Những vấn đề lý luận về tái sản xuất của C. Mác và sự phát triển của V.I.Lê-nin – Vận dụng ở Việt Nam

Thứ năm - 09/05/2019 23:58

Tác giả bài viết: Bùi Phụ - Trưởng phòng QLĐT và NCKH

Trong học thuyết kinh tế của C.Mác, lý luận mác-xít về tái sản xuất tư bản xã hội và khủng hoảng có một ý nghĩa hết sức quan trọng. C.Mác đã phân tích một cách khoa học toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông, tiêu dùng của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, quá trình không ngừng tái sản xuất ra những của cải vật chất trong xã hội, đồng thời cũng là quá trình tái sản xuất ra những quan hệ giữa người với người trong nền sản xuất đó.

Trước C.Mác đã có nhiều nhà kinh tế học tìm cách giải tích quá trình tái sản xuất tư bản xã hội và khủng hoảng, nhưng chưa ai tìm được lối giải đáp khoa học, rõ ràng cho vấn đề này.

          Lý luận mác-xít về tái sản xuất tư bản xã hội và khủng hoảng, lần đầu tiên dựa trên một cơ sở khoa học để phân tích khách quan toàn bộ quá trình sản xuất và thực hiện sản phẩm xã hội. Mác đã dùng hai biểu đồ minh hoạ một cách rõ ràng quá trình tái sản xuất giản đơn và quá trình tái sản xuất mở rộng. Khi phân tích hàng hoá và giá trị của hàng hoá, C. Mác đã tìm ra tính chất của hai mặt của lao động thể hiện trong hàng hoá. Do đó, C. Mác gạt bỏ được sai lầm của A. Smít là đã bỏ qua tư bản bất biến hao phí trong hàng hoá, xác định rõ việc phân chia sản phẩm xã hội về mặt giá trị thành c+ v + m, phân biệt rõ giá trị của sản phẩm hàng năm và giá trị mới được tạo ra trong năm đó. C. Mác lại là người đầu tiên chú ý tới hình thức tự nhiên của sản phẩm, phân biệt dứt khoát hai khu vực trong sản xuất xã hội: khu vực I sản xuất ra tư liệu sản xuất, tức là hàng hoá chỉ có thể tiêu dùng trong sản xuất mà thôi; và khu vực II sản xuất ra vật phẩm tiêu dùng, tức là hàng hoá để tiêu dùng cho cá nhân. Phân tích tái sản xuất tư bản cá biệt thì không cần phải phân biệt hình thức tự nhiên của sản phẩm, nhưng để hiểu tái sản xuất và lưu thông tư bản xã hội nói chung, thì phải dùng hình thức tự nhiên của sản phẩm. Bởi vì trong tái sản xuất và lưu thông tư bản xã hội, vấn đề đặt ra là phải phục hồi lại những nhân tố vật chất căn bản của sản xuất: tư liệu sản xuất và sức lao động. Một hình thức tự nhiên của sản phẩm có thể thoả mãn được nhu cầu cá nhân, một loại khác chỉ có thể thoả mãn được nhu cầu của sản xuất. Không có việc phân biệt tách bạch sự tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng cho sản xuất như thế, sẽ không sao giải thích nổi tư bản bất biến đã được thực hiện như thế nào và như vậy không thể có một khái niệm đúng đắn về tái sản xuất tư bản xã hội.

         Trong việc nghiên cứu tái sản xuất tư bản xã hội, C. Mác đã dùng phương pháp trừu tượng khoa học để phân tích, bởi vì như C. Mác đã nói: "Không thể dùng kính hiển vi hay những chất phản ứng của hoá học để phân tích những hình thái kinh tế được, mà chỉ có trừu tượng hoá mới là sức mạnh duy nhất có thể dùng để phân tích như thế thôi"[1]. Nghiên cứu vấn đề tái sản xuất tư bản xã hội, Mác đã phân tích chế độ tư bản chủ nghĩa theo hình thức "thuần tuý" của nó, tức là không tính đến những hình thức kinh tế khác cùng tồn tại trong chế độ tư bản chủ nghĩa. Mác lại giả thiết rằng giữa hai khu vực sản xuất có sự trao đổi ngang giá. Mác giả thiết rằng giá cả không thay đổi và giá cả bằng giá trị của hàng hoá. Mác cũng trừu tượng hoá vấn đề ngoại thương, bởi vì đưa vấn đề ngoại thương vào trong việc phân tích tái sản xuất hoàn toàn không giúp gì cho việc làm sáng tỏ vấn đề. Để cho việc phân tích được đơn giản, trong những biểu đồ tái sản xuất của C. Mác, ông cũng không tính đến sự tăng lên của cấu tạo hữu cơ tư bản. Những biểu đồ của C. Mác chính là tổng hợp tất cả những trừu tượng khoa học mà Mác đã dựa vào đó để nghiên cứu vấn đè tái sản xuất.

          Lý luận mác-xít về tái sản xuất tư bản xã hội và khủng hoảng khi vạch rõ quá trình tái sản xuất của cải vật chất và lưu thông, đồng thời cũng vạch rõ quy luật tích luỹ tư bản, và quá trình tái sản xuất ra những quan hệ giữa người với người trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa: quá trình tích luỹ của cải vào trong tay giai cấp bóc lột, quá trình bần cùng hoá giai cấp công nhân và nhân dân lao động. C. Mác nói: "Vậy là quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa tự nó lại tái tạo ra sự tách rời giữa người lao động và những điều kiện lao động. Chính do ngay việc đó mà quá trình ấy tái tạo và duy trì vĩnh viễn những điều kiện bắt buộc người công nhân phải bán mình đi để sống, những điều kiện làm cho nhà tư bản có thể mua người công nhân để làm giàu cho mình"[2].

            Lý luận mác-xít về tái sản xuất tư bản xã hội nêu rõ quy luật kinh tế chung, theo quy luật đó thì bất kỳ dưới chế độ xã hội nào, lực lượng sản xuất sẽ phát triển khi mà sản xuất tư liệu sản xuất tăng nhanh hơn sản xuất vật phẩm tiêu dùng. Chính ở đó mà rút ra kết luận về quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng, kết luận về ưu tiên phát triên khu vực I..., luận điểm mà khi phát triển học thuyết Mác về tái sản xuất, Lê-nin đã minh hoạ biểu đồ tái sản xuất mở rộng có tính đến sự tăng thêm cấu tạo hữu cơ của tư bản. Lê-nin đã nêu hết sức rõ ràng là trong biểu đồ tái sản xuất mở rộng đó, phản ảnh quá trình tái sản xuất tư bản xã hội thì:" Sản xuất tư liệu sản xuất để chế tạo tư liệu sản xuất phát triển nhanh nhất, sau đến sản xuất tư liệu sản xuất để chế tạo tư liệu tiêu dùng; và cuối cùng chậm nhất là sự phát triển của sản xuất tư liệu tiêu dùng"[3].

         Lý luận mác-xít về tái sản xuất tư bản xã hội và khủng hoảng có một ý nghĩa cách mạng rất lớn. Tính chất của tái sản xuất tư bản chủ nghĩa do mục đích của sản xuất dưới chế độ tư bản chủ nghĩa quyết định: mở rộng sản xuất là thủ đoạn để bòn rút lợi nhuận ngày càng nhiều. "Sản xuất để sản xuất", "tích luỹ để tích luỹ" là đặc điểm của nền tái sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trong tái sản xuất, xã hội tư bản đã vấp phải những mâu thuẫn không sao giải quyết nổi: muốn tái sản xuất mở rộng thì phải mở rộng được thị trường, nhưng trên thực tế xã hội tư bản chủ nghĩa, sản xuất mở rộng lại mâu thuẫn với sức tiêu dùng của quần chúng nhân dân ngày càng bị thu hẹp, tiêu dùng không theo kiệp sản xuất. Muốn thực hiện được sản phẩm trong xã hội tư bản chủ nghĩa thì đòi hỏi phải có sự phân phối cân đối giữa các ngành sản xuất. Như Lê-nin nói: "Điều đó chỉ là lý tưởng của chủ nghĩa tư bản chứ không phải là thực tế của nó một chút nào cả"[4]. Lê-nin lại nhấn mạnh: "Ngay cả khi tái sản xuất và lưu thông của toàn bộ tư bản xã hội được tiến hành đều đặn và có tỷ lệ một cách lý tưởng, mâu thuẫn giữa sự phát triển của nền sản xuất và những giới hạn của sự tiêu dùng cũng không tránh được. Huống hồ trong thực tế, quá trình thực hiện không diễn ra theo một tỷ lệ cân đối, đều đặn một cách lý tưởng, mà chỉ diễn ra qua những "khó khăn", "biến động", "khủng hoảng"v.v."[5]  Khi vạch rõ những mâu thuẫn sâu sắc của sự thực hiện tư bản chủ nghĩa, C. Mác chỉ rõ rằng hiện tượng cân đối giữa các ngành là một hiện tượng ngẫu nhiên, còn thường xuyên phá hoại sự cân đối là quy tắc chung của tái sản xuất tư bản chủ nghĩa; mâu thuẫn trong sự thực hiện tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ đưa đến khủng hoảng kinh tế và sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản. Mác vạch rõ rằng những mâu thuẫn trong việc thực hiện tư bản chủ nghĩa, như mâu nhuẫn giữa sản xuất và tiêu dùng, là một trong những biểu hiện của mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản - mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của sản xuất và hình thức chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Không có khả năng nào cứu vớt nền sản xuất tư bản chủ nghĩa ra khỏi những cuộc khủng hoảng kinh tế, không có biện pháp nào để giải quyết tốt đẹp việc thực hiện nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Lý luận mác- xít về tái sản xuất tư bản xã hội và khủng hoảng khẳng định rằng, chỉ có thủ tiêu bản thân phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mới có thể thủ tiêu được những mâu nhuẫn của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, mới xoá bỏ được khủng hoảng và những nỗi thống khổ tràn ngập trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Ngay từ khi lý luận mác- xít về tái sản xuất tư bản xã hội và khủng hoảng xuất hiện, những nhà kinh tế học tư sản và những bọn cải lương, xét lại đã tìm hết mọi cách để xuyên tạc nó, công kích nó, nhằm sửa lại nội dung cách mạng của học thuyết kinh tế Mác, và tô hồng cho chủ nghĩa tư bản. Cũng vì vậy mà cuộc đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của học thuyết kinh tế Mác nói chung và lý luận mác-xít về tái sản xuất tư bản xã hội và khủng hoảng nói riêng, là một nhiệm vụ mà tất cả những nhà mác- xít chân chính đều hết sức quan tâm.

        Lê-nin, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản Nga và của nhân dân lao động toàn thế giới đã làm tròn nhiệm vụ cao cả đó một cách hết sức vẻ vang. Trong những tác phẩm viết vào cuối thế kỷ XIX, như "Sự phát trển của chủ nghĩa tư bản ở Nga", "Bàn về cái gọi là vấn đề thị trường", "Lại bàn về vấn đề thực hiện" v.v., Lê-nin đã bảo vệ chủ nghĩa Mác một cách xuất sắc, phát triển hơn nữa học thuyết kinh tế Mác nói chung và lý luận mác- xít về tái sản xuất và khủng hoảng nói riêng. Trong những tác phẩm đó, Lê-nin đã dùng lý luận mác-xít về tái sản xuất tư bản xã hội để phân tích một cách khoa học tình hình kinh tế nước Nga sau khi bãi bỏ chế độ nông nô và nêu rõ triển vọng phát triển kinh tế và chính trị của nước Nga. Trong những tác phẩm đó, Lê-nin cũng đã phân tích một cách hết sức rõ ràng lý luận mác-xít về thực hiện, về vấn đề thị trường, vạch trần những quan điểm sai lầm của những kẻ biện hộ của giai cấp tư sản về vấn đề khủng hoảng. Chúng ta có thể nói là những tác phẩm của Lê-nin là kiểu mẫu của thứ văn học mác-xít chiến đấu chống lại đủ mọi lý luận xuyên tạc, công kích chủ nghĩa Mác, những lý luận bao che cho chủ nghĩa tư bản; là kiểu mẫu của sự phát triển một cách sáng tạo học thuyết kinh tế của Mác dựa vào tình hình thực tế của nước Nga và vào sự phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa lúc bấy giờ.

          Mặt khác, lý luận mác-xít về tái sản xuất tư bản xã hội vẫn giữ nguyên giá trị của nó trong nền sản xuất xã hội chủ nghĩa. Trong khi Lê-nin phê phán cuốn sách "Nền kinh tế thời kỳ quá độ" của Bu-kha-rin, Lê-nin đã từng nhận định rằng công thức của Mác về quan hệ giữa hai khu vực I và II đều thích dụng bất luận cho chủ nghĩa xã hội hay cho "chủ nghĩa cộng sản thuần tuý", nghĩa là giai đoạn hai của chủ nghĩa cộng sản"[6]. Sta-lin cũng nhấn mạnh rằng: "Những công thức tái sản xuất của Mác không phải chỉ phản ánh những nét đặc biệt của tái sản xuất tư bản chủ nghĩa, mà nó còn bao gồn nhiều nguyên lý căn bản về tái sản xuất thích dụng cho hết thảy các hình thái xã hội, kể cả và đặc biệt là hình thái xã hội xã hội chủ nghĩa. Những nguyên lý căn bản của lý luận tái sản xuất của C. Mác như nguyên lý phân chia nền sản xuất thành ngành sản xuất tư liệu sản xuất và ngành sản xuất tư liệu tiêu dùng, các nguyên lý về địa vị ưu tiên dành cho ngành sản xuất tư liệu sản xuất trong tái sản xuất mở rộng; và quan hệ giữa khu vực I và khu vực II; về sản phẩm thặng dư coi như là nguồn tích luỹ duy nhất; về sự thiết lập và tác dụng của số vốn xã hội và tích luỹ coi như là nguồn duy nhất của tái sản xuất mở rộng - hết thảy những nguyên lý căn bản đó của lý luận tái sản xuất của Mác không phải tích dụng cho hình thái tư bản chủ nghĩa, mà bất cứ một xã hội xã hội chủ nghĩa nào cũng bắt buộc phải áp dụng nó để kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân"[7].          

            Chính vì vậy, việc nghiên cứu lý luận mác-xít về tái sản xuất tư bản xã hội, sự phát triển của Lê-nin về lý luận tái sản xuất, sẽ giúp chúng ta nắm vững được những nguyên lý mác-xít về tái sản xuất để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, nhận thức một cách đầy đủ địa vị ưu tiên của ngành sản xuất tư liệu sản xuất là điều kiện quyết định để đảm bảo cho sản xuất phát triển, thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề tích luỹ và quan hệ tích luỹ với tiêu dùng … để mở rộng nền sản xuất của xã hội, phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua ngày 28- 01- 2016 đã xác định: "Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công"./.

 


[1] C.Mác: Tư bản, Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, 1959, q.I, t, I tr, 10 .

[2](C.Mác: Tư bản, Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, 1960, q.I, t, III tr, 23 .

[3]  Lê-nin: Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, 1961,t.1,tr.114-115.

[4]  Lê-nin: Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, 1961,t.4,tr.71.

[5]  Lê-nin: Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, 1961,t.4,tr.7.

[6]  J. Sta-lin: Những vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội ở Liên-xô, Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, 1955, tr.99.

[7]  J. Sta-lin: Những vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội ở Liên-xô, Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, 1955, tr.99- 100.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây