắn với xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở; cấp ủy và chính quyền các cấp thường xuyên tổ chức đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với Nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo.
             Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững ổn định, không phát sinh các vụ việc nổi cộm, không xảy ra các trường hợp khiếu nại tố cáo, tụ tập đông người. Niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước tiếp tục được củng cố, các dân tộc đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
            Đặc biệt, sau 02 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững" trên địa bàn tỉnh đã tạo ra sức lan tỏa đối với các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS. Một bộ phận người nghèo là đồng bào DTTS đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thay đổi cách thức lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của mình.
           Theo đánh giá chung, sau 02 năm thực hiện, các chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 về xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm, từng bước giải quyết có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội. Kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ đói nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, khó khăn được cải thiện đáng kể, các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống của Nhân dân trên địa bàn các huyện nghèo, các xã khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân.
               Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được như đã đề cập ở trên, trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà hiện nay vẫn còn những hạn chế chưa thể khắc phục trong thời gian ngắn như: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao; công tác giảm nghèo chưa bền vững; một số hủ tục, phong tục không còn phù hợp chưa được xóa bỏ. Vì vậy, trong thời gian tới để duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, góp phần nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, cấp uỷ đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum cần thống nhất triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
             Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20-10-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng vùng đồng bào DTTS; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới và các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.
             Thứ hai, tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ định canh, định cư, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, phục vụ đời sống tinh thần của người dân; ưu tiên rà soát và có giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề còn bất cập của một số dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng DTTS.
            Thứ ba, thường xuyên quan tâm và thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ làm công tác dân tộc các cấp nói riêng. Chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác phát triển đảng viên là người DTTS gắn với xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ cốt cán, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đảm bảo vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở.
            Thứ tư, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng sát cơ sở. Thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Trong đó, thường xuyên phát động và nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, các mô hình, điển hình tiên tiến trong hướng dẫn, tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp, tích cực lao động sản xuất, phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để vươn lên làm giàu, xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
             Những kết quả tích cực đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi Kon Tum trong thời gian qua đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân các dân tộc ở địa phương vào sự lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, gắn kết các dân tộc anh em tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.  
 
[i] Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum: Báo cáo số 180 - /BC-UBND, ngày 14/6/2023 về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030
[ii] Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025
[iii] Theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về Phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025
[iv] Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025
[v] Báo cáo số 363 - BC/TU ngày 22-5-2023 tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 02-4-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum
[vi] Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum: Báo cáo về việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, 2023.
[vii] Báo cáo số 363 - BC/TU ngày 22-5-2023 tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 02-4-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum
[viii] Báo cáo số 363 - BC/TU ngày 22-5-2023 tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 02-4-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây